đậu tương đen hữu cơ

Tham luận - Sách - Tài liệu

14:12 10/08/2012

Phần 8: Nơi ấy cũng là bây giờ và ở đây (Jon Kabat-Zinn)

Bạn hãy mời gọi lòng từ ái, tính chấp nhận và thương yêu khơi hiện trong trái tim mình. Biết không, bạn sẽ phải thực hành việc ấy thật nhiều lần, nó cũng giống như khi ngồi thiền, bạn phải tiếp tục đem tâm mình trở về với hơi thở. Tâm ta không dễ gì chịu tuân phục, vì đôi khi những vết thương trong lòng rất sâu đậm...

16.- Không thực tập cũng là thực tập

 

Ðôi lúc tôi cũng muốn nói rằng, khi ta không thực hành Yoga, nó cũng có một hiệu quả y như khi ta thực hành Yoga vậy. Nhưng tôi hy vọng bạn sẽ không hiểu lầm và nghĩ tôi nói rằng, thực hành hay không thực hành gì cũng vậy. Tôi chỉ muốn nói là mỗi khi bạn bỏ dở sự thực tập trong một thời gian, và bắt đầu thực hành trở lại, bạn sẽ cảm thấy sự khó khăn của nó. Vì vậy, đôi khi ta học rất nhiều qua sự trở lại thức tập, hơn là khi ta cứ tiếp tục làm thường xuyên. 

 






Lẽ dĩ nhiên, việc ấy chỉ đúng nếu bạn có thể nhận thấy những vấn đề như cơ thể ta đã trở nên cứng ngắc như thế nào như thế nào, tập một tư thế khó khăn ra sao, tâm ta trở nên bất an và đã không còn chịu ở với hơi thở như thế nào. Thật ra những việc ấy không khó gì mà không nhận thấy được, nhất là khi ta đang nằm trên sàn nhà, hai tay ôm chặt đầu gối, trong khi đầu nhấc lên cố chạm vào chúng. Nhưng trong đời sống hàng ngày, ta rất dễ bị thiếu ý thức về những khó khăn ấy. Yoga và sự sống là hai hình tướng khác nhau của cùng một việc. Vì vậy, bị lạc trong quên lãng và thất niệm đôi khi lại có thể dạy ta rất nhiều, hơn cả những khi ta lúc nào cũng giữ được chánh niệm. May mắn thay, đa số chúng ta không phải lo gì chuyện ấy, vì khuynh hướng thất niệm của ta bao giờ cũng mạnh mẽ vô cùng. Bạn nên nhớ rằng, chính ở chỗ ta biết tiếp xúc trở lại với chánh niệm mà trí tuệ phát sinh.

 

Thực tập: Hãy ghi nhận sự khác biệt của cảm giác và cách đối phó với những khó khăn của ta, trong thời gian ta chuyên cần tu tập và trong thời gian ta dễ duôi, lơ là. Thử xem, nếu bạn có thể thấy được những hậu quả của các hành động thất niệm và vô ý thức, nhất là khi chúng phát sinh từ sự căng thẳng do công việc và đời sống hàng ngày. Bạn sống với thân mình ra sao, trong thời gian có thực tập và không thực tập? Thái độ vô hành của bạn như thế nào, bạn có nhớ gì về chúng không? Thiếu sự thực tập đều đặn đã ảnh hưởng gì đến khái niệm của bạn về thời gian cũng như về sự mong đạt kết quả? Nó ảnh hưởng đến những mối quan hệ của bạn như thế nào? Những thói quen vô ý thức của bạn, chúng từ đâu đến? Cái gì khơi động chúng? Bạn có khả năng giữ chánh niệm khi chúng khống chế bạn không, cho dù sự tu tập của bạn trong tuần này có mạnh hay yếu? Bạn có nhận thấy rằng, không tu tập là một hình thức tu tập đầy gian khổ không? 

 

17.- Thiền quán về Tâm từ  

 

Không ai có thể hoàn toàn là một ốc đảo; 
Mỗi người là một phần của lục địa, 
của một cái chánh. 
Nếu một viên đất nhỏ li ti 
có thể bị biển cuốn trôi đi. 
Thì tất cả lục địa Âu Châu cũng sẽ bị thiếu sút, 
cũng như những bãi cát ở ven biển. 
Và những thuộc địa của bạn, 
của tôi cũng như thế; 
Bất cứ một cái chết nào 
cũng làm cho tôi mất mát, 
Vì tôi là một phần của loài người. 
Thế cho nên, 
đừng bao giờ bạn thắc mắc 
là chuông gọi hồn ai; 
Vì nó gọi linh hồn của chính bạn. 
John Donne, Meditation XVII


 





Ta rung động trước những nỗi khổ đau của kẻ khác, vì giữa tất cả chúng ta đều có một sự quan hệ. Chúng ta là hoàn toàn mà cũng vừa là một phần tử của một cái hoàn toàn khác to lớn hơn. Và nhờ vậy, ta có thể thay đổi được thế giới này bằng cách thay đổi chính mình. Nếu tôi trở thành một trung tâm điểm của tình thương và từ ái, tuy nhỏ nhoi nhưng rất đáng kể, thì trong giây phút này thế giới lại có thêm một hạt giống mới của tình thương và từ ái, mà nó đã không có trong vài giây trước đó. Sự kiện ấy có lợi ích cho tôi và cũng lợi ích cho người khác. 

 

Có lẽ bạn cũng nhận thấy rằng, không phải lúc nào chúng ta cũng là một trung tâm điểm của tình thương, ngay cả đối với chính mình. Sự thật, trong xã hội nhất là ở Tây phương, chúng ta đang có một cơn dịch của chứng bệnh tự ti mặc cảm, lúc nào cũng cho mình là thấp hèn và thua sút. Trong một buổi đối thoại với đức Ðạt Lai Lạt Ma, ở một khóa họp được tổ chức tại Dharamsala năm 1990, ngài lộ vẻ khó hiểu khi có một nhà tâm lý học Tây phương nói về vấn đề tự ti. Từ ngữ ấy phải được thông dịch sang tiếng Tây Tạng đôi ba lần, mặc dù ngài rất giỏi tiếng Anh. Ðức Ðạt Lai Lạt Ma không thể nào hiểu được ý niệm về tự ti. Và lúc hiểu được rồi, gương mặt ngài lộ một vẻ buồn rõ rệt, khi nghe nói có rất nhiều người Hoa Kỳ mang một mặc cảm thấp hèn và sút kém. 

 

Cảm xúc ấy hầu như không hề nghe nới tới ở những người Tây Tạng. Họ có đủ hết những khó khăn nghiêm trọng về các vấn đề tỵ nạn và bị đàn áp của một quốc gia thuộc thế giới thứ ba, nhưng trong đó không hề có mặc cảm tự ti. Nhưng mấy ai biết được việc gì sẽ xảy ra cho các thế hệ tương lai, khi họ được tiếp xúc với cái mà chúng ta gọi là "thế giới tiến bộ". Có lẽ những người Tây phương đã quá tiến bộ về phương diện bên ngoài, nhưng bên trong của họ lại rất chậm tiến. Có thể chúng ta, những xã hội giàu có, lại đang sống trong sự nghèo túng. 

 

Nhưng bạn có thể hành động để cứu gỡ tình trạng nghèo khó này bằng phương pháp thiền quán về tâm từ. Cũng như thường lệ, nơi bắt đầu phải là ở chính ta. Bạn hãy mời gọi lòng từ ái, tính chấp nhận và thương yêu khơi hiện trong trái tim mình. Biết không, bạn sẽ phải thực hành việc ấy thật nhiều lần, nó cũng giống như khi ngồi thiền, bạn phải tiếp tục đem tâm mình trở về với hơi thở. Tâm ta không dễ gì chịu tuân phục, vì đôi khi những vết thương trong lòng rất sâu đậm. Nhưng bạn hãy cứ thử, như là một thí nghiệm trong khi thiền tập, một lúc nào đó hãy ôm mình trong chánh niệm và sự chấp nhận, cũng như bà mẹ ôm ấp một đứa con đang khóc, bằng một tình thương không bờ bến và vô điều kiện. Bạn có thể nào nuôi dưỡng sự tha thứ cho chính mình không, nếu không thể là cho kẻ khác? Bạn có thể nào cho phép mình được hạnh phúc trong giây phút hiện tại này không? Bạn đang cảm thấy an vui, sự kiện ấy có làm bạn khó chịu không? Nền tảng của hạnh phúc có hiện diện trong giờ phút này không? 

 

Phương pháp quán tâm từ có thể được thực hành như sau, nhưng bạn nên nhớ đừng bao giờ lầm lẫn chữ nghĩa với hành động. 

 

Bắt đầu bằng cách ngồi cho yên ổn trong thân và trong hơi thở. Kế tiếp,từ nơi com tim hoặc nơi bụng, mời gọi cảm xúc hoặc hình ảnh từ ái và thương yêu tỏa chiếu ra, cho đến khi nào nó tràn ngập con người của bạn. Cho phép bạn được ôm ấp bởi chánh niệm của chính mình. Bạn cũng xứng đáng được yêu thương và cưng chìu như bất cứ một đứa bé nào khác. Hãy để cho ý thức của bạn biểu lộ được cả hai năng lượng, lòng nhân từ của cha và lòng nhân từ của mẹ. Trong giây phút này, bạn hãy ghi nhận và tôn trọng con người của chính mình và ban cho ta một tình thương mà có lẽ ta đã thiếu khi còn thơ. Hãy để cho ta được phơi ấm trong năng lượng của tâm từ, hít nó vào và thở nó ra, như là có một sợi dây của sự sống, tuy bị hư hao lâu năm nhưng cuối cùng mang lại được cho ta một sự dinh dưỡng mà ta hằng thiếu thốn. 

 

Mời gọi cảm giác an lạc và chấp nhận đến khi có mặt trong bạn. Có người cảm thấy rất hữu ích khi thỉnh thoảng tự niệm thầm những lời như: "Cầu mong cho tôi không lo âu, không oán hận. Cầu mong cho tôi không phiền não. Cầu mong cho tôi được khỏe mạnh và an tịnh". Nhưng bạn nên nhớ rằng, những lời ấy chỉ để khơi động tâm từ trong ta. Chúng là một cái giếng mong ước của ta - là những ý định muốn giải thoát ngay bây giơ, ít nhất là trong giây phút này, ra khỏi những khổ đau do ta tự tạo lấy, hoặc đã huân tập vì sợ hãi và thất niệm. 

 

Một khi bạn trở thành là một hiện thân của tình thương và ánh sáng từ ái tỏa chiếu suốt con người bạn, khi bạn có thể tự ôm ấp mình bằng lòng từ bi và sự chấp nhận, chừng ấy bạn có thể an trú ở nơi này mãi mãi, uống nguồn nước ngọt, tắm trong dòng suối mát, tự làm tươi mới thêm, tự nuôi dưỡng và vui sống hơn. Nó có thể là một phương pháp tu tập có tác dụng chữa thương rất lớn cho thân và tâm ta. 

 

Và bạn cũng có thể tiến thêm một bước nữa xa hơn. Sau khi đã thiết lập một trung tâm tươi mát trong ta, bạn có thể để cho sự thương yêu, từ ái đó tỏa chiếu ra bên ngoài và hướng nó về bất cứ một nơi nào bạn muốn. Trước hết, bạn có thể hướng nó đến những người ruột thịt trong gia đình. Nếu bạn có con, hãy giữ hình ảnh của chúng trong tâm, cầu chúc cho chúng luôn được may mắn, không bao giờ gặp những khổ đau không cần thiết, sẽ tìm được con đường đi của chúng trong cuộc đời, rằng chúng sẽ kinh nghiệm được tình thương và sự chấp nhận trong cuộc sống. Rồi kế đó, thực tập hướng tâm từ đến vợ hay chồng, anh em và những người thân thích. 

 

Bạn cũng có thể hướng tâm từ đến cha mẹ mình, dù các người đã mất hay còn sống, cầu chúc cho họ được may mắn, cầu chúc cho họ không cảm thấy cô đơn hoặc đau đớn, kính trọng họ. Nếu có thể và bạn cảm thấy nó lành mạnh và khai phóng, bạn hãy tìm một chỗ trong tim mình để tha thứ cho bậc cha mẹ, về những nỗi sợ hãi và khổ đau mà họ đã gây nên vì vô ý thức, vì những giới hạn của họ. 

 

Và chúng ta cũng không cần phải dừng lại ở đây. Bạn có thể phóng tiếp tâm từ đấn bất cứ một ai, đến những người mình biết và cả những người không quen biết. Nó có thể hữu ích cho những người ấy, nhưng chắc chắc là sẽ hũu ích cho ta, vì nó giúp ta trau luyện và mở rộng con người cảm xúc của mình. Sự mở rộng ấy mỗi lúc sẽ được già dặn hơn, khi ta có thể hướng tâm từ đến những người đang có khó khăn, đến những người đang có nhiều oan trái, và cả những ai đã đe dọa hoặc làm khổ mình. Bạn cũng có thể tập hướng tâm từ đến một nhóm người - như là những ai đang bị đàn áp, đang chịu khổ đau, cuộc sống đang bị kẹt giữa chiến tranh, bạo động hay căm thù. Bạn biết rằng, những người ấy không khác gì với mình, họ cũng có nhiều người thân yêu, cũng có hy vọng, cũng có một nhu cầu muốn được chở che, no ấm và tự do. Và bạn cũng có thể mở rộng tâm từ của mình ra để phủ trùm luôn cả trái đất này, đến sự huy hoàng cũng như nỗi đau thầm lặng của nó, trong dòng suối, con sông, không khí, đại dương, rừng núi, cây cỏ, thú vật, của chung hoặc riêng. 

 

Thật ra phương pháp quán tâm từ, cũng giống như sự sống này, nó không có một giới hạn tự nhiên nào hết. Vì đó là sự khai triển không ngừng của một ý thức về sự tương duyên và liên hệ của vạn vật với nhau. Và nó cũng là hiện thân của chính nó. Khi bạn có thể thương yêu một chiếc lá, một đóa hoa, một con chó, một nơi chốn, một người nào đó hoặc chính bạn, trong một giây lát, bạn sẽ tìm thấy được hết tất cả mọi người, mọi nơi chốn, mọi khổ đau, mọi hòa hợp trong chính giây phút ấy. Phương pháp tu tập của ta không phải là để cố gắng thay đổi một cái gì hoặc đạt đến một mục tiêu nào, mặc dù bề ngoài có vẻ như vậy. Thật ra chuyện ta làm là vén mở cho thấy những gì luôn luôn có mặt. Tình thương và lòng từ ái lúc nào cũng có mặt ở nơi đây, thật ra nó ở mọi nơi. Nhưng nhiều khi khả năng tiếp xúc và được tiếp xúc của ta, lại bị chôn vùi bên dưới những sợ hãi, khổ đau, những tham lam và sân hận, bên dưới một ý niệm sai lầm rằng ta là một cá thể độc lập và cô đơn. 

 

Khi ta khơi dây những cảm xúc từ ái ấy trong thiền tập, là chúng ta đang tự nới giãn để vượt ra khỏi những giới hạn và sự si mê của mình, cũng giống như trong Yoga, chúng ta nới giãn những sự chống cự của các bắp thịt, dây chằng và gân cốt. Và trong sự nới giãn đó, đôi khi rất đau đớn, chúng ta sẽ được mở rộng ra, trưởng thành, tự chuyển hóa mình và chuyển hóa được thế giới. 

 

Tôn giáo của tôi là lòng từ ái. 
Ðạt Lai Lạt Ma. 

 

Thực tập: Trong sự tu tập của bạn, đến một lúc nào đó, bạn nên tiếp xúc với lòng từ ai bên trong mình. Thử xem bạn có thể nhìn xuyên qua được những chống đối của mình đối với phương pháp này, nếu có, hoặc những lý do về sự khó thương, khó được chấp nhận đối với mình. Bạn hãy xem chúng chỉ là những ý nghĩ. Bạn hãy thử nghiệm, cho phép ta được tắm trong sự ấm áp và tính chấp nhận của lòng từ ái, như một đứa trẻ thơ nằm êm ấm trong vòng tay của người mẹ hoặc cha. Kế đó, thử hướng nó đến những người khác và ra thế giới chung quanh. Phương pháp tu tập này không có giới hạn, và cũng như những phương pháp khác, nó sẽ được tăng trưởng và sâu sắc hơn nhờ sự chăm sóc thường xuyên, cũng như những cây lá trong một khu vườn được bón phân, tưới nước. Bạn nên nhớ rằng, ta không cố gắng để cứu giúp bất cứ một ai khác trên trái đất này. Ta chỉ cần giữ họ trong chánh niệm của mình, tôn trọng họ, cầu chúc họ được may mắn, mở rộng ra với nỗi đau đớn của họ với lòng từ bi và chấp nhận của ta. Nếu trong quá trình ấy, bạn cảm thấy sự tu tập đòi hỏi mình phải có một thái độ khác biệt trong cuộc sống, thì những hành động ấy cũng phải thể hiện được lòng từ bi và chánh niệm. 

 

(Hết Phần Hai).

 

*********

PHẦN III 


TINH THẦN CHÁNH NIỆM

 

1.- Ngồi cạnh Ánh lửa hồng

 






Ngày xưa, sau khi mặt trời lặn khuất, nguồn ánh sáng duy nhất mà con người còn lại, ngoại trừ ánh trăng và những vì sao lấp lánh trên cao, là lửa. Trải qua hàng triệu năm, loài người chúng ta đã ngồi quanh những đống lửa, nhìn vào ánh lửa bập bùng cháy, màu đỏ than hồng, với bóng tối và không gian cô lạnh phía sau lưng. Có lẽ những phương pháp thiền tập chính thức đã được phát xuất từ đây chăng? 

 

Lửa là một niềm an lạc của chúng ta, nó là nguồn gốc của nhiệt lượng, của ánh sáng và sự bảo vệ - dù nguy hiểm, nhưng nếu cẩn trọng, nó có thể kềm chế được. Ngồi cạnh đống lửa sau một ngày mệt nhọc, đem lại cho ta một sự thoải mái. Trong vùng không gian ấm áp và ánh sáng bập bùng, chúng ta có thể kể cho nhau nghe những câu chuyện và nói về ngày vừa qua. Hay ta cũng có thể ngồi yên, nhìn hình ảnh trong tâm mình phản chiếu trong ngọn lửa biến đổi không ngừng, một vùng tỏa sáng của thế giới mầu nhiệm. Lửa làm bóng tối trở nên bớt đáng sợ, nó giúp ta cảm thấy an ổn và bảo đảm hơn. Lửa rất đáng được tín cẩn, nó có tác dụng làm ta yên tâm, phục hồi, trầm tư và cũng rất thiết yếu cho sự sinh tồn của ta. 

 

Nhưng tiếc thay, trong cuộc sống ngày nay chúng ta đã đánh mất đi sự thiết yếu đó, và cùng với nó là những cơ hội để tạo nên sự tĩnh lặng cho ta. Trong thế giới xô bồ ngày nay, những đống lửa không còn là thực tiễn nữa. Khi hoàng hôn buông xuống, ta chỉ cần đơn giản bật lên một công tắc đèn. Chúng ta có thể thắp sáng thế giới này lên bao nhiêu cũng được, và rồi lại tiếp tục với những sinh hoạt, với những bận rộn của mình. Cuộc sống ngày nay không còn cho phép ta có thì giờ cho chính mình nữa, trừ khi ta biết cương quyết nắm bắt nó. Chúng ta không còn bị bắt buộc phải tạm gát lại những gì đang làm, vì trời không còn ánh sáng... chúng ta mất đi giờ phút mỗi tối ấy để sống chậm lại và ngưng nghỉ những sinh hoạt ban ngày. Ngày nay, chúng ta rất hiếm còn được những cơ hội quý báu để cho tâm mình tĩnh lặng xuống bên cạnh một đống lửa hồng. 

 

Thay vào đó, vào mỗi cuối ngày chúng ta ngồi chung quanh một chiếc máy truyền hình, một năng lượng điện tử xanh yết ớt, so với sự sáng ngời của lửa. Chúng ta chịu khuất phục dưới sự oanh tạc tới tấp của những âm thanh và hình ảnh, chúng phát xuất từ đầu óc của kẻ khác, và tràn ngập tâm ta bằng những tin tức vớ vẩn, với những cuộc thám hiểm, náo động và tham vọng của kẻ khác. Máy truyên hình cướp mất đi phần không gian ít ỏi còn lại trong ngày của ta, mà có thể để dành cho sự tĩnh lặng. Nó nuốt hết thời gian, không gian và sự yên lặng của ta, là một thứ thuốc mê đưa ta vào một trạng thái thụ động vô ý thức. Báo chí hàng ngày cũng thế. Tự chúng không phải là xấu, nhưng vì ta thường cho phép chúng cướp đi những giờ phút quý báu mà ta có thể xử dụng để sống trọn vẹn hơn. 

 

Nhưng sự thật thì ta không cần phải đầu hàng trước những mê hoặc, cám dỗ của những thú vui và sự ồn ào bên ngoài như thế. Chúng ta có thể phát triển những thói quen nào có thể giúp ta trở về tiếp xúc lại với niềm ao ước sâu xa của mình, về một cái gì ấm áp, tĩnh lặng và an lạc. Khi ta ngồi với hơi thở của mình, thí dụ thì đó cũng giống như là ngồi bên một đống lửa hồng vậy. Và khi nhìn sâu vào hơi thở, ta cũng có thể thấy được ít nhất những gì trong ánh lửa, những phản ảnh của các ý nghĩ đang nhảy múa trong tâm. Nó cũng tỏa ra một sức ấm. Và nếu thật sự ta không cố gắng để đạt một điều gì hết, chỉ đơn giản cho phép mình được có mặt nơi đây, trong giờ phút này, như nó là, chúng ta sẽ có thể dễ dàng bắt gặp lại được một sự tĩnh lặng cổ xưa nào đó, người ta đã kinh nghiệm được khi ngồi bên một ánh lửa hồng. 

 

2.- Hòa điệu

 

Trong khi tôi vừa quẹo vào bãi đậu xe của bệnh viện, trên bầu trời đã có hàng trăm con vịt trời bay ngang qua. Chúng bay thật cao, tôi không hề nghe tiếng kêu gọi đàn của chúng. Ðiều đầu tiên tôi nhận thấy là rõ ràng chúng biết chúng đang đi về đâu. Chúng bay về hướng Tây Bắc và nhiều đến nỗi đội hình của chúng kéo dài đến tận phía trời Ðông, khi ánh sáng bình minh tháng mười một rạng rỡ nơi chân trời. Nhìn con vịt trời đầu tiên bay ngang qua, cảm xúc vì vẻ đẹp quý phái của chúng, tôi lấy đại giấy bút trong xe ra, vội vã ghi lại đội hình của chúng bằng cái nhìn và nét vẽ vụng về của tôi. Vài nét bút vội vàng cũng là đủ... chút nữa thôi chúng sẽ biến mất khỏi bầu trời. 

 

Hàng trăm con vịt trời bay theo đội hình chữ V, nhưng có nhiều con khác bay theo một sự sắp xếp phức tạp hơn. Ðường bay của chúng hạ xuống thấp rồi lại cất cánh lên cao trong một sự hòa điệu rất duyên dáng, giống như một tấm vải lụa uốn mình trong gió. Rõ ràng là những con vịt trời có truyền thông với nhau. Vì hình như mỗi con đều biết rõ vị trí của nó, thuộc nơi đâu và phải ở nơi nào trong đội hình phức tạp và biến đổi thường xuyên ấy. 

 

Tôi cảm thấy mình rất có phước được chứng kiến hình ảnh ấy. Giây phút này là một món quà rất quý báu. Tôi đã được phép nhìn thấy và được chia xẻ một cái gì tôi biết rất là quan trọng, không phải là lúc nào ai cũng có được. Một phần là sự hoang dã của chúng, một phần là sự hòa điệu, trật tự và vẻ đẹp mà chúng biểu hiện. 

 

Trong khi tôi chứng kiến hành trình ấy, kinh nghiệm thông thường về thời gian của tôi chợt dừng lại. Cách sắp xếp của những con vịt trời, mà các nhà khoa học gia thường gọi là "hỗn loạn", cũng giống như sự cấu tạo của những khối mây hoặc hình dáng của cây cối. Nơi đó có một trật tự, và bên trong tàng chứa một sự vô trật tự, nhưng cũng một cách rất là có trật tự. Ðối với tôi thì hình ảnh đó là một món quà tặng ký diệu và nhiệm mầu. Ngày hôm nay, trong khi đi đến sở làm, thiên nhiên đã biểu lộ cho tôi thấy tính tự nhiên của vạn vật trong một lãnh vực nhỏ bé, nhắc cho tôi nhớ rằng cái biết của con người không có là bao, và chúng ta ít khi biết tán thưởng sự hòa hợp trong vạn vật, hoặc là có thể nhận diện được chúng. 

 

Chiều nay, về nhà đọc tờ báo hàng ngày, tôi nhận thấy cái hậu quả tàn khốc của việc đốn cây khai thác những khu rừng già trên vùng cao nguyên ở miền nam nước Phi Luật Tân. Hậu quả ấy đã hiển lộ khi trận bảo dữ đi ngang qua vào cuối năm 1991, khi vùng đất trơ trọi, không còn khả năng giữ nước lại, đã để mặc cho một khối lượng nước lớn gấp bốn lần bình thường, đổ tràn ngập xuống vùng đồng bằng, làm chết đuối hàng ngàn người dân nghèo. Bạn đừng bao giờ nói rằng: "Tại nó xảy ra như vậy!" Vấn đề là nhiều khi chúng ta không dám chấp nhận trách nhiệm của mình ở trong đó. Khinh thường sự hòa hợp của thiên nhiên là một sự liều lĩnh lớn! 

 

Tính chất hòa điệu của thiên nhiên bao giờ cũng có mặt ở chung quanh ta và trong ta. Ý thức được việc ấy sẽ mang lại cho ta một hạnh phúc lớn. Nhưng ta chỉ biết tán thưởng khi nó không còn nữa, hoặc trong ký ức mà thôi. Như cơ thể ta chẳng hạn, nếu mọi việc đều bình thường, ta sẽ không bao giờ để ý đến. Không nhức đầu, ít khi nào là một vấn đề để ta chú tâm đến. Những khả năng như đi, đứng, nhìn, nghe, suy nghĩ... thường thì chúng ít cần đến sự săn sóc của ta, vì vậy chúng hay bị nhòa lẫn vào vùng không gian của sự tự động máy móc và vô ý thức. Chỉ có sự đau đớn, sợ hãi hoặc mất mát mới có thể đánh thức ta dậy và mang thực tại trở về với sự chú tâm của ta. Nhưng đến chừng ấy thì không dễ gì ta còn có thể nhận thấy được sự hòa hợp nữa! Không khéo ta còn lại bị lôi cuốn theo sự động loạn, nó như một dòng suối chảy xiết, như một thác nước đổ, một chặn đường gian nan trong dòng sông của cuộc sống. Cũng như một người nào đó nói: "Bạn không biết những gì mình đang có, trừ khi bạn đã đánh mất nó đi..." 

 

Khi tôi bước xuống xe, trong lòng tôi cúi đầu cảm tạ những người khách lữ hành trên cao ấy, vì đã mang lại cho vùng trời của một bệnh viện văn minh và hiện đại này, một liều thuốc tươi mát của miền thiên nhiên hoang dã. 

 

Thực tập: Hãy vén lên tấm màn vô ý thức và cảm nhận một sự hòa hợp trong giây phút hiện tại này. Bạn có thấy nó trong những áng mây, trong bầu trời, con người, thời tiết, trong thực phẩm, trong thân ta, và trong hơi thở này không? Hãy nhìn và nhìn vào cho thật kỹ đi, ngay ở đây và trong lúc này! 

 

3.- Buổi sáng sớm  

 






Mặc dù ông không sở làm để đến, cũng không có con cái để săn sóc và đưa đến trường, không có lý do nào bên ngoài bắt ông phải dậy sớm, nhưng khi sống tại Walden, ông Thoreau có thói quen thức dật thật sớm để xuống tắm ở hồ vào lúc mặt trời mọc. Ông làm vì những lý do nội tại, như là một giới luật tâm linh: "Ðó là một sư tu tập và là một trong những việc mà tôi có khiếu nhất". 

 

Benjamin Franklin cũng đã từng ca tụng những đức tính như sức khỏe,giàu có và sáng suốt mà ta có thể đạt được nhờ biết dậy sớm, trong câu cách ngôn nổi tiếng của ông. Nhưng ông không chỉ nói suông mà còn thực hành nữa. 

 

Việc dậy sớm không có nghĩa là ta sẽ có thêm thì giờ để dồn nhét thêm những bận rộn, công việc vào một ngày của mình. Sự thật ngược lại như thế. Ta sẽ có dịp để thưởng thức sự tĩnh lặng và cô tịch của giờ phút ấy, và có thể xử dụng thời gian đó để mở rộng tâm thức, để quán niệm, để thật sự có mặt và cố ý không làm gì hết. Sự an bình, bóng tối, bình minh và tĩnh lặng - tất cả những điều đó giúp cho buổi sáng sớm là một thời gian đặc biệt cho sự thực tập chánh niệm. 

 

Hơn nữa, thức dậy sớm sẽ giúp cho ta có cơ hội làm chủ được một ngày. Nếu bạn có thể bắt đầu một ngày với một chánh niệm vững vàng, thì khi bạn cần phải đi đây đó làm việc, chắc chắn hành động của bạn sẽ được phát xuất từ chính sự vững vàng và tĩnh lặng đó. Bạn sẽ có thể duy trì được một chánh niệm vững chãi, một sự an lạc và quân bình trong nội tâm trọn cả ngày, cho dù công việc và trách nhiệm có nặng nề đến đâu. Một ngày chắc chắn sẽ được tốt đẹp hơn, nhất là khi bạn không phải vội vã nhảy ra khỏi giường và lao đầu ngay vào những đòi hỏi của cuộc sống. 

Việc thức dậy sớm mỗi buổi sáng có một năng lực rất to tác, nó ảnh hưởng vô cùng sâu đậm tới cuộc sống của ta, cho dù ta có thực tập chánh niệm hay không. Chỉ cần nhìn mặt trời bình minh mọc mỗi sáng tinh sương, tự nó cũng là một tiếng chuông tĩnh thức cho ta rồi. 

 

Nhưng tôi khám phá ra rằng, buỗi sáng sớm là một thời gian rất kỳ diệu để thực hành thiền tập. Chưa có ai thức dậy hết. Sự nào nhiệt của thế giới cũng chưa thật sự bắt đầu. Tôi bước ra khỏi giường và thường thường bỏ ra chừng một giờ cho chính mình, để không làm gì hết. Sau hai mươi tám năm trời, nó vẫn chưa mất đi sức quyến rũ đối với tôi. Thỉnh thoảng, cũng có lúc tôi cảm thấy khó mà dậy sớm, thân hoặc tâm tôi bị dằn co. Nhưng giá trị ở chỗ tôi vẫn cứ làm, cho dù mình có thích hay không. 

 

Một trong những đức tính chánh của sự thực tập đều đặn là ta sẽ đạt được một thái độ xả bỏ đối với những trạng thái nhất thời của tâm ý. Ta cương quyết thức dậy sớm ngồi thiền mỗi ngày, cho dù mình cảm thấy muốn hay không. Sự thực tập ấy giúp ta có một tiêu chuẩn cao hơn - nhắc nhở ta về sự quan trọng của chánh niệm, và sự cám dỗ của thói quen sống trong thất niệm, vô ý thức của mình. Việc dậy sớm để thực tập không làm gì hết, tự nó cũng là một quá trình tôi luyện. Quá trình ấy phát ra một nhiệt lực đủ nóng để sắp xếp lại những hạt nguyên tử trong con người của mình, tạo nên một hàng rào pha lê vững chắc để bảo vệ thân tâm, một hàng rào giữ cho ta được thành thật và nhắc nhở rằng, cuộc sống này còn nhiều việc to tát hơn là sự thành đạt của mình. 

 

Kỷ luật ấy sẽ giữ cho ta được vững vàng, không bị lệ thuộc vào phẩm chất của ngày hôm qua và những việc gì sẽ xảy ra trong ngày hôm nay. Tôi luôn cố gắng bỏ ra chút thì giờ để thực hành thiền tập, cho dù chỉ trong vài phút, vào những ngày có biến cố vui buồn lớn, khi tâm tôi và hoàn cảnh chung quanh hoàn toàn bị náo động, khi có nhiều việc cần phải làm và cảm xúc dâng cao. Ðược như thế, tôi mới có thể thật sự cảm nhận được ý nghĩa của những giây phút ấy, và đôi khi có thể lèo lái vượt qua được. 

 

Khi ta thực tập chánh niệm vào buổi sáng sớm, là ta tự nhắc nhở mình rằng, mọi việc luôn luôn thay đổi, những điều tốt xấu sẽ đến rồi đi và ta lúc nào cũng có khả năng biểu lộ được một bình diện bất biến, của trí tuệ và an lạc, dù phải đối mặt với bất cứ một tình trạng nào. Mỗi sáng tinh sương ta thức dây sớm để thực hành thiền tập là một biểu hiện của bình diện ấy. Ðôi khi tôi nói về nó như là một cái gì rất "thông thường", nhưng sự thật thì khác rất xa! Chánh niệm là những gì ngược hẳn lại với thói quen thường lệ của mình. 

 

Nếu bạn còn chần chư chưa muốn thức dậy sớm hơn một tiếng, thì bạn có thể thử nửa tiếng, mười lăm phút, hoặc năm phút thôi cũng được. Tinh thần mới là quan trọng. Năm phút thực tập chánh niện vào mỗi buổi sáng cũng có thể rất giá trị. Và chỉ cần hy sinh năm phút của giấc ngủ thôi, cũng có thể giúp ta thấy được cái tính mê ngủ của mình. Ta thấy rằng, mình phải cần bao nhiêu là sự tự chủ và quyết tâm để có được một chút thì giờ, để tỉnh thức mà không làm gì hết. Vì dù sao đi nữa, cái tâm suy nghĩ của ta có trăm ngàn lý do chính đáng để khất lại ngày sau, như là ta đâu có thật sự đạt được cái gì, sáng hôm nay cũng chẳng có gì quan trọng lắm, và có lẽ lý do thật sự hơn hết là, tại sao mình không ngủ thêm một chút nữa cho khỏe rồi ngày mai hãy bắt đầu? 

 

Muốn vượt qua những trở ngại trong tâm mà ta đã biết trước ấy, ta cần phải tự quyết định vào đêm hôm trước rằng, mình sẽ thức dậy cho dù có nghĩ gì đi chăng nữa. Ðó cũng là hương vị đặc biệt của đức tự chủ và thật sự có chủ đích. Ta làm vì đã tự hứa với mình và ta sẽ làm vào giờ đã ấn định, cho dù một phần của tâm ta có ưa thích hay không. Sau một thời gian, sự tu tập ấy sẽ trở thành một phần của con người ta. Ðây chỉ đơn giản là một lối sống mới mà ta đã chọn. Nhưng nó không có nghĩa là "phải làm", vì ta không hề bó buộc mình. Những giá trị cũng như hành động của ta đã thay đổi, thế thôi. 

 

Nếu bạn chưa sẵn sàng để thức dậy sớm, hoặc là có chăng đi nữa, bạn bao giờ cũng có thể xử dụng giây phút vừa thức giấc của mình, bất cứ lúc nào, như là giây phút của chánh niệm, giây phút đầu tiên của một ngày mới. Ngay trước khi bạn cử động, hãy cố gắng tiếp xúc với hơi thở của mình. Cảm giác thân mình đang nằm trên giường. Thẳng người ra. Và bạn hãy tự hỏi: "Tôi có tỉnh chưa? Tôi có biết rằng tôi được ban tặng cho một ngày mới không? Tôi có tỉnh thức để nhận lãnh nó không? Việc gì sẽ xảy ra trong ngày hôm nay? Ngay bây giờ tôi cũng chẳng biết. Mặc dù tôi đang suy nghĩ về việc gì cần phải làm, tôi có thể nào mở rộng ra với cái không biết này không? Tôi có thấy ngày hôm nay là một cuộc khám phá mới không? Tôi có nhận thấy rằng thời gian này có đầy đủ hết mọi tiềm năng không?".

 

Buổi sáng là những khi tôi tỉnh thức và bên trong tôi có một bình minh... Chúng ta phải biết học cách tỉnh thức ấy và giữ cho mình được tỉnh thức, không phải bằng những phương tiện máy móc, nhưng là bằng một sự mong đợi bất tận vào một bình minh sẽ không hề bỏ quên ta, dù ta đang đắm chìm trong một giấc ngủ say. Tôi không còn biết đến một sự kiện nào đáng khích lệ hơn là cái khả năng chắc chắn của con người nâng cao sự sống của mình bằng một nỗ lực có ý thức. Khả năng vẽ lên một bức tranh, tạc một bức tượng, tạo nên một vài đối tượng mỹ thuật, là cao đẹp lắm. Nhưng nếu ta có thể tạc hoặc vẽ được cái bầu không khí và môi trường mà ta nhìn xuyên qua, khả năng ấy còn tuyệt diệu hơn, vượt bực nữa... Làm sao để ảnh hưởng được phẩm chất của một ngày, đó mới là một nghệ thuật cao quý. 
Thoreau, Walden. 

 

Thực tập: Bạn hãy tự hứa với mình và cương quyết thức dậy sớm hơn thường lệ. Làm bấy nhiêu thôi cũng sẽ thay đổi được đời bạn. Hãy để thời gian ấy, dù dài hay ngắn, là thời gian để sống, để tỉnh thức. Bạn không muốn bỏ gì vào khoảng thời gian này hơn là chánh niệm và ý thức. Không cần phải lo nghĩ về những việc cần phải làm trong ngày và sống "trước" hiện tại của mình. Ðây là lúc của sự vô thời gian, của tĩnh lặng hiện tại, và có mặt với chính mình. 

 

Và khi vừa thức dậy, trước khi bước chân xuống giường, bạn hãy tiếp xúc với hơi thở của mình, ý thức những cảm giác trong thân, ghi nhận mọi ý nghĩ và cảm xúc đang có mặt, hãy dùng chánh niệm soi sáng giây phút này. Bạn có cảm nhận được hơi thở của mình không? Bạn có ý thức được sự bình minh trong mỗi hơi thở vào? Bạn có biết tán thưởng cảm giác hơi thở đang ra vào tự do nơi thân trong giây phút này không? Tự hỏi mình: "Bây giờ, tôi có thật sự tỉnh thức chưa?".

 

4.- Tiếp xúc trực tiếp

 

Chúng ta ai cũng mang theo mình những hình ảnh và ý niệm về thực tại. Ða số chúng được thu thập từ người khác, từ những lớp học, từ sách đã đọc, hoặc từ truyền hình, ra dô, báo chí, từ nền văn hóa nói chung. Chúng cho ta một ấn tượng về những sự vật chung quanh mình và về việc gì đang xảy ra. Và kết quả là chúng ta chỉ nhìn thấy tư tưởng của mình hoặc của kẻ khác, thay vì là những gì đang thực sự hiện diện ngay trước mặt hoặc bên trong ta. Chúng ta ít khi nào chịu tìm kiếm hoặc xét lại cảm nhận của mình, vì ta tự cho rằng mình đã biết và hiểu hết tất cả. Và vì vậy ta tự đóng kín mình lại, không còn biết đến sự kỳ diệu và sinh động của những cuộc gặp gỡ mới. Không khéo chúng ta có thể quên rằng, sự tiếp xúc trực tiếp là một cái gì có thể được. Ta sẽ không còn tiếp xúc được với những gì là cơ bản nhất, mà không hề hay biết Chúng ta có thể sống trong một thực tại huyễn mộng do mình tạo nên, mà không hề ý thức được sự mất mát, một hố sâu, khoảng cách không cần thiết ngăn cách ta với kinh nghiệm của mình. Không ý thức được việc ấy, ta suốt đời sẽ là một kẻ nghèo nàn về tâm linh. Và khi ta tiếp xúc trực tiếp được với thế giới chung quanh mình, sẽ có những sự kiện nhiệm mầu xảy ra. 

 

Viki Weisskopf, một người hướng dẫn và cũng là một người bạn của tôi, một nhà vật lý học nổi tiếng, có kể lại một câu truyện rất sâu sắc về sự tiếp xúc trực tiếp: 

 

Vài năm trước đây, tôi có nhận được lời mời đến giảng thuyết tại đại học đường Arizona ở Tucson. Tôi rất vui mừng và chấp nhận ngay, vì đây là một cơ hội tốt để viếng thăm đài thiên văn trên đỉnh Kitts Peak, nơi đó có một kính thiên văn rất mạnh, mà tôi từng mơ ước sẽ có dịp được xử dụng thử. Tôi yêu cầu trường đại học sắp xếp cho tôi một buổi viếng thăm đài thiên văn này, để tôi có thể quan sát những vì tinh tú qua chiếc kính viễn vọng ấy. Nhưng họ trả lời rằng việc ấy không thể thực hiện được, vì chiếc kính viễn vọng lúc nào cũng được xử dụng để chụp hình và cho những sinh hoạt nghiên cứu khác, không có thì giờ cho việc quan sát khơi khơi như vậy. Nếu vậy, tôi viết thư trả lời, là tôi sẽ không đến giảng thuyết được. Chừng vài ngày sau, tôi được báo tin cho hay rằng, mọi việc đã được sắp xếp theo lời yêu cầu của tôi. Một buổi tối trời trong thật đẹp, chúng tôi lái xe lên núi. Những vì sao và dãy Ngân hà sáng lóng lánh trên cao, tôi có cảm tưởng gần đến nỗi mình có thể với tay lên bắt được. Tôi vào căn nhà mái vòm của đài thiên văn và nói với người chuyên viên điều khiển chiếc kính viễn vọng bằng máy điện tử, tôi muốn được quan sát Thổ tinh và một số thiên hà khác. Thật là một niềm vui lớn khi được nhìn bằng chính đôi mắt mình, với đầy đủ hết những chi tiết mà tôi chỉ có thể thấy trước đó qua hình ảnh. Trong khi say mê quan sát, tôi chợt để ý rằng căn phòng bắt đầu có đông người tụ tập, và họ chờ nhau để đến phiên được nhìn vào chiếc viễn vọng kính như tôi. Tôi được kể rằng, những nhà thiên văn này làm việc nơi đây, nhưng họ chưa bao giờ có cơ hội để trực tiếp nhìn vào đối tượng mà họ đang nghiên cứu. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng, lần gặp gỡ này, sẽ giúp họ ý thức được tầm quan trọng của những tiếp xúc trực tiếp như thế. 

 

Thực tập: Nhớ rằng cuộc sống của mình cũng thú vị và nhiệm mầu như là mặt trăng và những vì tinh tú. Cái gì đứng giữa bạn và kinh nghiệm trực tiếp với sự sống của bạn? Bạn có thể làm gì để thay đổi được khoảng cách ấy? 

 

5.- Bạn còn muốn nói thêm điều gì với tôi không? 

 

Lẽ dĩ nhiên, sự tiếp xúc trực tiếp cũng rất là quan trọng trong mối tương quan giữa bác sĩ và bệnh nhân. Chúng tôi cố gắng hết sức để giúp các sinh viên y khoa hiểu được sự quan hệ này, để họ khỏi bỏ chạy trong kinh hoàng vì nó có dính líu đến tình cảm cá nhân, cũng như đòi hỏi một khả năng biết lắng nghe thật sâu sắc. Chúng tôi nhắc nhở các bác sĩ tập sự nên đối xử với bệnh nhân của mình như là con người, chứ không phải là một bài toán về chứng bệnh, hoặc cơ hội để họ thử nghiệm sự phán đoán và chữa trị của mình. Có biết bao nhiêu chuyện có thể chen vào giữa sự tiếp xúc trực tiếp của ta. Và có rất nhiều bác sĩ đã thiếu sự huấn luyện này trong lãnh vực y khoa của họ. Họ vẫn không ý thức được tính chất quan trọng của một sự truyền thông hữu hiệu, cũng như sự chăm sóc đối với bệnh nhân. Chúng ta thường nghĩ ràng mình lo cho sức khỏe của bệnh nhân, nhưng thật ra là ta chỉ lo lắng cho bệnh tình của họ. Và dù ta có chăm sóc gì chăng nữa, nó vẫn là một sự thiếu thốn lớn, nếu đối tượng của ta bị loại bỏ ra ngoài chương trình. 

 

Má tôi có kinh nghiệm này, về việc không tìm ra một bác sĩ nào thật sự quan tâm về nỗi lo lắng của bà. Bà rất bực tức kể lại rằng, có một lần bà bị giải phẩu xương hông, và được thay vào bằng hông nhân tạo. Sau một thời gian, bà vẫn không thể đi đứng bình thường được và rất đau đớn. Má tôi đã gọi vị bác sĩ giải phẩu của mình nhiều lần để than phiền. Cuối cùng bà được hẹn để vào gặp ông ta. Vị bác sĩ sau khi nghiên cứu tấm ảnh quang tuyến X, bảo rằng mọi sự đều rất tốt đẹp, và không hề nghĩ đến chuyện khám nghiệm lại cái hông và chân bằng xương bằng thịt của bà, mặc dù bà than phiền rất nhiều lần. Tấm ảnh chụp bằng quang tuyến X đủ để thuyết phục vị bác sĩ là má tôi không hề có lý do gì để đau đớn hết, mặc dù bà rất là khổ sở. 

 

Các bác sĩ có thể vô ý thức đi trốn phía sau những dụng cụ, máy móc y khoa, hoặc những thử nghiệm và danh từ kỷ thuật chuyên môn của họ. Họ rất ngại khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân như là một con người, một cá nhân với đầy đủ lo âu và sợ hãi, nỗi quan tâm và thắc mắc, dù có nói ra hoặc thinh lặng. Có thể họ nghi ngờ khả năng của mình, vì đây là một lãnh vực mới chưa từng được thăm dò. Một phần cũng có thể vì họ không quen đối diện với những tư tưởng, sự sợ hãi, nỗi quan tâm và nghi ngờ của chính họ, cho nên đối với những gì của người khác, chúng cũng rất là đe dọa. Và cũng có thể họ cảm thấy mình không có thì giờ để mở ngõ cho những chiếc đê sắp vỡ tuôn ấy, hoặc là tự ngờ khả năng đối phó thích ứng của mình. Nhưng điều mà những bệnh nhân cần, rất đơn giản, là sự lắng nghe và có mặt của ta, biết coi con người là quan trọng, chứ không phải chỉ có căn bệnh mà thôi. 

 

Với ý định đó, chúng tôi dạy những sinh viên y khoa của mình, một trong nhiều điều khác, là hỏi câu khiêu gợi sự trả lời nơi người nghe: "Ông hay bà còn có điều gì muốn nói thêm với tôi không?" sau mỗi cuối giờ phỏng vấn. Chúng tôi khuyến khich họ nên ngừng lại, và im lặng một chút, hoặc lâu hơn nữa nếu cần thiết, cho bệnh nhân có được một khoảng không gian tâm linh để xét lại nhu cầu của mình, và cũng như họ thật sự nghĩ gì. Những điều này rất ít khi nào các bệnh nhân chịu đề cập tới ngay lần đầu, lần thứ hai, hoặc có lẽ là sẽ không bao giờ, nếu họ cảm thấy vị bác sĩ không biết lắng nghe hoặc quá vội vã. 

 

Trong một khóa huấn luyện các nhân viên chuyên khoa về phương pháp phỏng vấn bệnh nhân, chúng tôi được chiếu cho xem một cuốn phim nói về những cuộc phỏng vấn của các sinh viên y khoa với bệnh nhân của mình, được thu hình để học hỏi. Cuốn phim gồm có nhiều cuộc phỏng vấn của các sinh viên y khoa khác nhau, nhưng chỉ gom chiếu lại phần họ hỏi bệnh nhân mình câu chót: "Ông hay bà còn có thêm điều gì muốn nói với tôi không?" Trước khi được cho xem cuốn phim tài liệu này, chúng tôi được yêu cầu hãy cẩn thận ghi nhận việc gì thật sự xảy ra. 

 

Xem đến đoạn phim thứ ba, tôi phải cố gắng lắm mới khỏi lăn ra đất mà cười. Hầu như trong tất cả đoạn phim, các sinh viên y khoa đều thực hành đúng những gì mình đã được dạy, là chấm dứt buổi phỏng vấn với câu hỏi chót: "Ông hay bà còn có thêm điều gì muốn nói với tôi không?", nhưng chính họ lại lắc đầu trong khi đặt câu hỏi ấy, như gián tiếp nói với bệnh nhân mình rằng: "Thôi đủ rồi, làm ơn đừng kể thêm gì nữa hết". 

 

Vì vậy, ta không bao giờ có thể dấu diếm được bất cứ điều gì. Ta phải thật sự biết lắng nghe.



Tác giả: Jon Kabat-Zinn - 
Dịch giả: Nguyễn Duy Nhiên


Còn nữa...
Nguồn link: http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-80_4-9639_5-50_6-1_17-27_14-1_15-1/

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp