đậu tương đen hữu cơ

Ý kiến độc giả

10:16 26/09/2012

Phần 7: Mổ xẻ cái gọi là Thiền Minh Triết của "đạo sư" Duy Tuệ - (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

(TG&DT) - Hóa ra, cái không gian Minh Triết của ông ta là nơi cất chứa những cái hộp, tạm chia có hai loại, là hộp đựng cái xấu ác và hộp đựng cái lành tốt. Mặc dầu ông dùng nhiều danh từ, nhiều tính từ, nhiều hình dung từ nhưng vẫn thiếu khi muốn nói đến các trạng thái tâm và tâm sở. Chỗ này, đã hơn hai nghìn rưỡi năm trước, đức Phật đã nói rồi, ở trong Vi diệu pháp.
MỔ XẺ CÁI GỌI LÀ THIỀN MINH TRIẾT
CỦA "ĐẠO SƯ" DUY TUỆ
Tỳ-khưu Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)



Hồi thứ sáu: (Ông ta) Kết luận


Đây là phần kết luận Thiền Minh Triết của ông.


Đầu tiên ông đưa ra vài ví dụ cụ thể một số người đã đến hỏi ông, nghe ông giảng, tu theo ông rồi có được “hạnh phúc bất tận”.


Tôi sẽ “tận tình” mổ xẻ từng điểm.


Ông “điềm đạm” kể lại rằng:


“Trong nhiều năm tháng thầy nghe nhiều người nói rằng: “Con ăn chay trường và tu Thiền rất nhiều năm, ít nhất là trên mười năm với các thầy thì cũng hiểu được thế nào là Phật tính nhưng cứ chờ đợi sự chứng ngộ thật sự, nhưng chờ mãi, chờ hoài vẫn chẳng thấy gì mới. Tuy nhiên, chúng con đã lỡ tu rồi nên cứ phải chờ đợi sự chứng ngộ, mặc dù nhiều khi cũng cảm thấy chán ngán lắm!”.


Quý vị thấy sao? Cách nói này, dựng đứng câu chuyện này thì chỉ có những người “ngoại đạo” mới tin! Tại sao vậy? Ăn chay trường thì tốt rồi, tu Thiền nhiều năm thì tốt rồi! Nhưng tại sao không cho biết luôn là tu Thiền gì, Minh sát, Đông độ, Zen hay Trúc Lâm Yên Tử? Rồi thầy nào, có thầy Thiền nào mà dạy cho học trò “chờ đợi Phật tính” như người ngu nước Tống ôm cây đợi thỏ? Thắp đèn giữa ban ngày cũng không tìm ra ông thầy “gà mờ” ấy! Tại sao?


Tại vì, dù là ông thầy Thiền dở nhất, tệ nhất, ngốc nhất (xin lỗi các ông thầy vô danh, tôi đã nói nặng là vì mạch văn cần thiết) cũng biết Thiền là quán, là nhìn ngắm, là lắng nghe thân tâm trong ngoài khi đi đứng, nằm ngồi, ăn nói, ý nghĩ, tư tưởng cùng những sinh hoạt liên hệ trong đời sống.


Ai cũng biết là “trực chỉ lắng nghe mình”. Chẳng có ai “chờ đợi Phật tính” trong bất cứ một trường Thiền, một lớp Thiền nào cả! Thầy trò ông đã vu oan cho “tông môn Thiền, tông chỉ Thiền, tinh yếu Thiền” trên khắp thế giới đó, ông có biết không? Hãy nuốt cái lưỡi của ông lại đi! Thêm một tội “vu không với miệng lưỡi rắn rít”. Một địa ngục nữa đó!


“Đặc biệt gần đây, Thiền sinh Nguyễn Đức Luân, mười sáu tuổi, Phật Tâm Danh là Duy Nguyện, cùng bố và mẹ là Không Tuệ và Tuệ Thiêng từ Việt Nam qua Mỹ để học Thiền với thầy đã đặt ra câu hỏi này: “Thưa thầy, mình tu Thiền như vậy bao lâu sẽ chứng được đạo? Nếu lâu quá chắc tuổi trẻ như chúng con sẽ không theo được.”


Chỗ này tôi sực nhớ chuyện ông thầy thuốc bán thuốc dổm, muốn quảng cáo thần dược của mình, ổng thuê một chục người, hai chục người viết giấy chứng thực, tôi bệnh như vậy, tôi đau như vậy nhưng đi khắp nước, hằng trăm thầy Đông Tây y đều không chữa khỏi - nhưng khi tôi uống “thần dược” này, bệnh tôi lành hẳn chỉ trong “một thang”, người tôi da dẻ hồng hào, tuổi trẻ như tuổi thanh xuân nữa chứ. Đúng là thần y, đúng là thần dược!


Ông Duy Tuệ đã làm đúng bài bản lắm lắm! Đáng khen vậy thay!


“Thầy trả lời rằng: “Thật ra, không có gì để chứng cả. Mục đích hành Thiền không phải để thành chính quả. Sự thật rất quan trọng, hết sức quan trọng trong việc thực hành Thiền là để Thiền giả hình thành một thói quen có lợi toàn diện về đời sống tinh thần và thể chất. Do vậy, phải thường xuyên thực hành Thiền để thói quen ngày càng nhuần nhuyễn, và ngay trong thói quen thánh thiện này sẽ cho Thiền giả niềm vui và hạnh phúc bất tận bên trong , không bao giờ chấm dứt và rất ổn định. Thói quen này sẽ phát triển đời sống Minh Triết hoàn hảo! Nó cũng đem lại cho bạn nhiều may mắn và bình an!


Duy Nguyện reo lên vì thấy vấn đề rất nhẹ nhàng là chuyển từ mục tiêu Thiền để chứng quả sang mục tiêu thực hành Thiền là tạo một thói quen tốt đẹp, làm cho tính tích cực trong con người phát triển. Duy Nguyện hứa sẽ ra sức thực hành vì nó đem lại kết quả ngay: hình thành thói quen tỉnh thức và xua tan ý nghĩ, ‘đây là thói quen mà con thích và có lợi cho con trong cuộc sống và học tập!’


Tóm lại, phương pháp Thiền thầy chia sẻ không có mục tiêu chứng ngộ mà là hình thành thói quen thụ hưởng sự làm chủ của tỉnh thức đối với cái đầu đã, đang và sẽ tiếp tục tự do tung hoành suy nghĩ, quấy nhiễu tạo ra cảnh khổ đau giả tạo cho tinh thần. Từ thói quen này, Thiền giả sẽ có tất cả những niềm vui, hạnh phúc thật sự và tinh thần rất ổn định.


Những kiến thức bổ sung để gúp chúng ta mở rộng và vào sâu không gian Minh Triết”.


Đoạn văn dài phía trên, ta chỉ rút ra 3 điểm:


- Sự thật quan trọng: Hành Thiền là để Thiền giả hình thành một thói quen có lợi toàn diện về đời sống tinh thần và thể chất.


- Phải thường xuyên thực hành Thiền để thói quen ngày càng nhuần nhuyễn.


- Hình thành thói quen thánh thiện này (tức là thói quen thụ hưởng sự làm chủ của tỉnh thức) sẽ cho Thiền giả niềm vui và hạnh phúc bất tận.


Vậy là đã rõ, cứu cánh của Thiền Minh Triết là hình thành một thói quen, nhuần nhuyễn thói quen thánh thiện là thụ hưởng sự làm chủ tỉnh thức sẽ đem đến niềm vui và hạnh phúc bất tận - tức là “lạc” trường cửu.


Chư vị thức giả, trí giả đã thấy ông tà sư này lộ ra đuôi cáo, đuôi chồn chưa? Thói quen lâu ngày tích lũy, nhuần nhuyễn nó sẽ tạo nên một “cái đà năng lực”, một quán tính, và đây chính là “nghiệp” của tất thảy chúng sanh. Tôi sẽ có ví dụ cho cái thói quen, cái quán tính này.


“Hôm kia, cảnh sát bắt nhốt 3 người: Một tay đánh bạc, một tên nghiện hút, một bợm rượu. Mấy ngày sau được thả. Tay đánh bạc tìm ngay đến sòng bài. Tên nghiện hút chạy tìm cô tiên nâu. Bợm rượu thì mò đến quán ma men!”


Đây là do thói quen lâu ngày hình thành một năng lực, rất mạnh. Ai đẩy chúng đi? Chính do năng lực thói quen, năng lực quán tính, năng lực nghiệp đẩy chúng đi. Chúng sanh ba cõi sáu đường đều bị chi phối bởi định luật này. Tâm nào cảnh nấy. Và đó cũng là nhân, cũng là quả. Chẳng có thượng đế nào, tạo hóa nào xen dự vào đấy cả.


Vậy, Thiền Minh Triết của Duy Tuệ không nhằm thấy rõ bản chất như thực của pháp để chấm dứt tất cả khổ đau phiền não - mà là để hình thành thói quen, hình thành quán tính, hình thành nghiệp!


Nhưng mà nghiệp mà ông ta muốn nói là nghiệp gì vậy? Là thói quen thụ hưởng sự làm chủ của tỉnh thức!  Ồ, hay tôi đọc nhầm? Không phải! Thư ký nhầm hay ông Duy Tuệ nói nhầm?


Tỉnh thức là “công cụ” của tuệ tri, tuệ giác - nhờ nó quan sát, nhìn ngắm, lắng nghe ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên nên thấy được sự vận hành duyên khởi của thân, tâm, của lục căn, lục trần, lục thức... Tất cả chúng chỉ là duyên khởi, vì duyên khởi nên vô ngã. Chẳng một mảy tâm, một mảy may pháp nào là thực tính, là hiện tồn vô tận hay trường cửu; nói theo khoa học vật lý lượng tử thời đại hạ nguyên tử ngày nay, thì chúng chỉ tồn tại trong kỳ gian sinh diệt của phần tỷ giây đồng hồ!


Cũng chính nhờ “công cụ” này mà tuệ giác thấy rõ cái “thực tánh vô tự tánh”, cái “tánh không” (suññatā) của mọi sự, mọi vật - sẽ không còn bám víu chấp thủ của những ngã ái, ngã kiến nữa. Tâm và trí lúc ấy là cả một miền trong lặng, một tấm kiếng trong vắt, các pháp vẫn đến, vẫn đi, ý nghĩa, tư tưởng cũng lui, cũng tới - nhưng đều được phản ánh một cách chân xác và trung thực, như-mà-nó-là - là thế giới của “tịch diệt hiện tiền” chứ không phải là thói quen thụ hưởng sự làm chủ của tỉnh thức”- sẽ cho Thiền giả “niềm vui và hạnh phúc bất tận”!


Đây là cái kiểu lấy nhân mà làm quả, mà cái quả ấy cũng là quả trong sinh tử đúng như các Nikāya đều có nói: “Khổ và lạc là căn bản của phiền não”, ở đây còn là “cái lạc” bất tận nữa chớ! Hay ông có sờ đến cái “thường, lạc, ngã, tịnh” của cảnh giới phạm thiên?


Ông còn muốn giảng thêm:


“Không gian mình triết là gì?


Khó có thể định nghĩa chính xác được, nhưng nay tôi nói theo ngôn ngữ của riêng mình, cốt sao giúp quý vị đạt được hạnh phúc chân thật. Tất cả mọi định nghĩa hay khái niệm tôi dùng theo cách riêng là nhằm giúp cho quý vị tiếp cận được với cõi phúc lạc chân thật, với năng lượng tình thương dồi dào, và mãn nguyện với đời sống làm người của mình trên hành tinh này”.


Chỉ lặp lại ý ở trên.


“Quý vị cứ tưởng tượng trong đầu óc, bộ não của mình có rất nhiều hộp (box) để chứa những gì mình thấy, nghe, nghiên cứu học hỏi được. Có hộp chứa kiến thức, chứa kinh nghiệm, chứa các hình ảnh xảy ra trong quá khứ, hộp chứa lòng ham muốn, sự ích kỷ, lòng vị tha, năng lượng yêu thương có điều kiện, sự tưởng tượng, cái nhìn thực tế rõ ràng, sự đánh giá, sự hồn nhiên, sự thành kiến, sự ngạo mạn, hách dịch… hộp chứa sự khiêm tốn, hờn ghen, giận dữ, đau buồn, lỗi lầm, hối hận, sợ hãi và hộp chứa sự kiên nhẫn, yêu thương chân thành... Những hộp này cũng dễ thấy và cũng có thể lấy ra dùng hằng ngày, tuy hơi khó”.


Hóa ra, cái không gian Minh Triết của ông ta là nơi cất chứa những cái hộp, tạm chia có hai loại, là hộp đựng cái xấu ác và hộp đựng cái lành tốt. Mặc dầu ông dùng nhiều danh từ, nhiều tính từ, nhiều hình dung từ nhưng vẫn thiếu khi muốn nói đến các trạng thái tâm và tâm sở. Chỗ này, đã hơn hai nghìn rưỡi năm trước, đức Phật đã nói rồi, ở trong Vi diệu pháp. Trong đó nói ít, nhưng lại đầy đủ, bao quát hơn nhiều. Nó đặc như mật cô lại, và dường như ông đã pha loãng ra, nhạt nhẽo, nhạt thếch để làm của mình, nói là do mình sáng tạo, do mình mười năm suy ngẫm tìm ra, là không gian Minh Triết của riêng mình!


Đi sâu vào lãnh vực này tôi ngại “thuật ngữ kinh điển”, cũng ngại mất thì giờ của chư vị lắm! Nhưng biết sao hơn, tôi sẽ dùng ngôn ngữ thời nay để nói ra cái mênh mông vô lượng ấy. Xin chư vị thức giả chịu khó cho.


Đây là 14 yếu tố tâm lý xấu ác; chúng luôn luôn khởi theo các tâm bất thiện, ai có thì giờ thì xem, nó chuyên môn quá (1). Còn ai muốn đi vào nội dung từng trạng thái tâm lý thì xin xem chú thích ở cuối bài *, nó còn khái quát tất thảy mọi xấu ác trên cuộc đời hơn Duy Tuệ đưa ra nhiều.


Còn sau đây là những tâm sở đẹp, cao sáng, tốt, lành, thiện lương, mát mẻ. Chúng chính là những thiện tâm sở, có mặt đều khắp hoặc rải rác từng nhóm trong những thiện tâm ở cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới và cả siêu thế giới. Những tâm sở ấy, đức Phật nói rất cô đặc, ai muốn hiểu rõ thì xem (2), còn nếu thấy rõ nội dung từng tâm lý lành tốt thì hãy xuống chú thích ** ở cuối bài!


Ông Duy Tuệ cố gắng xem thì sẽ thấy. Đã kinh khiếp, rợn ngợp kho tàng Pháp Bảo của Phật chưa mà lại dám coi khinh, chê bai đức Pháp trong lúc ông chỉ mới đụng tới cái ngoài da! Nhưng đây chỉ mới là những trạng thái tâm sở tốt lành kia đấy! Là những trạng thái tâm chưa được gọi là Minh Triết. Nó tốt đẹp thật, cao sáng, cao thượng thật, ở cánh giới vi diệu thật - nhưng chưa thấy thực tánh, giải thoát đâu.


Minh Triết Phật ở cái cõi mà không bao giờ ông với tới được, đó là thế giới vô vi, vô lậu, vô niệm, vô tâm, vô cấu, vô dục, vô chấp, vô tác, vô hành, vô đối, vô không, vô ngã - ngay chính trong đời sống này, sự sống này, hơi thở này, hiện tiền “đương xứ tức chân” này - chứ không phải ở kiếp sau hay cõi Niết-bàn ảo tưởng xa xăm vị lai nào đó!


Tất cả 39 yếu tố tâm lý này là có thể khái quát toàn bộ tâm của nhân loại, của tất thảy mọi chúng sanh, xưa cũng như nay. Những yếu tố cả lành tốt, cả xấu ác - chúng không có sẵn trong tâm như cái kho để cất giữ, hoặc lấy ra để dùng như ông Duy Tuệ nói. Dù ông có sử dụng phương tiện ngôn ngữ đi nữa thì điều đó cũng đã sai lầm, tà kiến từ căn bản - vì ông chưa thấy duyên khởi vô ngã tánh. Tất cả chỉ là duyên khởi. Minh sát là quán cái vận hành duyên khởi này. Một tâm lành tốt khởi lên - là duyên cho những tâm sở lành tốt khởi theo. Tâm xấu ác cũng vậy. Ông Duy Tuệ không hề nhắc đến duyên khởi, không biết gì về duyên khởi - cái quan trọng, cốt tủy để từ đó đức Phật thiết lập nền tảng giáo pháp, thuyết giảng 45 năm, sau hình thành Tam Tạng.


Ông Duy Tuệ chỉ biết làm “rỗng đầu óc”! Cụm từ này đúng, khá hay - nhưng cách làm của ông sai, do không thấy không biết duyên khởi, do không có tuệ giác để “tư duy vô ngã tính” nên mọi phương pháp của ông đều chỉ là những cách đối trị tầm thường, dẫn người ta đi vào ngõ cụt, đụng đầu bức tường duy vật ấu trĩ và ngốc ngếch!


Ông muốn vô hiệu hóa nó; ông không cũng cấp nguyện liệu cho đầu óc - vậy nên không có suy nghĩ, vì không có đối tượng, đối tượng bị triệt tiêu, vì suy nghĩ là cái gì suy nghĩsuy nghĩ cái gì mới được chứ? Khởi niệm mới duyên khởi, mới thấy các pháp, mới thấy ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên. Còn ông không khởi gì cả, không thấy gì cả. Tôi xin lặp lại, quả là “tri bất tri, thượng”!


Tặng ông câu thơ cổ điển của vị Thiền sư nào đó:


“- Bách xích can đầu, trực hạ thùy

Nhất ba tài động vạn ba tùy

Dạ tĩnh, thủy hàn ngư bất thực

Mãn thuyền không tải nguyệt minh quy!”

Câu này, cố hòa thượng Đổng Minh dịch:

"Đầu cần trăm thước buông câu

Một làn sóng gợn, nối nhau muôn lằn

Đêm nước lạnh, cá không ăn

Con thuyền trống rỗng chở trăng đi về!”


Tôi thì dịch:


“- Trăm thước đầu cần thỏng điếu ông

 Một làn sóng dợn, dợn muôn trùng

Giá băng, đêm lặng, khôn tăm cá

Về chở đầy thuyền ánh nguyệt không!”


Một niệm khởi là duyên vạn trùng khởi. Đêm lặng, nước giá lạnh, cá không ăn mồi! Vị Thiền sư thấy duyên khởi căn trần - nên tu Thiền định, đóng bít các căn - không cho “căn ăn trần” nữa. Từ đó mới tu Thiền tuệ, mới “mãn thuyền không tải nguyệt minh quy”!


Ông Duy Tuệ chưa thấy thế giới duyên khởi nhưng ông có những cái hộp với những yếu tố tâm lý có sẵn rồi đem cất trong đó! Cũng hay nhỉ? Ta chờ xem!


Lời thưa I Hồi thứ nhất I Hồi thứ hai I Hồi thứ ba I Hồi thứ tư I Hồi thứ năm I Hồi thứ sáu I Hồi thứ bảy




(1) Si (Moha), Vô tàm (Ahirika), Vô quý (Anottappa), Trạo cử (Uddhacca), Tham (Lobha), Tà kiến (Micchādiṭṭhi), Mạn (Māna), Sân (Dosa), Tật (Issā), Xan (Macchariya), Hối (Kukkucca), Hôn trầm (Thīna), Thụy miên (Middha), Nghi (Vicikicchā).


(2) Tín (Saddhā), Niệm (Sati), Tàm (Hiri), Quý (Ottappa), Vô tham (Alobha), Vô sân (Adosa), Trung tánh (Tatramajjhattatā), Tâm sở thư thái (Kāyapassaddhi), Tâm thư thái (Cittapassaddhi), Tâm sở khinh an (Kāyalahutā), Tâm khinh an (Cittalahuta), Tâm sở nhu nhuyến (Kāyamudutā), Tâm nhu nhuyến (Cittamudutā), Tâm sở thích ứng (Kāyakammaññatā), Tâm thích ứng (Cittakammanõnõatā), Tâm sở tinh luyện (Kāyapāguññatā), Tâm tinh luyện (Cittapāguññatā), Tâm sở chính trực (Kāyujjukatā), Tâm chính trực (Cittujjukatā), Chánh ngữ (Sammāvācā), Chánh nghiệp (Sammākammanta), Chánh mạng (Sammāājīva), Bi (Karuṇā), Hỷ (Muditā), Tuệ căn (Paññindriya).

 

Chú thích: 


* Si: Là mê lầm, là mê mờ, không thấy rõ thực tánh của các pháp. Vô thường mà cho là thường, vô ngã mà cho là có ngã, khổ não mà cho là an lạc... Vì si chi phối, mê mờ, che lấp... nên chúng sanh thường đắm đuối, say mê trong ngũ dục mà không biết đấy là khổ. Và có kẻ thấy khổ thì bỏ khổ đi tìm lạc (như trường hợp ông Duy Tuệ).


Vô tàm: Là không biết hổ thẹn khi làm các việc xấu, điều ác. Chính tâm sở này làm cho chúng sanh tạo tác tất cả bất thiện nghiệp; chúng không chùn tay trước bất cứ một việc làm xấu xa, một hành động bạo tàn nào. Như con heo lăn mình trong đống phẩn, cảm thấy thích thú; kẻ có tâm lý này cũng tương tự thế, họ thích thú, hãnh diện bởi sự vô đạo đức, xấu ác của mình (Có trong ông Duy Tuệ).


Vô quý: Là không ghê sợ, không sợ hãi những hành vi xấu ác. Chính vô quý tâm sở này khiến cho chúng sanh không sợ dư luận chê cười, xã hội lên án... Vô quý được ví như ngọn lửa phựt cháy đối với con thiêu thân, nó cứ lăn xả vào để tìm lấy cái chết. Nó đánh mất lòng tự trọng, sự nể vì của người khác; lao thân vào những việc xấu ác chẳng e ngại nhân quả, tội tù hoặc bốn đường đau khổ (Có trong ông Duy Tuệ).


Trạo cử: Là trạng thái tâm dao động, lay động, phóng dật, xao động bất an; cứ chạy tìm từ đối tượng này sang đối tượng khác; cứ bồng bềnh, lang thang, trôi nổi dật dờ trong thế giới sắc, thanh, hương, vị, xúc... Nhưng chúng không dừng lại thật lâu trước một đối tượng nào, vì nó luôn làm cho tâm bị xao lãng, khả năng chú tâm rất yếu ớt, không thể an định được một giây khắc nào (Chắc cũng có luôn, do nói lung tung lang tang như mê sảng).


Tham: Là nắm giữ, ôm ấp, cầm nắm, bám víu, chiếm đoạt, vơ vét... nghĩa là tất cả những trạng thái tâm có “lực hút”; dính mắc đều gọi là tham. Dính mắc như ruồi dính mủ mít, như chim bị dính bẫy nhựa... thì gọi là tham (Cái này thì chắc hẳn có rồi).


Tà kiến: Diṭṭhi là thấy, là kiến. Micchā là nghiêng, lệch, xiên, tà, lầm lẫn. Vậy, tà kiến tâm sở là thấy lầm, thấy sai, thấy nghiêng, thấy lệch, thấy không đúng với sự thật. Đã không thấy đúng với sự thật mà còn chấp những cái thấy sai, thấy nghiêng, thấy lệch... kia là như chơn, như chánh nữa thì được gọi là tà kiến (Ông Duy Tuệ xây dựng lý thuyết của mình từ cơ sở này).


Mạn: Là tự cao, tự đại, khoe khoang, tự đắc, kiêu kỳ, ngạo mạn... là tính chất của mạn tâm sở. Mạn về thọ sanh, dòng dõi, huyết thống. Mạn do sang giàu, nhiều của cải. Mạn do học giỏi, biết nhiều, hiểu rộng. Mạn do sức khỏe, trường thọ, sắc đẹp... Gốc của mạn tâm sở là ngã ái, ngã chấp. Khi nào còn có bóng dáng của cái tôi, cái ngã là khi ấy còn sự chi phối của mạn (Ông có cả mạn, ngã mạn, thượng mạn, tăng thượng mạn).


Sân: Là không bằng lòng, không vừa lòng, muốn xua đuổi, muốn quay lưng, chối bỏ, phủ nhận, bực bội... là trạng thái của sân tâm sở. Tất cả những cảnh trái ý, nghịch lòng, mình muốn triệt tiêu (lực đẩy) đều là sân tâm sở, nó dễ đưa đến cuồng nộ, cuồng dại, hung dữ, bạo hành rất nguy hiểm vậy (Dĩ nhiên là phải có rồi - một tâm lý loại trừ cái gì là đã có xung đột rồi) .


Tật: Là ganh ghét, đố kỵ, tỵ hiềm trước những thành công, hạnh phúc, giàu sang, may mắn... của kẻ khác. Khi thấy kẻ khác có điều hay, điều tốt hơn mình thì thường tìm cách dè bĩu, ỉ ôi. Khi thấy người có địa vị, quyền hành, tài sản, danh vọng, quyến thuộc, sắc đẹp... hơn mình thì đem tâm ganh ghét, nói xấu họ bằng cách này hay bằng cách khác (Ông đã tỏ thái độ này với Phật giáo).


Xan: Là hà tiện, bỏn xẻn, keo kiệt, rít róng... là tính chất của xan tâm sở. Bỏn xẻn về của cải tài sản như “con ma giữ của”, hoặc “vắt chày ra nước”! Bỏn xẻn về trú xứ. Bỏn xẻn về lợi dưỡng. Bỏn xẻn về kiến thức, bỏn xẻn về giáo pháp; tức là không muốn trao đổi, chia xẻ kiến thức, giáo pháp cho ai, vì không muốn ai bằng mình hay hơn mình.


Hối: Là ăn năn, hối hận, hối tiếc... làm cho nóng nảy, bứt rứt ở trong lòng. Khi đã làm một việc bất thiện, nếu có ăn năn, hối hận là tốt; nhưng chính tâm sở này cứ làm cho tâm bị thiêu đốt, bị cắn rứt không yên, rồi vấn đề cũng không giải quyết được. Phương cách đúng đắn để vượt qua tâm sở này là phải tránh tái diễn, lặp lại các hành vi bất thiện và quyết tâm lánh xa điều ác, làm các điều lành. Chẳng bao giờ quá muộn để làm việc lành, để tự cải thiện bản thân còn hơn ăn năn, hối tiếc suông.


Hôn trầm: Là trạng thái dã dượi, lừ đừ, mệt mỏi... của tâm. Là sự co rút lại như lông gà trước ngọn lửa. Nó làm cho ta sinh thụ động, tiêu cực; không muốn cất tay, cất chân làm bất cứ công việc gì.


Thụy miên: Khi bị tâm sở này chi phối thì tâm không muốn hoạt động, không có khả năng nắm bắt điều gì vì nó rất mờ nhạt và rất yếu đuối. Đây chính là sự trì trệ, uể oải, lười biếng của tâm thức để đánh mất sự linh hoạt, nhạy bén vốn có; nó tác động lên  thân làm cho thân mệt mỏi, buồn ngủ.


Nghi: Là trạng thái nghi ngờ, nghi nan, nghi hoặc, phân vân, hoang mang... đủ mọi thứ; không biết đặt để lòng tin ở đâu. Nghi không phải là không tin, chính xác là nó ở giữa tin và không tin. Do vậy, nghi tâm sở còn được hiểu là phân vân, lưỡng lự, do dự, bất nhất, bất quyết, bất định... luôn luôn chẳng biết đặt tâm ở đâu cảnh (Ông nói mạnh miệng vậy nhưng ông như chiếc thuyền không bánh lái, vật vờ, lênh đênh không biết nương tựa vào đâu; nghi ngờ đủ mọi thứ).


** 1- Tín: Có niềm tin, có đức tịn, có điểm tựa tinh thần một cách vững chắc, an ổn. Có nó mọi nghi ngờ tiêu sạch. Nó như một viên ngọc có khả năng lọc bụi bặm phiền não.


2- Niệm: Thường có chú tâm, ghi nhận những cái gì đang xảy ra với mình, như một người canh cửa thân tâm một cách chăm chuyên và cần mẫn nhất. Nó không làm trượt đi, rời sang chỗ khác hay trôi phăng đi mà luôn luôn bắt dính đối tượng.


3- Tàm: Biết hổ thẹn với lương tâm mình khi lỡ làm một việc gì sái quấy không xứng hợp với đạo làm người.


4- Quý: Biết sợ hãi miệng tiếng, danh giá, nhân phẩm, dư luận, danh dự bản thân và gia đình khi làm việc gì đó không chính đáng, xấu quấy.


5- Vô tham: Không khởi lên tâm thèm muốn, tham lam những vật gì không phải của mình, dù là cây kim, sợi chỉ - nói rộng ra là cả dục lạc ngũ trần. Tính chất của nó lại rộng rãi, muốn chia sẻ giúp người, lại còn dễ dàng buông bỏ, không đeo níu, không bám dính, thí xả.


6- Vô sân: Không khởi tâm nóng nảy, bứt rứt, bức xúc, giận dữ, sân độc, oán thù, bạo tàn, hận thù.


7- Trung tánh: Luôn giữ trạng thái trung dung, vừa phải, chừng mực, cân phân, trạm nhiên, không nghiêng bên này, không lệch bên kia như một đòn cân quân bình tuyệt hảo.


8-9- Tâm sở thư thái, tâm  thư thái: Các trạng thái phụ tùy của tâm (tâm sở) và tâm đều được làm cho buông giãn, yên tĩnh, mọi căng thẳng, nóng nảy lắng dịu xuống.


10-11- Tâm sở khinh an, tâm khinh an: Các trạng thái phụ tùy của tâm (tâm sở) và tâm đều được nhẹ nhàng, khinh linh như cất được mọi sự nặng trệ xuống.


12-13- Tâm sở nhu nhuyến, tâm nhu nhuyến: Các trạng thái phụ tùy của tâm (tâm sở) và tâm không còn khô cứng, thô ráp mà đều được mềm mại, mềm dẻo dễ sử dụng.


14-15- Tâm sở thích ứng, tâm thích ứng: Các trạng thái phụ tùy của tâm (tâm sở) và tâm đều dễ dàng thích ứng, thích dụng với mọi hoàn cảnh.


16-17- Tâm sơ tinh luyện, tâm tinh luyện: Các trạng thái phụ tùy của tâm (tâm sở) và tâm không còn ươn yếu, biếng nhác mà đã được rèn luyện một cách thiện xảo, tinh xảo.


18-19- Tâm sở chính trực, tâm chính trực: Các trạng thái phụ tùy của tâm (tâm sở) và tâm không còn xiêng xẹo, quanh co, khuất khúc, lừa phỉnh, dối trá, lươn lẹo, gian tà, tà vạy - mà đã ngay thẳng, quang minh chính đại.


20- Chánh ngữ: Là trạng thái tâm sở có tích cách kiêng cử, tiết chế, điều tiết, ước thúc - tránh nói lời giả dối, đâm thọc, thô lỗ, cộc cằn, vô ích, nhãm nhí, ác khẩu.


21- Chánh nghiệp: Là trạng thái tâm sở có tính cách kiêng cử, tiết chế, điều tiết, ước thúc tránh xa những hành động như sát sanh, trộm cắp và tà dâm.


22- Chánh mạng: Là trạng thái tâm sở có tính cách kiêng cử, tiết chế, điều tiết, ước thúc tránh xa những nghề nghiệp nuôi mạng không chơn chánh như buôn bán độc dược, rượu men, rượu nấu, các chất say, buôn bán nô lệ và nghề giết thịt.


23- Bi: Là trạng thái tâm biết rung động, biết thương xót, bi mẫn trước những cảnh huống bất hạnh của mọi người xung quanh, muốn khởi tâm chia sớt, san sẻ, ủi an, cứu vớt bằng tinh thần hay vật chất. Đây là đóa hoa thanh khiết sắc hương của nhân ái, nhân đức và thiện lương.


24- Hỷ: Đây là trạng thái tâm mà thiện cảm đi đôi với hoan hỷ, vui vẻ trước sự thành đạt, thành công, hạnh phúc hay an vui của người khác - nó loại trừ ganh ghét, đố kỵ và tỵ hiềm.


25- Tuệ: Nó thấu đạt thực tướng, thấy biết rốt ráo, thông suốt bản chất thật sự của sự vật. Nó khắc phục, chế ngự đần độn, u mê, tối tăm, ngu si; nó chiếm địa vị ưu thắng trong sự thấy biết như chân như thật nên tự nó, bởi nó mới có tuệ giác và tuệ minh.



Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp