Mấy hôm nay, từ khi Nhà nước thông báo Quốc tang về sự ra đi của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người bạn, người anh, người đồng chí kính mến và vô cùng thân thiết của đồng bào Việt Bắc, người dân ở khắp mọi nơi của Thái Nguyên mà đặc biệt là đồng bào vùng ATK Định Hoá đều đến khu di tích lịch sử nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng ở, làm việc và chỉ đạo kháng chiến thời kỳ chống thực dân Pháp tại xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh thành tâm thắp nén tâm hương tưởng nhớ tới Đại Tướng của mình.
|
Căn lán nhỏ - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng ở, làm việc trong những ngày qua có rất nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến thắp hương, tưởng nhớ Đại tướng
|
Tại căn lán nhỏ, ngay sau khi biết tin Đại tướng qua đời, thể theo nguyện vọng của đồng bào các dân tộc vùng ATK, chính quyền địa phương đã lập bàn thờ, rước di ảnh của Đại tướng để bà con nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận không có điều kiện về Hà Nội để viếng Đại tướng được đến đây - nơi thủ đô 9 năm kháng chiến Đại Tướng đã gắn bó, coi như quê hương thứ 2 của mình để được nghiêng mình trước anh linh và tiễn biệt Người.
ATK - địa phương nơi có nhiều địa điểm di tích lịch sử ghi dấu suốt quãng đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, những ngày qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân nơi đây đã tổ chức nhiều hoạt động tu sửa chỉnh trang lán ở và làm việc của Đại tướng cũng như những điểm di tích khác có liên quan đến Đại tướng để tạo điều kiện thuận lợi nhất đón tiếp đồng bào trở về đây thăm viếng.
Còn tại Chùa Đán - ngôi chùa nằm cách trung tâm Thành phố Thái Nguyên 5 km về phía Tây, thuộc xóm Chùa, phường Thịnh Đán cũng là nơi có rất đông tăng ni, phật tử về thắp hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngôi Chùa này là địa điểm tập kết của Quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy để sáng sớm 20/8/1945 tiến đánh phát xít Nhật, giải phóng tỉnh lỵ Thái Nguyên.
|
Lễ cầu siêu cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử hành trang nghiêm vào sáng nay 08/10 tại Chùa Đán - TP Thái Nguyên |
53 năm sau đó, ngày 13/8/1998, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về thăm cán bộ, nhân dân phường Thịnh Đán. Đại tướng đã trồng cây Đa tại nơi đây và kể chuyện lịch sử cho cán bộ, nhân dân về những ngày chiến đấu chống quân Nhật ở Thái Nguyên năm 1945. Bấy nhiêu sự kiện lịch sử là bấy nhiêu kỷ niệm gắn bó máu thịt với Đất và Người nơi đây. Hay tin Đại tướng từ trần, từ trong tâm niệm của mỗi người dân đều muốn tỏ lòng thành kính với Đại tướng bằng những việc làm cụ thể.
Ông Nguyễn Đức Cường - Bí thư Đảng uỷ Phường Thịnh Đán cho biết: "Xuất phát tử tâm nguyện của phật tử và người dân trong vùng, chúng tôi đã có chủ trương phối hợp với Nhà Chùa thực hiện việc làm ý nghĩa này. Chúng tôi cho rằng, đây là hoạt động thiết thực nhất, ý nghĩa nhân văn nhất để tỏ lòng thành kính tới đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hơn nữa, đây sẽ là nền tảng, là động lực để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau mãi mãi tự hào về một Thái Nguyên anh hùng, nơi đó có Chùa Đán và hình ảnh Đại tướng sẽ mãi không phai mờ".
|
Nhiều tăng ni, phật tử đã không nén nổi sự xúc động trước sự ra đi của Đại tướng, đặc biệt khi được tham gia Lễ rước di ảnh Đại tướng sáng nay tại Chùa Đán |
Ngay từ sáng sớm, đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương, đông đảo các cựu chiến binh, hàng trăm tăng ni, phật tử đã có mặt tại Chùa Đán để cùng tham dự buổi lễ. Lễ cầu siêu cho Đại tướng được diễn ra trang nghiêm, cung kính với sự tham gia của các Đại đức trụ trì các Chùa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Mỗi người một tâm trạng, nhưng tất cả đều hướng về Đại tướng với lòng thành kính sâu sắc nhất.
Là một trong những người dân may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyễn Giáp khi Ông về thăm nhân dân phường Thịnh Đán năm 1998, ông Nguyễn Xuân Dẻo bùi ngùi: “Buổi lễ hôm nay được tổ chức đã thoả lòng mong mỏi không chỉ của người dân Thịnh Đán, mà đó là mong muốn của toàn thể nhân dân Thái Nguyên. Đại tướng đã đi xa theo bước Bác Hồ và các bậc hiền tài của đất nước, nhưng Đại tướng vẫn sống mãi trong lòng đồng bào, chiến sĩ. Ông không chỉ là vị Đại tướng của quân đội mà còn là Đại tướng của nhân dân. Đại tướng mất đi, nhưng tấm lòng ấy mãi mãi trường tồn, trở thành điểm tựa tinh thần tiếp sức cho mỗi chúng ta trong hành trình vì quốc thái dân an”.
Sau lễ cầu siêu Nhà Chùa cùng tăng ni, phật tử và nhân dân trong vùng đã tiến hành Lễ rước di ảnh Đại tướng từ Ngôi Tam bảo Chùa Đán lên Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nằm trong khuôn viên Nhà chùa. Tại đây, phật tử và nhân dân có thể về thắp hương tưởng nhớ Đại tướng nếu như những ngày này không có điều kiện về với Thủ đô Hà Nội viếng thăm Người. Theo Ban Quản lý di tích Chùa Đán, lễ viếng Đại tướng sẽ diễn ra từ 9h ngày 08/10 đến 17h ngày 13/10/2013.
Tác giả: Mạnh Nghịnh - Thu Hương/Nguồn: Thainguyentv.vn