Muốn hành trì nghi lễ cần phải có 3 yếu tố:
- Thứ nhất, phải có tính nghệ thuật cao: điêu luyện đúng mức về giọng điệu, hòa âm phối khí.
- Thứ hai, phải có tính khoa học: câu văn, ngôn từ, khoa nghi phải diễn đạt sự thật chân lý, phù hợp với con đường giải thoát của đạo Phật.
- Thứ ba, phải có tính quần chúng: phải mang nét văn hóa dân tộc bản địa, không lai tạp.
Nghi lễ Phật giáo được đánh giá là hiệu quả khi và chỉ khi nó có thể :
- Chạm đến tần sóng tâm thức người nghe, khiến họ dễ chịu, thư thái.
- Đánh thức khả năng cảm thụ nghệ thuật, hướng đến các giá trị văn hóa truyền thống.
- Thôi thúc người nghe hướng đến nếp sống đạo đức, nhân bản.
Một pháp hội tu tập có thể được đánh giá là thành công khi số đông chúng hội tham gia thể nhập được một hoặc nhiều các yếu tố sau:
- Chánh kiến: sự thấy biết đúng đắn về Nhân Quả, Luân hồi, Vô Thường, Vô Ngã, Vị Tha.
- Chánh tư duy: suy tư sâu sắc về Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Tôi và cái Tôi sở hữu.
- Chánh nghiệp: suy nghĩ và việc làm mang lại lợi ích an vui cho số đông.
- Chánh mạng: việc làm mưu sinh không tổn hại đến lòai nào.
- Chánh tinh tấn: siêng năng tu tập hành trì các phương pháp đọan diệt phiền não.
- Chánh niệm: từng phút giây nhận biết và dũng mãnh đoạn trừ Tham, sân , si.
- Chánh định: trạng thái quân bình, xả ly, ly dục, ly bất thiện pháp do đã nhận thức và thực tập đúng giáo lý giác ngộ.
Pháp nạn: vẫn còn thời gian để chữa sai !
Nghi lễ Phật giáo cũng như bất kỳ mọi hiện tượng trên thế gian, đều có tác dụng hai mặt và để lại ảnh hưởng lâu dài.
Nếu như chúng ta lạm dụng nghi lễ vì mục đích mưu cầu cho cá nhân, thuận theo thế tình, bị danh lợi lôi cuốn, quá đà cúng kiến, cầu xin, phô trương hình thức, giao lưu văn hóa không chắt lọc, ….đi ngược các tông chỉ nêu trên, thì lúc này, những nghi lễ này không được gọi là Nghi lễ Phật giáo nữa. Bởi Lý – Sự không dung thông, Ngôn- Hành không hợp nhất.
Vậy thế nào là Lý- Sự không dung thông?
Trong pháp hội Huân Tu Dược Sư Như Lai Tịnh Trừ Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bổn Hộ Ma Gia Trì Thần Biến tại một ngôi chùa, thầy sám chủ trước khi tiến hành các nghi thức trong Nghi quỹ Hộ Ma đã giảng giải: “Trong Kinh Phật dạy: Chúng ta nương nhờ sức nóng của lửa, nương nhờ ánh sáng của lửa để tiêu trừ tất cả các nghiệp chướng, các tai nạn, tai họa…”. Rồi thầy tiến đến gần các Hỏa Lô, dùng lửa đốt tất cả 7 Hỏa Lô trong đó chất đầy các hương liệu quý giá đắt tiền như: Quế, Trầm hương, Châu sa, thần sa,…7 ngọn lửa bùng cháy vút cao và các Phật tử xung quay xì xụp lạy…các ngọn lửa.
Tôi đau lòng khi nghe tận tai, chứng kiến tận mắt cảnh này, lòng tự hỏi: Chúng ta đang tiến hành nghi thức cúng dường Phật hay thờ Thần Lửa? Phật giáo hay Hỏa giáo?
Vậy đâu là Huân Tu? Đâu là tưới tẩm, xông ướp giới định và tuệ giác? Đâu là rao giảng lý Vô Thường tích cực? Khi mà lạy Phật, lạy lửa như lạy lục van xin một đấng vô hình thưởng phạt; nuôi lớn thêm cái Tôi và cái Tôi sở hữu. Đâu là Hỏa QuangTam Muội ? Đâu là chánh định an tĩnh trước biến thiên cuộc đời? Ánh sáng trí tuệ đâu đã bùng cháy? Còn đâu kho tàng Bát Nhã thậm thâm?
Ngọn lửa vô tri bằng cách nào có thể chuyển tải và giảng giải tất cả 3 thừa kinh tạng của Thế Tôn mà có thể đem trí tuệ đến cho những ai trông thấy chúng dù chỉ một lần?
Đây chính là gieo vào tâm thức chúng sanh một Đạo Phật thần quyền, chủng tử tham lam ích kỷ tiềm tàng, trá hình dưới cái vỏ bọc cầu an, xua tai giải nạn.
Thế nào là Ngôn – Hành không hợp nhất?
Trong thời kỳ khủng hỏang kinh tế toàn cầu, vật giá đắt đỏ, nhất là khi miền Tây lũ lụt thì chúng ta đã không hề cân nhắc khi “vung tay quá trán” mua gần trăm ký nguyên liệu, hương liệu đắt tiền để…đốt cúng dường Phật? Nào là y áo mão giày, lắm thứ gấm thêu hoa, mỗi ngày một bộ. Kinh phí cho cả 2 pháp hội là trên hàng trăm triệu.
Những thứ hương vật chất này làm sao sánh kịp hương đức hạnh, hương từ bi trí tuệ, hương giới định. Đâu là “giới hương, định hương, dữ huệ hương. Giải thóat, giải thóat tri kiến hương” mà chúng ta hằng tụng bắt đầu thời kinh tụng?....
Còn rất nhiều người nghèo đói. Rất nhiều.
Đây có phải là Hộ Quốc An Dân? là Tiêu Tai Diên Thọ? Đâu nữa lý tưởng “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”?
Ôi, chỉ là “Thần Biến” mà thôi.
Kính xin các vị Thức giả từ bi huấn thị xây dựng ngôi nhà Nghi Lễ Phật Giáo Việt Nam.
Tôi thầm trách bản thân bất tài, chẳng trả lời được trước Câu hỏi lớn không lời đáp: Nghi Lễ Phật giáo Việt Nam sẽ đi về đâu?
Được gì và mất gì?
Minh Mẫn