đậu tương đen hữu cơ

Tham luận - Sách - Tài liệu

22:59 27/06/2011

Vai trò của đạo Phật trước sự suy thoái về đạo đức và tâm linh

(TG&DT) - Với tình hình trong nước, báo chí cũng như các nhà chức năng về giáo dục và văn hoá đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về sự xuống cấp của đời sống đạo đức, tâm linh, sự khủng hoảng lối sống dẫn đến những lệch lạc thái quá trong một bộ phận giới trẻ - thế hệ tương lai của đất nước.

1. Thực trạng đời sống xã hội: khoa học kỹ thuật phát triển nhưng đời sống đạo đức lại bị khủng hoảng, tâm linh có nhiều biến tướng lệch lạc:


Trong mấy mươi năm trở lại đây, thế giới chúng ta đã chứng kiến những bước tiến bộ phi thường về khoa học kỹ thuật, từ đó đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội, một phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội theo hướng tích cực, nhưng một phần khác cũng tạo nên những khủng hoảng về môi trường sinh thái, đạo đức, đời sống tâm linh, hoài nghi các giá trị truyền thống được đúc kết hàng ngàn năm trước.


Thử nhìn lại những tiện nghi trong đời sống hàng ngày ứng dụng từ những phát triển của khoa học kỹ thuật mà mỗi chúng ta được thụ hưởng. Với các phương tiện như truyền hình vệ tinh, mạng lưới internet toàn cầu, điện thoại vệ tinh, đi lại dễ dàng bằng đường hàng không, v.v…, khái niệm khoảng cách địa lý như trước nay không còn là vấn đề khó khăn. Mở mạng, bật ti-vi…, chúng ta có thể thấy cảm nhận được một cách khá sinh động cuộc chiến ở Libya, hàng đêm chúng ta có thể hoà nhịp đam mê của hàng triệu trái tim yêu thích trái bóng tròn qua những trận đấu đầy kịch tính và luôn ẩn sự bất ngờ ở các giải bóng đá ngoại hạng Anh, Cup C1…


“Hễ khi con bướm vỗ cánh ở bên này đại dương thì bên kia đại dương dậy sóng”, điển tích văn chương – tư tưởng này không còn là khái niệm từ chương ngủ yên trong cổ thư, mà trở nên câu nói cửa miệng của nhiều người, với cảm xúc mỗi khi cảm nhận sự thay đổi của thế giới. Diễn biến mới ở Iraq không phải là vấn đề của Iraq nữa, mà có thể ảnh hưởng rất trực tiếp đến giá cả thị trường ở nước ta, có thể làm tăng giá gạo, giá các mặt hàng nhu yếu phẩm, vật dụng thường ngày của mỗi người, vì xăng dầu tăng giá. Thế giới dường như trở nên rất nhạy cảm với cách loan tin “thần thông biến hoá”, dường như tức thời. Vậy nên, điều tốt chắc chắn cũng có cơ hội lan truyền nhanh như điều xấu. Một sự thật, nếu không được cân nhắc sự lợi mình, lợi người và lợi cho sự phát triển của môi trường xã hội, nói cách khác, không hiền thiện, sẽ có những tác động tiêu cực, huỷ hoại các giá trị đời sống được quy ước từ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm trước, tạo nên những khủng hoảng trầm trọng, những phá hoại để lại hậu quả khôn lường. Chẳng hạn như vụ việc Wiki Leaks ngấm ngầm thu thập và đã công bố một phần những thông tin bí mật ngoại giao ngầm của các cường quốc, phơi bày trước sự thật bất chấp lợi hại, gây nên sự mất ổn định xã hội, khủng hoảng xã hội trầm trọng.


Với tình hình trong nước, báo chí cũng như các nhà chức năng về giáo dục và văn hoá đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về sự xuống cấp của đời sống đạo đức, tâm linh, sự khủng hoảng lối sống dẫn đến những lệch lạc thái quá trong một bộ phận giới trẻ - thế hệ tương lai của đất nước.


Một bộ phận khác tìm đến với tôn giáo, trong đó có Phật giáo, tôn giáo truyền thống gắn bó hai ngàn năm với dân tộc, nhưng phải thừa nhận thực tế có không ít người đến chùa, đến với đạo nhưng chưa có nhận thức tối thiểu về Phật pháp, về những giáo lý cơ bản như Nhân quả, Nghiệp báo, Duyên khởi – Vô ngã… Do đó, cũng có không ít người tin Phật như tin một vị thần hộ mạng, đến chùa vì mưu cầu sự ban ơn ban phước, vướn nhiều hủ tục mê tín dị đoan, chứ không phải tìm đến với một phương pháp thực nghiệm tâm linh, rèn tâm tu tính, tập sống theo lối hiền đẹp trong chiều hướng xả bỏ tham lam, sân hận và si mê, vô ngã vị tha, an vui, vừa đủ… như Đức Phật và chư Tổ đã dạy, đã dày công hoằng pháp qua các giai đoạn lịch sử, các bối cảnh đời sống xã hội khác nhau.


Trước các hiện tượng tiêu cực của đời sống xã hội hiện nay, ở nước ta cũng như thế giới, các nhà xã hội học đã “chẩn bệnh”, rằng xã hội đang lâm vào những khủng hoảng trầm trọng, đang mang trên mình những bệnh tật trầm kha như hội chứng “sự tha hoá của cái tôi”, không tin nhân quả, hội chứng vô cảm với khổ đau của tha nhân, lòng tham và dục vọng bị kích thích thái quá nên đưa đến nạn tham nhũng, bóc lột và lộng hành tồn tại một cách tinh vi…, những hiện tượng những tưởng sẽ không còn trong một xã hội thời hiện đại.


Là một tôn giáo, một triết lý sống, một hệ thống tư tưởng sinh động gắn bó mật thiết với dân tộc từ đầu kỷ nguyên Tây lịch cho đến nay, qua bao thăng trầm nhưng mối tương quan hoà quyện đó vẫn không thay đổi, đi vào đời sống tạo nên những giá trị hiền đẹp mang tính mẫu mực trong ứng xử xã hội, trước thực trạng hôm nay, Phật giáo chúng ta phải làm gì, hay nói cách khác, ngành Hoằng pháp của chúng ta phải có giải pháp cụ thể nào để quảng diễn giáo lý Phật đà, giới thiệu những triết lý sống hiền đẹp được đúc kết đến với đa số quần chúng, đến với số đông nhân dân, giới trẻ tìm đến với chùa chiền, tìm đến qua các lễ hội và trong đời sống hàng ngày, để họ có những hiểu biết cơ bản về Phật pháp, về giáo lý Duyên sinh – Vô ngã – Vị tha, nhận rõ tâm thức, “bản lai diện mục” của chính mình, để thanh lọc tham sân si, từng bước xây dựng chánh tín Tam Bảo, làm lành lánh dữ, tự làm trong sạch tâm ý bằng các pháp môn thiền định, dấn thân tích cực vào các hoạt động xã hội lợi đạo ích đời, chung sức chung lòng xây dựng đời sống văn minh, hiền thiện.


2. Tinh tấn tự tu và giới thiệu kinh nghiệm tu tập, sửa đổi tâm ý một cách căn bản cho mọi người, đó là một trong những giải pháp căn bản cho các khủng hoảng đạo đức, tâm linh; xây dựng nếp sống hiền đẹp theo hướng tư duy vô ngã:


Chúng ta, những người con Phật xuất gia và tại gia hãy nương vào tất cả nhân duyên có được để học, hành theo giáo lý Phật dạy, chư Tổ đã truyền, tuỳ theo căn cơ và duyên lành mà mình gặp.


Giáo Pháp của Đức Phật được nói ra từ tuệ giác, qua thời gian, giá trị ứng dụng của Phật pháp càng được chứng minh là siêu vượt thời gian và không gian.


Nhìn sang thế giới phương Tây, chúng ta thấy Phật pháp được ứng dụng một cách rộng rãi, nhiều nơi xem đó là phương pháp trị liệu các hội chứng bệnh lý thời đại có căn nguyên của tư duy hữu ngã, lấy tự ngã làm trung tâm, xem trọng cái tôi, lệ thuộc cái của tôi, đi đến sự tham lam và hưởng thụ thái quá, làm mất cân bằng đời sống sinh thái và đánh mất cơ hội sống hạnh phúc giữa đời này. Giáo lý Phật giáo được các nhà khoa học, các nhà xã hội học xác nhận là giáo lý của hoà bình, là lối sống phi giáo điều, khác với các giáo điều của các tôn giáo Tây phương. Nhà bác học Albert Einstein đã từng khẳng định: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Tôn giáo ấy phải vươt lên Thượng đế của cá nhân và tránh giáo điều cùng lý thuyết thần học. Bao trùm cả tự nhiên và tâm linh, nó phải được căn cứ trên cảm nhận phát sinh từ kinh nghiệm của tất cả mọi thứ tự nhiên và tâm linh như một sự hợp nhất đầy đủ ý nghĩa. Đạo Phật trả lời cho những sự mô tả này. Nếu có một tôn giáo mà có thể đương đầu với những nhu cầu của khoa học hiện đại đấy sẽ là Đạo Phật.” Nhắc lại lời của nhà bác học nổi tiếng này để làm gì? Không phải để tự hào, mà để một lần nữa, chúng ta nhận thức sâu sắc hơn giá trị của Phật pháp, sự linh diệu và tiềm năng bất khả tư nghì của Phật pháp, tính hiện đại và khả năng thích ứng với bất kỳ bối cảnh xã hội, đối mặt với bất cứ một thách thức khó khăn nào. Điều còn lại là gì? Đó là trách nhiệm của chúng ta, của những người làm công tác hoằng pháp, làm thế nào để có thể giới thiệu lời dạy – những phương pháp tu tập vô cùng phong phú được kết tập trong Ba tạng Kinh, Luật, Luận; làm thế nào để kế thừa ngọn đèn Chánh pháp, tiếp nối để ánh sáng của ngọn đèn ấy được toả sáng trong thời đại, trong bối cảnh xã hội mà chúng ta đang sống? Chúng ta cần phải nghiên cứu và trầm tư về những đặc điểm của xã hội hiện đại trên cơ sở những thăm dò, phân tích; từ thực trạng của xã hội này, vận dụng phương pháp, cách diễn đạt, cập nhật các phương tiện giao tiếp mới để chuyển tải nội dung Phật pháp đến với đại đa số quần chúng, góp phần điều chỉnh nhận thức sai lệch, cực đoan; sửa chửa những nhầm lẩn định hướng hành vi, lời nói của con người theo hướng tích cực, hiền đẹp, Phật hoá nhân gian.


Điều cốt tủy làm nên phần hồn của một bài thuyết giảng Phật pháp là kinh nghiệm thực hành, những suy tư, nghiền ngẫm lời Phật, lời dạy của chư Tổ trong đời sống hàng ngày, trong những suy nghĩ rất bình thường của mỗi chúng ta. Nếu không có điều đó, bài thuyết giảng dù có hay đến đâu cũng chỉ bóng bẩy về mặt ngôn từ, khó có thể tác động đến tận tâm thức, làm thức tỉnh thính chúng.


Kinh nghiệm tu học, cùng với những suy ngẫm qua cuộc sống sinh động thường nhật chính là cốt tủy, là phần hồn, cùng với các kỹ năng trước công chúng và kiến thức xã hội mới làm nên bản lĩnh của một vị giảng sư, hoằng pháp. Đó là chất liệu cho sự thành công của các thời thuyết giảng.


Kinh nghiệm tự thân chúng tôi về điều này rất cụ thể. Qua kinh nghiệm tự thân, mà cũng để thể hiện tính khế cơ, khế lý, phù hợp thời duyên… từ ngày GHPGVN được thành lập, những khi phụ trách các lớp giáo lý tại các đạo tràng, ngay từ buổi đầu nhằm giúp cho các Phật tử, các hội chúng dễ theo dõi, cụ thể hóa trong việc tu học, tôi thường chọn các bản kinh do đức Phật, các Tổ sư dạy với những bản dịch dễ hiểu… đọc nguyên văn và nương theo giảng dạy từng phẩm, từng câu, từng lời. Tất cả kinh điển Phật dạy, lời của chư Tổ, như câu nói quen thuộc với tất cả chúng ta, mênh mông như nước trong bốn bể, nhưng cùng một vị mặn, cũng vậy, Phật pháp tuy phong phú nhưng chỉ có một vị: đó là vị giải thoát. Giải thoát con người khỏi những ràng buộc theo hướng tư duy hữu ngã, để sống giải thoát trong tinh thần vô ngã, tự tại trong mọi ràng buộc thế gian.


Với tinh thần đó, tôi đã mạnh dạn và làm việc một cách đầy Pháp lạc giảng cho nhiều tầng lớp thính chúng về các bộ kinh lớn như Đại Bát Niết Bàn, Lục Tổ Đàn Kinh, Ma ha Bát Nhã Ba La Mật…v.v, Kinh Tạng Nikaya, Kinh Tạng A Hàm…v.v, từ năm này qua năm khác, càng bám sát kinh văn, nghiền ngẫm và thực tập theo lời giáo huấn căn bản của đức Phật, chư Bồ tát và Tổ sư để điều phục tâm xấu, phát triển tâm lành, bản thân chúng tôi càng đọc kinh, càng suy gẫm, càng thẩm thấu… qua mỗi buổi giảng nghe lòng thêm an lạc thanh thản.


Phật pháp không phải là tri thức thông thường, mà tất cả, tùy duyên, tùy đối tượng, những gì Phật dạy đều là pháp tu, là cách để thanh lọc các tâm tham, sân, nhuế, giảm đi sự chấp chặt vào cái tôi, cái của tôi và sự lệ thuộc các điều kiện sống chung quanh, để lòng luôn an lạc, thảnh thơi, sống hiền đẹp ngay ở đời này, bây giờ và tại đây.


Với những gì đã nói, Giáo lý Phật giáo có khả năng chữa trị những bệnh lý về tâm của cá nhân, điều chỉnh và là giải pháp căn bản cho các khủng hoảng xã hội, góp phần xây dựng nền tảng đạo đức, tâm linh không phải với sự hứa hẹn trong tương lai như thường thấy ở một số tôn giáo thần quyền khác, mà bằng sự tự thanh lọc, điều chỉnh suy nghĩ, lời nói và hành vi theo hướng tư duy vô ngã, xây dựng nếp sống hiền đẹp, lợi mình lợi người.


3. Một số đề nghị với ngành hoằng pháp để công tác hoằng pháp thực sự có hiệu quả trong bối cảnh xã hội VN hiện tại:


Trong tương quan của thế giới thời hiện đại, mọi quốc gia đều chịu những tác động chung, ảnh hưởng cả hai mặt tích cực và tiêu cực, thậm chí có những khủng hoảng giữa truyền thống và tính toàn cầu…


Đất nước chúng ta là một đất nước đang phát triển, nghèo, kinh tế đa số dựa vào nông nghiệp. Tính truyền thống và bảo thủ là những đặc điểm bao phủ lên mọi ứng xử văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, trên lộ trình gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), chúng ta đã mở cửa từng bước. Khoa học kỹ thuật, đặc biệt là mạng internet đã tràn vào và khuấy động cả xã hội. Cùng với những đợt sóng thương mại, văn hóa Tây phương kích thích nhu cầu tiêu thụ, sự hưởng thụ theo con đường giao lưu văn hóa, nghệ thuật… đã làm nẩy sinh nhiều vấn đề về đạo đức, tâm linh… Trong thời gian qua, giới chuyên môn, truyền thông báo chí đã cảnh báo hiện tượng suy thoái đạo đức, nền tảng đạo đức truyền thống có dấu hiệu lung lay, không đứng vững trước các làn sóng hiện đại. Các trào lưu hiện đại dù cố gắng nhưng vẫn chưa tạo được sự ổn định và đồng thuận của xã hội, vẫn chưa có chỗ đứng vững vàng, chưa thực sự có khả năng thay thế giá trị truyền thống.


Do đó, sau sự kiện thay đổi của các nước Xã Hội Chủ Nghĩa ở Đông Âu, Liên Xô, lãnh đạo đất nước đã nhận thức lại và đã có những chính sách rất tích cực về tôn giáo, về sự đóng góp của các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa hiện đại. Đó là cách để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.


Gần đây, chính sách ấy lại một lần nữa được xác nhận qua các văn kiện quan trọng định hướng xây dựng đất nước trong giai đoạn tới. Tôn giáo được khuyến khích hình thức tôn giáo xã hội, tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện xã hội và truyền thông. Như vậy, về mặt tổng thể phát triển xã hội đã có những định hướng rất thực tế, Phật giáo chúng ta lại có kinh nghiệm và truyền thống gắn bó mật thiết, đồng cam cộng khổ, hòa quyện với dân tộc như sự hòa quyện của nước với sữa trên dưới 2000 năm qua. Xã hội lại lên tiếng, trông chờ vào Phật giáo, những người con Phật chân chính, trong đó có ngành Hoằng pháp chúng ta, một trong những ngành mũi nhọn của Giáo hội phải làm gì để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng nền tảng đạo đức hiền đẹp, nơi nương tựa tâm linh hướng thượng, vô ngã vị tha, phù hợp với truyền thống và dung hòa tính hiện đại, giữ được bản sắc dân tộc để vững vàng trên lộ trình hội nhập thế giới, hòa đồng mà không bị hòa tan.


Hằng năm, ngành Hoằng pháp toàn quốc chúng ta ngồi lại với nhau, qua nhiều chủ đề được đặt ra, cùng thảo luận để tìm ra những giải pháp cụ thể nhằm làm tốt hơn nữa Phật sự quan trọng mà Giáo hội đã giao phó, Tăng Ni Phật tử tin tưởng, xã hội trông chờ.


Cá nhân chúng tôi, qua quan sát và nghiền ngẫm, có mấy đề nghị sau:


3.1. Trong thời gian qua, ngành Hoằng pháp đã có rất nhiều hoạt động, đã xây dựng nhiều đạo tràng, phát triển các chương trình giảng dạy giáo lý hàng tuần, định kỳ cho Phật tử. Nhìn vào báo cáo của Ban, thành tựu đó quả là vô lượng công đức và vô cùng trân trọng tán thán. Tuy nhiên, chúng ta thực sự chưa bắt nhịp với khoa học kỹ thuật, chưa vận dụng các phương tiện truyền thông có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi nơi, mọi vùng như phát thanh, mạng internet, các phương tiện giảng dạy trên mạng.


Việc đó lâu nay vẫn có người làm, nhưng thường đơn lẻ, không phải là chủ trương cũng như là việc của toàn ngành, là mô hình cần thực hiện và có sự phân công, giám sát thực hiện. Điều đó được các tổ chức truyền giáo ở các tôn giáo khác thực hiện rất tốt và hiệu quả.


Chúng ta cần có một đề án về Phật sự này, để không bỏ qua một phương tiện rất tiện ích và có tiềm năng rất lớn nhưng chi phí lại thấp, bổ sung làm phương tiện hoằng pháp cho thời đại hôm nay, đáp ứng yêu cầu của đông đảo Phật tử, những người muốn học Phật, tu theo Phật.


3.2. Ban Hoằng pháp nên có ký kết thỏa thuận với các ban ngành khác của Giáo hội, ví dụ: Ký kết Phật sự với Ban Từ Thiện để kết hợp Phật sự tốt đẹp hơn, vừa chăm sóc về đời sống vật chất vừa chăm sóc về đời sống tâm linh cho người nghèo khó, người gặp hoạn nạn cần giúp đỡ; hoặc liên kết với Ban Hướng Dẫn Phật Tử để phân định trách nhiệm hoằng hóa và chăm sóc tinh thần tu học cho hàng Phật tử tại gia.


Ban Hoằng pháp có thể “đặt hàng” với Viện Nghiên cứu Phật học VN cho những chương trình dịch kinh điển phổ thông, các bài giáo lý phổ thông ra tiếng một số dân tộc; làm việc với các Học viện Phật giáo đào tạo chuyên khoa, hoặc bổ sung ngành học về Hoằng pháp, bao gồm cả ngôn ngữ các dân tộc… và một số mặt liên hệ khác để kiện toàn về nhân sự cho Phật sự lâu dài.


3.3. Như đã nói, kinh nghiệm tu tập của các giảng sư, các hoằng pháp viên là cốt tủy, là linh hồn cho sự thành công của các thời thuyết giảng. Vậy nên chăng, chúng ta cần có một cơ sở, hoặc ấn định một số cơ sở, theo vùng chẳng hạn. Hằng năm dành một thời gian nhất định để quy tụ các vị giảng sư, trước hết tu tập tăng cường đạo lực, thứ nữa trao đổi những kinh nghiệm về chuyên môn, thông báo cho nhau những tình huống mới cần có giải pháp vượt qua khó khăn, những mục tiêu Phật sự cần hoàn thành, những nơi cần hỗ trợ…


Trước mắt như thế. Những Phật sự khác sẽ có điều chỉnh khi tiếp xúc với thực tế.


Chúng ta cần xem lại những kinh nghiệm hoằng pháp của các tổ chức Phật giáo, cũng như kỹ năng của một số tổ chức truyền giáo của các tôn giáo bạn, để làm sao rút ra cho được những kinh nghiệm, đúc kết thành giải pháp hoàn chỉnh để phổ biến rộng rãi cho tất cả giảng sư, các hoằng pháp viên.


Việc chúng ta ngồi lại với nhau trong tinh thần hòa hợp, thống nhất đã là một điều đáng ca ngợi. Ngồi lại để cùng thảo luận, tìm ra những giải pháp cho Phật sự hoằng pháp ngày càng hiệu quả hơn, để thông điệp trí tuệ, đạo đức, từ bi của Đức Phật lan xa, để mối tương quan Đạo Pháp – Dân Tộc thêm mật thiết là một việc làm ngàn lần cao quý, đáng trân trọng, ca ngợi và tôn kính .


Với tinh thần trên, mong rằng Hội thảo chúng ta sẽ có những câu trả lời rất cụ thể, từ đó sẽ có các chương trình hoạt động sâu sắc hơn khắp trên ba miền đất nước sau khi Hội thảo này kết thúc.



Tham luận tại Đại hội Hoằng Pháp 2011 tại Bình Dương

HT. Thích Giác Toàn

Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN

Thành viên Chứng minh Ban Hoằng Pháp TW


Chú thích: Tiêu đề do TG & DT sửa lại, theo góp ý của bạn đọc, tiêu đề gốc của Tham luận là "Phật giáo trước sự suy thoái về đạo đức và tâm linh".

Bình luận (2)

kính thưa hòa thượng !khi đọc được bài viết này con thật sự rất vui. bởi đây củng chính là những điều làm con trăn trở,đau lòng,khi phải nhìn   chứng kiến mỗi ngày . con củng có nhiêu phương án để cải tạo lại,thiết lập lại một đạo phật đúng nghĩa . vì theo con nghĩ :con người hư,chứ đạo không hư . vô tình để mãi như thế ,nương tay mãi sẽ dẫn đến   cảnh mất đi niềm tin nơi phật pháp và hình dáng tu sĩ sẽ trở nên vô dụng.
thientruc ( 31/07/2011 21:13:53)
Đặt tựa đề bài viết thế này sẽ gấy hiểu lầm. Tựa đề làm người đọc hiểu là: Phật tử đang trong đà suy thoái về đạo đức và tâm linh. Đề nghị sửa lại tựa đề là: Vai trò của Phật giáo trước sự suy thoái đạo đức và tâm linh.
tu do ( 29/06/2011 19:03:52)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp