Định nghĩa "vô thường". Dẫn chứng ngay bản thân mình.
- Vô thường nghĩa là không thường, không có sự vật nào mãi mãi ở yên trong một trang thái nhất định mà luôn luôn thay hình đổi dạng, đi từ trạng thái hình thành đến biến dị rồi tan rã. Các giai đoạn thay đổi đó gọi là: Thành, trụ, hoại, không hay sanh, trụ, dị, diệt. Tất cả các sự vật trong vũ trụ từ nhỏ như hạt cát, đến lớn như trăng sao, đều phải tuân theo bốn giai đoạn ấy cả, nên gọi là Vô thường. - Khoa học đã chứng minh rằng, trong thân thể ta, các tế bào thay đổi luôn, và trong mỗi thời kỳ 7 năm, là các tế bào cũ hoàn toàn đổi mới. Sự thay đổi ấy làm cho thân người chóng lớn, chóng già và chóng chết. Thân năm trước không phải là thân năm nay, thân ban mai không phải là thân buổi chiều, mỗi phút giây trong thân ta đều có sanh và có chết.
Thế nào là "Tâm vô thường"?
- Những suy nghĩ lăng xăng lộn xộn mà ta cho là tâm mình thực ra đó chỉ là tâm hư vọng, không phải là tâm chân thật. - Vì là hư vọng nên nó cũng bị luật vô thường chi phối, sanh diệt trong từng sát na. Tâm niệm của chúng ta thay đổi trong từng phút giây, theo với ngoại cảnh. Chúng ta buồn đó rồi vui đó, thương đó rồi giận đó. Phút trước ta nhớ chuyện này phút sau đã quay sang chuyện khác. Hôm qua tinh tiến tu hành, hôm nay đã ưu phiền thối chuyễn. Cho nên trong kinh nói "tâm viên, ý mã":
Hoàn cảnh chung quanh ta có vô thường không?
Hãy dẫn chứng. - Luật vô thường chi phối tất cả. Chẳng những thân, tâm là vô thường mà hoàn cảnh chung quanh ta như ruộng vườn, nhà cửa, lâu đài thành quách cho đến sơn hà đại địa cũng vô thường. - Chúng ta thường nghe câu: "Thương hải biến vi tang điền" (Bãi bể biến thành ruộng dâu). Đọc trong sử sách chúng thấy biết bao cảnh "vật đổi, sao dời" hay những câu thơ như "Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền củ lâu đài bóng tịch dương" đã đủ nói lên sự vô thường của hoàn cảnh.
Vô thường có phải là chân lý tuyệt đối không?
- Đứng về mặt hiện tượng vật chất thì hoàn toàn chính xác. Không có sự vật nào thoát khỏi sự chi phối của luật vô thường, vì thế trong kinh nói "vô thường thị thường". - Đứng về mặt bản thể, thì "Vô thường" của đạo Phật chỉ là một phương pháp chỉ rõ mặt trái của đời, để bài trừ những sư mê lầm, ngăn chặn người chạy theo vật dục, nó chưa phải là thuyết tuyệt đối. Đức Phật cũng như vị lương y tùy theo chứng bịnh mà cho thuốc. Với bịnh "chấp thường còn không mất" thì dùng phương thuốc "vô thường" để đối trị, khi lành bịnh thì Phật lại cho thứ thuốc bổ khác quí báu hơn, là "thuyết chơn thường bất biến". Trong kinh Lăng nghiêm đức Phật đã dùng tiếng chuông để chỉ bày cho ngài A Nan phân biệt cái "biến đổi tiêu diệt" với cái "thường còn không thay đổi" đó là Tánh Giác của chúng sanh.
Theo Phật học phổ thông