Năng lực của chánh niệm có thể mang lại cho ta niềm tin ấy, nó chữa lành được mặc cảm tự ti của ta. Vì thật ra tự ti chỉ là một đánh giá sai lầm, một nhận thức không đúng về thực tại. Bạn có thể thấy được rất rõ điều này khi nhìn sâu vào cơ thể mình, hoặc là theo dõi hơi thở trong khi thiền tập. Bạn sẽ nhanh chóng khám phá ra rằng cơ thể mình cũng là một phép lạ.
6.- Thẩm quyền của bạn
Lúc mới vào làm việc tại bệnh viện, tôi được phát cho ba chiếc áo khoác dài màu trắng, bên ngoài có hàng chữ "Dr. Kabat-Zinn/Phân khoa y học" được thêu thật đẹp trên túi áo. Và chúng được treo phía sau cánh cửa văn phòng tôi từ mười lăm năm nay, chưa bao giờ được dùng tới.
Ðối với tôi, những chiếc áo trắng này là một biểu tượng mà tôi không bao giờ cần đến trong ngành của mình. Tôi đoán có lẽ chúng cần thiết cho các vị bác sĩ, giúp làm gia tăng thêm cái hào quang thẩm quyền của họ và nhớ đó tạo một ảnh hưởng tốt đối với các bệnh nhân. Và cái hào quang ấy lại càng gia tăng bội phần, nếu họ có thêm một chiếc ống nghe (stethoscope) treo lủng lẳng ngoài túi áo. Những vị bác sĩ trẻ tuổi đôi khi nghiên cứu nghệ thuật này rất kỹ, họ cố đeo chiếc ống nghe làm sao cho thật tự nhiên trên cổ, và gác ra phiá sau lưng ngang vai.
Nhưng trong một y viện chuyên khoa về ngành làm giảm sự căng thẳng (stress reduction clinic), thì chiếc áo trắng là một chướng ngại rất lớn. Tôi đã phải làm việc tối đa để phản ảnh những cái tên mà người ta đã đặt cho tôi, như là "Ông Thoải Mái", hoặc "Bác sĩ Biết Hết Tất Cả", hoặc là "Ông Tình Thương và Trí Tuệ". Một trong những điểm chính yếu của việc xử dụng chánh niệm để giảm sự căng thẳng - là khuyến khích và thách thức người ta trở thành nguồn thẩm quyền của chính họ, biết chịu trách nhiệm về cuộc đời, về thân thể và hạnh phuc của mình. Thật ra mỗi người chúng ta bao giờ cũng là nguồn thẩm quyền của chính mình, nếu ta biết ý thức được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Vì vậy, ta cần phải học hỏi rất nhiều về con người ấy - những gì ta cần biết để tăng trưởng, để chữa lành vết thương và để có thể chọn lựa hữu hiệu trong cuộc sống. Và những gì ta cần học hỏi lúc nào cũng nằm trong tầm tay ta, hay nói đúng hơn là nằm ngay nơi đây trong hơi thở của mình.
Muốn có một sự sống lành mạnh và an lạc, ta cần phải biết lắng nghe cẩn thận hơn và tin tưởng vào những gì mình nghe thấy. Bạn có nghe được những thông điệp của cuộc đời bạn không? Chúng bao giờ cũng là những thành tố còn thiếu sót trong khoa y học, Chúng tôi thường khuyên các bệnh nhân nên có niềm tin và phải biết tự đóng góp vào cho sự lành mạnh của chính họ. Chúng tôi gọi đó là "huy động nguồn nội lực của bệnh nhân", để giúp họ tự chữa thương, hoặc để có thể đối phó thích ứng hơn, nhìn sáng tỏ hơn, cứng rắn hơn, dám đặt vấn đề hơn và xử sự khôn khéo hơn. Lẽ dĩ nhiên, nó không thể hoàn toàn thay thế cho sự chăm sóc của ngành y khoa chuyên môn được. Nhưng nó là một bổ sung rất cần thiết, nếu bạn muốn sống một cuộc sống lành mạnh thật sự - nhất là trong một hệ thống y tế còn rất nhiều khiềm khuyết này.
Phát triển được thái độ ấy có nghĩa là ta làm chủ được đời mình, và từ đó ta sẽ chấp nhận thẩm quyền của mình hơn. Nó đòi hỏi một điều là ta cần phải biết tin tưởng nơi ta. Mà buồn thay, nhìn cho sâu, đa số chúng ta lại không có được sự tự tin đó.
Năng lực của chánh niệm có thể mang lại cho ta niềm tin ấy, nó chữa lành được mặc cảm tự ti của ta. Vì thật ra tự ti chỉ là một đánh giá sai lầm, một nhận thức không đúng về thực tại. Bạn có thể thấy được rất rõ điều này khi nhìn sâu vào cơ thể mình, hoặc là theo dõi hơi thở trong khi thiền tập. Bạn sẽ nhanh chóng khám phá ra rằng cơ thể mình cũng là một phép lạ. Trong mỗi giây phút, nó thực hiện biết bao nhiêu là kỳ công, mà không cần đến sự cố gắng của ta. Vấn đề tự ti phần lớn bắt nguồn từ những ý nghĩ đã bị tô màu bởi quá khứ. Ta có thói quen đi tìm kiếm những khiếm khuyết của mình và phóng đại chúng lên to tướng. Và cũng lúc ấy, ta lại xem thường những đức tính tốt của mình, hoặc đôi khi không thèm biết gì đến chúng. Có lẽ chúng ta vẫn còn bị vướng kẹt trong những vết thương sâu đậm của quá khứ, và vô tình quên đi hoặc không hề ý thức được rằng mình cũng có nhiều đức tính rất hay, rất đẹp khác nữa. Vết thương xưa tuy quan trọng, nhưng những tính tốt của ta cũng quan trọng không kém, như là tình thương, lòng từ ái của ta đối với người khác, tuệ giác của cơ thể, khả năng suy nghĩ và phân biệt của ta. Và chúng ta có một khả năng phân biệt, nhận thức, thương yêu, cao thượng hơn là mình nghĩ. Dù vậy, thay vì có một cái nhìn quân bình, chúng ta thường bị kẹt trong thói quen tạo ấn tượng rằng, người khác bao giờ cũng hay ho và tốt đẹp, còn ta thì lúc nào cũng thua kém.
Tôi cảm thấy rất ngại ngùng khi người chung quanh đưa tôi lên quá cao. Tôi cố gắng phản chiếu lại những ấn tượng đó về tôi, hy vọng rằng người ta sẽ ý thức được việc làm ấy, để thấy rằng năng lượng tích cực của họ dành cho tôi thật ra là của chinh họ. Sự tích cực ấy là của họ. Nó là năng lượng của họ, và người ta nên giữ gìn lấy để xử dụng, cũng như nên biết ơn cái cội nguồn ấy. Tại sao họ lại phải cho đi sức mạnh của mình? Thú thật tôi không cần thêm gì nữa, tự tôi, tôi cũng đã có đủ vấn đề lắm rồi!
Người ta thường đo lường lòng kính trọng của nhau bằng những gì kẻ khác có, mà không bằng những gì họ là... Không gì có thể đem lại cho bạn sự an lạc ngoại trừ bạn.
Ralph Valdo Emerson.
7.- Nơi bạn đến là bây giờ và ở đây
Có bao giờ bạn nhận thấy rằng, mình không thể nào trốn tránh được bất cứ một vấn đề gì không? Rằng, không chóng thì chầy, những sự việc ta không muốn đối phó, cố gắng tránh né, hoặc phủ đậy lại và giả vờ như là chúng không hề có mặt, rồi một ngày kia sẽ bắt kịp ta - nhất là khi chúng có liên quan đến những tập quán hoặc nỗi sợ của mình. Chúng ta thường có một ý niệm lãng mạn rằng, nếu nơi này ta không vừa ý, ta chỉ cần đi sang nơi khác thì mọi việc tức khắc sẽ thay đổi. Nếu việc làm của ta không tốt, đổi việc khác. Nếu người bạn đời của ta không vừa ý, chọn người bạn đời khác. Nếu thành phố ta ở không tốt, dọn đi nơi khác. Nếu con cái của ta là một vấn đề, giao chúng cho người khác lo. Ta nghĩ rằng, cái lý do tạo nên sự đau khổ cho mình nằm ở bên ngoài - như việc làm, nơi chốn. hoàn cảnh hoặc người khác. Chúng ta tưởng rằng, khi ta đổi chỗ ở, thay hoàn cảnh, thì mọi việc sẽ tự động trở nên tốt đẹp hơn, và ta có thể bắt đầu trở lại và lập một cuộc đời mới.
Nhưng quan niệm đó có một vấn đề mà ta quên, là lúc nào ta cũng mang theo khối óc và con tìm mình, và cái mà người ta gọi là nghiệp quả, ở bất cứ một nơi nào mà ta đến. Ta không bao giờ có thể trốn tránh được chính ta, cho dù có cố gắng bao nhiêu. Lý do gì bạn lại nghĩ rằng, sự việc sẽ có thể khác đi hoặc tốt đẹp hơn ở một nơi xa xôi nào đó? Sớm muộn gì những khó khăn xưa cũng sẽ phát khởi lên, nhất là khi chúng bắt nguồn từ tập quán suy nghĩ, quan sát và hành động của ta. Rất thường khi, cuộc sống của ta không còn sinh động, vì ta không còn biết sống nữa, vì chúng ta không dám nhận lãnh trách nhiệm về những việc xảy ra và đối phó với những khó khăn của mình. Chúng ta quên rằng, mình thật sự có thể đạt được một sự trong sáng, hiểu biết và chuyển hóa ngay giữa những gì là bây giờ và ở đây, cho dù chúng là bất cứ một vấn đề gì chăng nữa. Nhưng dù sau khi ta đem những khó khăn, vấn đề của mình đi đổ cho hoàn cảnh và kẻ khác, thì nó bao giờ cũng dễ dàng và ít đe dọa đối với cái tôi của mình hơn.
Việc đi tìm lỗi, trách móc hoặc tin rằng ta cần một sự thay đổi ở bên ngoài, ta cần giải thoát ra những lực lượng đã giữ, ngăn chận không cho ta phát triển và có hạnh phúc, chuyện ấy rất là dễ. Ta cũng có thể tự trách mình, và dùng nó như là một phương cách tối hậu để trốn tránh trách nhiệm, cho rằng mình đã làm hư hao quá nhiều, và không có thể sửa chữa được nữa. Trong cả hai trường hợp, ta đều tin rằng mình không có khả năng sửa đổi và phát triển và ta cần phải thôi làm kẻ khác đau khổ bằng cách tự rút lui ra khỏi hoàn cảnh ấy.
Sự tổn thương gây nên bởi cái nhìn sai lầm đó, có mặt khắp nơi trong cuộc sống. Hãy thử nhìn chung quanh mình, bạn có thấy những tình thân thuộc bị gãy đổ, gia đình sứt mẻ, con người mất hết hy vọng, những kẻ lang thang không gốc rễ, lạc loài, đi từ nơi này đến chốn nọ, từ công việc này sang công việc khác, từ mối tương quan này đến mối liên hệ kia, từ quan niệm giải thoát này đến quan niệm khác... với hy vọng mong manh rồi sẽ có một người nào đó, một công việc, một nơi chốn hoặc một quyển sách nào đó sẽ làm cho mọi việc trở nên tốt đẹp hơn.
Thật ra, thiền tập tự nó không ban cho ta khả năng thoát được khỏi những thói quen ấy: đi tìm kiếm ở một nơi khác cho câu trả lời hoặc giải đáp cho những khó khăn của ta. Trong sự tu tập, đôi khi người ta cũng hay theo đuổi phương pháp này đến phương pháp nọ, hoặc từ một vị thầy này đến vị thầy khác, truyền thống này đến truyền thống khác, mong tìm kiếm một cái gì đó đặc biệt, một pháp môn tối thượng, một mối quan hệ cá biệt, một giây phút "giác ngộ" tạm thời nào đó có thể mở tung được cánh cửa giác ngộ. Nhưng việc ấy có thể trở thành một ảo vọng nguy hại, một cuộc đi tìm bất tận, để ta trốn tránh khỏi phải đối diện với những vấn đề đau đớn nhất. Ðôi khi vì sự sợ hãi và vì khao khác muốn có một vị tôn sư giúp đở, người ta thường bị vướng mắc vào những mối tương quan không lành mạnh. Họ sẵn sàng chịu lệ thuộc vào vị thầy của mình. Nhưng bạn nên nhớ rằng, dù cho một vị thầy tài giỏi đến đâu, cuối cùng bạn vẫn phải tự mình tu tập lấy, và sự tu tập ấy phải bắt nguồn từ chính sự sống của bạn.
Có một số người lạm dụng thời gian tu học của mình. Thay vì xem đó như một cơ hội để tự quán chiếu, họ xem khóa tu như một thời gian để củng cố lại những thói quen và tập quán thường ngày của mình. Vì trong khóa tu, mọi việc có thể trở nên dễ dàng hơn. Những nhu yếu trong đời sống của ta đều được người khác lo hết. Thế giới này thấy có ý nghĩa hơn. Tôi chỉ cần ngồi thiền, đi thiền hành, giữ chánh niệm, sống trong hiện tại, được người khác lo cho miếng ăn, thức uống, được lắng nghe những lời minh triết từ những bậc đã có một quá trình tu tập dài lâu và một đời sống tuệ giác. Và rồi tôi sẽ được chuyển hóa, biết sống với mình một cách trọn vẹn hơn, biết chấp nhận cuộc đời hơn và có một cái nhìn sáng tỏ về những vấn đề của mình hơn.
Nói chung những việc ấy cũng không phải là sai. Một khóa tu học nhiều ngày với một vị thầy giỏi, có một giá trị rất to tát và một tác dụng chữa trị lớn lao, nếu ta chịu quán chiếu bất cứ những gì khởi lên trong khóa tu. Nhưng ở đây cũng có một sự nguy hiểm mà ta cần phải cẩn thận. Những ngày tu học của ta có thể trở thành một sự rút lui khỏi cuộc đời và xã hội, và sự "chuyển hóa" của ta vì vậy rất là nông cạn. Nó có thể kéo dài được chừng vài ngày, vài tuần, hoặc vài tháng sau khi khóa tu chấm dứt, và rồi mọi sự đâu lại hoàn đó như xưa. Và ta lại chờ đợi đến một khóa tu kế, một vị thầy giỏi nào đó, hoặc một chuyến hành hương sang Á Châu, hay là một ước mơ sẽ có một ngày ta trở thành một người tốt hơn, mọi việc sẽ được sáng tỏ hơn.
Lối nhìn và suy nghĩ ấy là một cạm bẩy rất phổ thông. Trên con đường dài, bạn không bao giờ có thể trốn thoát được chính bạn, chỉ có một sự chuyển hóa mà thôi. Cho dù bạn có xử dụng bất cứ một phương tiện nào, dù đó là thiền tập, ma túy, rượu, ly dị, đổi công ăn việc làm... không một biện pháp nào có thể giúp bạn phát triển, trừ khi bạn dám hoàn toàn đối diện với hoàn cảnh hiện tại và duy trì chánh niệm. Cho phép những sự gồ ghề của hoàn cảnh mài dũa đi những góc cạnh còn gồ ghề của bạn. Nói một cách khác hơn, bạn phải dám để cho sự sống này trở thành vị thầy của mình.
Ðây là con đường của sự tu tập trong bất cứ một tình cảnh nào của ta với những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây. Vì sự thật tất cả chỉ là vậy thôi: nơi chốn này, mối tương quan này, nỗi khó khăn này, công việc này... Sự thử thách của việc tu tập chánh niệm là làm sao đối phó với ngay tình cảnh mà ta đang có mặt - dù cho nó có khó chịu, chán nản, giới hạn hoặc bất tận, và dính mặc đếu đâu chăng nữa. Và ta phải biết cố gắng hết sức, hết năng lực của mình, để tự chuyển hóa, trước khi quyết định buông bỏ để lên đường. Bạn nên nhớ rằng, chỉ có bây giờ và ở đây, sự tu tập cũng như công phu của ta mới có hiệu quả.
Thế cho nên nếu bạn nghĩ rằng, sự tu tập của mình quá nhàm chán, không tiến bộ, rằng nơi này không có điều kiện thích hợp, và bạn đang ước phải chi mình đang ở trong một hang động nào đó trên Hy mã lạp sơn, hoặc trong một tu viện ở rừng sâu, hoặc một trung tâm tu học nào đó giữa thiên nhiên, thì mọi việc sẽ được tốt đẹp hơn, sự tu tập của bạn sẽ được vững mạnh hơn... bạn hãy nên suy nghĩ lại. Vì khi bạn đến được hang động ấy, tu viện ấy rồi, thì cũng chỉ có bấy nhiêu thôi, cũng thân này, cũng tâm này, cũng cùng một hơi thở này, mà bạn đã và đang có trong giây phút hiện tại này đây! Có lẽ sau chừng mười lăm phút trong hang động bạn sẽ cảm thấy cô dơn, thèm ánh sáng, nóc nhà có thể bị dột, trời có thể nóng quá hoặc lạnh quá. Nếu bạn đi tu học, có thể bạn sẽ không thích vị thầy, thức ăn không hạp khẩu vị, phòng ngủ thiếu tiện nghi... Bao giờ cũng sẽ có một cáigì đó làm bạn bất mãn. Như vậy sao bạn không buông bỏ nó đi, và chấp nhận ràng có lẽ nơi mà ta đang ở đây là tốt nhất rồi? Và trong giây phút ấy, bạn sẽ tiếp xúc được với chính mình và có thể mời gọi năng lực của chánh niệm bước vào và chữa trị. Chừng nào hiểu được việc ấy, thì những hang động, tu viện trong rừng, các trung tâm tu học... mới có thể thật sự giúp ích cho bạn. Và dĩ nhiên là ở bất cứ một nơi chốn nào khác, thời điểm khác, tất cả cùng đều là như vậy.
Chân tôi trượt trên một vách đá cao, ngay trong giây phút ấy, tôi cảm thấy như những mũi kim đâm xuyên qua tim và thái dương mình, thời gian vô tận tiếp xúc được với giây phút hiện tại. Tư tưởng và hành động không khác gì nhau, và đá, không khí, tảng băng, mặt trời, nỗi sợ và tôi, tất cả chỉ là một. Cái nhiệm mầu là làm sao để kéo dài giây phút ý thức sáng tỏ ấy vào những thời gian tầm thường khác trong cuộc sống. Trong mỗi phút giây kinh nghiệm của một con chim ưng, một con chó sói đang săn mồi, chúng là trung tâm của vạn vật, không còn cần một bí quyết nào của sự sống chân thật nữa. Trong ngay hơi thở này của chúng ta, có tàng chứa cái yếu chỉ mà những vị đại sư hằng cố gắng trao truyền lại, mà một vị Lạt Ma gọi đó là "sự chính xác, mở rộng và tuệ giác của giây phút hiện tại". Mục đích của thiền tập không phải là để giác ngộ, mà là để biết chú tâm, dù trong những giây phút tầm thường nhất, thật sự có mặt, thật sự hiện hữu và mang chánh niệm của giây phút hiện tại này vào trong mỗi sự kiện của đời sống.
Peter Matthiessen, The Snow Leopard
8.- Lên thang lầu
Trong đời sống hàng ngày chúng ta có rất nhiều cơ hội để thực tập chánh niệm. Ðối với tôi, việc đi lên thang lầu là một dịp rất tốt. Khi ở nhà, tôi làm việc ấy có đến cả trăm lần. Tôi làm việc ở dưới lầu, nhưng thường khi tôi cần phải lên lầu để lấy một cái gì đó, tìm một vật gì, hoặc nói chuyện với ai, nên tôi cứ lên và xuống thang lầu rất thường xuyên.
Tôi khám phá ra rằng, tôi thường bị lôi kéo bởi ý muốn đi đến một nơi khác, hoặc bởi một sự việc nào đó, tôi nghĩ rằng nó cần được xảy ra. Khi tôi bắt gặp mình đang phóng nhanh lên lầu, từng hai nấc thang một, có lúc tôi có chánh niệm đủ để nhận thức được sự vội vàng đó. Tôi ý thức được hơi thở hào hển của mình, biết được tim mình đang đập nhanh cũng như là tâm ý. Tôi thấy rằng con người tôi trong giây phút đó, đang bị thúc đẩy bởi một mục tiêu vội vã nào đó, mà có khi tôi quên bẵng mất khi đã lên đến nơi.
Khi tôi ý thức được cơn sóng của năng lượng vội vã ấy trong chánh niệm, lúc đang còn đứng dưới thang lầu hoặc khi mới vừa bước lên, tôi sẽ cố ý đi chậm lại. Không những tôi chỉ bước từng nấc thang một, mà còn thật là chậm, có lúc một hơi thở vào ra cho mỗi bước chân, tự nhắc nhở rằng mình không có một nơi nào cần phải đến, và không có gì cần thiết đến nỗi mình không thể chờ đợi được, để có thể thật sự sống trọn vẹn với một giây phút này mà thôi.
Tôi để ý thấy rằng khi tôi nhớ để làm việc ấy, tôi có thể tiếp xúc được với quá trình lên thang lầu của mình và được vững vàng hơn khi lên đến nơi. Tôi cũng khám phá ra được một điều này là không có một sự vội vã nào từ bên ngoài hết. Chỉ có trong tâm ta, nó bị thúc đẩy bởi sự thiếu kiên nhẫn hoặc những sự lo lắng vô ý thức. Những sự vội vã trong tâm rất là tinh tế, tôi phải lắng nghe thật kỹ mới có thể nhận diện được và chúng cũng mạnh mẽ lắm, không có thể làm lay chuyển nổi. Nhưng dù vậy, ta bao giờ cũng có thể có chánh niệm về chúng cũng như những hậu quả của chúng, việc ấy sẽ giúp ta khỏi bị hoàn toàn lôi cuốn theo. Và lẽ dĩ nhiên, tôi cũng có thể thực tập trong khi đi xuống thang lầu nữa. Trong khi đi xuống ta sẽ dễ bị đi nhanh hơn, và cố ý đi chậm lại sẽ là một sự thử thách.
Thực tập: Hãy xử dụng những việc làm hàng ngày nào có tánh cách đều đặn trong nhà, để làm cơ hội cho ta thực tập chánh niệm. Khi ta đi ra cửa, trả lời điện thoại, tìm kiếm ai, đi vào nhà tắm, giặt đồ... đều là những cơ hội để ta có thể chậm rãi lại và tiếp xúc với giây phút hiện tại. Ghi nhận sự thúc đẩy trong tâm mỗi khi ta nghe tiếng chuông điện thoại hoặc chuông cửa reo. Tại sao bạn cần phải vội vàng trả lời nó ngay, cho phép nó lôi kéo bạn ra khởi sự sống mà bạn đang có mặt trong giây phút trước đó? Sự chuyển tiếp ấy có thể nào được làm từ tốn hơn không? Bạn có thể thật sự có mặt với những gì mình đang sống không?
Và bạn cũng nên tập có mặt với những công việc như tắm rửa hoặc ăn uống. Khi bạn tắm, bạn có thật sự là đang tắm không? Bạn có cảm giác được nước đang chảy trên da, hay là bạn đang phiêu du ở một nơi nào khác, trôi dạt trong sự quên lãng, mà không hề biết là mình đang tắm. Ăn uống cũng là một cơ hội rất tốt để thực tập chánh niệm. Bạn có nếm được mùi vị của thức ăn không? Bạn có ý thức được mình đang ăn nhanh hay chậm, nhiều hay ít, lúc nào, ở đâu và ăn những gì không? Bạn có thể nào biến trọn một ngày thành những cơ hội để sống trong hiện tại, hoặc mang ta trở về với phút giây hiện tại không?
9.- Công việc của tôi trên trái đất này là gì?
Công việc của tôitrên trái đất này là gì? Ðó có lẽ là một câu hỏi ta nên tự hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Bằng không, có thể chúng ta đang làm một công việc của người khác mà không hề hay biết. Và có lẽ người khác chỉ là một sự tưởng tượng của ta hoặc cũng đang bị giam cầm như ta.
Là một loài vật biết suy nghĩ, được gói ghém trong một đơn vị sinh vật mà ta gọi là cơ thể, và cùng một lúc được sáp nhập vào sự biến đổi không ngừng của sự sống, chúng ta có một khả năng duy nhất là chịu trách nhiệm về chính sự sống của mình. Nhưng chúng ta cũng có một khả năng khác có thể để cho sự suy nghĩ làm che lấp hành trình của mình trong cuộc sống ấy. Chúng ta sẽ không bao giờ nhận được tính chất cá biệt của cuộc sống mình - nếu ta vẫn cứ sống trong bóng tối của tập quán suy nghĩ và bị chi phối bởi những điều kiện chung quanh.
Buckminster Fuller, người đã phát minh ra mái nhà hình vòm cầu bằng toán học, vào năm ba mươi hai tuổi, một đêm bên bờ hồ Michigan, ông đã nghĩ đến việc tự tử. Chuyện kể rằng, sau những thất bại liên tiếp khiến ông nghĩ rằng mình đã làm hư hao cuộc đời mình quá nhiều, cách hay nhất là giả từ hết tất cả, để vợ và đứa con gái còn nằm nôi khỏi phải chịu khổ đau thêm nữa. Trong những năm qua, bất cứ một công việc nào ông nhận lãnh hoặc dính líu tới đều bị đổ bể và tan thành cát bụi, mặc dù ông có một sức tưởng tượng và sáng tạo rất mạnh. Tài năng đó của ông chỉ được công nhận sau này. Nhưng cuối cùng, thay vì tự chấm dứt đời mình, ông Fuller quyết định rằng từ đêm đó ông sẽ tiếp tục sống, nhưng coi như là mình đã chết rồi.
Xem như là đã chết rồi, ông không còn phải lo lắng về chuyện thành bại của mình nữa. Từ đó ông có thể đem hết tâm lực ra để sống như một đại biểu của vũ trụ. Cuộc đời còn lại, ông xem như là một món quà. Thay vì sống cho chính mình, ông lúc nào cũng tự hỏi: "Quả đất này đang cần điều gì mà chỉ có tôi mới có thể thực hiện được? Và chúng sẽ không bao giờ xảy ra, nếu tôi không nhận lãnh trách nhiệm ấy?" Suốt cuộc đời còn lại, lúc nào ông cũng tự hỏi câu ấy và tiếp nhận những gì đến với ông. Khi ta có thể sống theo lối đó, phục vụ nhân quần như là một công nhân của vũ trụ, ta có thể tu sửa và đóng góp cho mọi người bằng chính con người của ta, sự sống của ta. Nhưng nó không còn có tính cách cá nhân nữa, mà chỉ là một phần của toàn thể vũ trụ rộng lớn đang tự biểu lộ chính nó.
Chúng ta thường ít khi nào tự hỏi và suy ngẫm một cách nghiêm chỉnh về những gì con tim mình thật sự muốn. Tôi muốn đặt nó trong hình thức của một câu hỏi: "Công việc của tôi trên trái đất này là gì?" hoăc là : "Tôi yêu thích công viêc nào tôi sẵn sàng trả tiền để làm?" Nếu tôi không tìm được một câu trả lời nào khác hơn là: "Tôi không biết", thì tôi sẽ tiếp tục tự hỏi. Nếu bạn bắt đầu suy ngẫm về câu hỏi đó vào năm hai mươi tuổi, thì khi bạn được bốn mươi, năm mươi hoặc sáu mươi, có lẽ sự suy tư ấy đã dẫn dắt bạn đến những nơi mà bạn không bao giờ bước chân tới, nếu bạn sống một cuộc đời bình thường, hoặc chỉ biết theo kỳ vọng của cha mẹ mình.
Bạn có thể đặt câu hỏi đó vào bất cứ lúc nào và ở b1ất cứ một lứa tuổi nào. Dù ở vào một thời điểm nào trong cuộc đời, câu hỏi ấy sẽ có một ảnh hưởng rất sâu xa đến những quan điểm của bạn về sự việc cũng như sự lựa chọn của bạn. Việc ấy không có nghĩa là những gì bạn làm sẽ thay đổi, nhưng rất có thể bạn sẽ thay đổi cách nhìn của mình, sự nắm bắt của mình, và có lẽ đường lối làm của mình. Một khi ông chủ của bạn là vũ trụ này thì sẽ có nhiều việc lý thú xảy ra, cho dù bạn có bị ai đó cúp lương đi chăng nữa. Nhưng bạn phải biết thật kiên nhẫn. Lối sống mới này đòi hỏi một thời gian để phát triển. Nhưng lẽ dĩ nhiên, trước hết ta phải bắt đầu đi cái đã. Khi nào và ở đâu? Bây giờ và ở đây bao giờ cũng là thời gian và không gian tốt nhất.
Chúng ta không bao giờ có thể đoán được sự quán xét này sẽ dẫn ta tới đâu. Ông fuller hay nói rằng, những gì có vẻ dường như đang xảy ra trong giờ phút này, thường thường không bao giờ là toàn thể câu chuyện. Ông lấy thí dụ về một con ong chẳng hạn, đối với nó việc đi lấy mật là chuyện quan trọng nhất. Nhưng cùng một lúc, con ong cũng là một phương tiện mà thiên nhiên xử dụng để chuyên chở phấn hoa đến những nhụy bông. Mọi sự vật trên vũ trụ này đều có liên hệ mật thiết với nhau, đó là một nguyên lý thiên nhiên cơ bản. Không có một sự vật nào trên đời này là đơn độc hết. Mọi việc luôn luôn biểu lộ trên nhiều lãnh vực khác nhau. Chúng ta phải cố gắng hết sức mình để nhận diện được sự thăng trầm và phức tạp ấy của cuộc sống, và tập đi theo những con đường nào là chân thật và vững vàng.
Ông Fuller tin vào một nền tảng cấu trúc của thiên nhiên, nơi đó mọi hình thái và chức năng của sự vật đều có một liên hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Ông tin rằng, bản đồ thiết kế của thiên nhiên rất bổ ích và có một liên hệ cụ thể đến cuộc sống của chúng ta trong nhiều lãnh vực. Trước khi ông qua đời, khoa tinh thể học (Crystallographic) xử dụng quang tuyến X đã chứng minh được rằng, nhiều loại siêu vi khuẩn đã được kết cấu theo cùng một nguyên lý đo đạt vị trí (geodesy), mà ông đã khám phá được khi tìm tòi trong môn toán thuộc về hình khối đa diện (Polyhedron).
Rất tiếc ông đã không sống lâu để chứng kiến, nhưng ngoài những khám phá và phát minh có tác động lớn của ông, một lãnh vực mới trong ngành hóa học đã được mở ra, nhờ sự khám phá bất ngờ của một hợp chất giống như quả banh túc cầu, tương tự như thán tố. Nó mang những tính chất quan trọng đặc biệt mà sau này được gọi là Buckminsterfullernes, tên của ông. Ðùa chơi với sự tò mò, đi theo con đường mình chọn, sự suy tư của ông đã đưa đến những khám phá và thế giới mà ông không bao giờ có thể ngờ tới. Bạn cũng thế. Ông Fuller không bao giờ cho mình là đặc biệt, chỉ là một người thích đùa chơi với những ý kiến và hình tướng mà thôi. Câu châm ngôn của ông là: "Nếu tôi có thể hiểu được, thì bất cứ ai cũng có thể hiểu được".
Hãy tự tin nơi mình, đừng bao giờ bắt chước một ai cả. Bạn có thể dễ dàng tặng cho mỗi giây phút của cuộc sống này, cái năng lượng tích tụ mà bạn đã nuôi dưỡng cả một đời mình. Nhưng nếu bạn bắt chuớc tài năng của kẻ khác bạn chỉ đóng góp được phân nữa những gì mình có... Hãy làm những gì được giao phó cho mình, bạn sẽ không bao giờ có thể nào hy vọng hoặc liều lĩnh quá mức được.
Ralph Waldo Ermersom, Self-Reliance
10.- Ngọn Analogue
Có những ngọn núi bên ngoài ta và cũng có những ngọn núi bên trong ta. Chỉ mỗi sự hiện diên của chúng thôi cũng đã đủ vẫy tay mời gọi thử thách ta rồi. Có lẽ bài học trọn vẹn mà núi dạy cho ta là chúng ta mang trọn cả một ngọn núi bên trong mình, núi ở trong lẫn ở ngoài. Có lúc ta cố công tìm kiếm nhưng không bao giờ gặp, khi nào ta có đầy đủ nghị lực và sự chuẩn bị để đi tìm một con đường, trước là đến chân núi, sau là đỉnh cao. Hình ảnh leo núi là một ẩn dụ rất sâu sắc cho những hành trình đi tìm trong cuộc sống, một hành trình tâm linh, một con đường phát triển, chuyển hóa và hiểu biết. Những cam go gian khổ mà ta gặp phải trên đường là những thử thách cần thiết, chúng giúp ta tự cởi mở ra và từ đó nới rộng biên giới của mình hơn. Cuối cùng thì chính cuộc sống này là một ngọn núi, một vị thầy, cung hiến cho ta những cơ hội tuyệt vời để giúp ta tu sửa, để phát triển trong năng lực và tuệ giác. Chúng ta sẽ học hỏi và trưởng thành rất nhiều một khi ta đã chọn đặt chân vào hành trình này. Ở đây, sự rủi ro rất cao, sự hy sinh rất lớn, mà kết quả thì không có gì chắc chắn. Cuối cùng thì chính quá trình leo núi tự nó là một sự khám phá, chớ không phải chỉ là khi nào ta đã đứng trên đỉnh núi cao.
Trước hết chúng ta cần phải quan sát xem chân núi như thế nào và sau đó ta mới phải đối diện với những dốc cao, và cuối cùng, hy vọng là đỉnh núi. Nhưng không ai có thể ở trên đỉnh mãi được. Hành trình đi lên sẽ không hoàn toàn nếu không có đi xuống, khi ta bước lùi lại để có thể nhìn được toàn thể ngọn núi từ xa. Khi đã đứng trên đỉnh núi cao, ta sẽ tiếp nhận được một quan điểm mới, và nó có thể sẽ thay thế cái nhìn của ta mãi mãi.
Trong một câu chuyện còn dở dang có tên là Núi Analogue, René Daumal có diễn tả lại một phần cho cuộc hành trình nội tâm này. Phần mà tôi còn nhớ thật rõ về câu chuyện là những điều luật mà người leo núi Analogue cần phải tuân theo. Ví dụ, trước khi tiếp tục leo lên một địa điểm trại cao hơn, ta phải bổ sung lại cho đầy đủ căn trại mà ta sắp rời bỏ, để cho người đến sau. Và ta phải tìm cách chia xẻ kiến thức của mình về những gì biết được từ trên cao, để những người bên dưới có thể được lợi lộc từ những điều ta đã học hỏi được trong hành trình của mình.
Tôi nghĩ chuyện ấy cũng giống như những điều chúng ta làm khi đi dạy vậy. Ta cố hết sức để chỉ cho người khác những gì mình đã biết cho đến bây giờ. Thật ra đó chỉ là một tờ báo cáo, một bản đồ kinh nghiệm của ta, nó không hề là chân lý tuyệt đối. Và từ đó hành trình thám hiểm rộng mở. chúng ta đều cùng đang leo trên ngọn Analogue. Và chúng ta rất cần đến sự giúp đở của nhau.
11.- Sự liên hệ mật thiết
Dường như từ tuổi thơ chúng ta cũng đã biết rõ rằng, mọi việc trên cuộc đời này đều có một liên hệ, gắn bó rất chặt chẻ với nhau. Rằng cái này xảy ra vì cái kia xảy ra, muốn cái này xảy ra thì cái kia phải xảy ra. Ở Tây phương có một câu chuyện cổ tích nói lên được sự kiện này. Có con chồn nọ lén uống hết sữa trong thùng của một bà lão, trong khi bà bận đi lượm củi. Khi khám phá ra, bà ta giận dữ bắt con chồn và cắt đứt đuôi nó. Con chồn khóc lóc xin lại cái đuôi, bà nói sẽ khâu lại cho sau khi nó trả sữa lại cho bà. Nghe vậy con chồn chạy đến gặp một con bò và xin chút sữa, con bò nói đem về cho nó cỏ thì nó sẽ cho sữa. Con chồn chạy ra cánh đồng xin chút cỏ, cánh đồng nói hãy đem cho ta chút nước. Con chồn vội đến bên một dòng suối để xin, dòng suối nói hãy đem bình đến đây lấy. Câu chuyện lại tiếp diễn cho đến khi có một bác nông phu, vì thương hại, cho con chồn những hạt lúa để đem cho con gà, đánh đổi lấy những quả trứng đem cho người bán hàng rong, anh bán hàng rong đổi cho một sợi dây chuyền đem về đưa cho một cô con gái để lấy chiếc bình... và cuối cùng con chồn lấy lại được cái đuôi và sung sướng chạy đi. Cái này phải xảy ra thì cái kia mới có thể xảy ra. Không có cái gì phát xuất từ khơi khơi được. Mọi việc đều có một quá khứ, lai lịch của nó. Ngay cả lòng thương của bác nông phu trong câu chuyện cũng phải có một phát xuất từ đâu.
Khi ta nhìn sâu vào bất cứ một quá trình nào, ta cũng sẽ thấy được sự thật ấy. Không có ánh sáng mặt trời sẽ không có sự sống. Không có nước sẽ không có sự sống. Không có thực vật sẽ không có sự quang hợp (photosynthesis), không có sự quang hợp sẽ không có dưỡng khí. Không có cha mẹ sẽ không có ta. Không có xe cộ sẽ không có thực phẩm cho thành phố. Không có hảng xe sẽ không có xe. Không có nhân công sẽ không có sắt thép cho hảng xe. Không có quặng mỏ sẽ không có sắt thép cho nhân công. Không có thực phẩm sẽ không có nhân công. Không có mưa sẽ không có thực phẩm. Không có mặt trời sẽ không có mưa. Không có những điều kiện cho sự sắp xếp của các vì tinh tú, những hành tinh trong vũ trụ, sẽ không có mặt trời, không có trái đất. Nhưng những mối liên hệ này không phải lúc nào cũng giản dị và nằm trên một đường thẳng. Thường thường thì chúng dính líu với nhau như một màng nhện chằng chịt và vô cùng vi tế. Vì vậy sự sống của ta là một màng lưới tương quan gắn bó rất mật thiết, mà không có một nơi nào là điểm khởi đầu, hoặc điểm chấm dứt tuyệt đối cả.
Vì vậy, chúng ta có thể thấy được sự vô lý cũng như nguy hiểm, khi ta để cho tư tưởng của mình biến một sự việc hoặc hoàn cảnh nào đó thành một cá thể cô lập, không ý thức gì về sự tương quan chằng chịt cũng như tính cách biến đổi của chúng. Bất cứ một việc gì cũng có dính líu đến bất cứ một việc nào khác, và nó cũng tàng chứa hết, cũng như được tàng chứa bởi mọi vật khác. Còn gì hơn nữa, vì mọi vật đều đang chuyển dịch. Những vì tinh tú sinh ra, trải qua các thời kỳ rồi diệt đi. Các hành tinh cũng có một nhịp điệu hình thành và hoại diệt riêng của chúng. Những chiếc xe mới chưa ra khỏi xưởng mà cũng đã đang trên đường đi đến chỗ phế thải rồi. Ý thức này sẽ làm gia tăng sự tán thưởng của ta đối với luật biến đổi của vạn vật, nó giúp ta bớt xem thường sự vật, hoàn cảnh cũng như tình tương thân, và biết quý trọng chúng hơn. Chúng ta sẽ tôn quý cuộc đời này hơn, con người, ý kiến và mỗi giây phút hơn, nếu ta có thể nhìn sâu và thấy được rằng, bất cứ những gì mình tiếp xúc đều có thể nối liền ta với toàn thể vũ trụ, và tất cả mọi việc, con người, nơi chốn, hoàn cảnh đều chỉ có mặt nơi đây trong chốc lát mà thôi. Nó biến giây phút này trở thành vô cùng lý thú. Mà thật ra, nó khiến cho giây phút này là tất cả.
Chánh niệm về hơi thở là một sợi dây, trên đó những hạt chuỗi kinh nghiệm, tư tưởng, cảm thọ, hiểu biết và ý thức của ta được xỏ qua. Xâu chuỗi ấy là một cái gì mới đối với ta - nói cho đúng thì nó là một cách nhìn mới, một lối sống mới, lối kinh nghiệm mới giúp cho ta có được cách hành xử mới trong cuộc đời. Ðường lối mới ấy của ta dường như có thể nối liền lại tất cả những sự kiện gì có vẻ như là cô lập. Nhưng thật ra, trong cuộc sống này không có gì là cô lập mà cần phải được nối liền lại hết. Chính cái nhìn sai lầm của ta đã tạo nên và duy trì sự cách biệt phân chia ấy.
Cái nhìn và lối sống mới này sẽ giúp ta ráp lại những mảnh vụn của cuộc sống vào đúng vị trí của chúng. Mỗi giây phút sẽ được tôn trọng với sự trọn vẹn của nó, nằm trong một sự trọn vẹn khác to tát hơn. Sự tu tập chánh niệm chỉ đơn giản là một cuộc đi tìm, khám phá cho ra đường mối của màng lưới nối liền mọi việc ấy lại với nhau. Rồi đến một lúc nào đó ta sẽ thấy rằng, thật ra mình không cần phải tìm kiếm gì hết. Chúng ta chỉ ý thức được một sự tương quan mà nó bao giờ cũng có mặt. Ta đã leo lên đến một cao điểm giúp mình có thể thấy được toàn diện cảnh vật, và từ đó có thể ôm giữ giây phút hiện tại này trong chánh niệm. Hơi thở và giây phút hiện tại tương nhập vào nhau, như sợi dây và hạt chuỗi, chúng tạo nên một cái gì to tát hơn.
Cái này sáp nhập vào cái kia, những nhóm tan chảy nhập thành các nhóm sinh môi, cho đến một lúc những gì ta nghĩ là sự sống gặp gỡ và đi vào những gì ta cho rằng không phải là sự sống: ốc hến và đá, đá và đất, đất và cây cối, cây cối và mưa và không khí... Và điều lạ lùng là hầu hết những cảm giác mà ta gọi là tôn giáo, hầu hết những sự phản đối huyền bí mà ta cho là những phản ứng cao thượng và mơ ước của loài người chúng ta, thật ra chính là một sự hiểu biết và cố gắng nói lên rằng, con người có liên hệ với tất cả vạn vật, nó gắn bó chặt chẽ với mọi loài, biết tới hoặc không biết tới. Việc ấy nói thì nghe rất giản dị, nhưng cảm thọ sâu sắc của nó đã làm nên một Jesus, một St. Angustine, một St. Francis, một Roger Bacon, một Charles Darwin và một Einstein. Mỗi người, tùy theo nhịp điệu và giọng nói của mình, đã khám phá và tái xác nhận với một kiến thức kỳ diệu rằng, tất cả chỉ là một và một là tất cả - một phiêu sinh vật (plankton), một động vật nhỏ li ti sống trôi nổi theo dòng nước trong đại dương, và một hành tinh đang xoay và một vũ trụ đang mở rộng, tất cả đều được cột chặt lại với nhau bằng sợi dây vô cùng của thời gian.
John Steinbeck và Edward F. Ricketts.
Sea of Cortez
Tác giả: Jon Kabat-Zinn -
Dịch giả: Nguyễn Duy Nhiên
Còn nữa...
Nguồn link: http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-80_4-9639_5-50_6-1_17-27_14-1_15-1/