Lương thực, thực phẩm giám trai cũng từ miền Nam đổ ra bằng nhiều phương tiện. Lần đầu tiên tổ chức, không tránh khỏi luộm thuộm, lấn cấn dẫm chân nhau và một vài ách tắc đáng tiếc xẩy ra.
Vesak 2014 lần này, GHPGVN chính thức đăng ký tổ chức, đã qua cuộc họp ban ngành thuộc nội bộ Phật giáo cũng như các liên ngành phía nhà nước, báo cáo một số sự việc đã chuẩn bị, một số khâu đang gặp khó, trong đó, Giáo hội kêu gọi Bộ Tài chính yểm trợ; trong cuộc họp ngày 25/3/2014 tại chùa Quán Sứ, Hà nội, có sự tham dự của bà Vũ Thị Mai – Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Phạm Dũng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, Tổ trưởng tổ công tác liên ngành của Chính phủ giúp đỡ tổ chức Vesak 2014; cùng lãnh đạo BTG thành phố, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình cùng về tham dự. Đồng thời, Ban Kinh tế tài chánh của Giáo Hội cũng ra Thông bạch vận động tài chánh gửi đến các cấp Giáo hội. (nghĩa là khi đứng ra tổ chức Vesak 2014, GH không có đồng nào trong tay?)
Vốn dĩ từ xa xưa, Phật giáo không có nguồn kinh tế tài chánh ổn định; sinh hoạt thường nhật dựa vào sự cúng dường của tín đồ; lễ lộc dựa vào lòng hảo tâm của mạnh thường quân. Các chùa không chủ trương làm kinh tế, có chăng chỉ là loại kinh tế nhỏ như sản xuất nhang đèn tương chao, phát hành kinh sách, pháp khi…đủ chi dụng nuôi chúng trong chùa. Nếu là một tổ chức đoàn thể của Phật giáo, cũng dựa vào sự đóng góp của quần chúng và các thành viên trong tổ chức. Với tinh thần xả ly của nhà Phật, chư Tăng Ni không đặt nặng vấn đề kinh tài, đó là thời quá khứ, khi mà vấn đề chuyên tu đặt lên hàng đầu và xã hội cũng chưa phát triển kinh tế, vấn đề chính trị xã hội cũng chưa thâm nhập vào Phật giáo, nói cách khác, Phật giáo bấy giờ chưa bị xã hội hóa nên ít bị tác động vật chất, kinh tế, tài chánh.
Thời đại toàn cầu hóa kinh tế, không một quốc gia nào thoát khỏi tầm ảnh hưởng chung, các thành viên trong một quốc gia cũng phải hòa nhập; những quốc gia chuyên tìm thuộc địa để khai thác tài nguyên, nay cũng phải xoay về tìm trục đối tác để làm kinh tế, vì thế, cho dù là tôn giao, không thoát khỏi xu thế thời đại, ngoại trừ Kito giáo La mã đã ý thức rất sớm về kinh tế hóa trong đời sống tôn giáo của mình vào những kỷ nguyên thuộc địa.
Chính vì không chú trọng về kinh tài nên Phật giáo luôn đối mặt trước những khó khăn khi tổ chức đại lễ, vì vậy sinh hoạt của tập thể Phật giáo tùy thuộc vào sự hỷ cúng, bị động hơn là chủ động mọi mặt. Nhưng, Phật giáo vốn có nguồn tài lực vô tận mà giáo hội không biết khai thác, vì không thể hiện tính “giáo quyền” của một giáo hội nên nguồn lợi đã bị phân tán trong tay một số “hữu danh vô vị, hữu vị vô danh” đã thao túng trục lợi.
Phía Bắc Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nhất là tu viện già lam, tổ đình chùa viện được tồn tại gần ngàn năm qua do chư tổ khai sáng.Những di tích danh thắng đó , hàng năm thu nhập hàng trăm tỷ đồng qua những lễ hội những đồng tiền gọi là “giọt dầu” đã tràn ngập vào chốn vô bổ, trong khi giáo hội điều hành Phật sự phải nhờ đến sự cúng dường của chùa Vĩnh Nghiêm cho cả văn phòng hai miền, hàng tháng.
Chỉ cần điểm qua vài tổ đình như:- Chùa Phúc Khánh, còn gọi là chùa sở ở phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà nội; được khai sơn từ thời hậu Lê, chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1988.
- Yên tử là vùng núi nằm giữa Quảng ninh và Bắc Giang. Được khai sơn qua các triều đại Lý Trần Lê Nguyễn và tên tuổi gắn liền với vua Trần Nhân Tông, vị vua từng lãnh đạo quân dân thời Trần hai lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, rồi từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm đậm màu sắc Việt.
- Chùa Hương có từ thế kỷ thứ 13, tọa lạc trên núi Hồng lĩnh, tỉnh Nghệ Tĩnh.
....
Những di tích lịch sử trên đây, hàng năm có cả vạn lượt người đi trẩy hội hoặc tiến lễ kỳ an, nhất là từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch, mỗi kỳ lễ không dưới hàng trăm tỷ đồng cho vào hòm công đức và vài chục triệu rãi rác trên thân tượng, vách chùa,chuông trống…Ngân hàng phải cho xe đến chuyển tiền về để nhập vào tài khoản cá nhân đang quản lý các cơ sở trên ,vì thế không lạ gì khi có cơ quan đề nghị quản lý tiền “giọt dầu” đó! Việc đề nghị đó là sai, nhưng để tự tung tự tác như thế cũng không đúng.
Bởi lẽ, trải qua cả ngàn năm, các cơ sở được gọi là Di tích lịch sử, không thuộc quyền thừa kế tông môn pháp phái mà đã là giáo sản thuộc giáo hội quản lý. Vả lại, những danh thắng phía Bắc hiện nay do cá nhân một tu sĩ cai quản lý nhờ tài liên hệ giao tế và thế lực ngầm đỡ đầu mà giáo hội không đủ lực can thiệp. Nguồn lợi to lớn đó đi về đâu trong khi giáo hội vẫn phải kêu gọi từng chùa mỗi khi có đại lễ? Đáng ra, người quản lý các danh thắng lịch sử đó phải có ý thức và trách nhiệm trích một phần nguồn lợi đó để giáo hội làm sinh hoạt phí.
Đã là một tổ chức giáo hội có hiến chương, có pháp chế, có giáo sản tức phải có giáo quyền trong phạm vi nhất định. Giáo hội là một tổ chức quản lý Tăng Ni, quản lý giáo sản, điều hành Phật sự thì không thể để các cơ sở di tích danh thắng nằm ngoài tầm tay cho một cá nhân thao túng bao nhiều năm qua. Thật vô lý khi Phật giáo đăng ký tổ chức Vesak mà phải trông chờ sự yểm trợ từ bên ngoài, kêu gọi sự đóng góp từ hạ tầng mà nguồn vốn khổng lồ của Phật giáo bị một cá nhân đóng băng; Chẳng những thế, một cá nhân đảm nhiệm bốn BTS của bốn tỉnh trong khi nhiều Tăng Ni tại chỗ không được trọng dụng, giáo hội quản lý và bổ cử như thế làm sao Phật sự không bị tồn đọng? Ngày nay, gần 40 năm, Phật giáo không thiếu nhân tài, nhưng 40 năm giáo hội vẫn thiếu tài quản trị nhân sự và quản lý giáo sản lịch sử di tích.
Tóm lại, nhân lực, tài lực, Phật giáo Việt Nam hiện nay không thiếu, nếu không nói là dồi dào, nhưng chỉ thiếu cách điều hành cho hợp lý, phải vượt qua những trở ngại về quyền lực lợi ích phe nhóm, phải tránh sự cả nể khi làm việc. Sự chơn chất của chốn thiền môn không thể áp dụng cho sự điều hành một tổ chức giáo hội như hiện nay.
Minh Mẫn05/04/2014