Đạo Thiên Chúa và Chủ Nghĩa Thực Dân Tại Việt Nam - PHẦN II: Chính Sách Thực Dân và Chính Sách Của Các Vị Truyền Giáo Tại Bắc Kỳ
Vấn đề người Pháp giải quyết ở Bắc kỳ không phải là tôn giáo mà là buôn bán. Bắc kỳ bên cạnh Trung quốc và Trung quốc với số dân 400 triệu đã làm cho các nước kỷ nghệ phương Tây thèm thuồng.
Sự khám phá lớn của khoa học năm 1867 là con sông ở Cambodge, một con đường dẫn vào Trung hoa, cho thấy rõ ràng con sông Cửu Long không còn là con đường để buôn bán thuận lợi và quan trọng nữa. Ủy Ban Sông Cửu Long ước đoán và khám phá con đường buôn bán thực sự không phải là sông Cửu Long, cũng không phải là một dãy các xứ bé nhỏ nằm dọc theo thung lũng mênh mông kéo dài từ Vân Nam đến Sài Gòn mà phải là thung lũng Bắc kỳ.
Những tập sách đẹp đẽ do Doudart de Lagrée và Francis Garnier, hai người dẫn đầu khám phá sông Cửu Long, ấn hành năm 1869, cho các nhà buôn Pháp ở Lyon, Bordeaux, Marseille thấy rằng sông Hồng là con đường ngắn nhất, dễ nhất và tiện lợi nhất để đi vào nội địa Trung Hoa mà cũng là đường nước Pháp ít sợ các người Châu Âu cạnh tranh nhất. Nhưng cần phải can thiệp vào Bắc kỳ.
Giới cầm quyền ở Nam kỳ lại càng bị thúc đẩy vào con đường can thiệp ở Bắc kỳ khi những vị truyền đạo trình bày xứ này như đã thoát ra triều đình Huế và chỉ muốn hoàn toàn tự trị . Tính cách hoang đường của nền độc lập Bắc kỳ do các người truyền đạo dựng đứng lên sẽ được giới chức Nam kỳ dùng đến để thúc đẩy chính quốc quyết định mở cuộc viễn chinh đến xứ này. Cuộc viễn chinh đã xảy ra, mặc dù chính phủ Pháp chống đối vì cho rằng quả thật không thích hợp khi mở một cuộc xâm lăng thuộc địa ngay giữa lúc tình thế trong nước thu hút hết mọi nỗi bận tâm.
Do sáng kiến của Đô đốc Dupré, Thống đốc Nam kỳ, cuộc viễn chinh đầu tiên xâm lăng Bắc kỳ vừa là một thất bại vừa là một thành công. Thất bại vì Pháp không đủ sức chiếm giữ mà phải trả lại cho chính quyền Việt Nam, Thành công vì hành động quân sự này dù sao cũng đưa đến một hiệp ước mới gia tăng thế lực Pháp ở Việt Nam .
Việc rút quân đội Pháp ra khỏi Bắc kỳ đã gây nên một cuộc chống đối dữ dội của Giám mục Hà Nội là Puginier cũng như các vị truyền đạo khác, ông đã đóng góp tích cực vào việc các con chiên tiếp tay cho quân đội Pháp xâm chiếm vùng đất này. Hành vi bán nước đó là nguồn gốc các cuộc xáo trộn đẩm máu giữa người giáo và người lương, làm cho đất nước đắm chìm trong một sự rối loạn không tả xiết. Điều 9 trong hiệp ước mới công nhận cho đạo Thiên Chúa và những vị truyền giáo một sự tự do quá lớn, đã tạo nên nhiều khó khăn giữa người Việt Nam khác đạo, cũng như giữa triều đình Huế và nhà cầm quyền Pháp. Việc thống nhất dân tộc bị đổ vỡ : xứ sở chia làm hai phe đối nghịch nhau, “phe Thiên Chúa” vô cùng nhỏ bé nhưng lại các vị truyền đạo đoàn ngũ hóa mạnh mẽ và được quân đội Pháp giúp đở, và “phe sĩ phu” lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lăng của ngoại bang.
Vấn đề Bắc Kỳ chỉ được giải quyết dứt khoát do hiệp ước bảo hộ được ký kết mười năm sau vụ xâm lăng dang dở này.
Gần 300 triệu sinh mạng, cái giá để xây dựng một tôn giáo “cứu thế” ***
******************
CHƯƠNG MỘT
CÂU CHUYỆN HOANG ĐƯỜNG VỀ VIỆC BẮC KỲ PHÂN LY
Ngay trong thời kỳ dòng vua Pháp đầu tiên gặp nhiều khó khăn trong việc làm cho thần dân tuân phục mình thì các Vua việt Nam đã lập được triều đình trung ương vững chắc, dựng nên một nền quân chủ chuyên chế, không ngừng củng cố theo dòng lịch sử. Nhờ đó, nền thống nhất quốc gia do Đinh Bộ Lĩnh phục hồi năm 867 không hề bị xáo trộn .
Việc nhà Lê suy vi vào thế kỷ 16, giáng một đòn mạnh mẽ vào nền thống nhất và được củng cố trong thời kỳ trung cổ, nhờ sự kháng chiến chống xâm lăng của nước Trung hoa phong kiến, cũng như nhờ vào sự sát nhập nước Chàm trong cuộc nam tiến lịch sử. Ở ngôi nhưng không cai trị, các vị Vua cuối cùng của nhà Lê để quyền bính vào tay họ Trịnh, họ này mạnh mẽ tại triều Hà nội. Nguyễn Hoàng vừa là em vợ vừa là đối thủ của Trinh Kiểm, cảm thấy bị đe dọa trước tham vọng của anh rể, bèn xin phiêu bạt vào Huế với chức trấn thủ các tỉnh ở Nam. Bị loại ra xa triều đình, ở Nam, họ Nguyễn không ngần ngại xưng Chúa một cách hoàn toàn độc lập trên thực tế. Sự ly khai này là nguồn gốc các cuộc chiến tranh kéo dài hơn 50 năm, đã tàn sát những anh em thù nghịch, ai cũng muốn tái lập sự thống nhất xứ sở bằng cách nhân danh nhà Lê, dù uy quyền đã bị suy sụp nhưng lòng ngưởng mộ của dân chúng đã ngăn cấm việc lật đổ hoàn toàn nhà Lê.
Chiến tranh đè nặng lên người nông dân. Đối với hai phía, chiến tranh thật là tốn kém và chỉ nhờ vào thuế má mới duy trì được. Để chống lại các cuộc tấn công của họ Trịnh với quân số đến 100.000 người, 500 voi. 500 tàu buồm, pháo hạm, Họ Nguyễn ở vùng thưa thớt dân hơn phải trang bị 40.000 lính, đào những hào sâu, đắp những thành cao. Gánh nặng tài chánh cho chiến tranh đã gây nên tại vùng đất chúa Trịnh các cuộc xáo trộn, các cuộc bạo động của nông dân đã từng làm lay chuyển vùng đồng bằng từ mấy thế kỷ.
Dù mạnh hơn, Chúa Trịnh cũng không triệt hạ nổi Chúa Nguyễn. Sau chiến dịch 1672, họ Trịnh từ bỏ ý đồ chinh phục phương Nam; trong hơn một thế kỷ, hai họ chúa Việt nam, ai sống theo phận nấy.
Việc thống nhất được thực hiện nhờ một họ thứ ba, họ ở Tây Sơn, bước lên võ đài chính trị năm 1773. Phong trào Tây Sơn nổi dậy từ vùng đất phía nam, thuộc chúa Nguyễn . Được thúc đẩy bởi một phong trào khởi nghĩa lớn lao do sự bạo tàn của một quyền thấn ở Huế gây nên và được nông dân ủng hộ, ba anh em Tây Sơn, cũng là nông dân, chiến thắng mau lẹ.Họ lấy Sài gòn năm 1776, Hà Nội 1786, và năm 1789 đánh bật quân Thanh được phái sang theo lời yêu cầu của vị Vua cuối cùng nhà Lê . Một trong ba anh em Tây Sơn, Nguyễn Huệ, người chiến thắng quân Thanh, đóng đô ở Huế và xưng vương hiệu là Quang Trung, chấm dứt quyền có danh không thực của nhà Lê và tái lập một quốc gia thống nhất.
Nhưng triều Tây Sơn ngắn ngủi, Vua Quang Trung mất năm 1792, con ngài còn quá trẻ để có thể vượt qua được khó khăn do nhược điểm bên trong của chế độ và sự can thiệp của bên ngoài. Nguyễn Ánh, kẻ sống sót cuối cùng của dòng họ chúa Nguyễn, trốn tại một cù lao ở vịnh Xiêm la, nhờ sự giúp đở của ngoại quốc mà chiếm lại được đất đai của tổ tiên và dần dần bành trướng uy quyền trên toàn cõi Việt Nam . Chiếm Hà Nội 1802, Nguyễn Ánh lên làm vua hiệu là Gia Long và cai trị toàn nước Việt Nam thống nhất, không chia sẻ cho một ai.
Cuộc chiến tranh hằng mất thề kỷ giữa Trịnh, Mạc, Lê, Nguyễn Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã làm nghèo xứ sở và làm người nông dân chìm đắm trong nổi thống khổ chưa từng thấy; họ phải chịu gánh nặng của chiến tranh, của sự tranh chấp phong kiến giữa các họ lớn : trưng thu xâu dịch, thuế má, phù lạm..v.v..Sự bất mãn của nông dân lúc đó biểu hiệu cho một sức mạnh to lớn mà các kẻ tham vọng khôn khéo và táo bạo khai thác dể tạo một sức mạnh cho mình. Tạo dựng lịch sử Việt Nam phần lớn là nông dân ; việc không ổn cố của các triều đại, việc các dòng họ thay nhau lên cầm quyền, việc các cuộc nổi dậy liên tiếp xảy ra, tất cả những điều đó bắt rể từ việc phong kiến bóc lột nông dân. những người dựng lên các triều đại to lớn ở Việt Nam đều phát xuất từ dân thường : Lý công Uẩn là một thư sinh nghèo, đệ tử một thầy tu, Trần Cảnh con nhà chài lưới, Lê Lợi một địa chủ, Nguyễn Huệ một nông dân. Sống ngay giữa lòng quần chúng nông dân, họ hiểu các vấn đề và các khát vọng của những nông dân, là những người nghèo nhưng can đảm, sẵn sang đi theo kẻ nổi dậy có cá tính hấp dẩn, biết lôi cuốn họ, biết lãnh đạo họ và khai thác nổi cùng cực của họ. Vì thế, trong những ngày đầu dựng lên, triều đại nào cũng vậy, nhà nước với đôi tay cương quyết bảo đảm, che chở cho người nông dân khi tiêu hủy mọi lạm dụng quá đáng và phân phối hợp lý ruộng đất. Vì thế mà có những thời kỳ thịnh vượng và hạnh phúc đánh dấu bằng các cuộc chiến đấu lẫy lừng chống lại các cuộc xâm lăng của nước Trung Hoa phong kiến ở phương Bắc, hoặc chống lại các dân tộc láng giềng ở phương Nam. Nhưng khi triều đại bị quyền bính làm cho suy đồi, giai cấp quan lại, các địa chủ nhờ vào sức mạnh tăng gia song song với sự suy vi của nhà Vua, bèn chiếm hữu đất đai ở nông thôn. Và vấn đề phong kiến, vấn đề tương quan giữa những người nông dân và các kẻ chiếm giữ đặc quyền sống bám vào họ lại trở nên gây cấn cực kỳ. Lúc đó, chỉ cần một trận lụt, hay một trận nắng cháy thêm vào gánh nặng thuế má, sưu dịch, là đủ để làm cho người nông dân không do dự đáp theo tiếng gọi khởi nghĩa đầu tiên vì họ không còn gì hy vọng trong cuộc sống ngoài sự chuyên chế và đau khổ.
Trong suốt thế kỷ 18, không có được một năm bình yên, đâu cũng có các cuộc khởi nghĩa của nông dân. Ngay từ đầu thế kỷ, họ Trịnh đã phải thi hành một loạt biện pháp chống lại các cuộc nổi dậy của nông dân vốn đã chịu đựng lớn lao sau năm 1730. Năm 1740, các lãnh tụ nông dân Nguyễn Cừ và Nguyễn Tuyển nổi lên trong tỉnh Hải Dương ngay giữa vùng đồng bằng, Ba năm sau, Nguyễn Hữu Cầu xưng là “Bảo dân Đại Tướng quân” lại nổi tiếp các cuộc chiến đấu chung quanh Bắc Ninh ở một vùng gần đó và đương đầu với quân Trịnh từ 1743 đến 1751. Dòng họ nhà Lê muốn thoát sự khống chế của họ Trịnh, thường đứng ra cầm đầu các phong trào nông dân để dành lại uy thế cho mình. Vì thế trong gần 20 năm, Hoàng thân Lê duy Mật đã tổ chức tại Thanh Hóa và Nghệ An một thứ du kích chiến rồi sau đó lại chuyển lên vùng biên giới Lào. Cũng nên chú ý rằng, có nhiều nông dân nổi dậy ở vùng Bắc, vùng nghèo khó, quá đông dân, hơn là ở Nam, vùng tương đối mới, là nơi nổi khổ của dân chúng tìm ra chổ thoát bằng cách di cư vào Nam làm hại cho nước Chiêm Thành và bắt đầu từ thế kỷ 17 lại hướng đến đồng bằng Đồng Nai, Cửu Long, những vùng gần như không có người.
Dưới triều Nguyễn, mặc dù có một vài biện pháp khắc khe của Gia Long và Minh Mạng chống lại việc các nhà giàu cướp đoạt đất đai và thiết lập những canh tác to lớn, vẫn không cải thiện được số phận nông dân. Và thế kỷ 19 lại chứng kiến các vùng nông thôn nổi dậy.
Cũng như trong quá khứ những vụ nổi dậy này vẫn còn là các phong trào nông dân sơ đẳng do đói, lụt. thúc đẩy như năm 1807 ở Bắc kỳ, hoặc do những tai ương khác. Dân miền núi cũng vậy, họ tham dự vào để dành quyền tự trị. Giống trong dĩ vãng, các vị hoàng tộc nhà Lê, hoặc ít hoặc nhiều, chính thống thường cầm đầu những cuộc nổi dậy, như năm 1864 trong hai tỉnh Sơn Tây và Bắc Ninh bị châu chấu phá hoại mùa màng, năm 1862 trong các tỉnh miền biển ở Đông Bắc bộ; một người tự xưng là thừa kế phong trào Tây Sơn, Nguyễn Hạnh “người sống sót của sự nghiệp vĩ đại Tây Sơn” như sử gia Gaultien đã gọi, lãnh đạo một phong trào quần chúng nổi dậy trong đồng bằng Bắc kỳ từ 1862 đến 1827. Chúng ta cũng đã nói đến cuộc nổi loạn lớn lao năm 1833 do Lê Văn Khôi đứng đầu ở trong Nam mà nhửng vị truyền đạo đóng một vai trò rất quan trọng.
Triều đình không thực hiện nổi một công trình kinh tế hay xã hội nào để chửa trị nguồn gốc đau khổ của nông dân. Đê Văn Giang bị vỡ liên tiếp mười năm gây ra những tổn thất nặng nề cho mùa màng trong khi chính quyền không hề ngó ngàng gì đến chuyện sửa chữa. Trong tình thế đó, chúng ta dễ dàng hiểu tình trạng khủng hoảng và nổi dậy cứ bành trường mãi làm cho Bắc kỳ chìm đắm trong cơn khổ sở triền miên.
Các tai ương lại còn làm trầm trọng tình trạng đầy đe dọa đó : năm 1848 Hà Tỉnh bị nạn đói lớn, năm 1850 từ Ninh Bình đến Bình Thuận bệnh đậu mùa cướp đi 60.000 người, năm 1852 nạn hạn hán thiêu đốt Thừa Thiên, năm 1853 sang 1854, cả xứ bị hạn hán, kế đó là nạn châu chấu ở Bắc Ninh và Sơn Tây. Năm 1856-1857 nhiều trận lụt lớn đã tàn phá Bắc kỳ, năm 1858 nạn đói giáng vào Bắc kỳ, rồi đến Quảng Nam năm 1859-1860 sau đó lan ra cả nước 1863-64. Quả thực, lịch sử Việt Nam chưa hề có một thời kỳ nào đen tối đến như thế. Tình trạng đó tai hại nhiều về mặt kinh tế, tài chính, xã hội, chính trị, chỉ có thể đưa thẳng đất nước đến chổ mất độc lập và nô lệ cho ngoại bang. Khi người Pháp đến, thực ra họ chỉ đẩy một cái cửa đã hé mở.
Tình trạng bất ổn xã hội không phải là nguồn nguy hiểm độc nhất đe dọa nền quân chủ nhà Nguyễn đang còn khá vững chắc để đè bẹp các phong trào khởi nghĩa. Một nguy hiểm khác không kém phần quan trọng nằm ngay trong nền tảng của nó, ngay trong sự từ chối không chịu cải cách của nó.
Từ nhiều thế kỷ tư tưởng Khổng Giáo nuôi nấng tầng lớp trí thức Việt Nam và tạo nên nền tảng trên đó kiến trúc chính trị Việt Nam. Dù chứa đựng một kho tàng trí tuệ, tư tưởng này nhằm chính yếu vào việc duy trì trật tự hiện hữu. Tư tưởng Khổng Giáo về Thiên mệnh, về trật tự thế giới quả đưa đến chủ trương xu thời, hẹp hòi về chính trị. Tìm thấy trong đạo Nho một phương tiện tuyệt hảo trong việc đàn áp tư tưởng để xây dựng một chế độ chuyên chế. Gia Long và Minh Mạng đã dựa chặt chẻ vào nó và biểu lộ lòng căm thù mạnh mẻ chống lại tôn giáo hợp lòng dân là đạo Phật và chống lại những người tu theo đạo Phật, vì họ có thể có một ảnh hưởng lớn lao đối với người nông dân.
Những thí sinh trong các kỳ thi phải hiểu rỏ tinh thần đạo Nho, và quan lại được chọn trong số này, quả là những nhà chính trị do đạo Khổng đào tạo nên đã nhiều lần tìm ra màu sắc của một nền đạo đức cao thượng chân chính. Nhưng giáo dục cổ truyền là một phương tiện đàn áp tinh thần hiệu nghiệm, các vị vua nhà Nguyễn, để giữ các nhà Nho đứng bên ngoài mọi xáo trộn chính trị, luôn luôn ủng hộ khuynh hướng bẩm sinh hướng về học hỏi cằn cỗi nhưng lâu đời các kinh sách cổ điển. Mộng ước của mọi người Việt Nam sau những năm tháng học hỏi là thi đậu bằng trí nhớ của mình. Người ta thích những lời chú giải khô khan các sách xưa hơn là suy tư độc đáo nhưng lại có thể trở thành phá hoại. Thư sinh không phải tìm tòi gì hết, tất cả đều có sẳn trong sách từ nhiều thế kỷ.
Nguy hiểm của nền giáo dục khô chết vì chủ nghĩa hình thức quá hẹp hòi đã trở nên tai hại, đến nổi chính Minh Mạng cũng bắt đầu sợ. ông Viết : “Từ lâu mọi người đều thấy rằng các kỳ thi chỉ đưa người đến chổ vô dụng. Theo Trẩm, không văn chương nào có thể phát triển khi bị gò bó trong một lề lối quá xưa vá quá chặt chẽ. Thế mà ngày nay trong các kỳ thì, chúng ta chỉ chú trọng các câu sáo xưa, các lời củ rich. Với cách học như thế, người có tài ngày càng hiếm đi”. Nhưng dựa vào ai để thực hiện các cải cách cần thiết ? Giai cấp thống trị bám chặt vào chủ trương cổ truyền, thâm chí, đối với họ, chỉ nội một ý nghỉ cải cách cũng đủ là một sự phạm thượng rồi. Các nhà Nho mà vua có thể tin cậy được, nếu ông muốn, không biết gì đến sự sôi sục toàn diện đã khuấy động một phần hành tinh ở thế kỷ 19. Trong khi có nhiều phát minh mới mẻ của khoa học làm xáo trộn thế giới phương Tây và thúc đẩy họ đến những vùng đất đai xa xăm, và các thị trường phương Đông, thì các giai cấp thống trị Việt Nam lại càng lún sâu vào việc tôn thờ quá khứ, tôn thờ trật tự sẳn có, coi thường tất cả những gì không thuộc cổ truyền, không thuộc tư tưởng của những vị Vạn Thế Sư Biểu. Khi tăng cường sự ngự trị Nho giáo lên trên mọi tư tưởng, chống đối lại mọi điều mới, gọi tiến bộ, họ Nguyễn đã ngăn cản mọi tiến bộ của xứ sở vì họ không hiểu được các vấn đề và các nhu cầu của đất nước.
Các vị vua nhà Nguyễn ngoài sự ngoan cố chống lại những tư tưởng cải cách lại còn cản trở việc phát triển kinh tế bằng mọi cách : thuế trao đổi sản phẩm giữa các làng, thuế đò, thuế chợ, thuế đánh cá, thuế muối, thuế ngoại thương, chống đối việc phát triển tài sản cá nhân và tinh thần cạnh tranh ..v.v.. Các biện pháp nầy làm trở ngại việc sản xuất nông phẩm, ngăn đà nội và ngoại thương.Làm tê liệt một lực lượng lao động quý báo, ngăn cản thành hình một giai cấp tư sản thương mại.
Ai sẽ thực hiện các biện pháp mất lòng người đó ? Ai là các ông quan, những bậc “cha mẹ dân”. Luân lý đạo đức Nho dạy họ thương dân như thương con, cùng chia sẽ với dân nổi sung sướng và nổi lo buồn, ghét cái gì dân ghét, thương cái gì dân thương, và hằng ngày nêu tấm gương sáng cho dân bằng đời sống nghèo nàn và đạo đức. Có nhiều ông quan cho thấy họ rất xứng đáng với đạo đức đó, nhất là trong những thời kỳ thịnh vượng dưới triều vua sáng suốt. Nhưng vào những thời kỳ xáo trộn, suy đồi đạo đức dễ theo chân suy đồi kinh tế và xã hội . Ngay từ triều Gia Long, sự tham nhũng của quan lại đã đập mạnh vào các chứng nhân ngoại quốc như Chaigneau, người Pháp, “Dân chúng hết sức khốn khổ, y viết năm 1807, Vua và quan lại làm khổ dân một cách kỳ lạ ; công lý này tùy thuộc tiền bạc, kẻ giàu có thể đánh đập người nghèo mà không sợ bị trừng phạt gì, vì họ tin chắc nhờ tiền bạc họ sẽ thắng kiện.”[1]
Vả lại. Dù tốt đến đâu, không một vị quan nào lại có thể làm cho dân chúng bị thuế má và bất công đè nặng, tuân theo và thương mến ? Làm sao ông ta có thể có bộ mặt “cha mẹ dân” khi ông ta đàn áp các cuộc khởi nghĩa của dân chúng đói khổ ? Được đào tạo để duy trì trật tự, dưới mắt dân chúng các quan lại trở thành biểu tượng của những gì không thể chịu đựng được. Vì thế giữa giai cấp thống trị và dân chúng có một hố sâu, giai cấp thống trị không thể cai trị nổi, không thể đổi mới nổi, không thấy gì xa hơn đặc quyền dành cho họ, họ lo sợ các phong trào bạo động của quần chúng hơn là sự dòm ngó của ngoại bang. Và khi người Pháp đến với giai cấp này, vì không có sự ủng hộ của dân chúng, chỉ có một đường phải theo : đầu hàng, bán nước và hợp tác với ngoại bang.
Trì trệ trí thức và kinh tế, đau khổ của nông dân, bất lực và phản quốc của giai cấp thống trị, Đó là những nét chính nổi bật của nền quân chủ nhà Nguyễn. Vào thời Gia Long và Minh Mạng, nền quân chủ nầy còn có thể khiến cho dân chúng chấp nhận nhờ có các vị Tổng trấn tài ba như Lê Văn Duyệt trong Nam, Nguyễn Văn Thành ngoài Bắc. Nhưng dưới triều Tự Đức, dân chúng ngày càng thoát ly ra khỏi sự kiểm soát của triều đình Huế, nhất là dân chúng ở Bắc, là nơi nổi bất mãn của quần chúng mạnh hơn ở Nam hay Trung.
Miền Bắc Việt Nam , thời thuộc địa gọi là “TONKIN” là nơi chôn nhau cắt rún của nước Việt Nam, là nơi khởi điểm của cuộc Nam tiến trường kỳ của dân tộc, “xứ của trí thức” có cảnh trí hùng vĩ, có quá khứ lịch sử, đã nhiều phen chiến thắng giặc ngoại xâm, thời đó miền Bắc Viêt Nam có thể tự thấy chính đáng mình là miền đất Việt Nam trước tiên của nước Việt nam. Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam từ 1.010, người miền Bắc tự hào về thành phố này. Nó tượng trưng cho độc lập và văn minh Việt Nam. Việc Nguyễn Huệ, vị vua đầu tiên của Việt nam gốc miền Nam đã dời đô từ Hà nội vào Huế năm 1789, thật sự bởi những lý do địa lý, quân sự : trong thời kỳ mà phương tiện giao thông còn ít phát triển, tốt nhất là nên đóng đô ở trung tâm để kiểm soát một cách chặt chẽ được cả hai miền Nam Bắc. Nhưng việc dời đô còn một lý do tâm lý khác : Nguyễn Huệ luôn luôn nghỉ đến việc đừng đụng chạm đến tình cảm địa phương của người Bắc nên không muốn đích thân cai trị trên vùng đất mà người Bắc vẫn xem là thuộc quyền nhà Lê. Giáo điều nhà Nho dạy trung thành với Vua thường đưa các nhà Nho đến chổ có thái độ đáng kết tội. Dù họ công nhận giá trị phi thường của Nguyễn Huệ và việc không cứu chửa được sự sụp đổ của nhà Lê, vì sự bất lực ghê gớm của các vị Vua cuối cùng nhà Lê, với sự phản quốc công khai của Lê Chiêu Thống [2] phần đông các sĩ phu miền Bắc không chịu hợp tác với Nguyễn Huệ, họ áp dụng một cách thiển cận đạo đức Nho giáo dạy rằng tôi trung không thờ hai chúa.
Đối với Gia Long, các nhà Nho này cũng bày tỏ thái độ đó. Nhưng về sau, từ thời Minh Mạng trở đi trật tự mới được thiết lập và thế hệ củ phụng thờ nhà Lê không còn nữa. Vấn đề trung thành nhà Lê không còn được đặt ra nhưng không vì thế mà lòng nhớ tưởng nhà Lê kém phần thấm thía trong tâm khảm nhiều người miền Bắc, nhất là những người nghèo bị đè nén dưới gánh nặng đau khổ, người nông dân miền Bắc quay về với dĩ vãng, tự an ủi bằng cách mơ tưởng lại thời kỳ dễ dàng ngày xưa mà các cụ già ngày xưa thường gợi ra, họ tìm phương thuốc trị đau khổ trong niềm tưởng nhớ thời quá khứ. Đó là những gì nhà viết sử Chesneaux nhân định đúng về nguồn gốc xã hội của “chủ trương nhà Lê chính thống hết sức sống động ở thế kỷ 18 và 19 vẫn còn trong lòng người nông dân nghèo khổ ở miền Bắc” ông viết : “Việc tưởng nhớ quá khứ cũng biểu hiệu như thế nơi người nông dân ở Châu Âu hiện đại, nơi có chủ nghĩa quá khích Tô Cách Lan, nơi (chủ nghĩa) Carlisme Tây Ban Nha, hay là nơi cuộc nổi dậy của các Démétrius giả hiệu trong nước Nga thời Romanov”[3]
Đó là đại cương những nét chính của lịch sử Việt Nam từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 . Chúng ta đã thấy nền thống nhất quốc gia bị những tranh chấp phong kiến phá vở như thế nào, và đã được trước tiên là Nguyễn Huệ, kế đến là Gia Long khôi phục như thế nào, chúng ta đã phân tích nổi đau khổ triền miên của giới nông dân, sự mất lòng dân của triều Nguyễn, tình trạng loạn lạc ở Bắc và cuối cùng là căn nguyên xã hội có được ở lòng dân đối với nhà Lê.
Với những yếu tố lịch sử đó, các vị truyền đạo đã dựng đứng lên một câu chuyện hoang đường mà họ tìm cách loan truyền ra ở Pháp cũng như ở Nam kỳ : chuyện hoang đường về việc Bắc kỳ ly khai. Có thể tóm lược câu chuyện ấy như sau :
1- Xưa kia Bắc kỳ là một nước độc lập.
2- Người Bắc kỳ đau khổ dưới sự thống tri của người An Nam .
3- Họ nóng lòng chờ đợi người Pháp đến giải thoát khỏi gong cùm An Nam .
4- Họ sung sướng chấp nhận nền thống trị của Pháp miễn là xứ Bắc kỳ của họ tách rời khỏi Nam kỳ và có một vua Lê đứng đầu.
Trong những ngày đầu cuộc xâm lăng không có tin tức nào khác hơn là tin tức do các vị truyền đạo cung cấp. người Pháp dễ dàng tin vào chuyện một nước Bắc kỳ độc lập. Ủy Ban Nam Kỳ họp năm 1857 đã viết thế này trong báo cáo: “Ủy Ban họp tại Bộ Ngoại giao đề nghị chiếm ba thành phố chính của Nam Kỳ, hay nói cho đúng hơn, của Đế quốc An Nam gồm có nước Nam kỳ chính danh, nước Bắc kỳ, nước Cao miên và nhiều vùng ít quan trọng khác. Ba thành phố muốn chiếm đây là : Huế Thủ đô nước Nam kỳ , Kẻ Chợ thủ đô nước Bắc kỳ, Sài gòn thủ đô nước Cao Miên”[4]
Bị bao vây bởi những vị truyền đạo, Đô đốc Rigault de Genouilly cũng viết như thế : “Một sự đàn áp toàn diện chống các con chiên xảy ra ở Bắc kỳ là nước ngày trước độc lập, bây giờ là tỉnh của Nam kỳ”[5]
Là nước độc lập Bắc Kỳ có dân chúng khác hẳn dân chúng Nam kỳ :
“Nước An Nam, Linh mục Louvet viết, chia làm hai nhóm dân rất khác nhau, người Bắc Kỳ và người Nam Kỳ. Dù phát sinh từ một nòi giống, có cùng chung một tập quán, và nói cùng một thứ tiếng, hai nhóm này có những tính chất khác hẳn nhau. Bị chia rẽ trong nhiều thế kỷ do ảnh hưởng chính trị, người Bắc kỳ thấy mình bị vua Nam kỳ là Gia Long chinh phục cách đây 80 năm, ông này được những sĩ quan Pháp, theo lời kêu gọi của Giám mục Bá Đa Lộc, giúp đở mạnh mẻ trong việc chinh phục đó”[6]
Do đó, mà “mối ác cảm của người Bắc kỳ đối với người Nam kỳ thật là lớn lao mà chỉ cần một biến cố mỏng manh cũng đủ gây nên cuộc khởi nghĩa của Bắc kỳ”[7].
Mới xem qua, chúng ta có thể nói rằng, các vị truyền đạo không bày đặt gì. Miền Bắc Việt Nam, trong nhiều thế kỷ đã độc lập với miền Nam Việt nam, điều ấy có thật. Có sự khác biệt giữa tính chất người Việt miền Nam và người Việt miền Bắc, điều đó cũng có thật. Nước nào mà không có những đặc tính địa phương ? Và ở Bắc cũng có nhiều cuộc nổi dậy nữa, điều đó cũng quá đúng, và chúng ta đã phân tích những nguyên nhân .Nhưng những vị truyền đạo đã đi xa hơn sự thật khi trình bày những cuộc khởi nghĩa nông dân như là phong trào ái quốc Bắc kỳ, là do lòng mong muốn giải phóng Bắc kỳ ra khỏi vòng giám hộ của Nam kỳ thúc đẩy. Với dụng ý, những vị truyền đạo tìm mọi cách giải thích trong chiều hướng đó để chứng minh với người Pháp rằng xâm lăng Bắc kỳ thật là dễ.
Các nhà truyền giáo sau nầy, Rheinart viên công sứ Pháp đầu tiên tại Hà nội thừa nhận, tha thiết chúng ta làm chủ Bắc kỳ qua sự trung gian của họ : Họ trình bày với chúng ta, xứ này chán ghét chính quyền hiện hữu, sẵn sàng đầu hàng chúng ta ; họ cố thuyết phục chúng ta, rằng họ chỉ yêu nước Pháp chứ không phải nước nào khác, vì người Bắc kỳ muốn thay đổi chính phủ, tôi tin điều đó, nhưng chúng ta có nhiều kẻ thù hơn bạn và bạn bè chúng ta chỉ ưa thích chúng ta khi họ thấy có thể rút tỉa ở chúng ta được một cái gì đó”[8]
Sau đây là những tin tức xuyên tạc về Bắc Kỳ mà những vị truyền giáo đã đưa ra :
“Trước các cuộc biến đổi đã lần lượt đưa anh em Tây Sơn, Gia Long (người được Pháp bảo vệ và triều tộc ông lên ngôi ở Nam ký),Linh mục Libois viết cho quận công De Courcy, trưởng phái đoàn Pháp ở Trung quốc, nhà Lê làm vua nước An Nam, rút lui về vùng biên giới phía Tây Bắc kỳ, con cháu họ này chỉ chờ cơ hội thuận tiện là ném lên đất đai của vua hiện tại một đạo quân Lào và các kẻ nổi loạn. Những ông Hoàng đó có biết phái bộ chúng tôi, có nhiều lần họ đến thăm và yêu cầu phái bộ chúng tôi xin chính phủ Pháp giúp họ. Họ nói : ‘Chúng tôi sẵn sàng khi cờ nước Pháp trương lên ở bờ biển kẻ thù để giúp chúng tôi là chúng tôi chắc chiến thắng, ông Hoàng bị dân chúng ghét và khinh bỉ. Quý ngài có thể đưa ra điều kiện tiên quyết : chúng ta được thực hiện trọn vẹn. Lúc nào chúng tôi cũng cần sự che chở của quý quốc’.” [9] Khi bá cáo cho viên thượng thư tin tức đó, Quận công De Courcy tiếp: “ Nhà truyền giáo đã cho Linh mục Libois biết lòng mong muốn đầy tinh thần yêu nước của các ông Hoàng nhà Lê, lại viết cho linh mục rằng những yêu cầu của họ thật nghiêm chỉnh. họ có những ảnh hưởng mạnh mẽ, nhiều vùng của đế quốc An Nam chỉ chờ dấu hiệu nổi loạn, Nói tóm lại, không nghi ngờ gì cả, họ sẽ mang lại cho đoàn quân viễn chinh Pháp một lối đánh lạc hướng quân địch rất có ích, chỉ cần nhờ sự đại diện của phái bộ truyền giáo ngoại quốc báo trước cho họ đúng lúc.”[10]
Là nước độc lập sau cuộc xâm lăng, Bắc kỳ phải tách khỏi các vùng đất khác của nước Việt Nam, để lại trở thành một nước độc lập. Đó là đề nghị của Giám mục Retord, đại diện Tòa thánh ở Tây Bắc kỳ, đã nhờ quận công Kleczkowski trình bày cho Bộ Ngoại giao :
“Cần phải trục xuất triều vua này và đặt một người thuộc dòng dõi nhà Lê thay thế, hiện ở Bắc kỳ có một số con cháu họ này mà người Bắc kỳ rất thương tiếc, các người này theo đạo, đây là cơ hội tốt để đặt đạo Thiên Chúa lên trên ngôi ở xứ An nam qua ông vua mới này. Nước Pháp sẽ trở thành ngưòi bảo vệ cho Vương quốc và sẽ tạo ra những hiệp ước tự do buôn bán, dân sự, tôn giáo nào mà nó muốn… Nếu nước Pháp làm tất cả những điều đó và nếu Pháp tách rời Bắc kỳ ra khỏi Nam kỳ bằng cách lập một ông vua cai trị tại thủ đô củ của Bắc kỳ, chúng ta sẽ thực hiện lý tưởng hạnh phúc lớn lao của người Bắc kỳ mơ tưởng. Nếu nước Pháp chinh phục cả nước, việc này chắc không khó và theo tôi, có đủ lý do để làm việc đó và cai trị trực tiếp người Bắc kỳ cũng sẽ bằng lòng, nhưng họ thích chịu sự bảo hộ và ảnh hưởng của người Pháp với ông vua riêng của họ hơn,”[11]
Các lời xác tín đó đã quyến rũ Đô đốc Rigault de Genouilly, đã hơn một lần muốn chiếm một nơi ở Bắc kỳ “với hy vọng gây ra một cuộc nổi dậy quan trọng” và nếu y chống lại ý tưởng nầy chỉ vì y thiếu phương tiện đầy đủ để thực hiện.[12]
Không hơn gì Rigault, Charner, Bonard, và La Grandière không mang được chiến tranh ra Bắc kỳ theo lời yêu cầu khẩn thiết của các vị truyền đạo và các linh mục Việt Nam[13] vì những vấn đề ở Nam kỳ đã thu hút hết tâm trí của họ. Nhưng La Grandière và các người thay thế có trách nhiệm áp dụng hiệp ước 1862 thường trao đổi thư từ với những giám mục ở Bắc kỳ, những người này cho các Đô đốc biết tình trạng tôn giáo, đồng thời cũng gởi cho họ các báo cáo tỉ mỉ về tài nguyên và tình hình chính trị, xã hội, quân sự của xứ họ truyền giáo.[14]
Mặc khác, những Đô đốc ở Sài gòn phái đều đặn các tàu ra Bắc kỳ để tiếp xúc với những vị truyền đạo và thu lượm tin tức cùng tình hình nổi dậy trong xứ. trong mục đích đó mà tàu Bourayne có mang trung tá hải quân Senez được phái ra miền Bắc bắc kỳ năm 1872 : lúc đó Đô đốc Dupré đã nhằm đến Bắc kỳ, muốn do thám tình hình để chuẩn bị một cuộc can thiệp quân sự bất chợt. Bá cáo của hạm trưởng Senez gửi cho y sau chuyến công tác, xác nhận tình trạng loạn lạc ở miền bắc Việt nam : “…Vừa lên bờ tôi gửi ngay thư cấp tốc cho cho Giám mục Gauthier cách đó lối 10 hay 12 cây số và hẹn gặp ở trong làng . Chúng tôi sống suốt ngày giữa đám dân Thiên chúa giáo, họ rất niềm nở với chúng tôi…Lúc 4 giờ chúng tôi thấy một nhà truyền giáo, cha Frichot đến, vì Giám mục vắng mặt nên nói chuyện với chúng tôi, cha xác nhân lại những gì mà chúng tôi biết lúc sáng do sự tiết lộ của những sứ giả các phái bộ : loạn lạc ngày càng bành trướng, từ tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái nguyên, Tuyên Quang lan đến Sơn Tây, Bắc Ninh, Quảng Yên, Hải Dương và những người khởi nghĩa làm loạn, trộm cướp đã làm những điều cực kỳ tàn bạo.
“Cha xứ vùng Phát Diệm xác nhận các tin tức đó, ngoại trừ điểm chính thống và tôn giáo của người dòm ngó ngôi vua, về hai điểm nầy có những ý kiến mâu thuẩn nhau. Nhưng sự kiện chắc chắn cầm đầu cuộc nổi loạn này có một người dòm ngó ngôi vua Bắc kỳ, dù thuộc dòng chính thống hay không …”[15]Tóm lại, thật rõ như ban ngày, trước mắt họ dân chúng Bắc kỳ nổi lên chống lại triều đình Huế để phục hồi nền độc lập của xứ sở. Ở Pháp cũng như ở Nam kỳ, người ta tin như thế, và báo chí chính quốc loan truyền rộng rãi “sự thật” đó trong dư luận. Ví dụ tờ “ La Sentinelle du Midi ” đã viết trong số 19-2-1874 :
“ Tên bạo chúa chuyên chế Huế bị quan lại và triều đình căm ghét, triều đại vua trước kia có nhiều phần tử mạnh mẽ, có thế lực, môt sự khôi phục khôn khéo sẽ gắng bó với chúng ta dù chỉ cần một sự ủng hộ của chúng ta ”.
Và tờ báo nói đến sự khôi phục triều đại cũ, việc giải phóng dân Bắc kỳ khỏi sự “đô hộ của nước An Nam”, việc giúp đở của “hai triệu người Thiên Chúa giáo, chỉ còn chờ đợi giờ ủng hộ của tín hữu phương Tây của họ” Chúng ta thấy mãnh lực của sự tuyên truyền của các vị truyền giáo chế ngự dư luận đến đâu !
Tin chắc vào sự cực kỳ suy yếu của triều đình Huế, ở Bắc kỳ đô đốc Dupré chỉ chờ một cớ nào đó là tác thành hành động , cớ đó đến không chậm, ở ngay nhà buôn Pháp Jean Du Puis.
Cao Huy Thuần
Còn nữa...
CHÚ THÍCH
*** phụ đề của người đánh máy
[1] - J. Chesneaux dẫn , sđd tr 85
[2] - Y đã cầu cứu quân nhà Thanh can thiệp để chống lại Nguyễn Huệ
[3] - J.Chesneaux , sđd tr 50
[4] - Văn thư về Nam kỳ , Thư khố Bộ ngoại giao . Hồi ký và tài liệu Châu Á 27 , Đông dương 1 (1807-1861)
[5] - Văn thư 8-9-1857 gửi cho Thượng thư , Thư khố quốc gia ( tài sản hải quân) BB4 752.
[6] - Louvet , sđd tr 2
[7] - Văn thư về Nam ky , sđd
[8] - Rheinart gở Đô đốc Dupré , 14-4-1874 , Thư khố trung ương Đông Dương . Đô đốc 13.056, số 4
[9] - Văn thư Đô đốc gửiThượng thư Bộ Ngoại giao
[10] - Ma cao 31-12-1855 , thư khố Bộ ngoại giao , trung quốc, 1855-56 tập 17
[11] - Thư của Giám mục Retord gửi cho quận công Kleczkowsky, ghi chép vào văn thư 4-10-1857 của Đô đốc Rigault , thư khố quốc gia, (tài sản hải quân)BB4 852
[12] - Xem văn thư của y ngày 16-5-1859, Thư khố quốc gia (tài sản hải quân) bb4 769 “..vì thế có lẽ rất lợi khi chiếm một điểm ở Bắc kỳ với hy vọng gây nên một cuộc nổi dậy quan trọng, nhưng phải để những tàu nào ở lại nơi chiếm đóng mà không bị ở trạng thái bất động”
[13] - Đối chiếu những văn thư của các linh mục Minh, Bình, Thái, Khoa gửi Đô đốc Charner, Linh mục Minh đại diện cho giáo đoàn của giám mục Gautier, người đại diện tòa thánh ở Bắc kỳ, viết : “….Tôi tin rằng dù thế nào vua An Nam cũng không chịu hòa bình. Và quả thật sự tin tưởng này đã được chứng nghiệm và một chỉ dụ mới đây kêu gọi những người khôn khéo và nhắc nhở các quan nổi tiếng chống lại người Âu…về việc tiếp tục cuộc viễn chinh, tôi nghỉ rằng nếu đem chiến tranh ra các tỉnh bắc kỳ thì phải làm gấp, vì hiện có nhiều người chuẩn bị giữ các nơi chiếm đóng. Còn nếu ở đang Nam kỳ thì không ai đến giúp ngài những gì mà thực hiện, và vì thế mọi việc lại kéo dài, các con chiên lại thêm đau khổ” ( Thư khố quốc gia – tài sản hải quân- BB4 788) các linh mục khác cũng đã viết như vậy.
[14] - Ví dụ đối chiếu với : thư giám mục Puginier gửi Đô đốc Ohier 23-6- 1869
“ Croc “ 14-5-1868
“ Sohier “ 4-7-1868
“ Gauthier gửi Đô đốc Dupré 12-2-1873 và 19-2-1873 ..v.v..
[15] - Bá cáo của Hạm trưởng Senez về chuyến ra khơi của tàu Bourayne từ Sài gòn ra Bắc kỳ ,16-2-1872 . Thư khố Bộ hải quân BB4 964