đậu tương đen hữu cơ

Kinh - Luật - Luận

08:12 17/05/2011

Khái quát về các phương diện liên quan đến thân trung ấm?

Quan điểm kinh Niết Bàn (Bắc tông) có thể dung hoà, giải quyết thoả đáng vấn đề này khi nói: “Không nhất định có cũng không nhất định không có thân trung ấm. Đối với những nghiệp cực ác hay cực thiện thì lập tức đoạ địa ngục hoặc sanh thiên, không có thân trung ấm. Còn đối với các loại nghiệp khác thì có thân trung ấm”

HỎI:


Xin cho biết khái quát về các phương diện liên quan đến thân trung ấm?


ĐÁP:


Thân trung ấm còn được gọi là thân trung hữu, hương ấm. Thân trung ấm là “ấm hình sở thụ giữa chừng lúc cái này chết, cái kia sanh. Con người sau khi chết mà chưa sanh lại thì đang ở ấm cảnh” (Từ điển Phật học Hán Việt, NXB KHXH, tr.1388). Thân trung ấm là loại thân trung gian, sau thân tiền ấm (thân trước khi chết) và trước thân hậu ấm (thân sau khi đầu thai). Sở dĩ gọi là thân trung hữu vì quả báo sanh tử là có chứ chẳng phải không, nên gọi là Hữu. Có thân quả báo trong khoảng giữa đời hiện tại và vị lai nên gọi là Trung hữu. Do thân trung ấm (cõi Dục) thọ dụng và nuôi dưỡng thân bằng mùi (hương), nghĩa là chỉ ăn mùi vị của thức ăn nên còn gọi là Hương ấm.

Về hình dáng, tuỳ theo khuynh hướng tái sanh vào loài nào trong tam giới mà thân trung ấm có hình dáng tương tự với thân của loài chúng sanh đó. Riêng những chúng tái sinh vào cõi Vô sắc giới thì không có thân trung ấm (Kinh Niết Bàn, quyển 34). Theo luận Câu xá (Bồ tát Thế Thân),nếu do nghiệp được tái sanh vào cõi người thì thân trung ấm có hình dáng của trẻ con khoảng năm đến sáu tuổi, các giác quan đầy đủ, được cấu thành bằng chất liệu vi tế (sắc công năng) nên giác quan của thân trung ấm nhạy bén hơn chúng ta rất nhiều.


Do nghiệp thông nên khả năng thấy, nghe, di chuyển… của thân trung ấm gần như vô ngại. Thân trung ấm có thể thấy và nghe rất xa, thấu suốt vũ trụ, không có gì trở ngại. Thân trung ấm di chuyển mau lẹ, đi và đến trong nháy mắt, xuyên qua tất cả các vật cản trừ ra toà Kim cang của chư Phật và một khi đã vào bào thai thì không thể chui ra được. Khi di chuyển, bay lượn, thân trung ấm của loài chư Thiên đầu hướng lên; loài người, súc sanh và ngạ quỷ nằm ngang; loại địa ngục đầu chúc ngược xuống đất.


Về màu sắc, thân trung ấm của loài Địa ngục hình dáng xấu xí, màu sắc đen như than; loài Súc sanh màu sắc xám như khói; loại Ngạ quỷ màu sắc nhạt như nước; loài người và trời màu sắc như vàng ròng; thân trung ấm của chư thiên Sắc giới màu sắc rất đẹp, sáng tỏ. Ngoài ra, thân trung ấm của kẻ tạo nhiều ác nghiệp có ánh sáng màu đen hay xám, còn nếu tạo nhiều thiện nghiệp có ánh sáng màu trắng như điện.


Tâm lý chung của thân trung ấm đa phần là buồn, bức xúc, bất ổn và thống khổ. Trước hết là cảm thương thân phận đã chết, thương nhớ vợ con, luyến tiếc tài sản. Buồn khổ bởi vì thân trung ấm thấy nghe và mong muốn giao tiếp với những người thân như bình thường nhưng chúng ta không hề biết gì về thân trung ấm cả nên họ cảm thấy bất lực, mặc cảm và bức xúc.


Cùng với sự chiêu cảm của nghiệp lực quá khứ, những luồng gió nghiệp lực thổi nát thân trung ấm, trong không gian vô số ánh sáng và hào quang hỗn sắc lập loè, những âm thanh gầm rú điên loạn và sự đe doạ của những loài ác quỷ, tất cả ngoại duyên rùng rợn ấy làm cho thân trung ấm vô cùng lo sợ, hoảng hốt và cực kỳ thống khổ.


Tuổi thọ của thân trung ấm tối đa là bảy ngày (theo quan điểm của luận sư Thế Hữu), sau một tuần thất nếu không tìm được chỗ đầu thai thì chết và tuỳ theo nghiệp thọ thân trung ấm kế tiếp nhưng trong vòng bốn mươi chín ngày (bảy thất) thì thân trung ấm phải tìm được chỗ thọ sanh. Quan điểm của luận sư Thiết Ma Đạt Đa, thân trung ấm có tuổi thọ bốn mươi chín ngày. Theo luận sư Pháp Cứu thì thân trung ấm tồn tại không hạn chế thời gian nếu nhân duyên chưa đủ để đầu thai, ví dụ như nhân duyên để cho một vị Chuyển luân vương tái sanh không phải là dễ. Ngoài ra, luận Tỳ bà sa khẳng định thời gian tồn tại của thân trung ấm là rất ngắn (Minh Chi, Phật học cơ bản, tập I,Thuyết tái sinh, tr.251).


Vấn đề thân trung ấm, hiện tồn tại nhiều quan điểm khác nhau trong các bộ phái Phật giáo.Trước hết các bộ phái sau đây không chấp nhận có thân trung ấm như: Thượng toạ bộ, Hoá địa bộ, Phân biệt thuyết bộ thể hiện trong Thành thật luận (Harivarman), Thanh tịnh đạo luận (Buddhaghosa). Còn các bộ phái chấp nhận sự hiện hữu của thân trung ấm như: Đông sơn bộ, Chánh lượng bộ và đặc biệt là Hữu bộ với Câu xá luận (Vasubandhu). (Dương Bá Y, Phật giáo căn bản vấn đề nghiên cứu, quyển II, phần Sanh hữu chi nghiên cứu, tr.375, bản chữ Hán).


Phật giáo Nam truyền ngày nay không chấp nhận có thân trung ấm, người chết xong thì tái sanh ngay như ngọn đèn khác thì cháy ngay (Thanh tịnh đạo luận). Phật giáo Bắc tông, hầu hết các tông phải chủ trương có thân trung ấm. Riêng phật giáo Tây Tạng nghiên cứu rất chi tiết về thân trung ấm và những phương thức để khai thị, chuyển hoá thần thức (Sogyal Rinpoche, Tạng thư Sống Chết).


Quan điểm kinh Niết Bàn (Bắc tông) có thể dung hoà, giải quyết thoả đáng vấn đề này khi nói: “Không nhất định có cũng không nhất định không có thân trung ấm. Đối với những nghiệp cực ác hay cực thiện thì lập tức đoạ địa ngục hoặc sanh thiên, không có thân trung ấm. Còn đối với các loại nghiệp khác thì có thân trung ấm”. Như vậy, ngoại trừ những người tạo nghiệp cực thiện hoặc cực ác, còn lại hầu hết chúng ta sau khi chết đều thọ thân trung ấm trước khi tái sanh.


Theo Tổ tư vấn/giacngo.vn

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp