đậu tương đen hữu cơ

Ý kiến độc giả

06:30 03/07/2017

Nhật ký biển Đông: Cơm áo đối đầu với bảo vệ môi trường

(TG&DT) - Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Sáu ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:
Tình hình thế giới:
            
-Yahoo News ngày 4/6/2017: Trong một cuộc phỏng vấn Tổng Thống Putin thực hiện bởi cô Megyn Kelly tại Hội Thảo Kinh Tế Thế Giới tổ chức tại Mạc Tư Khoa, để trả lời câu hỏi về việc Nga can dự vào cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, Ô. Putin đã có một câu trả lời thật đáng chú ý. “Tổng thống Hoa Kỳ đến rồi đi và thậm chí đảng cầm quyền có thay đổi nhưng chiều hướng chính trị chính vẫn không thay đổi. Đó là lý do tại sao, về phương diện hoạch định lớn, chúng tôi không quan tâm tới ai là vị lãnh đạo Hoa Kỳ. Chúng tôi, hoặc biết nhiều hoặc biết ít về những gì đang diễn ra. Và vì thế đối với vấn đề này, cho dù chúng tôi muốn, cũng chẳng có ý nghĩa gì khi chúng tôi can thiệp vào cuộc bầu cử.” (Presidents come and go, and even the parties in power change, but the main political direction does not change. That’s why, in the grand scheme of things, we don’t care who’s the head of the United States,” Putin continued. We know more or less what is going to happen. And so in this regard, even if we wanted to, it wouldn’t make sense for us to interfere,” he added.)

Ô. Putin nói đúng, tinh thần “bài Nga” có từ thời kỳ Ô. Obama kéo dài 8 năm. Nay Ô. Trump đắc cử, lập trường hoàn toàn trái ngược với Đảng Dân Chủ nhưng tinh thần “bài Nga” vẫn hừng hực, thậm chí ngay trong hàng ngũ lãnh đạo quốc hội thuộc Đảng Cộng Hòa. Vậy can thiệp để “bầu Ô. Trump lên” cũng vô ích. Khi con tàu được chỉ định đi về một hướng, dù thay đổi thuyền trưởng, thì cũng vậy thôi. Sách lược của các chiến lược gia Hoa Kỳ bây giờ là: Có thể thỏa hiệp với Tàu nhưng sẽ một sống một còn với Nga vì họ coi Nga là kẻ thù nguy hiểm hơn. Hơn thế nữa, ép Nga dễ hơn ép Tàu. Vì nếu ép Tàu thì nền kinh tế Hoa Kỳ xụp đổ vì hai nền kinh tế gắn bó như vợ chồng.

-Reuters ngày 5/6/2017: “Ả Rập Sê-út, Ai Cập, Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (United Arab Emirates) và Bahrain đã cắt đứt ngoại giao với Qatar, cáo buộc đất nước này hỗ trợ cho khủng bố, khởi đầu cho một sự rạn nứt nghiêm trọng nhất trong số quốc gia mạnh của thế giới Ả Rập. Ba Tư, một quốc gia hiềm khích với Ả Rập Sê-út và là mục tiêu bên trong của chuyển động này lập tức đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã giàn dựng chuyện này nhân chuyến công du của Tổng Thống Donald Trump tới Riyadh. Các quốc gia Vùng Vịnh và Ai Cập từ lâu đã bất bình việc Qatar hỗ trợ cho những nhóm Hồi Giáo quá khích, đặc biệt là tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo (Muslim Brotherhood) mà họ coi đó là đối thủ chính trị nguy hiểm. Với sự tham gia của Yemen và chính quyền Libya (nắm giữ miền đông), tạo nên một sự rạn nứt nghiêm trọng trong các quốc gia Hồi Giáo phần lớn nằm trong tổ chức các quốc gia xuất cảng dầu hỏa (OPEC). Ba quốc gia Vùng Vịnh đã ra lệnh cho du khách và kiều dân Qatar trong hai tuần lễ phải rời khỏi đất nước và trục xuất Qatar ra khỏi liên minh do Ả Rập Sê-út đứng đầu đang chiến đấu tại Yemen. Các hãng máy bay lớn như Etihad Airways và Emirates đã đình chỉ các chuyến bay tới Qatar.”

Ngoại trưởng Ba Tư kêu gọi các quốc gia ngồi lại để giải quyết các bất hòa và điện thoại với các ngoại trưởng Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Dương và  Iraq. Ba Tư cũng đề nghị cho Qatar dùng ba hải cảng để tiếp nhận lương thực nhập cảng mà Qatar cần. Ngoại Trưởng Tillerson cũng kêu gọi các quốc gia Vùng Vịnh giải quyết các khác biệt. Thế nhưng vào ngày 6/6/2017, Ô. Donald Trump lại lên tiếng ủng hộ hành động cô lập Qatar của Ả Rập Sê-út với lý do Qatar tài trợ cho quân khủng bố. Hoa Kỳ hiện có căn cứ quân sự lớn nhất trong khu vực tại Qatar, là nơi đồn trú của B-52 và cũng là bộ chỉ huy trung ương của cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo tại Iraq và Syria. Với hành động này, không biết căn cứ quân sự của Mỹ tại Qatar có bị ảnh hưởng gì không? AP ngày 7/6/2017 có bài bình luận cho rằng, việc đứng về phe Ả Rập Sê-út, Hoa Kỳ lao mình vào cuộc tranh chấp không biết kết quả ra sao và làm suy giảm nỗ lực đối phó với Ba Tư và cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo. Tin mới nhất cho biết tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ lập trường ủng hộ Qatar, phê phán hành động cô lập Qatar đồng thời cho phép triển khai quân đội tại một căn cứ của Thổ tại Qatar khiến tình hình trở nên vô cùng phức tạp trong lúc lập trường của Bộ Trưởng Ngoại Giao Tillerson và Ô. Trump hoàn toàn trái ngược nhau. Có thể bên trong của vấn đề là - Qatar có mối liên hệ với Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga mà không chịu sự khống chế của Ả Rập Sê-út cho nên cần phải bứng cái gai này đi cho rảnh nợ. Thế nhưng trong tình thế vô cùng phức tạp như vậy, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ vừa cho biết họ đã chung kết thỏa thuận bán một số lượng phi cơ chiến đấu F-15 trị giá 12 tỉ đô-la cho Qatar. Không biết thương vụ này có làm phiền lòng Ả Rập Sê-út không?

Tình huynh đệ Hồi Giáo ngày xưa gắn bó như thế nào, ngày nay vỡ vụn ra từng mảnh bởi hai nguyên nhân: Sự khác biệt về tông phái/hệ phái, sự diễn giải kinh điển, người thừa kế Giáo Chủ Mohammad và ngày nay thêm…khuynh hướng chính trị và bè phái chính trị. Khi các quốc gia nối kết bằng tôn giáo, khi tôn giáo phân liệt thì các quốc gia ấy cũng tan vỡ theo. Vậy muốn một đất nước trường tồn, thì tôn giáo phải tách biệt ra khỏi chính trị (State and Church Separation). Mục tiêu của tôn giáo không phải là mục tiêu của đất nước. Mục tiêu của tôn giáo nằm ở trên Trời. Còn mục tiêu của quốc gia nằm ở dưới Đất. Nói tóm lại, đó phải là một nhà nước thế tục, thoát hỏi ảnh hưởng chi phối của tu sĩ, giáo sĩ. Các tu sĩ lãnh đạo đất nước, họ không do dân bầu lên, vô trách nhiệm mà quyền hạn thì vô tận, có khi nói toàn chuyện “trên trời dưới biển”, không tưởng. Rồi tầng lớp chính trị gia hoạt đầu quỳ lạy để xin quyền chức…khiến tạo bất công, thối nát. Bất cứ đất nước nào, khi chính trị bị chi phối bởi các thầy tu sẽ nát như tương và vô phương hàn gắn.

Chính vì thế mà năm xưa, khi Đạo Phật huy hoàng nhất, Đức Phật du hóa khắp Ấn Độ. Nhưng Ngài không bao giờ bàn tới chính trị, gây ảnh hưởng chính trị hay gầy dựng một tổ chức chính trị. Cho nên Đức Phật được tất cả các vua chúa- dù thù nghịch nhau- ngưỡng mộ và vấn hỏi về mặt trị quốc, tâm linh, đạo đức. Nhân loại đã có quá nhiều học thuyết. Nhưng muốn trở nên một vĩ nhân được nhân loại tôn thờ, phải nói về Tình Thương, Cảm Thông, Đoàn Kết, không mưu cầu lợi lộc cho chính mình và phe nhóm của chính mình và lý thuyết ấy phải xây dựng trên nền tảng Trí Tuệ. Hiện nay, dù văn minh tuyệt đỉnh, con người đang sống bằng tham vọng, bằng cảm tính thương-ghét, chứ không phải bằng Trí Tuệ cho nên thế giới, khắp nơi ngày càng trở nên chia rẽ và vô cùng nguy hiểm.

-Newsweek ngày 7/6/2017: “Tổng Thống Putin bác bỏ ý tưởng của Hoa Kỳ nói rằng sẽ chiến thắng Nga trong cuộc chiến tranh nguyên tử, và chỉ ra rằng chẳng có ai sống sót trong một cuộc chiến như vậy. Nói chuyện với đạo diễn điện ảnh Oliver Stone trong chương trình Phỏng Vấn Putin bốn kỳ trên Showtime Ô. Putin đã có cái nhìn tiêu cực về hành động quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh NATO, rằng NATO chỉ là công cụ của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ. Đó không phải là đồng minh mà là chư hầu. Khi nước nào gia nhập NATO thì khó lòng cưỡng lại áp lực của Hoa Kỳ.” (Russian President Vladimir Putin has dismissed the idea that the U.S. would claim victory in a conflict with Russia, noting that “nobody would survive” such a clash. Speaking to U.S. movie director Oliver Stone for The Putin Interviews, a four-part series on Showtime, Putin shared a negative view of U.S. military action and its NATO alliance. "NATO is a mere instrument of U.S. foreign policy,” Putin says in a clip of the interview, aired by the Showtime channel. “It has no allies, it has only vassals. Once a country becomes a NATO member, it is hard to resist the pressures of the United States.)
            
-Newsweek ngày 7/6/2017: “Nga và Hoa Lục đang hoạch định những hoạt động quân sự phối hợp rất quan trọng và to lớn trong tương lai sau cuộc họp trong đó hai bên đã thỏa thuận một lộ trình quân sự cho tới năm 2020.  Hai siêu cường đã hoàn tất một cuộc thao diễn hải quân khổng lồ trên Biển Đông là vùng biển tranh chấp vào Tháng 9, 2016. Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergey Shoigu, sau khi gặp người đồng cấp Trung Quốc đã nói rằng Nga và Trung Quốc với nỗ lực hỗ tương, sẵn sàng bảo vệ thế giới và gia tăng an ninh quốc tế.”
            
Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu Mỹ cứ tiếp tục cấm vận Nga, để sống còn, Nga sẽ liên minh quân sự với Hoa Lục để chống Mỹ. Không biết các chiến lược gia Hoa Kỳ nghĩ thế nào? Nếu một ngày nào đó, tàu chiến Nga và Trung Quốc cùng tuần tra chung ở Biển Đông thì tình hình sẽ trở nên vô cùng rắc rối. Hiện nay nỗ lực hòa dịu với Nga của Ô. Trump đang bị cản trở do quốc hội nghi ngờ Nga có thể can dự vào cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Các thượng nghị sĩ Cộng Hòa “diều hâu” vào ngày 14/6/2017 đã liên minh với Đảng Dân Chủ, ban hành nghị quyết gia tăng cấm vận Nga khiến tình hình trở nên vô cùng căng thẳng. Không biết Ô. Trump có can đảm phủ quyết dự luật này hay không? Khi quốc hội và tổng thống chống đối nhau về sách lược ngoại giao, thì tổng thống gần như bị trói tay và sẽ “cuốn theo chiều gió” hoặc mặc cho số phận chứ không có một sách lược nào cho quốc gia. Quốc hội có quá nhiều quyền hạn để “kiểm soát và cân bằng” (check and balance) với hành pháp, nếu lạm dụng sẽ là thảm họa khi các dân biểu và thượng nghị sĩ trở nên hiếu chiến, mị dân hoặc thiển cận.
Tình hình Syria:
            
AFP ngày 3/6/2017: “Tổng Thống Assad của Syria nói rằng tình trạng bi thảm của sáu năm chiến tranh đã bỏ lại sau lưng sau một loạt những chiến thắng do sự hỗ trợ của Nga -đồng minh chủ chốt của Syria. Trong những tháng gần đây, quân chính phủ và đồng minh đã lấy lại nhiều khu vực trải rộng khắp đất nước, bao gồm cả việc tái chiếm Thành Phố Allepo vào Tháng 12 sau một năm giao tranh. Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình WION có trụ sở tại Ấn Độ, Ô. Assad cho biết giờ đây mọi việc diễn tiến theo chiều hướng đúng, đó là chiều hướng tốt hơn bởi vì chúng tôi đã đánh bại quân khủng bố, trừ phi Tây Phương và những quốc gia khác cùng đồng minh thực ra là những tổ chức bù nhìn, hỗ trợ to lớn cho những kẻ cực đoan…tôi bảo đảm rằng tình trạng tệ hại sẽ qua.”
            
-AP ngày 15/6/2017: “Đại sứ Nga tại Geneve đã nói trước hội nghị rằng khoảng 25,000 dân Thiên Chúa Giáo đã trở lại Thành Phố Aleppo để cho thấy thành phố điêu tàn này lần hồi trở lại bình thường - sáu tháng sau khi phiến quân bị lực lượng chính phủ do Nga hỗ trợ đánh bật ra khỏi đây. Hội Hồng Thập Tự cũng ước lượng có khoảng 80,000 dân đã hồi cư.”
            
-Newsweek ngày 15/6/2017: “Các nhóm nhân quyền nói rằng việc liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo sử dụng đạn lân tinh (white phosphorus ) tại các thành phố Raqqa và Mosul để chống lại Nhà Nước Hồi Giáo làm tổn thương tới thường dân bị kẹt trong các thành phố này.” Chất lân tinh này gây tác hại ghê gớm. Nó sẽ bốc cháy dữ dội khi bám vào người, quần áo, săng nhớt, đạn dược và những thứ khác. (burns fiercely and can ignite cloth, fuel, ammunition, and other combustibles.)

Tình hình Biển Đông:
            
-AP ngày 2/6/2017: “Thủ Tướng Hun Sen cảnh cáo phe đối lập không được thách thức (thưa kiện) kết quả cuộc bầu cử địa phương nếu không đảng của họ sẽ bị giải tán. Đây là lần xuất hiện rất hiếm hoi trước ngày bầu cử là để cổ vũ cho Đảng Nhân Dân Cambodia. Ông Hun Sen nhiều lần nhắc đi nhắc lại là đất nước Căm Bốt sẽ đi vào nội chiến nếu đảng của ông thất cử. Vào ngày 2/6/2017, Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Căm Bốt của Ô. Kem Sokha đã tổ chức cuộc tập họp lớn tại Sokha Hotel trước khi tiến hành cuộc diễn hành trên đường phố Nam Vang.”
            
Ô. Hunsen giống hệt như Thủ Tướng Prayut Chan-o-Cha của Thái Lan và Tổng Thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, cứ làm và không hề sợ ai. Nếu đảng đối lập Căm Bốt thắng cử chắc chắn Ô. Hunsen sẽ thiết quân luật, bắt hết phe đối lập, bỏ tù và rồi cuối cùng cũng êm ru như Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Ai sẽ can thiệp vào chuyện nội bộ của Căm Bốt đây? Hoa Kỳ chăng? Cấm vận, cô lập rồi lật đổ? Nhưng lúc đó Hoa Lục sẽ nhảy vào và mọi chuyện lại chìm xuồng vì dù muốn dù không Ô. Hun Sen cũng đem lại ổn định cho tình hình cho Căm Bốt, không khủng bố, không xung đột sắc tộc và bất ổn với các nước láng giềng. Còn Đảng Cứu Nguy Dân Tộc có khuynh hướng bài Việt. Nếu đảng này thắng cử chắc chắn xứ Chùa Tháp sẽ nát như tương. Do đó, Ô. Hun Sen sẽ tiếp tục làm thủ tướng cho đến khi nào chán thì “nhường ngôi” cho con trai Hun Manet, tốt nghiệp Trường Võ Bị West Point, tiến sỹ kinh tế tại Đại Học Bristol (Anh) hiện là trung tướng chỉ huy lực lượng chống khủng bố của Căm Bốt.

Tranh chấp quyền lực nơi nào, thời nào cũng khốc liệt. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc hơn nửa năm rồi mà không khí thù hận vẫn hừng hực. Hơn ba mươi năm ở Mỹ, tôi chưa bao giờ thấy tình hình nước Mỹ hỗn loạn như vậy, kiện cáo, biểu tình đập phá liên miên, kể cả trong các trường đại học. Thậm chí nắm cái đầu giả rướm máu bị cắt cụt mang hình dạng của Tổng Thống Donald Trump lên đài CNN để làm trò giải trí, xách súng bắn cả những dân biểu có lập trường mà mình không ưa. Còn tại các quốc gia như Iraq, Syria, A Phú Hãn, Yemen, Lybia…các phe phái giết nhau khủng khiếp cũng là để tranh đoạt quyền lãnh đạo đất nước.

Trên trái đất này có ba thứ có thể hủy diệt con người mà chưa cần tới bom nguyên tử đó là: Tranh chấp quyền lực, tài nguyên thiên nhiên và “thánh chiến”. Cứ thử nhìn vào bầy sư tử đói giành nhau miếng ăn như thế nào thì sự tranh giành quyền lực, tài nguyên thiên nhiên và “thánh chiến” cũng khủng khiếp như thế.
            
-Reuters ngày 2/6/2017: “Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte hứa sẽ mua thiết bị quân sự mới toanh chứ không còn mua đồ cũ đã qua tay sử dụng từ Hoa Kỳ nữa. Trong hai tuần qua, khoảng 3000 binh sĩ chính phủ đã chiến đấu chống lại khoảng 400 chiến binh có khuynh hướng theo Nhà Nước Hồi Giáo. Các binh sĩ này đã sử dụng máy bay cũ được tân trang của Hoa Kỳ, thiết vận xa và súng máy.”
            
Vũ khí cũ có hai loại: Loại cũ mèm sắp phế thải, thay vì vứt đi, bán cho “đồng minh” vừa có tí tiền còm, vừa rảnh nợ. Còn vũ khí mới sử dụng vài năm, còn rất tốt, nói là “cũ” để che mắt đối thủ (Trung Quốc) đem bán với giá rẻ như một hình thức viện trợ đồng minh thì nên mua. Ô. Duterte nhiều lần đòi  lính Mỹ rút khỏi Phi Luật Tân thế nhưng tin tức ngày hôm qua cho biết biệt kích Mỹ đã phối hợp với quân đội Phi để trục xuất nhóm phiến quân Hồi Giáo có thiện cảm với Nhà Nước Hồi Giáo ra khỏi Marawi của Đảo Mindanao. 13 binh sĩ thủy quân lục chiến Phi đã chết trong cuộc đụng độ mới nhất. Máy bay trinh sát tối tân P3 Orion của Mỹ đã bao vùng để yểm trợ cho quân đội Phi.
            
-Reuters ngày 4/6/2017: “Trung Quốc bày tỏ thái độ rất bất mãn và gọi đó là nhận xét vô trách nhiệm về Biển Đông của Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis khi ông này phát biểu tại Đối Thoại Shangri-La tại Tân Gia Ba tuần rồi. Hoa Lục đã cáo buộc Ô. Mattis khinh thường quyền lợi của các quốc gia khác và bất kể luật pháp quốc tế. Ô. Mattis đã nói tại Đối Thoại Shangri-La rằng việc Hoa Lục xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Biển Đông đã phá hoại sự ổn định trong vùng.”
            
Đây là lời tuyên bố rất hay của Ô. Mattis. Tại diễn đàn này mà Hoa Kỳ không nói mạnh thì coi như các quốc gia Đông Nam Á sẽ vô cùng thất vọng và địa vị lãnh đạo thế giới của Mỹ lung lay. Ô. Trump vì đã tiếp đãi quá ân cần Ô. Tập Cận Bình cho nên nếu nói ra thì rất kẹt. Kế sách hay nhất là im lặng và để các ông bộ trưởng quốc phòng  và ngoại giao nói. Trong Tam Quốc Chí, để đối phó với Giang Đông, Lưu Bị có khi chỉ ngồi yên để Khổng Minh nói. Đôi khi lãnh đạo phải “giả ngơ giả điếc” để bộ hạ nói và làm. Lãnh đạo mà cái gì cũng nói là “lãnh đạo mà không biết lãnh đạo”.  
            
-ABC News ngày 6/6/2017: “Nhật Bản và Việt Nam đẩy mạnh hợp tác về an ninh qua những dự án do Nhật tài trợ bao gồm việc việc gia tăng khả năng duyên phòng cho Việt Nam, chuyển giao thiết bị và kỹ thuật giữa những lo lắng về những hành động của Hoa Lục tại Biển Đông. Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ Tướng Abe hội đàm tại Tokyo cùng chia xẻ những lo ngại sâu xa về sự phát triển phức tạp của Hoa Lục tại Biển Đông. Họ thúc giục, dù không nêu đích danh Trung Quốc, nên tránh những hành động làm thay đổi nguyên trạng và leo thang căng thẳng trong khu vực.”
            
-Newsweek ngày 9/6/2017: “Cam kết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình, hôm nay Trung Quốc nói rằng họ đang theo dõi hoạt động của Hoa Kỳ tại vùng tranh chấp tại Biển Đông sau khi Reuters cho biết hai máy bay ném bom của Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc thực tập tại đây.”
            
Theo tôi, nếu Hoa Lục không triển khai thường trực các chiến hạm tại Biển Đông có khả năng phát hiện và bắn hạ các máy bay ném bom chiến lược tàng hình như B-1 và B-52 thì các máy bay này có thể “trải thảm” bom và các đảo nhân tạo sẽ chìm xuống lòng biển. Tuy nhiên chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra. Tất cả chỉ là sự hù dọa để kiềm chế nhau mà thôi.

Nhận Định:

Vào ngày 1/6/2017, Tổng Thống Donald Trump loan báo quyết định rút lui khỏi thỏa hiệp biến đổi khí hậu do 195 quốc gia thương thảo và ký kết tại Paris ngày 22/4/2016 khiến gây phản ứng ồn ào ở các nước Âu Châu và hệ thống truyền thông “chống Trump”. Một số nhà bình luận còn cho rằng hành động này nhằm đưa Trung Quốc lên vai trò lãnh đạo thế giới và đất nước Hoa Kỳ sẽ sống trong hoang dã! Riêng Tổng Thống Putin lại không chỉ trích và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy hợp tác với ông Trump về vấn đề này.
           
Theo tôi, Ô. Trump có thể liều lĩnh nhưng các chính trị gia đều rất “thực tế”. Họ hành động khác với người thường. Họ nhìn thấy cơm ăn áo mặc, việc làm của người dân trong nước là tối thượng. Ô. Trump phải giữ lời hứa với cử tri đã giúp ông đắc cử là cho tái khai thác các mỏ than hiện phải đóng cửa và công nhân hiện đang thất nghiệp. Thứ nữa, một tổng thống Hoa Kỳ dù có thành công lẫy lừng trên các lãnh vực ngoại giao, bảo tồn khí hậu, bảo vệ nhân quyền cho thế giới - mà trong nước kinh tế trì trệ, lạm phát gia tăng, công nhân thất nghiệp thì cũng vứt đi. Có ai thành tích lẫy lừng bằng Ô. Bush Cha? Sau khi tiến quân vào Kuwait, bẻ gẫy bộ máy quân sự khổng lồ của Saddam Hussein và  truy kích gần tới Thủ Đô Bagdad. Uy tín của ông trong các cuộc thăm dò lên tới 85%. Các chính trị gia Dân Chủ sợ quá không một ai dám ra ứng cử bèn đẩy Bill Clinton - một tay non choẹt và là thống đốc Tiểu Bang Arkansas nhỏ xíu ra như một “vật thí”. Có ngờ đâu, sau đó kinh tế suy xụp rồi phải tăng thuế khiến dân chán ngán và quên mất thành tích lẫy lừng của ông và muốn thay đổi cho nên đã bầu cho Ô. Bill Clinton. Yếu tố kinh tế tức cơm ăn áo mặc của người dân đã là thảm họa cho Ô. Bush Cha.

Giả sử Ô. Trumg tuân thủ thỏa hiệp biến đổi khí hậu Paris, nghĩa là các mỏ than vẫn đóng cửa, công nhân vẫn thất nghiệp, chắc chắn họ sẽ oán hận ông và cuộc bầu cử tới sẽ cho ông về vườn. Trong lúc vận động tranh cử, Bà Clinton chủ trương đóng cửa các mỏ than ở West Virginia để bảo vệ môi trường. Các công nhân mỏ than đang thất nghiệp đã hỏi bà có kế hoạch gì tạo công ăn việc làm cho người dân Hoa Kỳ không? Bà không trả lời được và đã thua ở tiểu bang này. Trong cuộc bầu cử tổng thống, Hội Ân Xá Quốc Tế, các tổ chức nhân quyền hay mấy chục quốc gia Âu Châu, chẳng có lá phiếu nào để giúp Ô. Trump. Cho nên các chính trị đều rất thực tế. Bản thân tôi cũng rất trân quý thỏa hiệp Paris. Nhưng tôi chỉ là người dân thường. Nếu tôi là Ô. Trumg, có lẽ tôi cũng hành động như ông. Tôi phải lo nồi cơm hũ gạo cho dân Mỹ trước, phải đặt quyền lợi của đất nước lên trên hết, chứ không phải là các thứ “phù phiếm” xa lắc, xa lơ, ở tận đâu đâu, nếu tôi muốn người dân thương và bỏ phiếu cho tôi. Đứng về mặt bảo vệ môi trường chúng ta có thể phê phán Ô. Trump nhưng đứng về mặt thực tế chính trị, Ô. Trump là người khôn ngoan.

Chúng ta nên nhớ, giới bình dân muôn đời vẫn khác với các nhà nghiên cứu, nhà bình luận hoặc các khoa học gia, trí thức…thường nghĩ ngợi xa xôi. Người dân bình thường chỉ cần công ăn việc làm, đời sống ổn định, vui vẻ với vợ con, coi Super Bowl, Baseball, nghe nhạc, có tiền du lịch, săn bắn, câu cá…là họ vui rồi. Nhiều khi họ cũng chẳng thèm theo dõi các vụ cãi cọ nhau ở Quốc Hội. Hai vấn đề lớn của nước Mỹ bây giờ là job (công ăn việc làm) và chống khủng bố (ISIS). Nếu Ô. Trump làm được hai chuyện này sẽ đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Nếu thất bại thì chắc chắn về vườn nghỉ cho khỏe. Còn những vấn đề khác như nhân quyền, khí hậu, NATO…chỉ là những vấn đề “hoa lá cành”, có cũng được, không cũng được. Nhưng nói như thế không có nghĩa Hoa Kỳ “tàn phá môi trường”, nhưng sẽ bảo vệ ở mức độ nào đó mà vẫn phát triển kinh tế. Hiện nay Trung Quốc là nước đang tàn phá môi trường từ trên không, dưới biển tới sông ngòi, nhất là dòng sông Mekong. Thành Phố Bắc Kinh sẽ không bao giờ còn “trời xanh, mây trắng” nữa.

Trên thế giới này, ngoại trừ tham nhũng, hầu hết các chính quyền xụp đổ vì vấn đề kinh tế. Kinh tế trì trệ, dân chúng thất nghiệp thì nói gì cũng chẳng ai nghe. Lúc đó khoe thành tích bảo vệ nhân quyền, bảo vệ khí hậu, bảo vệ người đồng tính luyến ái, hợp tác chặt chẽ với NATO… lại càng vô duyên và sẽ thất cử trong đau khổ như Bà Clinton bây giờ. Đời là thế. Muốn lãnh đạo phải đáp ứng đúng khát vọng của dân. Đừng nói chuyện trên trời dưới biển. Cơm áo và an ninh cho người dân là quan trọng nhất.

Trong cuộc tiếp đón Ô. Nguyễn Xuân Phúc tại Tòa Bạch Ốc ngày 31/5/2017, Ô. Trump đã nói với phóng viên báo chí, “Họ (Việt Nam và General Motor) vừa ký thỏa thuận mua bán trị giá nhiều tỉ đô-la (5 tỉ 8), điều đó có nghĩa là công ăn việc làm cho Hoa Kỳ và thiết bị lớn cho Việt Nam. Tôi rất trân trọng thỏa thuận này.” (They just made a very large order in the United States - and we appreciate that - for many billions of dollars, which means jobs for the United States and great, great equipment for Vietnam," Trump told reporters at the White House.)… và không hề đề cập gì tới vấn đề nhân quyền.

Không phải Ô. Trump không biết gì về Việt Nam. Ngoài báo cáo của tòa đại sứ , CIA theo dõi từng ngày và trước đây còn mướn cả tòa đại sứ Tân Tây Lan- một quốc gia bề ngoài trông rất hiền lành- theo dõi Việt Nam. Nhưng vấn đề công ăn việc làm và an ninh tại Biển Đông đang là ưu tiên hàng đầu…cho nên Ô. Trump mới “welcome” Ô. Nguyễn Xuân Phúc. Tất cả những lãnh tụ như chủ tịch Trung Quốc, thủ tướng Nhật Bản, thủ tướng Anh, thủ tướng Đức, thủ tướng Gia Nã Đại, tổng thống Ai Cập, thủ tướng Do Thái…tới thăm Ô. Trump nhưng không ông bà nào bỏ ra một đồng xu để mua hàng của Mỹ cả. Vậy làm sao có thể gây thiện cảm với các đại công ty và dân chúng Mỹ chứ? Khi các đại công ty Mỹ “gật đầu” thì ông tổng thống nào cũng phải chiều theo mà thôi,  bởi vì “Tiền là Tiên là Phật, là sức bật...” Các ông tổng thống Hoa Kỳ rất khôn ngoan. Vào cuối nhiệm kỳ, trước khi về hưu thường ký những sắc lệnh về nhân quyền, bảo vệ môi trường v.v.. để lấy điểm và lưu lại với đời, sau đó phủi tay, đùn trách nhiệm cho vị kế nhiệm mà lại được tiếng thơm.

Vậy đừng tưởng Hoa Kỳ ngu dại. Hoa Kỳ ngu sao đánh bật tất cả các đế quốc hùng mạnh Âu Châu ra khỏi các thuộc địa Phi Luật Tân và toàn bộ Nam Mỹ để rồi bá chủ thế giới ít ra từ 1945 tới nay? Hoa Kỳ không bao giờ ngu dại, nhưng chính sách của Hoa Kỳ thay đổi theo từng vị tổng thống. Chính sách đó có thể đúng, có thể sai, nhưng Hoa Kỳ không bao giờ làm chuyện gì không có lợi cho Hoa Kỳ đúng như  câu nói của Ô. Trump,  “America First”, “Cơm áo của người dân Hoa Kỳ là trên hết”.

Đào Văn Bình (California ngày 15/6/2017)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp