Năm 2009, Trần Mạnh Tâm bắt đầu thu nạp đệ tử vào giáo phái Thiên Đạo do chính mình lập ra. Trần Mạnh Tâm và các đệ tử luôn một mực nhấn mạnh tính đúng đắn, chân truyền và khoa học của giáo phái này, đồng thời khẳng định đây chính là con đường duy nhất đưa đất nước, con người đi lên. Tuy nhiên, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển cộng đồng này, Trần Mạnh Tâm chưa một lần công khai ra mặt. Việc Trần Mạnh Tâm đứng đầu giáo phái Thiên Đạo đúng đắn, chân truyền, khoa học nhất quyết không chịu xuất đầu lộ diện trước công chúng thực sự đã khiến chúng ta phải hoài nghi về cả giáo phái lẫn người lãnh đạo mờ ám này.
Thông thường, để nhìn nhận về một giáo phái, tổ chức, hội nhóm, người ta thường nhìn vào bản tôn chỉ hoạt động, tài liệu, kinh sách đã được ghi chép lại cẩn thận và đưa vào lưu hành. Vì vậy, hãy thử nhìn vào “Tổng bộ kinh Thiên Đạo” để có cái nhìn cụ thể, trung thực hơn về giáo phái này.
Thứ nhất, bộ kinh Thiên Đạo gồm hai phần chính: Phần đầu lí giải sự xuất hiện của vũ trụ, bàn luận về giải thoát, luân hồi, đạo pháp,... Phần hai đi vào hoạch định các vấn đề về chính trị, tổ chức xã hội, phương hướng tương lai cho đất nước của những người theo “đạo trời”, thí điểm ở Việt Nam. Mới đầu, bằng sự đồ sộ của hơn 600 trang A4 với sự xuất hiện dày đặc của những từ ngữ, khái niệm có vẻ quen thuộc, bộ kinh Thiên Đạo do Trần Mạnh Tâm soạn ra chắc chắn sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ trong mắt các tín đồ, từ đó tạo được sức hấp dẫn lôi kéo đông đảo lượng người đi theo. Tuy nhiên, nếu đọc kĩ, ai cũng sẽ nhận ra rằng 600 trang giấy của Trần Mạnh Tâm thực chất vô dụng trong cả việc lí giải thế giới lẫn việc xây dựng đất nước, con người mới.
Trong phần đầu, Trần Mạnh Tâm dành nhiều thời gian để bàn về sự hình thành vũ trụ. Bằng việc ném một đống thuật ngữ, khái niệm của khoa học hiện đại, đặc biệt là vật lí lượng tử ra trước mắt người đọc mà không thật sự hiểu rõ từng kiến thức hàm chứa trong đó, người lãnh đạo tôn giáo này đã cố tình nhập nhằng giữa tôn giáo và khoa học, đồng thời cũng gây ra những các hiểu sai lạc về thế giới tự nhiên, đi ngược lại với các thành tựu khoa học đã đạt được trong suốt thời gian trước đó. Phần thứ hai được Trần Mạnh Tâm đầu tư nhiều công sức hơn. Phần này đi sâu vào các vấn đề chính trị - xã hội. Lặp lại cách thức của phần trước, đến phần này, Trần Mạnh Tâm tiếp tục sử dụng những khái niệm quen thuộc để xây dựng hệ thống của mình: “công bằng”, “đại đồng”, “công xã”,… Tuy nhiên, đây cũng là những khái niệm mơ hồ, cần được giải nghĩa cụ thể, tỉ mỉ. Điểm đáng ngờ là ở chỗ Trần Mạnh Tâm nói rằng đang dùng những khái niệm của Karl Marx nhưng lại có cách lí giải hoàn toàn khác, nếu không muốn nói là xuyên tạc ý tưởng của K. Marx. Rõ ràng một bộ kinh như vậy khiến chúng ta có đủ cơ sở để quẳng nó vào sọt rác.
Thứ hai, nhìn vào toàn bộ tập kinh Thiên Đạo do Trần Mạnh Tâm soạn thảo, chúng ta nhận ra được một mưu đồ chính trị ẩn giấu sau những từ ngữ núp bóng tôn giáo, núp bóng con đường giải thoát cho nhân loại. Xét tổng thể, kinh Thiên Đạo vừa là sự kết hợp hổ lốn của Thiên Chúa giáo, Đạo giáo, Phật giáo, lại vừa là bản xuyên tạc theo khuynh hướng chính trị hóa tôn giáo nhằm vươn lên thành thủ lĩnh của Trần Mạnh Tâm. Mưu đồ chính trị được thể hiện thông qua mấy điểm sau:
1. Âm mưu lật đổ chính quyền của dân, do dân, vì dân, đưa đất nước quay trở về thời kì phong kiến: Theo Trần Mạnh Tâm, Nhà nước Thánh Đức chia làm 4 cấp, đứng đầu là Thiên tử ở Trung ương, có toàn quyền quyết định mọi vấn đề của đời sống kinh tế, xã hội, giáo dục, quốc phòng,… địa phương được chia thành các khu tự trị và Hội đồng Tự trị, các công xã nhân dân Thánh Đức và Hội đồng quản lý. Nếu giáo phái này lấy thuận theo tự nhiên làm đầu thì việc đưa đất nước phát triển ngược như trên rõ ràng là đã làm trái với giáo lí được viết trong kinh Thiên Đạo. Còn nếu xét về lí lẽ, đây chắc chắn không phải là “bản bổ sung cho học thuyết của K. Marx” như lời Trần Mạnh Tâm khẳng định.
Tuy vậy, trong lập luận của Trần Mạnh Tâm lại xuất hiện một mâu thuẫn: Một mặt, Tâm đề xướng chủ trương nghe lệnh “Thiên Tử” tuyệt đối, mặt khác lại kêu gọi thế giới đại đồng, công bằng cho muôn dân để thu hút tín đồ. Vấn đề đặt ra là, nếu đã có một người đứng đầu, được coi như “Vua Cha”, thì liệu dân chủ, đại đồng có tồn tại?
2. Đề cao vai trò của hoạt động tập thể như một hình thức “bao cấp” trong chế độ mới, chủ trương triệt tiêu nền kinh tế thị trường, hoàng hóa tự do và trao đổi tiền tệ: Trên thực tế, hình thức bao cấp đã được thực hiện trong những ngày mới giành độc lập; tuy nhiên, ai cũng biết đây không phải hình thức phù hợp để đưa đất nước đi lên. Trần Mạnh Tâm ưu ái cho phương thức này chẳng khác nào việc tự lên tiếng nhận mình yếu kém, không có khả năng trong lĩnh vực quản lí.
3. Kích động bạo lực, cổ súy cho các hành động bạo lực: “Bạo lực mở đường cho Thánh Đức: Bạo lực tư tưởng, tâm linh và bạo lực xã hội trần gian, thông qua sàng lọc, đấu tranh, xóa bỏ các hình thức đi ngược lại Thánh Đức”. Một giáo phái bao biện cho các hành động bạo lực, nhân danh “Thánh Đức” để tiến hành bạo lực liệu có đáng tin?
Trên đây là một vài điểm đáng chú ý có trong bộ kinh Thiên Đạo. Về cơ bản, một mình bộ kinh này đã quá đủ để chứng minh sự nhảm nhí, vô tổ chức, tả pín lù của Thiên Đạo và Trần Mạnh Tâm. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn nên biết thêm chút thông tin về “Thiên Tử” đứng đầu Thiên Đạo.
Trần Mạnh Tâm (bút danh: Trần Trung Phương) sinh năm 1971, quê ở xã Hải Quang, Hải Hậu, Nam Định. Ông là Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, Biên kịch Điện ảnh Quân đội, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Chi hội Nhà văn Quân đội, Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam. Nhiều người biết đến Trần Mạnh Tâm với tư cách là nhà văn. Tuy nhiên, các tác phẩm được xuất bản của ông (Sóng trên núi, Miền sống,…) cũng không có nhiều đặc sắc về nội dung cũng như cách tân về nghệ thuật.
Độc giả hình như mới chỉ biết đến Trần Trung Phương tác giả của những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, chứ ít người có được cơ hội diện kiến Trần Mạnh Tâm, người từng tự xưng là Trần Nhân Tông đầu thai và là “chiết thân trực tiếp” của Phật Di Lặc. Đã có lúc, Tâm còn nhận mình là là “bóng ngôi hai” của Thượng Đế. Chưa hết, sự ngông cuồng trong phát ngôn vẫn chưa dừng lại khi Trần Mạnh Tâm nói với các đệ tử rằng các chính khách và quan chức cấp cao trong chính quyền như Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang,… đều do một tay Tâm thôi miên điều khiển.
Dựa vào những gì Trần Mạnh Tâm nói về hành động giật dây các chính trị gia trong chính quyền, cùng với những yếu tố chính trị xuất hiện với mật độ dày đặc trong bộ kinh Thiên Đạo, chúng ta có đủ chứng cứ để nghi ngờ Sĩ quan Trần Mạnh Tâm đang mượn tôn giáo để đi làm chính trị lật đổ, và có kế hoạch bài bản, cụ thể trong việc thu hút lực lượng để tạo phe cánh của riêng mình.
Hải Yến