Nhắc đến sự kiện Bồ tát Quảng Đức tự thiêu, là nhắc đến sự bao dung
cao cả, là nhắc đến cái đẹp của cuộc đấu tranh Bất Bạo Động và là nhắc đến một
giai đoạn chí Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi của Phật giáo Việt Nam được thể hiện
rõ nét nhất.
Hôm rời Nữu Ước về Stpokholm, tôi gặp một nữ bác sĩ người Hoa Kỳ cùng đi
một chuyến máy bay. Bà hỏi tôi rất nhiều chuyện về Việt Nam. Bà rất tán thán
quan điểm của những cuộc vận động chầm dứt chiến tranh tại Việt Nam nhưng bà cực
lực phản đối việc tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức.
Theo bà chỉ có những người tâm trí không bình thường mới đi làm cái công
việc tự thiêu ấy. Bà cho sự tự thiêu là dã man, là bạo động, là cuồng tín, là mờ
ám, là mất thăng bằng.
Dù tôi đã nói hết lời cho bà biết (…), bà cũng không tin. Tôi đành im
lặng vì biết rằng bà không thể hiểu. Bà không thể hiểu, không phải là bà không
muốn hiểu hoặc không có khả năng để hiểu. Bà không thể hiểu vì bà chỉ có thể ở
một quan điểm khác để nhìn, thế thôi…(1).
Trên là những dòng của Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh viết trong “HOA SEN BIỂN
LỬA “ năm 1965. Chưa đầy hai năm sau sự kiện Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu.
Người viết bài này xin mạn phép mượn dùng làm đoạn mở đầu để để cập đến một
vấn đề, không chỉ với vị nữ bác sĩ người Hoa Kỳ Hòa Thượng Nhất Hạnh đã gặp lúc
ấy, mà mãi cho đến hôm nay – thế kỷ 21 – 48 năm, non một nửa thế kỷ, những cái
nhìn, cái hiểu ấy vẫn còn tồn tại trong một bộ phận vốn từ lâu không thiện cảm
lắm với Phật giáo.
Có khác chăng là những cái nhìn, cái hiểu ấy từ nơi những người Việt Nam
chính hiệu chứ không còn là của vị nữ bác sĩ người phương tây nữa. Cũng có thể,
vị nữ bác sĩ nọ giờ đây đã thay đổi quan điểm và góc nhìn của mình, nhưng tự
thân câu chuyện thì vẫn còn dai dẳng, và tất nhiên nó tồn tại được từ nơi những
người thiếu thiện cảm với Phật Giáo kia.
Đáng buồn hơn họ đã dùng những hình ảnh đó để đi tuyên truyền, chiêu dụ tín
đồ một cách không hổ thẹn.
Bốn mươi tám năm trôi qua, thời gian của hơn phân nữa tuổi thọ đời ngưởi,
tính theo tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay.
Ngày ấy, nhà tôi ven sông Sài Gòn, cả một vùng bến nước cũng xôn xao. Không
phải thủy triều lên xuống hay do sóng vỗ đôi bời mà chính do cơn bão táp trần ai
đang phủ chụp lên thân phận Phật giáo Việt Nam.
Với một chú bé mới bảy, tám tuổi đầu, những gì đang diễn ra hằng ngày ở bờ
sông bên kia – tức nội thành, có tiếng súng, có người ngã gục, máu và nước mắt
v…v.. đã quá sức nhận thức đầy đủ hay tường tận mục kích những cái nghiệt ngã vô
tiền khoáng hậu của Phật giáo Việt Nam thời đại văn minh tiến bộ.
Nhưng những điều trước mắt, gần gũi, tôi đã thấy và hiểu được. Đó là những
nỗi lo sợ của gia đình, nét mặt hốt hoảng của Bà tôi khi phải ngậm ngùi đem bàn
Phật vô buồng ngủ mà thờ!
Đốt nhang phải lén lút, nói chi đến bàn thờ Ông Thiên ngoài sân. Các Đạo
hữu từng đi chùa chung với Bà mọi khi, dù là háng xóm khít bên ai cũng tự lo bảo
vệ lấy thân, không còn dám liên lạc với nhau, và tôi đã phải nhận hai cái bạt
tay – sức mạnh của tất cả mọi lo âu đó – do đã khóc hoài bởi không còn được Bà
dắt đi lễ chùa như mọi bữa.
Đường ven sông, chỉ độc đạo một lối đi về, khu vực ngang một thánh đường và
gần một đồn bót cảnh sát; gậy gộc, hàng rào kẻm gai được chặn ngang!
Nào ai dám bước qua để đến chùa, về với Phật và về với cội rễ con Hồng cháu
Lạc! Tất cả những hình ảnh đó, cho đến cuối cuộc đời khó có thể phai mờ trong
tâm trí tôi.
Và chính những hình ảnh đó thôi thúc tôi tiếp cận với đạo Phật một cách
mãnh liệt hơn theo từng độ tuổi lớn lên.
Cộng vào đây còn có một nhân tố nữa. Suốt cả một quãng đời tuổi thơ, tôi
“được” học trong một ngôi trường tôn giáo ở địa phương. Từ Mẫu giáo cho đến hết
lớp nhất bậc tiểu học. Nơi đó tôi không được dạy một tầm nhìn mỹ cảm tốt đẹp về
một nhà truyền giáo đứng đắn, một nhà mô phạm đúng nghĩa, và đặc biết một tinh
thần thượng tôn dân tộc (một vị nữ tu – một vị giáo viên và một người Việt
Nam máu đỏ da vàng).
Người ta gọi những học sinh không cùng tín ngưỡng với họ là “mấy
người”. Hằng ngày, người ta không cần phải ngại ngùng “dạy” rằng: ông
Phật của mấy người là kẻ phàm tục nên mới để lại xương cốt, dấu vết (các
Xá Lợi được tìm thấy và các di tích khảo cổ Phật giáo).
Lần khác thì dạy rằng (nguyên văn): Ông Phật của mấy người là
bịa đặt, không có thật trong lịch sử (sic).Mấy tấm hình xanh đỏ cha mẹ mấy người
thờ lạy ở nhà do tưởng tượng ra rồi vẽ lên mà thờ. Cái bông sen có chút xíu như
vầy (chúm bàn tay lại và giơ lên), mấy người ra chợ mua một ký thịt bò để
lên xem có bẹp dúm hông, huống hồ cái thây ông Phật (sic) chần dần (dang hai
cánh tay thẳng ra) ngồi lên đó!
Với những đứa thuộc thành phần mấy người có lỡ đóng tiền học phí
chậm, hoặc tiếp thu bài vở chểnh mãng thì bị cho là “như ông Bụt,
Đui-Điếc-Câm cả lũ”. (Người ta cũng không ngại ngần chạm đến cổ tích rồi
đấy).
Khó lòng tưởng tượng hơn, khi nhắc đến cuộc xuống đường của Tăng Ni tín đồ
Phật giáo năm 1963, người ta nói rằng “Có mấy ông sư, sợ cảnh sát, bị rượt
chạy, chạy rới cái áo cà sa, còn cái quần tà lỏn mà hổng hay…”.
Xin được nhắc lại, toàn bộ giáo viên trường tiểu học này đều là nữ
tu.
Với những quan điểm – góc nhìn và giọng ngữ đó, khiến chúng ta nhớ
lại bà Trần Lệ Xuân, phu nhân cố vấn Ngô Đình Nhu. Như được bật đèn xanh bởi
chồng mình khi ông “Nhu công khai công khai phát biểu những điều trâng tráo
đến kinh tởm, đề nghị cung cấp xăng và diêm quẹt cho những vụ tự thiêu khác.
Trong một buổi phỏng vấn có thu hình, bà Trần Lệ Xuân tuyên bố một cách lố bịch
rằng sự hy sinh đầu tiên lẽ ra đã hiệu quả hơn nếu các tín đồ Phật giáo dùng
xăng trong nước thay vì xăng nhập khầu. Về sau bà còn phát biểu về những vụ tự
thiêu tiếp theo như “món thầy chùa nướng” và “Cứ để họ tự thiêu, chúng ta
sẽ vỗ tay”(2).
Ai cũng rõ “tin tức về vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã lan
nhanh khắp nước Việt Nam, nhưng có một chuyện khác không được dự đoán trước đã
xảy ra: Tin tức cũng đã lan nhanh khắp thế giới.
Vào những ngày này, Việt Nam là mảnh đất béo bở của các nhà báo, phóng
viên ảnh, nhân viên điện tín. Đối với nghề nhà báo, đây quả là tin sốt dẻo.
Ngay sau ngày Hòa Thượng Quảng Đức tự thiêu, những bức hình về sự kiện
này xuất hiện trên các trang nhất các tờ báo lớn trên khắp thế giới, bên cạnh
những bài viết lý giải nguyên nhân của thảm kịch.
Cả thế giới bị sốc, và tổng thống Hoa Kỳ J.F.Kenedy cũng vậy. Quả thật,
chỉ qua một đêm cả thế giới nhận ra Hoa Kỳ chỉ là kẻ vô tích sự, đã chọn dúng
một tên bạo chúa để hà hơi tiếp sức, một kẻ không khác gì Hitles?
Việc ủng hộ một người công giáo cuồng tín, cứ tập trung khủng bố những
người theo tôn giáo khác đã khiến Kenedy trở thành miếng mồi ngon trước miệng hổ
đói trong kỳ bầu cử vào tháng 11.1964”(2a).
Kenedy hoang mang đến cực điểm ngây ngô khi sáng hôm ấy (12/6/1963) ông họp
khẩn cấp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, mà câu đầu tiên phá vỡ tiền lệ khai mạc bằng
câu hỏi “Phật giáo là cái gì?”!
Ngọn lửa Bồ Tát Quảng Đức ít ra cũng làm cho vị Tổng thống Hoa Kỳ lần đầu
tiên trong đời được nghe và biết đến hai từ “Phật giáo”.
Rõ ràng, các thế lực xâm lược nước ta, họ không cần biết nơi đó có truyền
thống, lịch sử và đời sống tâm linh, văn hóa ra sao, nơi mà hai đời họ tộc nhà
Ngô Đình (Tổ phụ của Ngô Đình Khả) trước đó cũng đã từng sống chan hòa trong cội
nguồn dân tộc, từng biết thắp nhang thành kính tưởng nhớ Tổ Tiên.
Và Phật giáo, vâng, chính Phật giáo bằng bề dày của lịch sử hai ngàn năm đã
un đúc nên truyền thống, phong tục và văn hóa ấy cho dân tộc qua bao nhiêu thăng
trầm vinh nhục cùng đất nước.
Vì vậy, cho mãi đến ngày nay, Phật giáo Việt Nam luôn tự hào và luôn nói –
nói những điều mình có, đó là Đạo Pháp - Dân Tộc! Đó cũng là câu trả lời
cho mộ vị giáo sư Sài gòn từng phát biểu trong cuối thập niên 60 thế kỷ trước
rằng “Không thể dùng tính từ dân tộc để chống lại người Việt Nam(sic), bất
luận thuộc khuynh hướng nào. Chỉ có một trường hợp sử dụng chính đáng tính từ
dân tộc là trường hợp chống thống trị ngoại bang mà thôi”.
Với lịch sử, Phật giáo Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục và còn xuất sắc hơn thế
nữa, để cho các thế lực, khuynh hướng khác noi theo. Vẫn chỉ là
con đường Phật giáo Việt nam đã và đang đi ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC hơn hai
ngàn năm qua, không hề thay đổi hay xét lại.
Đó là một vấn đề lớn, rất lớn, đóng vai trò quan trọng trong Pháp nạn năm
63 mà không nghe vị nữ bác sĩ người Hoa Kỳ, vị giáo viên tiểu học của tôi và vị
giáo sư vừa nêu đưa ra để làm mấu chốt cho câu chuyện.
Đó là chưa nói đến giá trị một tôn giáo lớn ở Việt Nam như vậy mà phải chịu
khép mình khiêm nhường trong Dụ số 10 (1950) từ thuở Ngô Đình Diệm còn là thủ
tướng; bị cho là một Hội đoàn cỏn con không hơn không kém và cầm phải
kiểm soát gắt gao hơn.
Cũng vậy, đó còn là chưa nói đến “Hệ tư tưởng của Đảng Cần lao và của
phong trào cách mạng quốc gia là thuyết Nhân vị. Chỉ có một trường đào tạo duy
nhất là “Trung Tâm Đào tạo nhân Vị” do người anh cả của Tổng thống là
Tổng Giám Mục địa phận Vĩnh Long Ngô Đình Thục sáng lập.
Là công giáo hay không, không cần biết, tất cả công chức đều phải trải
qua một khóa học tập ít nhất là một tháng tại đó. Các lớp học đều do các linh
mục đảm nhiệm, nhồi nhét những khái niệm về nhân bản con người được Thiên Chúa
sáng tạo,giảng về những lầm lạc của Phật giáo, Khổng giáo. Về các tội ác của
Cộng sản…”(3).
Do vậy mà từ sau ngọn lửa của Bồ tát Quảng Đức bùng cháy, Mỹ lo sợ trước
tiên, “Mỹ sợ rằng Diệm-Nhu sẽ phạm thêm sai lầm sau khi đã biến lễ Phật Đản
ngày 8.5.1963 trước đó thành thảm kịch đẩm máu bởi lệnh cấm treo cờ Phật giáo ở
nơi công cộng theo ý của Thục, lúc đó là Tổng Giám Mục Huế.
Làm sao cấm treo cờ Phật giáo trong khi đã từng cho treo cờ Tòa thánh
Vatican ở nhiều nơi công cộng? Trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng đó, Mỹ sợ rằng lễ
cầu hồn cho cố Giáo hoàng John XXIII sẽ bị Diệm mù quáng biến thành một quốc lễ,
và điều này sẽ càng đổ thêm dầu vào lửa.
Mỹ có lý do để sợ Diệm làm điều càn dỡ đó, do lẽ ‘Từ tháng ba, một ủy
ban ngân khánh đã được thành lập do chủ tịch quốc hội làm chủ tịch với nhiều vị
bộ trưởng và nhân vật tên tuổi làm ủy viên. Người ta tổ chức tại Sài gòn một bữa
tiệc mà mỗi thực khách phải đóng 5.000 đồng (tương đương nửa lượng vàng vào thời
điểm đó - CT:TTCN). Người ta muốn biến lễ ngân khánh này thành quốc lễ
“(3a).
Bộ Ngoại giao Mỹ cụ thể nỗi lo của mình bằng điện tín ngày 8.6.63 gởi Tòa
Đại Sứ Mỹ tại Sài gòn rằng: “Một,đích thân đại sứ hoặc khâm sứ Tòa Thánh
Vatican tại Việt Nam khuyến cáo chính phủ Việt Nam tránh cử hành lễ tưởng niệm
chính thức Giáo HoàngJohn XXIII (vừa qua đời hôm 3.6.1963). Hai, Cần khuyến cáo
chính phủ Việt Nam tạm thời hãy bớt công khai tuyên truyền cho thuyết nhân vị để
tránh việc dân chúng đồng hóa thuyết nhân vị với công giáo”.
Sự việc sáng tỏ dần khi vở kịch sắp hạ màn. Đó là lúc một điện tín khác của
Tòa Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam gởi bộ ngoại giao lúc 6 giờ tối ngày 31.8.1963 với
nội dung “Bà Nhu cần rời khỏi đất nước này. Nên giới hạn chức trách của Nhu
trong chương trình ấp chiến lược. Tổng giám mục Thục cần rời khỏi đất nước
(stop)”(3b).Sau khi bàn bạc với Vatican, vào lúc 10 giờ 48 phút tối hôm ấy, Bộ
ngoại giao gởi điện tín cho Tòa Đại sứ tại Việt Nam nội dung ngắn gọn: “Đại sứ
có nghĩ rằng việc chúng ta ra sức yêu cầu Vatican gọi Tổng giám Mục Thục qua La
Mã để tham khảo lâu dài là hữu ích?”(3c).
Trên đây là một ít tư liệu lịch sử của chính nước Mỹ vừa được giải mã. Điều
này xét ở góc độ -quan điểm – tầm nhìn của vị nữ bác sĩ người Hoa Kỳ kia,
vị giáo viên tiểu học của tôi và vị giáo sư nọ, có khác và có khó hiểu lắm
chăng?
Trên cơ sở những liệu ấy, chúng ta thấy rằng Pháp nạn năm 63 là một nỗi đau
chua chát, nếu không muốn nói là một sự sỉ nhục đối với Phật giáo Việt Nam. Vậy
thì ngọn lửa Bồ Tát Quảng Đức và chư Thánh tử đạo có phải “tiêu cực”-“không
bình thường” và có xứng đáng phải hy sinh,và hy sinh bằng cách đó
không?
Hay là góc độ - quan điểm – tầm nhìn ấy muốn Phật giáo Việt Nam lẽ
ra phải đấu tranh tích cực bằng cách dàn trận với súng đạn, gươm đao, có
chém giết đầy máu đổ mới là bình thường?
Tinh thần hy sinh cao cả của Bồ Tát Quảng Đức dựa trên nền tảng đấu tranh
Bất Bạo Động . “Hãy bồi dưỡng lòng can đảm, bình tĩnh đón nhận cái
chết, và nếu cần, chết về tay anh em mình, nhưng không bao giờ giết lại anh
em…
Tình yêu không thiêu đốt kẻ khác mà chỉ thiêu đốt chính nó, chịu đựng
một cách vui vẻ ngay cả cái chết (…)
Sự chống đối bất bạo động không phải dựa vào những bắp thịt rắn chắc,
những khí giới tàn phá, những hơi độc và hóa chất giết người mà dự vào tinh thần
đạo đức dũng cảm, sự tự chủ vào niềm tin vững chắc rằng trong mỗi con người, dù
có tàn bạo đến đâu đi nữa, dù có mang mối tư thù thâm độc biết mấy đi nữa, đều
có một ngọn lửa của lòng nhân hậu, của tình yêu công lý, của niềm tôn trọng điều
thiện và lẽ thật mà bất cứ ai biết sử dụng những phương pháp thích đáng đều có
thể làm cho ngọn lửa ấy bùng cháy”(4).
Như vậy ngọn lửa của Bồ tát Quảng Đức đều được hiểu theo nghĩa đen và nghĩa
bóng. Do vậy không có sự thù hận mà chỉ có lòng bao dung quảng đại, chan hòa
khắp tất cả.
Lá thư Tâm Huyết và nhiều bài kệ để lại của Bồ tát Quảng Đức trước lúc tự
thiêu, không hề có một dòng chữ oán hận thế lực đàn áp, chỉ cầu xin chư Phật gia
hộ cho họ. Tiêu nhất có thể nói đến bài kệ sau :
Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình
Làm đèn soi sáng nẻo vô minh
Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác
Tro trắng phẳng san hố bất bình.
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 48 năm Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu. Đó đây vẫn còn
vài thành kiến không thiện cảm, dùng kiến thức thực dụng đánh giá, thậm chí xúc
phạm và bẻ cong lịch sử.
Điều này một phần lỗi nằm về phía chúng ta đã buông xuôi sự kiện trong
chính ý niệm bao dung mà lẽ ra phải tách bạch giữa ý nghĩa sự kiện và ý nghĩa
lịch sử.
Với trách nhiệm cho thế hệ mai sau, chúng ta cần nên nhắc lại nhiều hơn
nữa; nhắc lại không vì mục đích đào sâu ranh giới thù hận, rẽ chia bởi tự thân
công cuộc đấu tranh năm 1963 của Phật giáo Việt Nam vốn không xuất phát từ thù
hận rẽ chia.
Việc các thế lực chính trị, quyền bính xâu xé nhau, lật đổ, đảo chính, hay
“thay ngựa giữa dòng” v.v… đó là việc của thế gian, những khuynh hướng
tùy theo khái niệm chính trị mà nhận định khác nhau, bổ sung sử sách với những
nét mực đậm nhạt khác nhau.
Còn Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu, hoàn toàn đứng ngoài các thế lực ấy, các thế
lực của thế gian sự. Ngài tự thiêu chỉ với mục đích duy nhất là cứu nguy đạo
pháp đang hồi nghiêng ngửa, nguy vong.
Chính vì giá trị cao đẹp của việc làm ấy mà sự kiện Bồ tát Quảng Đức tự
thiêu lại có sức cuốn hút và ảnh hưởng đến tất cả mọi thế lực chính trị đương
thời.
Cho nên, nhắc đến sự kiện Bồ tát Quảng Đức tự thiêu, là nhắc đến sự bao
dung cao cả, là nhắc đến cái đẹp của cuộc đấu tranh Bất Bạo Động và là
nhắc đến một giai đoạn chí Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi của Phật giáo
Việt Nam được thể hiện rõ nét nhất.
Một ý nghĩa cao cả khác cũng cần được nhắc đền là sự tự thiêu của Bồ Tát
Quảng Đức và cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam năm 1963 là không chỉ vì tôn
giáo mình mà là cuộc đấu tranh đói quyền bình đẳng tôn giáo, mặc
dù vẫn trong tư thế là một “Đạo Phật từ khi du nhập đã trở thành một tôn giáo
của dân tộc”(5).
Lịch sử từng chứng minh điều này và quá khứ đã cho chúng ta thấy, ở những
quốc độ Phật giáo là đại đa số, các tín ngưỡng khác rất dễ dàng đến và truyền bá
hơn là ngược lại, chứ không riêng gì ở Việt Nam chúng ta.
Nhắc đến sự kiện Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu là tự khẳng định trách nhiệm
cũng như tự tôn trọng chính mình, một thế hệ biết trân trọng lịch sử và truyền
thống dân tộc. Tất cả đều hòa vào một dòng chảy chung như môi hở răng
lạnh.
Trách nhiệm và lòng tự trọng ấy được đào luyện qua bao biến thiên của dân
tộc và đạo pháp, nhất là lịch sử thời cận đại, với hai cuộc xâm lược, thống trị
của ngoại bang.
Người ta làm tất cả để đẩy Phật giao vào thế lụi tàn ngay trên đất nước
này. May mắn thay đã có chư tôn đức tài ba dũng mãnh, đứng lên dấy động phong
trào Chấn hưng Phật giáo, làm sửng sốt, bàng hoàng các thế lực u minh đen
tối thời bấy giờ.
Đây có thể xem là một cuộc Đại cách mạng của Phật giáo làm trong
sạch nội bộ, để từ đó dùng chính sức mạnh nội bộ đối kháng với các thế lực âm
mưu của thực dân.
Đến ngọn lửa Bồ Tát Quảng Đức, cùng mang ý nghĩa một cuộc Đại cách
mạng nhưng lần này mục tiêu hướng ra bên ngoài và mang tính quyết liệt hơn.
Bởi lẽ đây là giai đoạn chín muồi của phong trào độc lập dân tộc trên toàn thế
giới, từng bước đó đây xô dạt thế lực thống trị.
Trong thời đất nước điêu linh, Phật giáo cũng chung cùng số phận, những mưu
mô xảo quyệt, những đàn áp trắng trợn luôn phủ chụp lên thân phận Phật giáo Việt
Nam tội nghiệp. Người ta cho rằng quyền hành xâm lược, cai trị đất nước một khi
trụ vững, nhờ vào các thế lực ngoại bang khác nữa thì còn lại, Phật giáo không
có gì đáng ngại! Đơn giản Phật giáo không có giáo quyền thế giới, các tổ chức
Phật giáo thế giới, nếu có chỉ mang ý nghĩa tập hợp, không mang màu sắc chính
trị hoặc ngang bằng các thế lực cai trị thế gian.
Và một điều nữa, các thế lực thực dân đều là những nước giàu có ở Âu – Mỹ,
có chân trong các tổ chức lớn mang tầm vóc quốc tế, và cuối cùng là tất cả họ
đều không cùng tín ngưỡng đông phương.
Và ngọn lửa Bồ Tát Quảng Đức bùng lên!
Giá trị và ý nghĩa của ngọn lửa Bồ Tát Quảng Đức đã được nhìn nhận, vượt
lên trên sự dè dặt, tránh né mà có thời gian sự kiện này bị cho là chuyện tế
nhị! Ngày nay, vẫn còn một bộ phận, nhất là thế hệ trẻ, vẫn không biết rằng
nơi một ngã tư trong thành phố này từng có một ngọn lửa Bi Hùng Lực và
Bất Bạo Động đã bùng lên.
Sự kiện mà người Phật tử gọi là Pháp Nạn – cái nạn của đạo pháp thời
đại văn minh khoa học. Thế mới thấy sự hy sinh cao cả của chư thánh tử đạo, đặc
biệt với ngọn lửa Bồ Tát Quảng Đức là cực kỳ vĩ đại, nói lên rất nhiều điều về
Phật giáo Việt Nam với kẻ hậu sinh nào đó còn lang thang trước nhiều ngã ba
đường.
Trong căn nhà nhỏ hẹp của tôi, trước khi có bàn thờ Phật đã có ảnh Bồ tát
Quảng Đức tự thiêu, trang trọng treo giữa nhà.
Bốn mươi tám năm tròn, còn đó một trái tim.
(Trích Tham Luận Hội Thảo Bồ tát Quảng Đức)
Tác giả: Dương Kinh Thành
Chú Thích:
1) Hoa Sen Biển Lửa – Nhất Hạnh – Ban Phật Tử
Việt Kiều hải ngoại Paris xuát bản lần thứ 4,1966.
2) Tài liệu giải mật của “Vụ Sử Học” Bộ
Ngoại Giao Mỹ công bố mang tựa đề “Foreign Relations of the United States,
19631-1963, VIỆTNAM” (viết tắt là FRUS).
- Báo TTCN từ số 32/2003 đến 43/2003.
- NXB Công An Nhân Dân 2003 dịch từ tài liệu lưu trữ
giải mật của CIA-FBI-tác giả Bradley S.O leary & Edward Lee.
- TT từ 23/4/2003 đến 3o/4/2003.
- Về chi tiết Bà Ngô Đình Nhu sống ở La Mã , tác giả
Bradly S.O leary và Edward Lee viết như sau :”Khi Diệm và Nhu chết trong cuộc
đảo chính, bà Nhu làm rùm beng với báo chí Mỹ,nhưng lúc đó chẵng còn ai quan tâm
nữa. Ít lâu sau bà ta bị trục xuất khỏi Mỹ,để lại nhiều hóa đơn khổng lồ chưa
thanh toán tại khách sạn Beverly Wilshire. Bà qua Paris, rồi sang Rome để sống
với các con ở đó, và suốt từ đó, bà ta im lặng một cách kỳ lạ về cái chết của
chồng và anh chồng, chỉ sống ẩn dật trong một biệt thự tối tăm mà người ta đồn
là thuộc sở hữu của Giáo hội Thiên Cvhu1a giáo L:a mã..”(TT ngày
24/4/2oo3)
2a ) Tài liệu đã dẫn (FRUS).
3) “Về Tổng Giám mục Ngô Đình Thục” – Báo TTCN
ngày 14/9/2003,Hữu Nghị dịch. Và trích từ “Thập Giá Và Lưởi Gươm” của LM Trần
Tam Tỉnh,NXB Sud Est Asic-Paris 1978.
3a) -3b)-3c) Tài liệu đã dẫn (FRUS).
4) Chiến tranh và Bất Bạo Động-
S.Radhakrisnan-NXB Hoa Muôn
Phương Saigon 1970.Quảng Độ dịch.