Khó có thể hình dung việc thăng chức Hồng y của một Tổng Giám mục Việt Nam có ảnh hưởng đến Phật giáo. Tuy nhiên, nếu xem xét sự việc với quan điểm toàn diện, quan điểm nhân duyên, thì tương tác giữa các tôn giáo là điều đã và đang xảy ra, nhất là khi ở Việt Nam, đạo Ca tô La Mã đang trong quá trình chuyển thành tôn giáo lớn nhất, tôn giáo đa số. Trong khi Phật giáo Việt Nam đang rơi vào suy thoái, trở thành tôn giáo thiểu số.
Cùng với Tin Lành, đạo Ca tô La Mã là tôn giáo đang cải đạo tín đồ Phật giáo Việt Nam rất mạnh mẽ. Vì vậy, những chuyển biến nhân sự quan trọng của đạo Ca tô La Mã chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng đến Phật giáo Việt Nam, trong cục diện tôn giáo chung.
Trong bài viết, chúng tôi sẽ có những dự báo từ việc Tổng Giám mục Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn được phong tước Hồng y đối với cục diện tôn giáo tại Việt Nam, gồm cả Phật giáo.
Trong đạo Ca tô La Mã, Hồng Y không phải là một “chức thánh”, mà chỉ là một tước vị.
Nhưng tước vị này có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Giáo hội Ca tô La Mã ở từng quốc gia. Trên lý thuyết không hẳn là người đứng đầu Giáo hội Ca tô La Mã quốc gia, nhưng Hồng Y trở thành người có uy tín hàng đầu. Các Hồng Y thường được lựa chọn từ những người có chức thánh giám mục. Một trong những quyền hạn của hồng y là bầu giáo hoàng (nếu dưới 80 tuổi). Vì vậy, đối với quốc gia, có trường hợp tước Hồng Y được gắn với danh xưng giáo chủ, quyền lực tinh thần rất lớn.
Giáo hoàng là vị có quyền tuyệt đối trong việc phong hồng y. Thế nhưng chắc chắn việc phong này có sự tham mưu của giáo triều La Mã. Nhìn vào hồng y được phong như trong trường hợp Việt Nam, có thể thấy quan điểm, chính sách của giáo triều La Mã đối với quốc gia đó, từ đó có thể có những dự báo trong hoạt động tôn giáo.
Từ năm 1976, đạo Ca tô La Mã Việt Nam mới có hồng y, đến ông Nguyễn Văn Nhơn là hồng y thứ 6. Tuy nhiên, có 2 hồng y, nhưng chỉ có hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn là đương nhiệm, lại là tổng giám mục Hà Nội, nên tân hồng y sẽ là lãnh đạo đạo Ca tô La Mã có tiếng nói quan trọng nhất tại Việt Nam.
Báo Công giáo và Dân tộc số 1990 đã đăng lại lời Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương: “Tôi cho đó là một tin mừng cho Giáo hội Công giáo Việt Nam, những vị hồng y mà các Giáo hoàng trước phong đều rất xứng đáng và đối với Tổng Giám mục Nguyễn Văn Nhơn, tôi thấy là ngài cũng rất xứng đáng… Và tôi tin rằng với tin vui này, Tổng Giám mục cũng như Giáo hội Công giáo Việt Nam càng có phấn khởi, tin tưởng và hành đạo theo đường lối là sống tốt đời, đẹp đạo”, trong bài “Giới truyền thông trước sự kiện Việt Nam có tân hồng y”.
Trong giáo hội Ca tô La Mã Việt Nam, tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn được coi là người có quan điểm mềm dẻo, ôn hòa, uyển chuyển. Chính ông này được đưa về Hà Nội để tháo ngòi vụ tòa Khâm đang lúc nóng bỏng. Tổng giám mục Nguyễn Văn Nhơn được coi là một người tiêu biểu theo hướng tìm kiếm mối quan hệ tốt với chính quyền, để hướng tới những mục tiêu lâu dài là các hoạt động như giáo dục, y tế, từ thiện, thay vì có những va chạm, sẽ làm cho việc theo đuổi những mục tiêu căn bản sẽ khó khăn hơn.
Đây cũng là cách tính của một số giám mục. Vatican đã lựa chọn hướng đi này trong việc lựa chọn ông Nguyễn Văn Nhơn làm hồng y.
Theo báo Công giáo và Dân tộc đã dẫn trên, tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã được phong hồng y trong khi đã qua tuổi hưu một năm và chỉ còn có bốn năm để tham dự Mật nghị Hồng y (quan trọng nhất là mật nghị bầu giáo hoàng, dành cho những hồn y dưới 80 tuổi).
Như vậy, việc chọn tổng giám mục Nguyễn Văn Nhơn làm hồng y là một việc thiên nhiều về ý nghĩa tượng trưng. Theo đó, Giáo hội Ca tô La Mã chấp nhận theo đuổi việc xin phép, mà mục tiêu lớn là hoạt động giáo dục, thay vì kiểu nói bác bỏ xin cho, quan tâm nhiều đến tài sản nhà đất như ông Ngô Quang Kiệt.
Vì thế, với chỉ dấu là tổng giám mục, Phêrô Nguyễn Văn Nhơn được phong hồng y, dự báo về khả năng đạo Ca tô La Mã tại Việt Nam xin được phép khôi phục việc tham gia vào hoạt động giáo dục sẽ trở nên chắc chắn hơn. Đây là cục diện tôn giáo quan trọng cần được nhìn thấy trước.
Khôi phục hoạt động giáo dục hướng ra xã hội là một trong những mục tiêu lớn của đạo Ca tô La Mã tại Việt Nam. Mục tiêu này chỉ đạt được trong mối quan hệ tốt và được phép. Chọn ông Nguyễn Văn Nhơn làm hồng y, có vẻ Vatican đã theo hướng này, cho dù là có thể trong ngắn hạn.
Nếu không có sự cố gì và khả năng sự cố là rất thấp, thì có thể sẽ có một sự cho phép quan trọng đối với yêu cầu về hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của đạo Ca tô La Mã sau bước cho phép hoạt động giáo dục mầm non, chỉ trong vòng một vài năm nữa.
Qua truyền thông của đạo Ca tô La Mã Việt Nam, có thể thấy trong những năm gần đây, họ đã đưa việc được tham gia giáo dục hướng ra xã hội lên mục tiêu cao nhất, trên mọi mục tiêu khác, có thể là trên luôn mục tiêu bình thường hóa quan hệ. Tất nhiên, một hồng y mềm dẻo, khéo léo trong quan hệ sẽ là phương tiện tốt cho muc tiêu đó.
Đạo Ca tô La Mã mà khôi phục được hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, dù không trọn vẹn, cũng sẽ là bước chuyển biến quan trọng và căn bản trong cục diện tôn giáo tại Việt Nam.
Vì vậy, Phật giáo Việt Nam nên quan tâm nhiều hơn đến việc chuẩn bị hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, trước dự báo về cục diện tôn giáo chuyển biến như thế.
Chọn tổng giám mục Phê rô Nguyễn Văn Nhơn làm hồng y, Vatican rõ ràng muốn tránh những việc như Tòa Khâm, Cồn Dầu, Thái Hà…, tất nhiên làm ảnh hưởng quan hệ, mà điều quan trọng là ảnh hưởng đến mục tiêu cấp phép để đạo Ca tô La Mã tham gia nhiều hơn vào hoạt động giáo dục hướng ra xã hội.
Minh Thạnh