Gần đây, trang Phật Tử Việt Nam có đăng bài viết về: “Tôn giáo mới qua một chuyến đi chùa”. Sự thật như thế nào?
Một số quần chúng miền Nam thường có khuynh hướng tin “Mẫu” hay gọi là đạo Mẫu, liên hệ từ nguồn gốc “Diêu Trì Kim Mẫu”, “Bà Chúa Sứ” và xa hơn nữa” “Liễu Mẫu Thượng Ngàn”. Liễu Mẩu Thượng Ngàn có từ xa xưa, phát triển trong giới Tứ phủ phía Bắc, nổi tiếng là Phủ Dầy. Riêng trong Nam, Bà Chúa Sứ, Địa Mẫu, gọi chung là đạo Mẫu. Đó là loại tín ngưỡng nhân gian xuất hiện lâu đời. Những loại vè tự phát để ca ngợi đấng mình đang tín ngưỡng, trong quá trình hình thành, cộng đồng Tứ phủ đã nhịp nhàng trống phách với bài chầu văn mỗi dịp hầu đồng. Phía Nam, tín ngưỡng đạo Mẫu đơn điệu trong ca trù nhưng thể hiện sự thành tín đều giống nhau.
Không riêng đối với Thánh tượng Quán Thế Âm, cả tượng Diêu Trì đứng trên quả cầu, tượng Maria và những tượng thờ các tôn giáo mang hình ảnh phụ nữ, họ đều gọi chung là Mẹ, là Mẫu. Đứng trên lĩnh vực tôn giáo như đạo Phật, đạo Chúa, thì họ là những người mê tín ngoại đạo, nhưng trong nhân gian xem họ là những người có khuynh hướng tôn kính thần linh. Chúng ta chưa nói đến đúng sai vì không thể đứng góc độ chủ quan để phán xét. Vấn đề tín ngưỡng nhân gian là quyền tự do tuyệt đối mà Hiến chương Giáo hội không hề đề cập cũng như Pháp Lệnh Tôn giáo không đưa họ vào danh sách một tôn giáo nhất định. Vì thế không xem họ là một tôn giáo cạnh tranh với tôn giáo.
Một vấn đề nữa là những ban hộ niệm tự phát. Trước 1975 và sau thập niên 1930, miền Trung cũng từng có những Ban Hộ niệm, thay mặt quý thầy để trợ giúp các gia đình vùng xa có nhu cầu tín ngưỡng. Lúc bấy giờ lượng số chư Tăng còn quá ít. Trong xã hội phát triển ngày nay, tuy tu sĩ rất đông, nhưng thiên hướng vật chất không những tràn ngập xã hội mà lấn sâu vào đời sống tu sĩ, vì vậy, một số tu sĩ trẻ chưa chuyên sâu tu tập, bị áp lực vật chất chi phối, làm mất niềm tin quần chúng không ít.
Đi bất cứ chùa nào, 80% đều nghĩ đến thu nhập. Một tang gia thỉnh sư cũng phải tiêu tốn không dưới mươi triệu. Cho dù thỉnh được bậc chân tu, chẳng lẽ các Ngài uống nước lã cuốc bộ? Gia chủ cũng phải cúng dường. Tín đồ nghèo chạy cơm hàng bữa làm sao cung ứng cho dịch vụ tín ngưỡng khi có nhu cầu. Không chỉ trong nước, ngay cả nước ngoài, đến chùa là phải cúng dường, phải có tiền, đôi khi tiền ít không được ai tiếp đãi; chưa nói đến việc chùa luôn xây dựng, luôn phát triển cơ sở vật chất làm cho tín đồ quá mệt mỏi.
Chính vì thế tín đồ nghèo muốn đến chùa cũng phát ngại. Nói như thế không phải tất cả các chùa đều đòi hỏi tiền của từ tín đồ. Có những chùa bao trọn gói trong thời gian tu học cho vài ngàn tín đồ mà không hề kêu gọi đóng góp như chùa Hoằng Pháp.
Trong nước được mấy chùa như thế. Nhu cầu tu tập của quần chúng ngày càng phát triển khi mà cuộc sống quá nhiêu khê tác động tâm lý đến đời sống tâm linh của họ. Một số đến chùa, học hỏi giáo lý, nắm vững nghi lễ, xét thấy đến chùa gặp nhiều phiền phức, một số đến chỉ bàn chuyện gia đình, nói chuyện thế gian và ngại cúng dường khi kinh tế eo hẹp, do vậy họ tự động lập nhóm để tu tại gia, luân phiên tụng niệm.
Trong và ngoài nước cũng đều như vậy, vì thế họ không muốn thỉnh mời chư Tăng chứ không phải cách ly chư Tăng. Tu sĩ đại diện Tam bảo để hoằng pháp, giúp đỡ quần chúng về tâm linh, nhưng không ít một số tu sĩ đã đánh mất niềm tin quần chúng, quần chúng đến chùa chỉ biết lễ Phật và cúng dường, ít được nghe thầy giảng đạo. Tệ nạn này không chỉ cá biệt mà phát triển tràn lan trong và ngoài nước. Những chùa thuần túy tu tập và hướng dẫn giáo lý cũng như đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho tín đồ một cách vô tư, rất ít. Riêng tại Sài gòn, số chùa gắn bó tạo được niềm tin cho bổn đạo, đếm trên đầu ngón tay.
Với tình trạng quần chúng cách ly Tăng Bảo, hãy tự xét lại nhân thân tu sĩ, đừng vội kết án quần chúng là ngoại đạo. Không ngoại đạo nào bỏ công đi tụng niệm luân phiên mỗi đêm hàng chục năm nay, kể cả trước 1975, mà không hề lồng giáo lý ngoại đạo vào. Và những nhóm lập Ban hộ niệm tại gia cũng chưa hề tụng kinh ngoại đạo hay giảng giải ngoại đạo. Có những người tuyên bố chỉ quy y nhị Bảo thôi, hẳn nhiên điều nầy không đúng, nhưng nói lên tinh thần chán nản của quần chúng đối với một số tu sĩ biến chất.
Rất tiếc họ chưa có duyên gặp được những bậc chân tu vẫn hiện diện khắp nơi. Đây không phải là điều đáng báo động cho Phật giáo về những sinh hoạt độc lập của cư sĩ, mà tiếng chuông cảnh tỉnh để tu sĩ nhìn lại chính mình. Hiến chương Giáo Hội cũng không đặt vấn đề nhóm cư sĩ tu tại gia như thế, vì vậy không cần phải cảnh giác đối với họ. Nếu thích thì họ đã cải đạo sang tôn giáo khác có ai cấm, cần gì phải ngụy trang Ban hộ niệm tư gia?
Đây là điều đáng mừng khi mà phần lớn nhà chùa không thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, họ tự tìm lối đi để giữ vững niềm tin đối với Tam Bảo. Sự báo động không cần thiết khi mà quần chúng ngày càng phát triển niềm tin đối với Phật giáo qua nhiều hình thức sinh hoạt khác nhau; Vấn đề là chư Tăng nói riêng, Giáo hội nói chung, có phương án đáng tin cậy để hướng dẫn họ trở về đúng chánh pháp và giữ vững niềm tin của họ trước trào lưu cài đạo và cám dỗ vật chất hiện nay.
Tóm lại đó là những hiện tượng đáng mừng trước niềm tin của quần chúng đối với Phật giáo, điều đáng lo mà không chịu lo là phong trào cải đạo hiện nay đang phát triển khắp nơi, từ miền Thượng du Bắc Việt cho đến đồng bằng Nam bộ, tại sao ta không đặt vấn đề mà cứ phải đặt vấn đề đối với tín đồ của chúng ta?
Minh Mẫn