Nói về sự tích và ý nghĩa của biểu tượng Khau cút có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng đó là cặp sừng trâu cách điệu, biểu tượng của một nền văn minh lúa nước. Có ý kiến cho rằng với trang trí hoạ tiết hoa sen, Khau Cút có ít nhiều liên quan tới đạo Phật. Lại có ý kiến cho rằng, với hoạ tiết hình trăng, Khau cút gắn với cuộc thiên di tìm miền đất hứa của người Thái ở thế kỷ XI, anh em luôn nhớ về nhau.
Chuyện rằng ngày ấy đã lâu lắm rồi, lâu đến mức ngay cả những người già nhất bản, già nhất mường và thậm chí những bậc cao niên nhất của dân tộc Thái, cũng không còn biết đó là khi nào. Nghe nói, sau những cuộc binh đao triền miên, một bộ phận người Thái đã buộc phải ra đi tìm đất sống. Chuyện này, theo các nhà nghiên cứu, xảy ra những hơn 1.000 năm trước, kể từ khi hai anh em trai Tạo Xuông và Tạo Ngần dẫn quân xuôi dòng Nậm Tao (thế kỷ XI). Trước khi ngậm ngùi rời quê hương xứ sở để thiên di về phương Nam, lời hẹn buổi loạn ly của tổ tiên người Thái là: Dù ở bất cứ phương trời nào, khi làm nhà hãy nhớ gắn trên mỗi đầu nóc chái nhà một cái dấu tương tự như hình mặt trăng khuyết, để sau này các thế hệ hậu duệ có thể qua đó mà nhận ra dòng giống của mình. Và rồi, hơn 2.000 năm qua kể từ thế kỷ thứ III - II trước Công nguyên, cái dấu mang hình mặt trăng khuyết trong truyền thuyết đã như một lời nguyền truyền kiếp, trở thành cái khau cút quen thuộc gắn với đời sống văn hoá, đời sống tâm linh của tộc người Thái Tây Bắc hiện nay.
Giờ đây, mỗi khi gặp một bản bất kỳ của đồng bào Thái, hình ảnh đầu tiên mà thị giác chúng ta thu được, chính là cái khau cút trên nóc mỗi ngôi nhà sàn truyền thống. Như mọi người đều biết: Cũng là dân tộc Thái, nhưng chỉ ngành Thái đen mới có khau cút, chứ ngành Thái trắng không có khau cút. Mặc dù cả hai ngành Thái đều di cư vào nước ta (ngành Thái trắng do thủ lĩnh Nhọt Chăm Cằm dẫn đầu), tuy từ hai điểm xuất phát khác nhau. Ngoài truyền thuyết về cái khau cút, người Thái còn có truyền thuyết về ngôi nhà sàn (đúng hơn là về cái chái nhà sàn). Song cũng giống như cái khau cút, chỉ ngành Thái đen mới có truyền thuyết về ngôi nhà sàn, chứ ngành Thái trắng thì không. Truyền thuyết của người Thái đen kể rằng thuở khai thiên lập địa, tổ tiên của họ được thần rùa (tiếng Thái là Pua tấu), dạy cho cách làm nhà theo dáng dấp con rùa đứng. Con người trông vào đấy mà tưởng tượng, chân rùa là những cột nhà, mai rùa là mái nhà. Do vậy chái nhà người Thái đen khum khum hình cái mai rùa, trong khi chái nhà người Thái trắng lại theo mặt phẳng nghiêng, có góc hẳn hoi.
“Khau cút” là một biểu tượng trang trí trên nóc nhà sàn, dùng để chắn gió cho mái tranh hai đầu hồi của nhà người Thái Đen Tây Bắc. Khau cút gồm hai thanh gỗ bắt chéo nhau hình chữ X, đóng trên hai đầu đòn nóc - tiếng Thái là “tiêu bôn”. Trên “Khau cút”, thiên nhiên từ thực tế cuộc sống bước vào đời sống nghệ thuật của người Thái một cách sống động với búp cây guột, hoa sen, hình trăng khuyết ... “Khau cút” không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà, mà còn ẩn chứa những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.
Không chỉ xuất hiện trên nóc hoặc ở đầu hồi ngôi nhà, mà khau cút còn có mặt ở một số bộ phận khác trong nhà sàn Thái (khau hươn chẳng hạn), đặc biệt trên bề mặt sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh, là chiếc khăn piêu tạo nên một vẻ duyên dáng và gần gũi. Bên cạnh các hình trang trí bằng những cặp “tín xáo”, kiểu vắt chỉ thành từng nhóm 2, 3, hoặc 4 đường song song; hoặc hình con cua, con nhện, hình ngôi sao cách điệu; bốn góc khăn được kết thành “tai piêu” và nổi bật là những nhóm 2, nhóm 3, nhóm 4 hay nhóm 5 cút piêu. Từ đó, có thể kết luận rằng cái khau cút đã trở thành một mô típ hoa văn nghệ thuật tiêu biểu và độc đáo, của tộc người Thái Tây Bắc.