*********
PHẦN MỘT
TỔNG QUÁT TƯ TƯỞNG CỦA
NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
QUA 58 BẢN ĐIỀU TRẦN VÀ NHỮNG CA NGỢI
Có nhiều điều khó cho tôi lúc viết về Nguyễn Trường Tộ.
Thứ nhất: Nhiều thế hệ học sinh như tôi, lúc còn nhỏ được thầy cô dạy cho biết Nguyễn Trường Tộ là một nhà canh tân lớn. Nhưng rất tiếc triều đình vua Tự Đức vì hèn nhát, hẹp hòi và cố chấp nên đã không áp dụng những đề nghị của Nguyễn Trường Tộ, nên Việt Nam bị nghèo đói, chìm đắm nhiều thế kỷ và bị ngoại bang đô hộ. Lời dạy ấy vẫn ám ảnh mãi trong tôi và có lẽ một số lớn các học sinh khác cũng như vậy.
Thứ hai: Khoảng hơn 135 năm qua, hầu như chưa có một bài viết nào khá súc tích, của phía hoàng tộc, để minh oan hoặc ít nhất là nói lên quan điểm của mình về lời cáo buộc mà đa số những học sinh như tôi đã được dạy như trên.
Thứ ba: Theo sự liệt kê của Linh mục Trương Bá Cần, tác giả cuốn Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, xuất bản năm 1988 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thì có khoảng 60 tác giả viết về Nguyễn Trường Tộ. Trong số 60 tác giả này, có vị là thầy của những bậc thầy, số còn lại hầu hết là những nhà nghiên cứu đứng đắn với kiến thức sâu rộng. Tôi chưa có cơ hội đọc được nhiều bài trong số gần 100 bài của 60 tác giả nói trên. Nhưng nhìn các nhan đề của các bài viết, chúng ta có thể tiên đoán được, phần nào, về nội dung của chúng: Nguyễn Trường Tộ hầu như hoàn toàn được ca tụng hơn là bị phê phán, mặc dầu phần lớn các bậc lão thành này không hẳn có cùng một tín ngưỡng với Nguyễn Trường Tộ. Một trong những tác giả là Nguyễn Trọng Thuật trong bài Nguyễn Tràng Tộ trên lịch sử Việt Nam đăng trong Nam Phong Tạp Chí số 180 tháng 01/1933, gọi Nguyễn Trường Tộ là bậc vĩ nhân. Người kế tiếp là Từ Ngọc Nguyễn Lân trong cuốn Nguyễn Trường Tộ, xuất bản tại Huế, năm 1941, có những lời ca ngợi như sau: "Viết cuốn sách nhỏ này về Nguyễn Trường Tộ tiên sinh, tôi không dám có cao vọng khảo cứu tường tận về học thức tài hoa, sự nghiệp của bậc vĩ nhân đệ nhất của nước Nam. Một người như thế đáng cả quốc dân tôn sùng; tượng đồng bia đá, kể cũng còn là ít...".
Thứ tư: Giáo sư Chương Thâu, Phó Tiến sĩ Sử học thuộc Viện Sử học Hà Nội, có một bài viết về Nguyễn Trường Tộ, sâu sắc, đầy đủ và tầm cỡ nhất mà dưới đây tôi trích đăng để hầu độc giả:
"Cách đây 30 năm, khi mới về công tác tại khoa Sử học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi được các Giáo sư Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy hướng vào nghiên cứu Nguyễn Trường Tộ – nhà yêu nước, nhà cải cách lớn của lịch sử cận đại Việt Nam.
Bắt tay vào việc: sưu tầm, đọc, dịch văn bản, tìm hiểu con người và cuộc đời của Nguyễn Trường Tộ, tôi ngày càng bị hấp dẫn bởi hệ thống những tư tưởng cải cách tiến bộ, và trên hết cả là tấm lòng thiết tha vì nước, vì dân của ông. Sau đó, để đánh dấu cho bước đầu nghiên cứu Nguyễn Trường Tộ, vào năm 1961, tôi và anh Đặng Huy Vận (nay đã qua đời) cộng tác với nhau viết chuyên luận Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ cuối thế kỷ XIX (Chương Thâu – Đặng Huy Vận, NXB Hà Nội, 1961) nhằm bổ sung cho giáo trình lịch sử cận đại Việt Nam. Đề tài Nguyễn Trường Tộ cũng được đặt ra cho một số sinh viên khoa Sử làm khóa luận tốt nghiệp trong một số năm học...
Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975) thống nhất nước nhà, trong niềm vui chung của nhân dân cả nước, tôi có thêm một nguồn vui riêng: Vấn đề Nguyễn Trường Tộ có cơ may sẽ được nghiên cứu trên nhiều chiều kích chung hơn, rộng hơn.
Rồi một ngày đầu xuân năm 1976, tôi gặp anh Trương Bá Cần. Thật đúng là do cái duyên kỳ ngộ. Thuở còn đi học ở Pháp, năm 1962, anh đã gởi thư cho tôi theo địa chỉ của tác giả cuốn sách Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ cuối thế kỷ XIXđược lọt sang Paris hồi đó. Thư của anh hỏi tôi nhiều vấn đề liên quan đến Nguyễn Trường Tộ. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh tôi đã không đáp ứng được yêu cầu của anh.
Gặp anh Trương Bá Cần giữa thành phố Sài Gòn khi đã giải phóng, vui mừng khôn xiết. Tôi có thêm một người bạn là nhà Sử học để chia sẻ những nỗi niềm, những suy nghĩ về đề tài Nguyễn Trường Tộ bấy lâu nay hằng ôm ấp, nhưng ở hoàn cảnh tôi thật khó có thể tiếp tục triển khai. Theo tôi, chỉ có anh là người có đủ điều kiện nhất để hoàn thành sứ mệnh khoa học này.
Anh Trương Bá Cần là người từng theo dõi, tìm hiểu Nguyễn Trường Tộ trước tôi nhiều năm (từ năm 1942, khi anh còn học ở Chủng Viện Xã Đoài, gần quê hương của Nguyễn Trường Tộ). Anh lại có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn tài liệu. Anh vừa là một nhà khoa học, vừa là một linh mục đầy lòng ngưỡng mộ đối với người Công giáo yêu nước Nguyễn Trường Tộ, nên về nhiều mặt, anh thuận lợi hơn so với những người nghiên cứu khác.
Thực tế đã chứng tỏ đúng như vậy. Những tài liệu về Nguyễn Trường Tộ và liên quan đến Nguyễn Trường Tộ mà anh tập hợp được từ nhiều nguồn, trong nhiều chục năm nay là hết sức phong phú: Từ các văn bản Hán – Nôm của các thư viện ở miền Bắc và ở miền Nam; từ các sách báo, tạp chí tiếng Việt và tiếng Pháp ở trong nước và ở nước ngoài; từ các tài liệu của các tủ sách và thư viện các gia đình mà anh biết được... Anh đã bỏ ra không ít công phu để tra cứu, đối chiếu, phối kiểm để giới thiệu và chú thích một cách rất cẩn thận... Tóm lại, anh đã giám định, khảo chứng và xử lý các văn bản một cách khoa học. Với tất cả công sức lao động bền bỉ và nghiêm túc trong nhiều năm tháng, cho đến nay, anh đã cho ra mắt công chúng công trình khoa học: Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo.
Đây là một tập đại thành về Nguyễn Trường Tộ của ba thế hệ nghiên cứu từ những năm 20 của thế kỷ XX đến nay...
Qua toàn bộ di thảo của Nguyễn Trường Tộ được công bố lần này, những người làm công tác nghiên cứu khoa học, nhất là các ngành khoa học xã hội như lịch sử, triết học, kinh tế học, xã hội học... sẽ có thể khai thác, lấy ra rất nhiều vấn đề để nghiên cứu. Bởi vì, có thể nói, Nguyễn Trường Tộ đã đề cập đến hầu hết mọi vấn đề về xã hội, kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao... như là một hệ thống các vấn đề cần phải cải cách đổi mới ở xã hội đương thời. Đặc biệt về đường lối xây dựng phát triển kinh tế, làm cho dân giàu nước mạnh, đối với Nguyễn Trường Tộ, luôn luôn được coi là một vấn đề cốt tử nhất. Về đường lối chiến lược là khá toàn diện và sâu sắc. Về sách lược biện pháp thực hiện là cụ thể và rõ ràng. Về thái độ và tấm lòng thành của ông là vô cùng chân thành và cảm động. Ông đã kiên trì đề đạt những kiến nghị cải cách đó trong hơn 10 năm ròng rã, đến mức độ khi bị bệnh phải nằm ngửa để viết tiếp các bản kiến nghị, ông vẫn không chán, không chùn. Vì như ông vẫn tự xác định: Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa.
Những vấn đề Nguyễn Trường Tộ đặt ra cách đây trên 120 năm, đối với chúng ta ngày nay, trong thời điểm lịch sử của những ngày tháng sôi động trước phong trào đòi phải đổi mới tư duy hiện nay, vẫn còn có một ý nghĩa thời sự, vẫn có những giá trị tham khảo nhất định.
Cách đây không lâu, tôi có một anh bạn lớn tuổi, từng là cán bộ khoa học có trình độ lý luận cao và đã có một quá trình công tác cách mạng lâu dài, sau khi tôi đưa cho mượn đọc một số di thảo của Nguyễn Trường Tộ, đọc xong, anh đã xúc động nói rằng:
– Quả tình càng đọc Nguyễn Trường Tộ, tôi càng thấy xót xa thương cảm ông, càng giận vua quan triều đình nhà Nguyễn.
Và ông bạn này nói thêm:
– Giá như những di thảo của Nguyễn Trường Tộ, nhất là tập Tế cấp bát điều, được công bố sớm hơn, trước Đại hội VI của Đảng ta chẳng hạn, thì nhân dân ta, các cán bộ lãnh đạo cũng tham khảo được một số ý kiến rất xác đáng của một nhà yêu nước sớm có tư duy đổi mới, sớm có một hệ thống những vấn đề cải cách xã hội và kinh tế xuất sắc, thật đáng cho mọi người kính phục.
Công trình nghiên cứu Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảora đời có thể là hơi muộn so với đòi hỏi của công chúng, nhưng giá trị khoa học của nó vẫn y nguyên. Tấm lòng của Nguyễn Trường Tộ đối với sự nghiệp canh tân đất nước, vẫn là như hoa quỳ luôn hướng về mặt trời. Chính vì vậy mà cách đây đúng 80 năm, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, khi viết cuốn Việt Nam Quốc sử khảo, xuất bản tại Nhật Bản năm 1908 đã nhận định rằng: Ông chính là người đã giống cái mầm khai hóa trước tiên (Phan Bội Châu: Việt Nam Quốc sử khảo. Chương Thâu dịch và chú thích, NXB Giáo Dục Hà Nội, 1962) ở nước ta. Và có lẽ cũng do có sự chỉ dẫn đó, nên người viết những dòng này sớm có duyên nợ với Nguyễn Trường Tộ, luôn dõi theo công trình nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ và hôm nay niềm vui của tôi thật sự được nâng lên với công trình nghiên cứu mới này".
TP.Hồ Chí Minh, tháng 7/1988
CHƯƠNG THÂU
Phó Tiến sĩ Sử học
(Trích từ bài viết có nhan đề Lời bạt trong tác phẩm của
Linh mục Trương Bá Cần, Sđd, tr. 487 & 490-491)
Thứ năm: Tại hải ngoại, tập san Thế Kỷ 21 là một tạp chí đứng đắn, số tháng 12/1991, nhà văn Thế Uyên điểm cuốn Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo của Trương Bá Cần (Thế Uyên đọc) có những lời nhận định như sau:
"Trương Bá Cần là một linh mục tốt nghiệp tiến sĩ về môn Sử ở Paris từ rất lâu trước 1975.
Về phần con người Nguyễn Trường Tộ, sưu khảo của Trương Bá Cần thật đầy đủ, công phu đến tận chi tiết. Điều đó là lẽ đương nhiên vì không đúng như thế thì làm sao lấy được bằng tiến sĩ của Pháp.
Người đọc không khỏi ngậm ngùi. Ngậm ngùi vì hai lý do: Lý do thứ nhất là tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ rộng lớn bao quát hơn chúng ta có thể tưởng; lý do thứ hai là tại sao vua quan Việt Nam thời Tự Đức lại không biết nghe theo Nguyễn Trường Tộ, không bổ nhiệm ông làm thủ tướng toàn quyền thì cũng phải mời ông ngồi vô ngôi vị cố vấn khoa học kỹ thuật tối cao cho vua và triều đình" (tr. 66, TCĐD).
Thứ sáu: Gần đây hơn, cuối năm 1992, Viện Khoa học Xã hội, Trung tâm Hán – Nôm, Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức khóa hội thảo về chủ đề Nguyễn Trường Tộ: nhà cải cách lớn của dân tộc. Có 47 bài (gồm cả bài phỏng vấn của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh) được chọn đăng trong cuốn kỷ yếu Hội thảo khoa học Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước. Có thể nói đây là một công trình nghiên cứu tập thể gồm nhiều vị giáo sư và nhiều học giả lỗi lạc, các bài viết khách quan, nghiêm túc. Ngoại trừ một vài tác giả, phần lớn còn lại là những vị không cùng tín ngưỡng với giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ. Điều đó cho thấy, việc đánh giá cao về Nguyễn Trường Tộ được phát xuất từ tinh thần khoa học khách quan không bị vướng mắc bởi tình cảm tôn giáo.
Cũng như gần 100 bài viết của các tác giả đi trước, 44 trong số 47 bài của cuộc hội thảo này, kể cả bài của Tiến sĩ Sử học Vĩnh Sính (hiện ở Canada) cũng có những nhận định tương tự, nghĩa là xác tín Nguyễn Trường Tộ là một nhà đại tư tưởng, có những đề nghị cải cách vượt thời đại, ngoại trừ 3 bài của Giáo sư Lê Xuân Diệm, nhà nghiên cứu Hán học Phạm Thị Hảo, nhất là bài của nhà nghiên cứu Văn học Thái Hồng. Ba tác giả này, nhất là nhà nghiên cứu Thái Hồng, đã có những đánh giá về Nguyễn Trường Tộ qua mối tương quan lịch sử. Tuy vậy, ông Thái Hồng cũng chỉ mới phác họa một vài nét tổng quát, trong việc phê phán Nguyễn Trường Tộ mà thôi. Có thể nói, ba con én quý này đã báo hiệu nhưng chưa tạo được mùa xuân. Trái lại, hầu hết các tác giả của tuyển tập đã ca tụng Nguyễn Trường Tộ hết mực, mà chúng ta có thể hình dung sự ca tụng này qua Lời nói đầu của cuốn sách như sau:
"Bạn nên đọc quyển sách này. Vì đây không phải là một tập sách gồm những luận văn bàn về những vấn đề khô khan ít bổ ích mà là viết về một con người, một trí thức đầy tâm huyết đối với dân tộc và đất nước.
Đây cũng là một dịp để bạn tìm hiểu sâu hơn về một thế kỷ đau thương và đen tối của Việt Nam và chắc chắn bạn sẽ không tránh khỏi kinh ngạc khi thấy lóe lên một tư tưởng lớn, một trí tuệ lớn mang tầm cỡ quốc tế: Trí tuệ và tư tưởng Nguyễn Trường Tộ".
Chắc chắn tuyển tập về Nguyễn Trường Tộ đã có hàng ngàn người đọc và cuộc phỏng vấn Ban tổ chức cuộc Hội thảo do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đã có hàng triệu người nghe. Nhưng đến nay, hầu như chưa có một bài bình luận nào.
Với những khó khăn nêu trên, tôi rất lúng túng, không dám suy nghĩ và viết về Nguyễn Trường Tộ và xem như sự đánh giá về ông đã đến hồi chung cuộc, không nên mất thêm thì giờ vào đó nữa, vô ích.
Nhưng sau khi đọc hết 58 bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ (có người gọi là 58 di thảo), tôi thấy cần có vài ý kiến của một người thuộc lớp hậu học mà quý độc giả sẽ cảm thấy rất ngạc nhiên về những hành động và tư tưởng tai hại cho đất nước nhưng lợi ích cho ngoại bang không thể ngờ được của Nguyễn Trường Tộ qua các sử liệu chính xác không thể phủ bác.
Nhận xét tổng quát về 58 bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ.
1. 58 bản điều trần được sắp theo thứ tự thời gian, từ bài số 1: Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ (Thiên hạ đại thế luận) viết vào khoảng tháng 3–4/1863, đến bài cuối cùng, thứ 58: Bài Tựa sách Đàm thiên luận, không thấy đề ngày tháng. Không biết vì lý do nào mà Linh mục Trương Bá Cần lại xếp Bài Tựa sách Đàm thiên luận vào cuối cùng, thay vì bài di thảo số 56: Nên mở cửa, không nên đóng kín viết vào tháng 10-11/1871. Có lẽ đây là bài cuối đời của Nguyễn Trường Tộ. Ông mất vào ngày 24/11/1871. Tuy vậy, chi tiết này cũng không đáng quan tâm lắm.
Điều quan trọng là qua 58 bản điều trần xếp theo thứ tự thời gian, chúng ta sẽ thấy tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ không được bố cục một cách nhất quán, mà viết theo những biến chuyển của tình hình quân sự và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, cũng như viết theo bối cảnh lịch sử Việt Nam thời bấy giờ, để xoáy vào chủ điểm chính: Tại sao nên hợp tác với Pháp.
2. Với giọng văn điêu luyện, sắc sảo, chúng ta thấy Nguyễn Trường Tộ đã sử dụng hai luận điểm chính để thuyết phục dân Đại Nam (Việt Nam) nhất là triều đình vua Tự Đức. Hai luận điểm có tính chiến lược và chiến thuật đó có thể đặt tên là "củ cà rốt và cục xương".
Chiến thuật "củ cà rốt" là đưa ra một miếng mồi béo bổ như khai thác hầm mỏ, sử dụng tài nguyên thiên nhiên... để làm cho dân giàu nước mạnh. Muốn đạt được mục đích đó thì phải làm gì? Trả lời: Phải hợp tác với Pháp, phải cầu khẩn Giáo hoàng La Mã giúp sức như trong di thảo số 5.
Chiến thuật "cục xương" là đưa ra một số đề nghị không thể thực hiện được như chỉnh trang võ bị, đào kênh từ Hải Dương đến Huế... (di thảo số 27) để qua đó muốn triều đình nhà Nguyễn phải mất thì giờ gặm, nhấm cục xương để không thể làm gì khác hơn.
3. Nguyễn Trường Tộ khéo và tài tình lồng tư tưởng Kinh Thánh vào hầu hết những bản di thảo để một mặt thì hăm dọa rằng: "Tạo vật đã định như vậy, sao cưỡng được" (di thảo số 1), mặt khác thì an ủi chấp nhận số phận... "Vì tạo vật đã an bài"(trong nhiều di thảo khác).
4. Một số di thảo, thì đưa ra các dữ kiện sai lầm về sử liệu để bi thảm hóa tình hình, nhằm kêu gọi người Việt nên hòa với Pháp (di thảo số 1), và để biện minh cho những đề nghị của mình (di thảo số 5 và 27).
5. Nguyễn Trường Tộ nhìn đất nước trong lăng kính tôn giáo, mang đầy tính chất cuồng tín, để từ đó dẫn đến hai hệ luận:
– Thứ nhất, Đại Nam là một phần tử trong tổng thể của vạn vật mà tạo hóa đã sáng tạo, do đó "không có tự do làm theo ý muốn" (di thảo số 2). Và vì là sản phẩm của tạo vật nên phải chịu số phận cần được khai hóa (di thảo số 1).
– Thứ hai, liên đới với hệ luận thứ nhất về mặt trần thế, do đó, Đại Nam nên "dùng giám mục và linh mục vào việc canh tân đất nước" (di thảo số 17).
6. Có 3 trong số 58 di thảo không có nhiều giá trị cho việc đề nghị "canh tân" cũng như văn chương, học thuật, nên không đáng được quan tâm nhiều như di thảo số 6: Về việc mua đóng thuyền máy; di thảo số 7: Về việc đào tạo người điều khiển và sửa chữa thuyền máy"; di thảo số 9: Về việc mua tàu London; di thảo số 11: Tâm sự với Trần Tiễn Thành; di thảo số 16: Bài Bạt mừng đào xong thiết cảng; di thảo số 28: Biểu tạ ơn vua, tháng 3/1868; di thảo số 56: Bài Khải quyên tiền sửa cầu; di thảo số 58: Bài Tựa sách Đàm thiên luận (cộng chung có 17 trang, khổ 8x11).
Trái lại, có 3 di thảo dù không liên quan nhiều đến chính trị, kinh tế hoặc canh tân, nhưng về phương diện văn chương, lý luận và sự kiện thì rất hay, xuất sắc, nhất là tác giả lúc bấy giờ đang ở lớp tuổi 35 và cách đây 130 năm. Đó là di thảo số 10: Thảo thư gởi Tây Soái; di thảo số 47: Về việc cải cách phong tục; di thảo số 50: Về việc chỉnh đốn quân đội và quốc phòng (3 di thảo này gồm 18 trang).
4 di thảo khác được viết trong bối cảnh bị triều đình vua Tự Đức nghi ngờ nên giọng văn và ý tưởng có vẻ nịnh bợ hoặc phân trần, hoặc viết để thăm dò ý của triều đình. Đó là di thảo số 13: Ngôi vua là quý; chức quan là trọng; di thảo số 40: Bổ túc kế hoạch đánh úp Gia Định; di thảo số 51: Cần nắm vững tình hình chính trị ở Pháp; di thảo số 52: Canh tân và mở rộng quan hệ ngoại giao (cộng chung có 18 trang).
Ngắn gọn, ba loại nói trên gồm có 15 di thảo, tổng cộng là 53 trang. Số còn lại gồm 43 di thảo, tổng cộng khoảng 250 trang, tức là chiếm gấp hơn 5 lần so với tổng số 15 di thảo nói trên.
Trong số 43 di thảo này, có 3 di thảo dài nhất và gói ghém phần lớn tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ. Đó là di thảo số 1: Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ (Thiên hạ đại thế luận, gồm 6 trang); di thảo số 5: Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh (Dụ tài tế cấp bẫm từ = Lục lợi từ, 17 trang); di thảo số 27: Tám việc cần làm (Tế cấp bát điều, 56 trang). Như vậy, 3 bài chính chứa đựng phần lớn tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ, tổng cộng khoảng 80 trang. 35 di thảo còn lại chiếm 160 trang. Những tư tưởng trong 35 di thảo này thường là lặp lại hoặc bổ túc những ý kiến trong các di thảo khác. Nếu có vài ý kiến mới trong số các di thảo ngắn này nhưng những ý kiến đó không có gì đặc sắc lắm, ngoại trừ các di thảo có tính tôn giáo.
Bằng cách phân loại như trên, dĩ nhiên là có tính tương đối, hy vọng độc giả sẽ dễ dàng theo dõi tư tưởng chính yếu của Nguyễn Trường Tộ trong 3 di thảo quan trọng mang tính kinh tế và chính trị và 4 di thảo bàn về tôn giáo trong cuốn sách này.
Còn nữa...
"Nguyễn Trường Tộ và Vấn Đề canh Tân", tác giả là Bùi Kha, do nhà Xuất bản Văn học cấp giấy phép, Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học ấn hành, đã được chính thức phổ biến trên toàn quốc, hoặc có thể liên lạc mua tại Trung tâm Nghiên Cứu Quốc Học, 72 Trần Quốc Thảo, P. 8, Quận 3, TP HCM. Phone (84-8) 6 290-7430, fax (84-8) 3 551-0906.
TG & DT: Được sự đồng ý của tác giả, trang nhà sẽ lần lượt đăng nội dung quyển sách vào các kỳ tới. Mời bạn đọc đón đọc.
TG & DT trân trọng kính mời các nhà nghiên cứu, giới sử học, bạn đọc gần xa cùng trao đổi về chủ đề trên một cách chân thực, khoa học để chân dung Nguyễn Trường Tộ sớm được soi rọi khách quan, đúng chân giá trị lịch sử.!