đậu tương đen hữu cơ

Tôn giáo & Đối thoại

12:10 16/03/2015

Đã công khai cả những điều từng cấm kỵ

Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo và ông Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.

Nhà báo Thu Hà:Có người tìm đến nơi tâm linh là để noi theo, có người tìm đến khi thấy bất an, thấy bị thua thiệt, bị áp bức và cũng có những người tìm đến để cầu xin lợi ích. Thưa hai vị khách mời, mục đích đến với tâm linh ngày nay có gì khác ngày xưa?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Tôi nghĩ đã đến lúc cần giải quyết dứt điểm cách ai đó nghĩ là chỉ lúc nào người ta đau khổ thì người ta mới tìm đến tôn giáo. Đã có những người cho rằng, “tôn giáo là thuốc phiện” của nhân dân, người ta tìm đến với tôn giáo là nhằm để khỏa lấp đi những khổ đau.

Nhưng câu chuyện tôn giáo rất khác, nó liên quan đến bản chất người. Lúc nào con người cũng có một khuynh hướng là hướng đến một gì điều linh thiêng. Chính điều linh thiêng đó giúp cho họ thoát ra khỏi môi trường cụ thể họ gặp phải chứ không phải là lúc nào người ta đau khổ mới tìm đến tôn giáo.

Ở mỗi một thời kỳ thì cách người ta hướng đến điều linh thiêng cũng khác nhau. Trong lịch sử, nhất là lịch sử Châu Âu đã có lúc tôn giáo và quyền lực nhà nước là đồng nhất. Điều này đã tạo ra một áp lực mà người ta quen gọi là áp bức. Nhưng nếu chiếu soi vào thực tế và nếu chúng ta vẫn cứ tiếp tục lập luận như vậy thì thử nhìn đi, giai cấp công nhân, giai cấp nông dân ở phương Tây tìm đến nhà thờ làm gì?

Ngay cả khi người ta đạt đến cuộc sống vật chất rất cao thì con người cũng vẫn gặp phải ba loại vấn đề tối thượng mà không ai có thể cưỡng lại là: cái chết, hạnh phúc và đâu là ý nghĩa của cuộc sống. Và, tôn giáo cùng với tiến trình lịch sử đã cung cấp một lần rốt ráo cho những vấn đề tối thượng này.

Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, ông Nguyễn Quốc Tuấn, ông Ngô Đức Thịnh, Tuần Việt Nam, TVN, nhà báo Thu Hà,

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: "Chúng ta đừng nên tạo ra những sa mạc nhận thức như đã từng làm, vì không ai khác, chính thế hệ sau của chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả".


Trả lời cho câu hỏi của chị, tôi khẳng định, người ta tìm đến tôn giáo, tìm đến với tâm linh là để giải quyết nhu cầu cơ bản của con người đó là hướng tới điều linh thiêng là để noi theo. Không thể phủ nhận, những năm vừa qua chúng ta đã có những bước tiến hết sức to lớn về kinh tế, nhưng câu chuyện chúng ta đang bàn lúc này là thuộc về quyền tự nhiên của con người. Nói thẳng ra là, chúng ta vẫn làm chưa tốt cách thức để giúp người dân hướng đến điều linh thiêng.

Nhưng nhận thức là một quá trình, tôi tin rằng, dần dần chúng ta sẽ nhận ra, đã có những cái đã được cải tiến, cải thiện. Bây giờ có thể nói việc người dân công khai thể hiện niềm tin tôn giáo không còn là điều gì đó xa lạ, cấm kỵ ở xã hội ta nữa.

Đó là nhu cầu và các nhà quản lý phải có trách nhiệm làm sao thỏa mãn, hướng dẫn hỗ trợ người dân tìm đến với tôn giáo như tâm nguyện của bản thân họ chứ không phải là tìm cách ngăn cản, cấm đoán.

Ông Ngô Đức Thịnh: Những năm 1990 có nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đã khẳng định tôn giáo là một hiện tượng xã hội lâu dài.

Thời xa xưa, những người vô thần từng ngồi chờ tôn giáo chết đi, vì họ tin rằng tôn giáo là sự ngu dốt của con người, tôn giáo là áp bức bóc lột.

Tôi đồng ý với ý kiến của anh Tuấn là còn con người thì còn tôn giáo. Chỉ là hình thức của nó sẽ thay đổi tùy theo từng bối cảnh xã hội nhằm giải quyết các vấn đề tâm linh của con người, để giải thích những hiện tượng tự nhiên của vũ trụ.

Xã hội nào cũng có những bất hạnh, bất công và cả sự vương giả. Ở những quốc gia phát triển cũng có những người tự sát vì không hài lòng với cuộc sống. Tại sao họ giàu, học vấn cao như vậy họ lại không muốn sống? Chính niềm tin tôn giáo chứ không phải ai khác sẽ giải quyết những vấn đề đó.

Bởi vậy, hãy đừng đóng mà hãy mở ra để con người tự do tìm đến với tín ngưỡng để giải tỏa nhu cầu của chính bản thân. Điều đó sẽ giúp cho xã hội thăng bằng hơn.

Hãy nhớ, bản chất của tất cả các tôn giáo là hướng thiện. Không có tôn giáo nào dạy con người độc ác cả. Chỉ có con người sử dụng nó như là thuốc độc thôi. Bản chất tôn giáo không phải là thuốc phiện mà chính con người đã sử dụng nó như là một thứ thuốc phiện để phục vụ lợi ích của mình. Đây là vấn đề mà có lẽ xã hội cần phải giải quyết, là vấn đề mà các nhà quản lý xã hội phải nhận thức được.

Nhà báo Thu Hà:Ông Tuấn từng viết rất mạnh mẽ thế này: “dường như những chính sách về tôn giáo nghiêm trọng và sai lầm trước đây mà cả hiện nay nữa đã tạo ra một quá trình sa mạc hóa về tâm linh ở Việt Nam, để giờ đây tâm hồn của người Việt đã biến thành một bãi hoang có thể chấp nhận các loại bụi gai xương rồng và không thể trồng được loại cây có hoa thơm, quả ngọt”. Vì sao ông bi quan như vậy?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Khi tôi dùng một hình ảnh như thế là tôi muốn nói đến nhận thức của chúng ta.

Đúng là có lúc nhận thức của chúng ta có vấn đề để rồi thực tế cuộc sống chứng minh rất rõ ràng, tôn giáo không phải là cái gì xa lạ với con người, tôn giáo không phải là thuốc độc. Nếu thế thì, nhu cầu này phải được tiếp tục, được giáo dục và cần kế thừa.

"Từng có thời kỳ chúng ta xem vấn đề tâm linh như là một đối tượng đấu tranh tư tưởng, thậm chí là đấu tranh bằng ý thức hệ và hệ quả để lại là những vết xước mà cho đến hôm nay chúng ta đang cố gắng khôi phục lại."

Từng có thời kỳ chúng ta xem vấn đề tâm linh như là một đối tượng đấu tranh tư tưởng, thậm chí là đấu tranh bằng ý thức hệ và hệ quả để lại là những vết xước mà cho đến hôm nay chúng ta đang cố gắng khôi phục lại.

Tôi nói ẩn dụ, “một bãi hoang”, “một sa mạc hóa” là để lần sau chúng ta đừng vấp phải những nhận thức sai lầm kiểu như vậy nữa. Bài học này, nhắc nhở chúng ta đừng nên tạo ra những sa mạc nhận thức như đã từng làm, vì không ai khác, chính thế hệ sau của chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Ông Ngô Đức Thịnh: Có một thời kỳ chúng ta ấu trí, cố gắng bài trừ mê tín dị đoan. Lúc đó mọi chuyện liên quan đến tâm linh đều bị đả phá. Đến Đền Thờ Hùng Vương cũng bị phá cho bằng được vì cho rằng đó là mê tín dị đoan. Chúng ta đã từng xóa đi tất cả, trong khi đáng lẽ tín ngưỡng tôn giáo là thuộc về nhu cầu, quyền cơ bản của chính chúng ta.

Một trong những nguyên nhân khiến cho việc thực hành tín ngưỡng hiện nay lộn xộn là do thiếu nhận thức về tôn giáo, tín ngưỡng. Trước những lộn xộn đang diễn ra như báo chí đang nêu, theo tôi, cần phải giáo dục lại đời sống tín ngưỡng cho người dân. Bởi chỉ khi hiểu đúng về các mỹ tục, họ mới thay đổi hành vi khi đi lễ.

Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, ông Nguyễn Quốc Tuấn, ông Ngô Đức Thịnh, Tuần Việt Nam, TVN, nhà báo Thu Hà,
"Có một thời kỳ chúng ta ấu trĩ, cố gắng bài trừ mê tín dị đoan. Lúc đó, mọi chuyện liên quan đến tâm linh đều bị đả phá."
Việc tuyên truyền phải lâu dài, không chỉ đến ngày lễ hội mới tuyên truyền. Bản thân chủ các cơ sở tín ngưỡng cũng cần chấn chỉnh, không coi lễ hội là dịp kinh doanh. Đã đến lúc cần phải trả lại sự trong sáng của lễ hội. Người dân cần nghiêm chỉnh thực hiện đời sống tâm linh, nhưng cũng không nên cực đoan, cuồng tín để người khác lợi dụng.

Nhà báo Thu Hà:Quan sát lễ hội khai ấn đền Trần ở Nam Định và lễ hội Minh Thệ ở Hải Phòng, các ông thấy gì?

Ông Ngô Đức Thịnh: Có một nguyên nhân nguy hiểm là yếu tố trục lợi đang thâm nhập vào niềm tin tôn giáo.

Có những cơ sở tín ngưỡng hoạt động theo nguyên tắc trục lợi, người đến với tín ngưỡng cũng trong tâm thế trục lợi. Không ít người đến chùa chiền nhằm mục đích cầu xin.

Khai ấn là chuyện bình thường của lịch sử. Ngày xưa, vua Trần thường 49-50 tuổi đã nhường ngôi cho con, lui về cố trạch nhà Trần ở Tức Mạc (Phủ Thiên Trường) ở ẩn. Hàng năm vào dịp Tết, vua về thăm, vấn an Thái Thượng Hoàng, nhân đó làm lễ khai ấn trước sự chứng kiến của Thái Thượng Hoàng.

Lễ khai ấn là mở đầu công việc một năm của đất nước, cũng như nông dân khai động thổ, người ở trong rừng phải mở cửa rừng, người làm biển thì có lễ cầu ngư, người làm việc liên quan đến chữ nghĩa thì khai bút...

Tuy nhiên, lễ khai ấn bây giờ lại biến thành lễ cầu quan. Nho giáo dạy, người làm quan phải học hỏi, phấn đấu tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, chứ không phải nhờ cậy vào thế lực siêu nhiên.

Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, ông Nguyễn Quốc Tuấn, ông Ngô Đức Thịnh, Tuần Việt Nam, TVN, nhà báo Thu Hà,

Ông Ngô Đức Thịnh: "Cần cấm tuyệt đối việc phân biệt tư cách cá nhân và tư và cách nhà nước khi thực hành nghi lễ nơi tâm linh".

Đã đến lúc phải đặt một vấn đề nghiêm túc của xã hội và cắt nghĩa từ cội rễ của nó để có hành động đúng đắn.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Lễ hội khai ấn theo như tôi biết, trước đây không phải là không có. Nếu tôi nhớ không nhầm thì từ 2010 chính sự xuất hiện của một số quan chức cao cấp lại càng khẳng định điều mà như anh Thịnh vừa nói đến. Nhiều người hàng năm tìm về đó để nhằm mưu cầu sự đảm bảo cho con đường thăng tiến quan lộ của mình. Họ cầu ước,  hào quang của một triều đại nổi tiếng sẽ giúp cho ước vọng cá nhân của họ.

Các hành vi mang tính ẩn dụ cao. Nhiều người tin rằng, tìm đến đền Trần và có một tờ ấn trong tay thì con đường thăng tiến của họ được cải thiện. Nhiều người có trình độ học vấn cao nhưng vẫn không thoát ra khỏi tâm lý đám đông. Còn người dân thì nghĩ đơn giản, người khác, đặc biệt là quan chức làm được thì tại sao ta không làm được.

Đó là chưa nói tới yếu tố không công bằng chốn linh thiêng, bởi ai cũng biết, các vị chức sắc luôn lại được ưu tiên, được hưởng những biệt đãi trong lễ khai Ấn đền Trần.

Tôi từng lên tiếng rằng hình ảnh đó không đúng, vì sự xuất hiện của quan chức ở những nơi thế này sẽ gây hiệu ứng đám đông. Tôi không nói là mọi người dân đến đền Trần đều cầu xin làm quan. Nhưng ở đây đó là hiệu ứng xã hội, hiệu ứng tâm lý đám đông.

Vì thế, năm nay tôi lại phải mạnh mẽ lên tiếng đề nghị, cán bộ cao cấp không nên xuất hiện trong thời điểm khai ấn đền Trần nữa.

Ông Ngô Đức Thịnh: Tôi từng gặp một vị lãnh đạo đến lễ khai ấn đền Trần nhưng khi gặp tôi vị ấy nói, ông tới đây trong tâm thế của một người bình dân đến với lễ hội chứ không phải trong vai trò của một quan chức đi hành lễ. 

Tôi cũng từng được nghe có vị lãnh đạo còn tham gia vào việc hô thần nhập tượng ở một chùa. Không thể tin nổi, tại sao lại làm như thế?

Thực ra cũng là do vấn đề hiểu biết. Cần phải phân biệt giữa tư cách cá nhân và tư cách cán bộ nhà nước khi thực hành nghi lễ tâm linh.

Trong nhà nước của chúng ta, anh có thể tin theo đạo Phật, người khác tìm đến đạo Thiên Chúa, hay các đạo khác. Và từ người dân cho đến quan chức đều có quyền tìm đến hành lễ, thể hiện niềm tin tôn giáo, có điều họ sẽ ngang bằng như nhau. Cần cấm tuyệt đối việc phân biệt tư cách cá nhân và tư và cách nhà nước khi thực hành nghi lễ nơi tâm linh.

Theo Tuần Việt Nam/Ảnh: Phạm Hải,Quay clip: Xuân Quí, Đức Yên, Dựng clip: Huy Phúc

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp