Đọc qua một số sách và những bài giảng đó đây của vị “đạo sư” này, tôi thấy đây đúng là một hiện tượng cần phải báo động!
Người ta ca tụng, tuyên truyền cũng nhiều mà trao đổi, đối thoại gay gắt cũng lắm. Đài báo, các câu lạc bộ tổ chức rất chính quy, rất bài bản để xiển dương hội “Minh Triết Trần Nhân Tông” của ông ta thì tạm thời chúng ta hãy nhẫn xả bỏ qua một bên hoặc giả vờ quay mặt đi. Thôi thì khởi tâm bi mà thương xót những người dại dột bị dụ dỗ mà không biết! Thảng hoặc“tránh voi chẳng xấu mặt nào”! Tại sao vậy?
Vì Phật giáo chân chính không chống nổi tà đạo vào thời đại “Phật nhất xích, ma nhất trượng!” này. Vì tiếng chuông nhà chùa không “áp đảo” nổi cả một hệ thống đánh trống thổi kèn ăn theo do tiền bạc; do khoác áo trơn vỏ để luồn lách của những con rắn trăm đầu; do thế lực ngầm nào đó bài xích Phật đã mượn kẻ hám danh, hám lợi tuyên truyền cho họ; do vì một số quần chúng hời hợt, “óc để ngoài tai”; do một số người trẻ tuổi chưa có bề dày về kiến thức, văn hóa, tâm linh - cái gì có vẻ xôm trò, được quảng cáo, tiếp thị rùm beeng là a dua theo để chứng tỏ mình tiếp thu được “phong trào thời thượng”!
Ở đây tôi chỉ bàn chuyện “trao đổi, đối thoại” với ông ta của hằng chục tờ báo Phật giáo trong và ngoài nước mấy năm trở lại đây.
Người ta nghiêm khắc lên án một hiện tượng dường như “điếc không sợ súng” khi phỉ báng Phật, Pháp, Tăngnơi quyển sách “Ta là ai” của ông “đạo sư” tự phong Duy Tuệ kia là đúng, là chính đáng.
Tuy nhiên, viết bài trao đổi mà như “ăn miếng trả miếng” như kiểu “cục đá quăng qua, cục chì ném lại” thì ai thắng, ai thua đều bị tổn thương cả. Ta phải đứng cao hơn ông ta một, hai cái đầu, lại dùng tinh thần con nhà Phật mà nói chuyện.
Trong trường hợp ông ta chắc chắn là có “tí” học thức, kiến thức thì chúng ta phải có chút ít trình độ học thuật mới đối trị nổi cái con người mà ai cũng bảo là “lắm chiêu thức” này!
Đa phần những Phật tử có đức tin, có tâm huyết ấm ức quá nên lúc trao đổi, họ không chịu ngồi cùng một chiếu nên như cuộc đối thoại giữa hai người điếc! Vì ai cũng có chân lý, chủ kiến của riêng mình mà!
Thảng hoặc họ chỉ phanh phui, săm soi nơi cành nhánh ngọn nên không biết căn bệnh phát sanh từ gốc.
Phải lần tìm tận gốc, chư vị ạ! Hoặc như bắt rắn thì phải tìm cái đầu, nơi yết hầu chứ đừng loay hoay chụp nắm cái đuôi!
Phải lôi ngay chính quyển “kinh tinh túy” của ông ta, từ “căn cứ địa” mà ông ta lập thuyết, lập ngôn mà mổ xẻ. Nói kiếm hiệp một chút chơi cho thư giãn, là phải tạm mượn “Thất thương quyền” của phái “Không Động” để “đả thương thất tình” (1) của chúng sanh; phải vận dụng “đàn chỉ tuệ kiếm” (2) để điểm vào tử huyệt “Thiền Minh Triết”của ông ta.
Phải biết tùy nghi phương tiện ngồi cùng một chiếu Minh Triết, từ lập ngôn, lập ngữ của ông ta mà đối thoại!
Tôi nghĩ rằng quyển sách “Cẩm nang thực hành Thiền Minh Triết” của Duy Tuệ chính là hệ thống tư tưởng căn bản, từ đó ông thêm rau cải, tương chao gì đó để viết thành sách hoặc thuyết giảng nơi này và nơi khác.
Vậy tôi sẽ đọc từng dòng, từng câu, từng đoạn, từng chương một, xem thử nội dung Thiền Minh Triết của ông ta có những gì? Có một số tư tưởng được lấy “nguồn” ở đâu? Rồi chỗ nào là “quay cóp” của Phật mà làm của mình? Chỗ nào là “vay mượn” tư tưởng triết học Đông Tây?
Rồi gồm tất cả đó, ông chiên xào như món hàng thập cẩm rồi đem rao bán trong nước và ngoài nước, như nơi những trang Web. Thống kê “cao trào thắng lợi” của ông ta, kẻ mà người ta gọi là đã bán Phật không giấy tờ văn tự này: Web:ww.daosuduytue.com; www.duytue.com và ww.ungdungphathoc.vn...
Tình hình như vậy đó nên tôi sẽ bình tĩnh, ung dung “tận tình” mổ xẻ từng điểm một, chậm rãi từng hồi một, để mọi người thấy rõ ông ta sai lầm chỗ nào, tà kiến chỗ nào, chỗ nào là quay cóp, tạm mượn của ai, tư tưởng gốc ra sao... để ông ta không thể lòe bịp những người con Phật nhẹ dạ, cả tin được nữa.
Nội dung ấy tôi đã lập ra đây, có 7 hồi, đặt tiêu đề theo sách giảng “Thiền Minh Triết” của ông ta:
- Hồi thứ nhất: Về cụm từ “Thiền Minh Triết”.
- Hồi thứ hai: Vấn đề của cái đầu.
- Hồi thứ ba: Trải qua ba kinh nghiệm.
- Hồi thứ tư: Ba thời kỳ của cuộc đời.
- Hồi thứ năm: (Ông ta giảng) Thiền Minh Triết là gì.
- Hồi thứ sáu: (Ông ta) Kết luận.
- Hồi thứ bảy: Hộp Minh Triết.
(Xin chư độc giả nhẫn nại xem từng hồi một)
Tỳ-khưu Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)(Phật Tử Việt Nam)
(1) Tôi giải mã tư tưởng Phật học của Kim Dung: “Không Động” là “không tánh - vô ngã tánh - như thực tánh” có công năng đả thương 7 tình: Hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục (thất thương quyền)!
(2) Mượn tên “đàn chỉ thần công” của Hoàng Đông tà!
VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ:
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia Chùa Huyền Không
Minh Đức Triều Tâm Ảnh là bút hiệu của tỳ kheo Giới Đức, là một trong những người sáng lập[1] ra chùa Huyền Không (Huế) từ mái chùa lá ở đèo Hải Vân trước năm 1978. Ông là một nhà sư giỏi thơ văn, am tường hội hoạ và trang trí mỹ thuật và là một cao thủ cờ tướng từng đánh bại một số kì thủ quốc gia. Đồng thời ông cũng là một trong những người nổi tiếng về nghệ thuậtthư pháp tại Việt Nam những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21.
Cơ duyên và hành trạng
Thượng tọa thế danh Nguyễn Duy Kha sinh ngày 19 tháng 7 năm 1944 tại Giạ Lê thượng, huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Duy Hoan và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Sừng. Thượng tọa có pháp danh là Giới Đức [bút hiệu Minh Đức Triều Tâm Ảnh] đã tu tập sự tại chùa Từ Quang [Bắc Tông]- Huế từ năm 1970-1971. Năm 1972 ông vào chùa Tam Bảo-Đà Nẵng hỏi đạo hòa thượng Giới Nghiêm, thuộc [Nam Tông] hay [Nguyên Thủy]. Năm 1973 ông vào Tam Bảo thiền viện tại Núi Lớn, Vũng Tàu làm giới tử rồi xuất gia sa-di ở đây - ngài hòa thượng Giới Nghiêm cho pháp danh là Giới Đức [Sīlaguna]. Sau mùa an cư năm 1973 ông theo thầy vào ở chùa Phật Bảo, Phú Thọ Hòa, Gia Định.
Cuối năm 1974, ông về ở chùa Huyền Không tại chân đèo Hải Vân Lăng Cô, Lộc Hải, Phú Lộc, ngôi chùa do ngài Viên Minh sáng lập cùng với chư huynh đệ là Sư Tịnh Pháp, Sư Trí Thâm, Sư Tấn Căn. Năm 1976, ngài Viên Minh vào làm Tổng thư ký hệ phái Nguyên Thủy tại chùa Kỳ Viên, Bàn Cờ, Sài Gòn - nên đề cử ông giữ chức vụ trụ trì chùa Huyền Không. Năm 1977,ngày 17 tháng 2, lúc 9 giờ 58 phút, ông được thọ đại giới tỳ-khưu tại chùa Tam Bảo - Đà Nẵng, thầy bổn sư tế độ là hòa thượng Giới Nghiêm, thầy Yết-ma là đại đức Giới Hỷ. Tháng 11 năm 1978, chùa Huyền Không được di dời từ Hải Vân, Lăng Cô về thôn Nham Biều, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa thiên Huế.
Thượng tọa trụ trì ở đây được 10 năm, đã thiết kế được một không gian vườn cảnh đậm tính chất thiền, với tranh tre nứa lá giản dị, với thiên nhiên hoa cỏ thơ mộng rất phù hợp với tâm hồn tao nhân, mặc khách. Năm 1988-1999, hưởng ứng phong trào trồng cây xanh, Thượng tọa xin tỉnh và sở Lâm nghiệp giao cho 54 ha 4 đất trống đồi trọc để trồng rừng. Đầu năm 1992, Thượng tọa mới chính thức vào ở hẳn trong núi Hòn Vượn, bàn giao chùa Huyền Không cho đại đức Pháp Tông làm trụ trì. Hình ảnh ngôi chùa bề thế hiện nay ở Huyền Không là công sức và tài năng kiến tạo của đại đức Pháp Tông.
Năm1989,Thượng tọa vận động hiệp hội Schmitz thông qua Tiến sĩ Thái Kim Lan tại Đức xây cầu Bạch Yến thuộc thôn Nham Biều, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế giúp địa phương quanh vùng thuận lợi trong việc giao thông đi lại. Ðây là một công tác xã hội có ý nghĩa lớn tại Huế vào thời bấy giờ. Từ năm 1989 đến nay, Thượng tọa là Sư trưởng Huyền Không sơn thượng. Tại cơ sở mới này, năm 2007, Thượng tọa lại trao đổi trực tiếp với ông Giám Đốc điều hành Hiệp hội Schmitz để xây cầu Sơn Thượng - rồi vận động xã, huyện và tỉnh làm thêm con đường bê-tông 1 km đi vào tổ 7 thôn Chầm, khá tiện ích cho nhân dân khai thác những khu rừng trồng từ lâu không có lối đi. Là tu sĩ, lại là người yêu Cái Đẹp, Thượng tọa tiếp tục thiết kế vườn cảnh, xây dựng cốc liêu, sáng tác thơ văn và góp phần đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam.
Huyền Không Sơn ThượngBài chi tiết Huyền Không Sơn Thượng
Huyền Không Sơn Thượng được Thượng tọa Giới Ðức khai sơn năm 1989, toạ lạc dưới chân núi Hòn Vượn ở vùng Chầm thuộc sơn phận xã Hương Hồ, giáp với xã Hương An, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế.
Tác phẩm Văn học Phật giáo
Thượng tọa Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh) là nhà thơ có tên tuổi ở đất thần kinh và đã xuất bản nhiều tập thơ. Ông cũng là nhà văn rất nổi tiếng trong giới Phật giáo; những tác phẩm của ông chẳng những có giá trị trong giới Phật học trong và ngoài nước mà còn đóng góp không nhỏ cho nền văn chương, văn học của Việt Nam.
Những tác phẩm tiêu biểu:
- Chèo vỡ sông trăng (Tập thơ - NXB Thuận Hóa)
- Kinh lời vàng (Phổ thơ kinh Pháp cú - NXB Thuận Hóa)
- Ngàn xưa hương Bối (Hai tập truyện cổ Phật giáo - NXB Tôn Giáo)
- Một cuộc đời - một ngôi sao (Cuộc đời ngài Sàriputta - NXB Tôn Giáo)
- Hành hương tâm linh (Truyện dài tư tưởng - NXB Phương Đông)
- Phật học tinh yếu (Tập I - NXB Phương Đông)
- Đá trắng chiêm bao (Tập thơ - NXB Thuận Hóa)
- Tình Mẹ - mùa báo hiếu (Tập thơ - NXB Thuận Hóa)
- Đóa hồng vàng cửa Phật (Tập thơ - NXB Phương Đông)
- Lửa lạnh non thiêng (Tập thơ - NXB Thuận Hóa)
- Chữ cháy bờ lau (Tập thơ - NXB Thuận Hóa)
- Giun dế, hư vô và hạt lửa xanh (Tập thơ - NXB Văn Học)
- Sử Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc (Tập I - NXB Thuận Hóa)
- Bức tranh thay đổi thế giới (Tập truyện ngắn - NXB Phương Đông)
- Một cuộc đời - Một Vầng Nhật Nguyệt (Bộ Đại sử Đức Phật Sàkya Muni - Tập I,II,III - 1500 trang - NXB Văn Học)
- Người trồng hoa và chàng tu sĩ (Tập truyện ngắn - NXB Phương Đông)
- Chuyện cửa Thiền (Tập truyện - NXB Cảo Thơm)
- Mi Tiên vấn đáp (Hiệu chính - NXB Văn Học)
- Thắp lửa tâm linh (Truyện danh tăng - Tập I,II - NXB Thời Đại)
- Tiếng hú trên đỉnh cô phong (Tiểu luận, tạp luận văn học - NXB Văn Học)
- 38 pháp hạnh phúc (Hiệu đính - NXB Tôn Giáo)
- Bụi,trăng và lửa (Tập thơ 1100 trang - NXB Văn Học)
- Phật học tinh yếu (Tập 2 - NXB Phương Đông)
Chú thích
- Chùa Huyền Không hiện nay là hậu thân của chùa Huyền Không ở Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế được Thượng tọa Viên Minh, sư Tịnh Pháp, sư Trí Thâm và sư Tấn Căn xây dựng vào năm 1973. Năm 1978, chùa Huyền Không được dời về thôn Nham Biều, Hương Hồ, Hương Trà. Trong khoảng thời gian 1975-1989 Thượng tọa Giới Ðức đã góp phần lớn công sức để tạo ra ngôi chùa như ngày nay.
(Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki)