Mùa xuân, người Việt có phong tục đi lễ chùa, đặc biệt là hành hương đến chùa Hương, Yên Tử... Những địa danh này dày đặc di tích, đồng thời có vai trò quan trọng đối với Phật giáo nước nhà nên được coi là những “miền đất Phật”. Lễ chùa, người ta thường cầu mong đức Phật bao dung phù hộ cho may mắn, an lành. Song, trên những nẻo đường hành hương ngày xuân ấy, lại vô khối cảnh chướng tai, gai mắt.
Nhiều ngôi chùa đã ghi biển cảnh báo: Hạn chế thắp hương hay chỉ thắp hương vòng, nhưng nhiều khách hàng hương dường như không nhìn thấy, hoặc không biết chữ, vẫn thắp cả bó hương nghi ngút. Khói hương "hành hạ" những du khách khác, đồng thời, chính khói hương cũng là "thủ phạm" khiến những bức tượng sơn son thếp vàng nhanh bị xuống cấp. Nhưng buồn hơn, là tình trạng tiền lẻ rải khắp nơi nơi.
Người ta cắm hương, nhét tiền vào cây cối quanh chùa chính. Các tượng linh thú như voi, ngựa, lân... miệng con nào con nấy cũng đầy tiền. Trong tay các vị Phật, vị Thánh ngự chỗ linh thiêng, cũng phấp phới những đồng tiền lẻ. Phật bà vốn có nghìn tay, nghìn mắt để cứu rỗi chúng sinh được các khách hàng hương biến những cánh tay đang giữ thủ ấn thành tay giữ tiền.
|
Đọc kinh bên chùa Quán sứ Hà Nội. Ảnh: Hoàng Sơn. |
Cõi Phật là cõi chay tịnh, nhưng nhiều nơi, nhất là khu vực chùa Hương, trên ban thờ không hiếm cỗ xôi con gà, hay những khoanh giò cỡ bự. Đặc biệt, chùa Hương nổi tiếng thu hút khách hành hương, cũng đồng thời là một "lò sát sinh" thú rừng (cả thú thật lẫn thú rừng giả). Trong những ngày xuân mới, đến chùa Hương, du khách vẫn thấy có những quán hàng treo nguyên cả con thú đang bị xẻ thịt dở dang trên lối vào chùa. Nhiều bàn nhậu đặc sản thú rộn rã tiếng chúc tụng khiến nhiều khách thập phương lắc đầu ngán ngẩm khi cách đó không xa là những ban thờ Phật tôn nghiêm. Sau những chầu nhậu, có người còn mua cả thịt thú rừng gói ghém mang về làm quà của chuyến hành hương! Hẳn kinh doanh những mặt hàng này đem lại rất nhiều lợi nhuận nên các chủ quán bất chấp việc các cơ quan chức năng có thể đến xử phạt.
Các địa điểm hành hương đã và đang rơi vào tình trạng lộn xộn, mà nguyên nhân chính, là bởi... khách hành hương. Nguồn gốc của cúng tiến thật đến đình chùa, vẫn được dân gian gọi là cúng "giọt dầu". Từ xưa dân ta quan niệm "Phật tại tâm", đi lễ chùa, trước hết thể hiện tâm thành của mình với Phật. Truyền thống của Phật giáo, khi tín đồ dâng lên thường dâng 6 thứ: hương, hoa, đăng, trà, quả, thực (thực ở đây là đồ ăn, nhưng là đồ chay) chứ không dâng tiền. Dâng cúng cơ sở thờ tự tiền thật là hành động công đức giúp cơ sở thờ tự, để duy trì hoạt động của cơ sở thờ tự. Đây vốn là hành động nhân văn. Song, do thiếu ý thức, nên nó bị bóp méo.
Đến nơi thờ tự, là đến nơi thờ những bậc đáng kính trọng, là Phật hay những bậc có công đến đất nước. Dân ta có câu "của cho không bằng cách cho". Cố tình "ấn" tiền vào tay tượng Phật, tượng thánh, rải tiền bừa bãi, vô hình chung, ta đã hạ thấp sự thiêng liêng của các bậc tôn kính. Nếu có linh thiêng, liệu các vị ấy có phù hộ ta được an lành, khi ta không tôn trọng các vị?
Lễ chùa đầu năm, là một phong tục có từ lâu đời. Nhưng nó có còn là phong tục đẹp hay trở thành một vấn nạn phá huỷ truyền thống, tuỳ thuộc vào chính hành động mỗi người. Trong văn hoá Phật giáo, sát sinh là điều cấm kỵ. Phật giáo cũng khuyến khích các đệ tử ăn chay, bởi thế, đa phần các nhà tu hành giữ nếp ăn chay trường. Nhiều người trong ngày đi lễ chùa, cũng ăn chay để cho lòng thanh tịnh.
Hành hương về đất Phật, không ai bắt buộc ai phải ăn chay, nhưng dân ta có câu “đi với Phật mặc áo cà sa”. Vãn cảnh chùa những nơi xa, nhu cầu ăn uống đặt ra là tất yếu. Mọi người nên cân nhắc ăn cái gì và ăn thế nào cho phù hợp với không gian tâm linh. Về miền đất Phật, mọi người nên để tâm hướng thiện, nên dành thời gian tìm hiểu thêm về văn hoá Phật giáo thay vì tranh thủ làm một chầu nhậu thú rừng. Nếu mỗi người có ý thức hơn trong đi lễ chùa, hẳn sẽ không còn cảnh những con thú được róc xương treo lủng lẳng khắp nơi, từ bến đò suối Yến cho tới tận cổng chùa Thiên Trù. Thử hỏi, nếu không có sự “ủng hộ” của du khách khi đi lễ Phật, liệu cảnh sát sinh thú rừng có tồn tại ngay trước cửa Thiền?
Lam Sơn