đậu tương đen hữu cơ

Nghiên cứu

20:58 16/08/2011

Sự bình đẳng trong đạo Phật (TS.Huệ Dân)

(TG&DT) - Trong giáo hội Phật xưa cũng như nay, các vị xuất gia nhà Phật, dù họ là Tăng hay Ni, cả hai đều có khả năng đạt được quả vị Phật như nhau, không có gì khác biệt, bởi vì họ đã biết mình phải làm gì và không nên làm gì, để cho cuộc sống của nhân loại ngày càng phát triển và hạnh phúc hơn, như Đức Phật Thích Ca đã làm.
Bình đẳng trong việc học và thực hành những lời của Đức Phật Thích Ca dạy là một khái niệm tốt đẹp và tiến bộ cho nền Phật học ngày nay. Một trong những lời bình dị đơn giản của Đức Phật Thích Ca đã nói, nhưng ít ai để ý đến  đó là : " Một người trở nên cao quý hay thấp kém là do ba nghiệp của họ, chứ không phải do nơi chốn mà họ sinh vào". Đây có phải là một câu trả lời cho vấn đề giai cấp thăng tiến giai cấp trong một xã hội quá khắt khe qua vấn, mà Đức Phật Thích Ca đã thấy không?.


Là người học hay đang tu Phật nên dành thời gian cùng nhau thảo luận để thống nhất cách hiểu về khái niệm này, nhưng hãy cẩn thận đừng để nó trở thành một nguyên nhân gây bất hòa trong nền Phật học.


Xã hội thời của Đức Phật Thích Ca sinh ra dường như người ta sống dưới sự thống trị của giai cấp giàu có và đầy quyền lực. Cuộc sống của con người luôn phải chịu đựng sự áp bức bất công, đau khổ, nghèo đói, ly tán. Nữ giới không bao giờ được sắp ngang hàng với nam giới trong xã hội. Quan niệm hẹp hòi này không phải chỉ có ở người dân thường mà nó còn tồn tại trong hàng vua quan.


Đức Phật Thích Ca đã tìm hiểu rõ vấn đề này và đưa những tư tưởng bình đẳng, tôn trọng nhân bản con người. Ngài đã làm một cuộc cách mạng quan trọng để giải thoát con người ra khỏi mọi sự khổ ách trong xã hội và trong tôn giáo của trần gian. Ngài đã đưa vị trí của nữ giới ra khỏi những tư tưởng áp bức cố hữu và đã nâng cao địa vị của họ trong xã hội, để họ có thể hưởng được quyền lợi của mình như mọi người.


Đức Phật Thích Ca đã đề cao phẩm hạnh của người thiếu nữ trong xã hội. Theo Tương Ưng Bộ - Samyutta Nikaya, do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt. Tập I - Thiên Có Kệ, Chương III, Tương Ưng Kosala, I. Phẩm Thứ Nhất. VI. Người Con Gái (S.i,86)


1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

3) Rồi một người đi đến vua Pasenadi nước Kosala và báo tin kề bên tai vua Pasenadi nước Kosala: "Thưa Ðại vương, hoàng hậu Mallikà đã sinh hạ được một người con gái".

4) Khi được nói vậy, vua Pasenadi nước Kosala không được hoan hỷ.

5) Rồi Thế Tôn, sau khi biết vua Pasenadi nước Kosala không được hoan hỷ, ngay lúc ấy nói lên bài kệ :


Này Nhân chủ, ở đời,

Có một số thiếu nữ,

Có thể tốt đẹp hơn,

So sánh với con trai,

Có trí tuệ, giới đức,

Khiến nhạc mẫu thán phục.

Rồi sinh được con trai,

Là anh hùng, quốc chủ,

Người con trai như vậy,

Của người vợ hiền đức,

Thật xứng là Ðạo sư,

Giáo giới cho toàn quốc.


Ngoài việc đề cao phẩm hạnh của người thiếu nữ. Đức Phật Thích Ca cònchỉ cho thấy sự kỉnh mộ tôn sùng người mẹ của mình, trong Kinh Tâm Địa Quán có ghi như sau :


Mẹ hiền còn sống là mặt trời giữa trưa chói sáng

Mẹ hiền khuất bóng là mặt trời đã lặn

Mẹ hiền còn sống là mặt trăng sáng tỏ

Mẹ hiền khuất rồi là đêm tối âm u


Cái nhìn thấy và sự cảm thông về vị trí cũng như vai trò của nữ giới trong xã hội, vào thời điểm của Đức Phật Thích Calà điều khó làm và khó nói. Tuy nhiên, không phải vì đứng trước những cái quan niệm cổ hủ khó sửa đổi mà Ngài không dám làm.


Cuộc sống có nhiều lãnh vực hoạt động xã hội khác nhau, do đó nó có sự khác biệt về địa vị của từng cá nhân. Trong tinh thần bình đẳng, Đức Phật Thích Cađã tạo điều kiện để đặt mỗi giới vào đúng vị trí của họ trong xã hội, bằngnhững lời thuyết pháp chân chánh và tấm lòng vị tha của mình qua câu : "Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có hận thù trong giọt nước mắt cùng mặn".


Trên phương diện xã hội, Đức Phật Thích Cacó dạy cách vợ chồng phải đối xử với nhau như thế nào, qua đoạn kinh Thiện Sanh : "Người chồng nên lấy năm điều mà yêu thương cấp dưỡng vợ như : Một là yêu thương vợ. Hai là không khinh rẻ. Ba là sắm các thứ chuỗi ngọc, đồ trang điểm. Bốn là ở trong nhà để vợ được tự do. Năm là xem vợ như chính mình. Người chồng lấy năm điều để thương yêu, cấp dưỡng vợ.


Người phụ nữ phải bày tỏ lòng thương kính chồng bằng những cách như : Làm tròn phận sự của mình, ân cần đón tiếp thân bằng quyến thuộc bên chồng, trung thành với chồng, cẩn thận giữ gìn tiền bạc của cải mà chồng đem về, luôn siêng năng, không bao giờ tháo trút công việc ..."


Trong tinh thần học Phật, Phật tánh vốn đồng nhau, thì làm sao có thể có sự khác biệt giữa các chúng sanh trong việc đạt thành qủa vị Phật. Như vậy, quyền bình đẳng nam nữ xuất gia đã được thể hiện như thế nào trong giáo lý nhà Phật?


Từ câu "Ta là Phật đã thành, tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật"của Đức Phật Thích Ca, là chứng nhân cho một giá trị tôn trọng quyền bình đẳng tột cùng của Ngài trong việc cùng nhau tựtu tập giác ngộ và giải thoát.


Trên mặt giáo đoàn, quyền bình đẳng về giới tính cũng đã được Đức Phật Thích Cachứng minh, qua sự hiện diện của nữ giới xuất gia sống đời sống phạm hạnh như nam giới và sự thành lập giáo hội Tỳ kheo ni vào một thời điểm, mà người phụ nữ luôn bị đặt vào một địa vị thấp hèn của xã hội.


Đây là một cuộc cách mạng lớn lao của Đức Phật Thích Ca đã tạo điều kiện đặc quyền cho người phụ nữ, trong việc nỗ lực tu tập phát huy những bản chất cao quý và khả năng trí tuệ của nữ giới.


Siêng năng là yếu tố quyết định cho sự thành công trong việc tu tập. Điều này hầu như ai cũng biết, và khi biết năng lực này đóng vai trò quan trọng trong việc học Phật, làm theo Phật, thì không nên dừng lại ở việc học hay hành đủ biết của một vài lý thuyết. Người biết cách tu, không phân biệt tại gia hay xuất gia, nam hoặc nữ, đó chính là người đã ý thức được ý nghĩa của hai chữ bình đẳng mà Đức Phật đã dạy.


"Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật", là câu người ta thường nghe nói, nhưng trên thực tế có bao nhiêu người dám tìm hiểu cái khả năng thành Phật sẳn có của mình và thực hành nó một cách nghiêm túc?


Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật Thích Ca có nhắc những điều căn bản về luân lý đạo đức hoàn thiện, cho sự tự rèn luyện của mỗi cá nhân trên con đường đi đến mục đích sống thật, sống hài hòa với con người thật của chính mình. Con người có đầy đủ trí tuệ sáng suốt và phẩm hạnh tốt đẹp, là điều không phải tự nhiên mà có, nhưng bất cứ ai cũng có thể có nó khi họ biết tập sống theo những cơ bản của Đức Phật Thích Ca đã hành qua câu thi pháp 160 như sau :


Nguyên ngữ Pali :

Atta hi attano natho

ko hi natho paro siya

attana hi sudantena

natham labhati dullabham.

Ý Việt: Chính tự mình làm chỗ nương cho mình, chứ nương tựa ai khác. Tự mình khéo tu tập mới đạt đến chỗ nương dựa nhiệm mầu.


Sống đời sống phù hợp với lời dạy của Đức Phật Thích Ca, bằng cách tự thực hành theo tinh thần từ, bi, hỷ, xả, qua sự vận dụng tất cả năng lực và nỗ lực của chính mình, là điều không dành riêng đặc biệt cho nam giới hay nữ giới, mà Kinh Từ Bi có thể chứng minh một cách rõ ràng như sau :


"Nguyện cho mọi người và mọi loài đươc sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi | Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh | Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn."


Trong giáo hội Phật xưa cũng như nay, các vị xuất gia nhà Phật, dù họ là Tăng hay Ni, cả hai đều có khả năng đạt được quả vị Phật như nhau, không có gì khác biệt, bởi vì họ đã biết mình phải làm gì và không nên làm gì, để cho cuộc sống của nhân loại ngày càng phát triển và hạnh phúc hơn, như Đức Phật Thích Ca đã làm.


Thành Phật có nghĩa là đạt đến địa vị tỉnh thức hoàn toàn và giải thoát vô minh trọn vẹn. Đức Phật Thích Ca đã đạt đến, chúng sanh tinh tấn nỗ lực tu hành bằng khả năng thánh thiện của mình, rồi cũng sẽ đạt đến Phật quả, bởi vì chúng sanh sẵn có Phật tánh rồi.


Phật tánh là mầm lương thiện sẳn có trong mỗi người, và cũng là một món thuốc qúy nuôi dưỡng Tâm để nuôi cái sống. Phật tánh không thuộc về riêng ai. Phật tánh không có giai cấp phân biệt và không có sự riêng tư, như Đức Phật Thích Ca đã khai thị trong Kinh Pháp Hoa :


Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh.

Tất cả chúng sinh đều có khả năng giác ngộ tối thượng.

Tất cả chúng sinh đều sẽ thành Phật.


Đức Phật Thích Ca không chỉ là hiện thân cho tinh thần từ bi cứu khổ của Phật học, mà còn là biểu tượng cao cả, phổ quát, hoàn hảo nhất, của một cách sống bằng trí tuệ soi chiếu vào mình, để chính mình tự tìm ra những cái thiện sẳn có bên trong, mà xây dựng những điều tốt đẹp cho cuộc sống của mình, cũng như cho người. Khi Đức Phật Thích Ca được gọi là Như Lai, thì tất cả những ai đang đi theo bước chân của Ngài, đều có tiềm năng trở thành Như Lai.


Trong cuộc sống, mọi sinh hoạt đều biểu hiện ở hành động và lời nói. Do đó, Đức Phật Thích Ca dùng Bát Chánh Đạo làm bản thể và lấy Chánh mạng làm tự thể của giới pháp, lấy Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh tinh tấn, Chánh niệm Chánh định làm nghiệp dụng tương trợ để hướng đến đời sống giải thoát và giác ngộ.


Đồng thời sự tu tập Bát Chánh Đạo có khả năng khơi nguồn các Thánh quả Phật, trong đời sống hiện thực của người học Phật. Các thánh qủa Phật là những năng lực đã có sẳn bên trong mỗi người, chỉ cần rèn luyện và trau dồi một cách nghiêm túc, thì nó sẽ trở thành phương tiện có khả năng bảo vệ, che chở cho mình và những người chung quanh.

 

Những lời giáo hoá của Đức Phật Thích Ca là những đạo lý mà Ngài đã chứng nghiệm được, sau khi từ bỏ mọi nhiễm ô dục vọng của thế gian. Cuộc sống của Ngài đã chứng thực lòng hy sinh vô điều kiện, và giá trị của cuộc sống này trở thành những biểu hiện mang năng lực từ bi tâm về lối sống, đạo đức của mỗi người, của từng nhóm, để góp phần làm cho con người thanh tịnh tại tự, trong sự bình đẳng, hỷ, xả, vô ngã, vị tha, không lầm đường lạc lối và không gây tội lỗi trong cuộc sống bình thường.


Nẻo đường giáo hóa của Đức Phật Thích Ca không phải là một học thuyết, mà chỉ là một tiến trình tu tập, thực tiễn, đơn giản, nhưng hoàn chỉnh đầy đủ tính nhân bản đem lại niềm tin, sức sống cho con người, xã hội và cũng dễ dàng áp dụng trong cách sống của mỗi cá nhân, ai cũng có thể thực hành được. Vì vậy cho nên, càng ngày càng có thêm nhiều người biết và quan tâm đến.


Từ ánh sáng đắc đạo dưới gốc cây Bồ đề, cho đến bài chuyển bánh xe pháp luân lần đầu tiên, tại vườn Lộc Uyển. Rồi việc quy y nhà Phật của 5 anh em Kiều Trần Như, tiếp theo sự thu nhận Yasa và 54 người bạn của người thanh niên trẻ này xuất gia.


Đức Phật Thích Ca đã tạo thêm những điều kiện thuận lợi trong việc tiếp độ cho người xuất gia đi vào đời sống tư tưởng theo phong tục của xã hội, qua sự hình thành hai giáo hội riêng biệt.Tuy có hai giáo hội sinh hoạt song song và không có sự kiểm soát lẫn nhau trên bề mặt hoạt động cá nhân, nhưng nhằm mục đích chung của họ là diệt trừ tham lam, thù hận và xây dựng an lành cho mình cũng như cho người trong tinh thần từ, bi, hỷ, xả.

 
Đức Phật Thích Ca nói : Có sự khác biệt rất lớn giữa sự hiểu biết về lý thuyết và sự thực hiện trong thực tế. Hiểu, Biết, Thấy một cách tận tường như bản thật là nền tảng căn bản cho con đường phát sinh trí tuệ minh sáng. Tu là để sửa đổi hoàn thiện những kiến thức và tầm nhìn phát sinh bên trong của mỗi người để đưa đến an tịnh.

 
Bất cứ ai cũng có thể trở thành một người con Phật, qua sự tìm hiểu và thực nghiệm các lời dạy của Ngài. Ngài thường nói với các đệ tử không được tin ngay vào lời dạy của Ngài, mà họ phải tự thử nghiệm các lời dạy đó. Mỗi người tự có quyết định và tự chịu trách nhiệm về các hành động và sự hiểu biết của mình.
 

Điều này cho thấy rằng Phật học không phải là một tập hợp cố định, mà tùy theo nhân duyên của mỗi người. Muốn thay đổi cái nhìn thường ngày, nghĩa là muốn chấp nhận một cái nhìn khác lạ. Muốn thấy được cái nhìn lý tưởng hơn, thì phải biết khao khát đi tìm chân lý, không sống tự mãn với sự hiểu biết đang có, mà cần phải luôn trao dồi nó. Chính vì cái nhìn cũ và những kiến thức cũ, cũng là một nguyên nhân cản trở con người trong việc tiến tu.

 

Quá trình học Phật là một quá trình tập tu, trải qua nhiều trình độ trí tuệ khác nhau, ở từng bậc học, giống như một bánh xe đang chạy trên đường, vừa phải bám vào mặt đường, từng điểm một, để làm chổ tựa, mà cũng vừa phải bỏ những gì vừa bám qua, để tiếp tục lăn.

 
Kinh Phật lấy con người làm trung tâm với mục đích duy nhất là giúp cho con người thoát mê ra tỉnh, biến khổ thành vui trong cuộc sống thực tại. Con người khổ là do vô minh và chỉ có trí tuệ là phương tiện duy nhất phá vô minh này. Như vậy người học Phật muốn phát triễn trí tuệ sẳn có của mình thì nên cố gắng tham cứu và học hỏi một cách nghiêm túc.

 

Các điểm cơ bản trên là một cái nhìn đại cương cho con đường tu tập thực tiễn để giải thoát mọi khổ não. Văn, Tư, Tu không tách rời ra được, Vì nhờ Tu mới thẩm định được giá trị Văn, Tư giúp cho Tu được kết quả viên mãn.
 

Phật học là chân lý là những sự thật, nếu không dùng ba môn học này như ngọn đuốc trí huệ soi sáng vào công trình học Phật, thì làm sao thấy mọi sự vật ở chung quanh. Không cần trí huệ, mà chỉ dùng lòng tin đến với đạo Phật để học Phật, là điều nên tránh. Đức Phật Thích Ca nói : "Ai tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta".
 
Tin là do hiểu mà tin và lòng tin này đã được gạn lọc qua sàng lý trí, nên nó vững chắc không dễ gì lung lay. Đức Phật Thích Ca đã chỉ rõ đâu là mê đâu là tỉnh. Nhờ vào chánh tín mà lời Phật dạy mới tồn tại, việc tu học của mỗi người mới được kết quả.

Đến hay trở về với những lời của Đức Phật Thích Ca dạy là : Đến để mà Thấy chứ không phải đến để mà Tin. Tuy nhiên, giữa chữ Đến và chữ Thấy vẫn còn một niềm tin. Nếu không có niềm tin thì đức Phật không nói phần Tín, đầu tiên trong ngũ căn và ngũ lực thuộc 37 phẩm trợ đạo.

Lòng thành tâm mộ đạo cũng như sự tin tưởng vững chắc vào những lời Phật dạy, đôi khi chỉ giúp cho người con Phật xây dựng một nền móng vững chắc góp thêm vào việc học Phật, nhưng chưa hoàn toàn gọi là sự học Phật.
 

Học Phật là phải thấu hiểu giáo lý của Đức Phật Thích Ca, đem ra thực hành tu tập theo Ngài, để mình cũng được thành Phật như Ngài. Việc tu tập này là sự tin vào khả năng thành Phật của chính mình bằng trí tuệ, lòng thành tâm và mộ đạo.
 

Một lịch sử xuất gia tu hành của hàng phụ nữ có những thành quả hấp dẫn sâu xa trong văn học Phật, sau khi Giáo Hội Tỳ Kheo Ni được thành lập, đó là cuộc đời và tiểu sử Maha Pajapati Gotami. Mặc dù Ðức Phật Thích Ca đã cho phép hàng phụ nữ được xuất gia và gia nhập vào giáo hội của Ngài không có phần do dự. Nhưng nếu không có lòng dũng cảm kiên trì và lập trường cứng rắn của Maha Pajapati Gotami trước những hiểm hóc chồng chất đầy thử thách, thì Giáo Hội Tỳ Khưu Ni sẽ không bao giờ có mặt đến ngày hôm nay.


Maha Pajapati Gotami, là người có tâm đạo nhiệt thành, thực hành đúng theo những lời giáo hóa của Đức Phật Thích Ca, thực thi hành thiền, khai triển tuệ, bà đã được chứng đắc quả A La Hán và liệt vào trong hàng cao trọng của các vị Tỳ kheo ni có nhiều kinh nghiệm và cũng là người nữ xuất gia đầu tiên được so sánh ngang hàng với các vị tăng theo Đức Phật Thích Ca thời đó.


Sự nhẫn nại hành trì tu tập của Maha Pajapati Gotami đã mang lại thành công sáng lạng cho địa vị xứng đáng của người phụ nữ trong lịch sử Phật học cũng như trong xã hội và trở thành một tấm giương chứng minh cho đời thấy rõ các khả năng thực thụ của người phụ nữ đã làm đúng theo con đường giác ngộ mà Đức Phật Thích Ca đã tìm ra.


Lời của Đức Phật Thích Ca nói là những cách sống thiết thực hiện tại, mang lại hạnh phúc, an lạc cho cuộc sống của mỗi người. Đức Phật Thích Ca cho thấy, người biết học Phật phải nhận ra con đường mà Ngài đã đi và đã đến. Đây là điều, mà bất kỳ một người tu tại gia, xuất gia, nam hay nữ nào, biết và thực hành theo Ngài, thì họ đều có quyền thành Phật.


Đức Phật Thích Ca đã đem lại một niềm an ủi lớn lao cho những phụ nữ đau khổ trong xã hội, và cũng chính Ngài là người đã mở ra con đường để chứng minh những phụ nữ có khả năng giác ngộ trong việc tu học theo Ngài.


Nhờ vào nền tảng đạo đức và trí tuệ của Đức Phật Thích Ca dạy, mà người phụ nữ đã đóng góp một phần quan trọng trong việc duy trì bảo vệ và phát huy chánh pháp của Ngài, theo những nhu cầu cần thiết của mỗi phong tục tập quán, bằng các nghi thức hay phương pháp tu tập khác nhau.


Điều cần biết theo kinh Bộ Tăng Chi có đoạn ghi : ... Sau khi xuất gia sống đời Phạm hạnh cũng đều là Sa môn đệ tử Phật bình đẳng không phân biệt như trăm sông đổ về biển.

Điều cần ghi nhớ qua câu thi pháp 34 trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật Thích Ca dạy :


"Tự mình, điều ác làm,

Tự mình làm nhiễm ô,

Tự mình, ác không làm

Tự mình làm thanh tịnh

Tịnh, không tịnh, tự mình,

Không ai thanh tịnh ai"


Điều cần làm thử trong cuộc sống : Một cái chai chứa đựng độc dược đã hết, nếu muốn dùng nó cắt ra làm ly uống nước trà, thì việc làm đầu tiên, là việc súc rửa nhiều lần cho sạch. Tâm chúng ta cũng đã từng chứa ba độc dược tham sân si. Nếu muốn có Tâm thanh sạch, thì trước hết phải tẩy sạch những độc dược này bằng học Phật. Bất cứ ai cũng có thể làm được điều này, nếu như họ thích.


Nền tảng sự phân chia xã hội tạo thành những mối quan hệ rõ ràng trong từng bối cảnh khác nhau. Tất cả mọi người đều phải đối đầu với những vấn đề cốt lõi của tiến trình : Sinh, Lão, Bịnh, Tử, như nhau, dù dưới bất cứ hình thức nào. Đây là sự bình đẳng của thiên nhiên tạo cho con người.


Người nào có những hành vi phẩm hạnh xấu về tư duy, lời nói hoặc thân tạo tác thì phải gánh lấy những hậu quả bất hạnh. Người nào có phẩm hạnh tốt, tất yếu sẽ gặt hái những kết quả an lạc. Đây là sự bình đẳng của nhân và quả do con người tạo ra cho con người.


"Ta là Phật đã thành, tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật", đó là tính nhân bản, tính bình đẳng, tính vô ngã và tính từ bi của Đức Phật Thích Ca để lại cho những ai thích tu tập giác ngộ và giải thoát giống như Ngài.


Trích trong Tinh Hoa Phật học của TS Huệ Dân
Kính bút
TS Huệ Dân

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp