Với chủ đề “ Phật giáo đồng hành với dân tộc”, và các chủ đề khác mà Ban Tổ chức Hội thảo Hoằng pháp lần này nêu ra gồm: Hoằng pháp với phương châm hoạt động giáo hội, hoằng pháp với thanh thiếu niên, hoằng pháp với thời hội nhập, hoằng pháp với môi trường, hoằng pháp với đời sống tâm linh, đạo đức xã hội…Đây là những chủ đề mang tính thời sự, thiết thực cho ngành Hoằng pháp nói riêng, cho tổ chức Giáo hội nói chung trên con đường hoằng dương Phật pháp. Nhưng đối tượng chính trong sự nghiệp hoằng pháp độ sanh của đạo Phật là con người. Bởi con người là chủ thể của xã hội và chỉ có con người mới xây dựng nên xã hội. Vậy sứ mệnh thiêng liêng của Hoằng pháp là chuyển hóa và hướng con người đi đến cuộc sống thánh thiện.
Ngay sau khi thành đạo, đức Phật đã thuyết giảng bài pháp Tứ Diệu Đế đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, khai thị năm anh em Kiều Trần Như, giúp họ chuyển mê khai ngộ, chứng quả A La Hán. Trong lịch sử Phật giáo, đây là bài pháp đầu tiên khởi đầu cho công cuộc hoằng pháp, một sứ mạng trọng đại của đạo Phật, cũng từ đó, tinh thần và nội dung hoằng pháp được phát triển không ngừng trên 2550 năm qua. Điều đặc biệt là dù ở bất kỳ thời đại nào, trong hoàn cảnh nào, thì chân lý Tứ Diệu Đế vẫn không hề thay đổi.
Chúng ta cũng cần nhắc lại, trên bước đường truyền bá chân lý của đạo Phật, dù ở thời đại nào, trong bối cảnh nào, thì tinh thần và nội dung hoằng pháp cũng luôn gắn liền với hai yếu tính căn cơ của Phật giáo. Đó là khế cơ và khế lý. Nếu hoằng pháp trên tinh thần này thì dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ điều kiện sống nào, cốt tủy thâm sâu của Phật Pháp cũng luôn phong phú, cũng luôn được uyển chuyển, diệu dụng, mà vẫn không ra ngoài chân lý, không đi ngược chân lý, không lỗi thời, không lạc hậu. Nhờ khế cơ và khế lý nên tinh thần và nội dung hoằng pháp, dù dưới hình thức nào cũng giữ được Phật chất. Trên nền tảng này việc truyền bá Phật pháp trở nên linh động, cành lá được dàn trải sum sê và gốc rể sẽ thấm sâu trong đời sống mà không hề đánh mất bản chất.
Trên cơ sở đó, chúng ta tạm có khái niệm về tinh thần và nôi dung của công tác hoằng pháp. Vấn đề là trong bối cảnh thực tế, hoạt động chuyên ngành hoằng pháp của chúng ta hiện nay, nó đòi hỏi chúng ta phải làm như thế nào để ngành hoằng pháp đi đúng hướng, đạt hiệu quả, hoàn thành sứ mạng thiêng liêng mà bản thân ngành hoằng pháp đang gánh vác trọng trách.
Xét về góc độ quảng bá sự ảnh hưởng của Phật pháp thì tất cả các ban đều gặp nhau ở một điểm chung, thế nhưng nếu xét về góc độ chuyên môn công tác hoằng truyền chân lý của đức Phật, thì Ban Hoằng pháp là một cơ quan chuyên trách. Do vậy chúng ta không thể lẫn lộn giữa công tác giáo dục, tổ chức lễ hội, từ thiện... là hoằng pháp, mà nó chỉ là sự hổ tương cho hoằng pháp. Từ nhận thức này, chúng ta nên khẳng định tính chuyên môn của Ban Hoằng pháp theo đúng nghĩa của nó là thuyết pháp, là giảng pháp, là đem ánh sáng chân lý đến cho chúng sanh, từ đội ngũ giảng sư, pháp sư có tài, có đức, có tâm huyết, có năng lực và phẩm hạnh, thậm chí nếu có tài hùng biện và có đạo lực thâm thúy… thì sẽ tăng sức truyền cảm hấp lực lôi cuốn trong buổi thuyết giảng, chứ không phải hoằng pháp là việc tổ chức các lễ hội, tăng cường hoạt động từ thiện và thông qua các phương tiện gián tiếp khác. Như vậy điều đầu tiên chúng ta cần phải xác định tính chuyên nghiệp, chuyên môn, chuyên ngành của ban Hoằng Pháp sau đó chúng ta mới bàn đến hoằng pháp như thế nào? Nội dung hoằng pháp? Tinh thần hoằng pháp? Phương tiện hoằng pháp…?.
1. Tính chuyên môn của ngành Hoằng Pháp:
Bất kỳ người học Phật chân chính nào cũng đều nhắm tới sự tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Tinh thần tự giác ở đây là tự thân phải giác ngộ chân lý của đức Phật.. Tự giác chú trọng về sự hành trì nơi bản thân mỗi hành giả. Mà muốn hành đúng pháp thì tất nhiên chúng ta không thể bỏ qua việc học. Học có cơ sở, căn bản, học đúng giáo pháp. Sự học rốt ráo trong Phật giáo là phải thâm nhập kinh tạng, thấu tỏ chân lý. Bản thân người học Phật có tự giác thì mới có thể giác tha.
Giác tha là sứ mạng, là nhiệm vụ phải làm sau khi giác ngộ chân lý, nói gần hơn là sau khi thông hiểu giáo lý đức Phật một cách căn bản, từ đó có thể đem ánh sáng chân lý truyền đạt lại cho những người hữu duyên cùng thông hiểu như mình, để cùng nhau đặt những bước đi vững chắc trên con đường Phật đạo. Như vậy giác tha mang ý nghĩa hóa độ chúng sanh mà cụ thể ở đây là hoằng truyền chánh pháp.
Hoằng pháp là một trọng trách, một sứ mạng thiêng liêng cao cả, do vậy đối với bản thân người đảm nhận trọng trách này và tổ chức được Giáo hội giao phó nhiệm vụ này phải có nhận thức và định hướng chuẩn thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu Phật sự, mới không lẫn lộn giữa chuyên môn hoằng pháp (thuyết giảng Phật Pháp) và tính truyền bá tinh thần Phật pháp trong lễ hội Phật giáo cũng như trong các hoạt động văn hóa xã hội… Chẳng hạn, trong các lễ hội Phật giáo như đại lễ Phật đản – lễ hội Vu Lan, lễ Phật thành đạo, hay trong một số hoạt động khác của Phật giáo như mở thiền thất, lập đạo tràng, tổ chức an cư kiết hạ v.v... thì trọng tâm của tất cả lễ hội cũng như các hoạt động này đều bắt nguồn từ một bài thuyết pháp, đều tập trung từ một thời pháp thoại; qua đó, những lễ nghi, những sắc màu, những hình thức tranh tượng, xe hoa, lồng đèn, biểu ngữ, áp phích… cũng chỉ để tạo ảnh hưởng, tạo sự hấp dẫn thu hút quần chúng Phật tử hướng về nội dung chính của buổi lễ (là để nghe thuyết giảng). Như vậy rõ ràng, dầu làm gì, dầu với hình thức nào, cũng không thể thiếu được thời thuyết pháp, qua đó, việc hoằng pháp vẫn luôn khẳng định vị trí chuyên môn đặc thù và độc lập của mình, luôn khẳng định vị trí quan trọng của mình.
Thực chất thì hoằng pháp là công việc thuyết giảng Phật pháp bởi đội ngũ thiện trí thức có nền tảng giáo lý vững vàng, thông hiểu giáo lý, thâm nhập kinh tạng, có tâm huyết và năng lực đặc biệt trong lĩnh vực này.
2. Hoằng Pháp như thế nào?
Đức Phật ra đời phương tiện mở bày tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, ứng với tám vạn bốn ngàn căn bệnh chấp trước và trần lao phiền não của chúng sanh. Do vậy người đảm nhận trọng trách hoằng pháp trước hết phải là một hành giả có trí tuệ, có phẩm hạnh, có năng lực để tùy căn cơ và trình độ chúng sanh mà thuyết giảng. Nếu chưa được như vậy thì ít ra cũng phải thông hiểu giáo lý, kinh luận một cách căn bản có cơ sở và nền tảng chân lý để không vấp phải những sai lầm không đáng có bởi sự thông minh theo tư kiến cá nhân và có thể tránh đi sự lầm lẫn, ngộ nhận giữa các pháp môn, các luận chứng và giảng giải theo hiểu biết hạn hẹp, khập khiểng của mình. Chân lý mà đức Phật Thích Ca giác ngộ có giá trị vĩnh cửu với thời gian, là bất biến trên dòng đời vạn biến, cho nên hoằng pháp chân lý của đức Phật, rất cần gắn liền với hai yếu tố căn bản trong Phật pháp đó là khế cơ và khế lý. Một thời pháp bao giờ cũng phải thỏa mãn ba yêu cầu: khế cơ, khế lý, khế thời.
Để tránh đi hiện tượng bất nhất trong cùng một bài giảng từ nhiều vị giảng sư, để tránh đi tình trạng giảng tùy hứng, giảng theo cảm tính, thiết nghĩ Giáo hội cần phải có một đội ngũ giảng sư được đào tạo chính quy, từ kiến thức cho đến tính tổ chức kỷ luật, từ phong cách đến nghệ thuật truyền cảm, nhằm hạn chế tối đa sự mâu thuẫn không đáng xảy ra khi xiển dương truyền bá các pháp môn… Hơn nữa, việc thống nhất nội dung các bài giáo lý trong trường học, trên giáo án, giáo trình thì rất dễ thực hiện, thế nhưng để thống nhất nội dung một bài giảng về một đề tài bởi nhiều vị giảng sư từ nhiều pháp hội khác nhau, quả là một vấn đề nan giải. Qua đó chúng ta mới thấy được tầm quan trọng của việc hoằng pháp không đơn giản chỉ dựa vào trình độ Phật học theo cách dạy và học (thiên về thế pháp), cũng không nhất thiết phải tùy thuộc quá nhiều vào hàm vị, học vị như theo cách hiểu của một bộ phận Phật tử lẫn giới giáo thọ, giảng sư tự phát như hiện nay.
Tóm lại, người thuyết giảng Phật pháp khi chuyển tải nội dung bắt buộc phải không ra ngoài quỹ đạo của chân lý, phải tôn trọng quần chúng Phật tử và quan trọng hơn bản thân giảng sư phải là người thực tu, thực có Phật chất trong đời sống Tăng sĩ mới có thể cơ bản hoàn thành trọng trách mà mình đảm nhận.
2. Tính nghệ thuật trong Hoằng Pháp:
Phương cách hoằng pháp được xem là một nghệ thuật diễn cảm xuất phát từ từ tâm, bi tâm của vị giảng sư, nếu không hàm chứa đủ nội lực thì một thời pháp sẽ trở nên tẻ nhạt, khô khan, hiệu quả hoằng pháp sẽ rất giới hạn. Một thời pháp không có hồn sẽ không tạo được ấn tượng trong lòng thính giả, sẽ không đáp ứng được yêu cầu cần thiết của ngành hoằng pháp và nhu cầu học Phật của quần chúng. Chính vì vậy mà học vị hay hàm vị chỉ có giá trị giới hạn ở một mặt nào đó trong các hoạt động Phật giáo, chứ không hẳn có thể dễ dàng đảm trách Phật sự hoằng pháp trọng đại này.
3. Hoằng Pháp trong thời kỳ Hội nhập & Phát triển.
Phật giáo luôn lấy quan điểm thực tế đối với cuộc đời và thế giới. Suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo không lôi kéo mọi người đến sống trong một thiên đường hoang tưởng, cũng không đe dọa nhân loại bằng những loại hình sợ hãi giả tưởng bởi mặc cảm tội lỗi. Phật giáo chỉ khuyến cáo chúng ta nên chính xác và khách quan để nhận chân những gì đang hiện hữu và những gì đang diễn ra xung quanh thế giới, từ đó chỉ cho chúng ta con đường đi tới sự tự do hoàn hảo, hòa bình, hạnh phúc và an lạc. Trên quan điểm này chúng ta có thể nhìn nhận nhiệm vụ hoằng pháp của chúng ta trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Như chúng ta đã biết Phật giáo là nền giáo dục đa văn hóa, mục đích cuối cùng quy hướng về văn hóa tâm linh. Chính vì vậy mà giáo pháp của đức Phật ảnh hưởng sâu rộng không ngăn ngại bởi thời gian và không gian. Tuy nhiên để đưa được ánh sáng của Phật pháp đến với mọi tầng lớp, trong mọi ngỏ ngách cuộc đời, thì rất cần đến sự hiện diện kịp thời của những vị Tăng mô phạm và có phẩm hạnh, bởi những vị Tăng tiêu biểu đó là biểu hiện sống động của ánh sáng giác ngộ và tinh thần giải thoát. Một vị Tăng được giải thoát thì mọi ý nghĩ, hành động, lời nói của họ cũng hàm chứa đạo vị giải thoát. Như vậy họ mới xứng đáng làm chỗ dựa tâm linh cho quần chúng, Phật tử, mới xứng đáng làm bậc giảng sư mang sứ mạng hoằng truyền chánh pháp Như Lai, giúp mọi người vững bước và đi đúng hướng trên con đường giác ngộ và giải thoát. Đó là phẩm chất không thể thiếu của một vị Tăng sĩ Phật giáo trong mọi thời đại, nhất là trong thời kỳ hội nhập và phát triển như hiện nay.
Nói đến hội nhập và phát triển tức là nói đến sự ảnh hưởng không thể ngăn cản từ các nền văn hóa, nhưng thực tế đã bắt buộc chúng ta phải phát triển trong bối cảnh đó. Hội nhập sẽ có những thuận lợi về phương tiện từ nền văn minh thời đại như tốc độ thông tin, phương tiện thông tin, công nghệ quảng bá, phương thức làm việc… nhưng bên cạnh đó sẽ gặp không ít khó khăn bất lợi từ sự lạm phát thông tin thiếu tính trung thực, hoặc trong luận chứng biện giải thiếu cơ sở Phật pháp, thiếu nghiên cứu công phu và hành trì nghiêm túc. Du nhập các nền văn hóa mà thiếu chắt lọc để có thể hòa nhập, cùng cộng sinh cộng hưởng với nền văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo sở tại thì quả là vô cùng nguy hiểm. Trên cơ sở này chúng ta có thể rút ra một bài học, chúng ta có thể sử dụng mọi phương tiện của nền văn minh thời đại vào mục đích hoằng pháp như là sử dụng một cái bát để ăn cơm, cái khăn để lau mặt trong nếp sinh hoạt hằng ngày từ bao đời nay, chứ đừng chạy theo sự hào nhoáng và hướng ngoại, đừng vì cái gọi là ảnh hưởng văn minh và quá hướng ngoại mà đánh mất đi định hướng ban đầu của ngành hoằng pháp.
Thật ra chân lý mà đức Phật giác ngộ luôn đứng vững trong mọi thời đại mà không hề bị ảnh hưởng bởi tiến trình của thời gian và sự tăng trưởng trí thức. Chân lý Phật pháp vẫn không hề thay đổi trong mọi hoàn cảnh, như vậy dùng kiến thức khoa học tăng tiến từ trí óc thông minh của con người như thế nào đi nữa thì giáo pháp của đức Phật vẫn vượt xa những khám phá của nhân loại. Chân lý của đức Phật cũng không căn cứ vào sự dẫn dụ trên quan niệm hẹp hòi của tâm thức, của tri giác con người hay tư tưởng phủ định của nó. Trên đà hội nhập và phát triển, với một hành giả thực thụ, với một giảng sư có năng lực và phẩm hạnh thì không cần phải nương tựa vào bất cứ nhận định chủ quan hay khách quan nào.
Để tóm tắt về vấn đề hoằng pháp trong thời kỳ hội nhập và phát triển chúng tôi xin mượn lời của giáo sư Lakhami Narasu: “Vinh dự của Phật giáo đồ trên thế giới là Phật giáo đã tạo ra ánh sáng giác ngộ, một điều kiện tất yếu của sự giải thoát. Trong Phật giáo, đạo đức và tinh thần giác ngộ luôn luôn đi đôi không bao giờ thiếu một. Trong khi đạo đức tạo căn bản cho đời sống cao cả, thì kiến thức và trí tuệ bổ khuyết để hoàn chỉnh. Trong đời sống, nếu không hiểu biết tường tận về luật nhân quả và luật biến đổi thì không ai có thể nói là hoàn toàn đạo đức… và trên phương diện này, Phật giáo khác hẳn các tôn giáo khác. Tất cả các tôn giáo thuộc thuyết một thần khởi đầu với một vài thừa nhận, và khi các thừa nhận này tương phản với sự phát triển kiến thức, ắt sẽ khiến sự hối tiếc phiền muộn càng tăng trưởng. Nhưng Phật giáo không khởi đầu với sự giả định, Phật giáo dựa trên các dữ kiện vững như bàn thạch, cho nên không bao giờ xa rời ánh sáng của kiến thức”.
Tham luận tại Đại hội Hoằng Pháp 2011 tại Bình Dương
T.T. Thích Huệ Thông Phó ban hoằng pháp TW. GHPGVN
Trưởng Ban Hoằng Pháp Bình Dương