Thế nào là bảy Giác chi ?
Thất giác chi (Saptabodhyanga) là bảy chi phần (yếu tố) của giác ngộ, hay nói khác đi là bảy yếu tố của đời sống hạnh phúc-giải thoát, bao gồm:
a/ trí tuệ phân biệt trong sự vận hành của thân-tâm;
b/ tinh tấn; c/ hoan hỷ;
d/ khinh an (an lạc);
e/ chánh niệm (tỉnh giác);
f/ định;
g/ xả (không chấp trước).
Nếu bạn phát triển bảy yếu tố này đến mức hoàn hảo, bạn sẽ đạt đến sự tịnh lạc của đời sống giác ngộ giải thoát.
Thế nào là tám Chánh đạo ?
Tám Chánh đạo nói cho đúng là con đường Thánh đạo có tám nhánh (chi phần), bao gồm:
a/ chánh kiến (quan điểm hay cái nhìn đúng chân lý, sự thật);
b/ chánh tư duy (tư duy như chân chính đưa đến hành động thiện, an lạc);
c/ chánh ngữ (nói năng như chánh pháp);
d/ chánh nghiệp (làm các việc lành);
e/ chánh mạng (đời sống chân chính, lương thiện);
f/ chánh tinh tấn (siêng năng tu tập giới, định, tuệ);
g/ chánh niệm (tỉnh giác);
h/ chánh định (định đưa đến sự xa lìa tham, sân, si, chấp ngã/pháp .v.v.).
Con đường Thánh đạo tám nhánh này là phương châm tu tập của nếp sống Phật giáo. Mỗi chi phần bổ sung cho nhau. Bạn có thể chia tám chi phần theo khuôn mẫu của giới, định, tuệ như sau: giới (chánh ngữ, chánh nghiệp, và chánh mạng), định (chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định), và tuệ (chánh kiến, chánh tư duy). Lý do, chữ chánh (right) đứng trước các chi phần là để giúp chúng ta phân biệt giữa chánh và tà, như chánh kiến (không chấp ngã) khác với tà kiến (chấp ngã); hay, chánh mạng (đời sống lương thiện) khác với tà mạng (đời sống xấu ác).
Ngoài những giáo lý trên, có những chỉ dẫn tu tập nào đơn giản và dễ nhớ nhất hay không ?
Chỉ dẫn đơn giản và dễ nhất được Đức Phật dạy qua bài kệ sau đây:
Không làm các việc ác,
Làm các việc lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Là lời chư Phật dạy.
Khải Thiên