Am Ni tự tên Nôm gọi là Am Vãi thuộc làng Biềng, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Cách trung tâm thị trấn Chũ chừng 15 cây số, chùa Am Vãi tọa lạc trên sườn của đỉnh núi Am Ni hay cũng gọi là núi Am Vãi. Cảnh đẹp ở đây sơn thủy hữu tình và được đánh giá là một điểm linh tụ của trời đất. Chùa có cái thế lưng tựa núi, mặt ngoảnh nhìn ra thung lũng rộng mênh mông, nơi có con sông Lục Nam uốn mình như dải lụa. Phong cảnh sơn thủy hữu tình lại có thêm ngôi chùa cổ mang trên mình nhiều truyền thuyết như: Hang Tiền, Hang Gạo, dấu chân Phật, bàn cờ tiên, Vũng Chị, Vũng Em nơi khe núi Hàm Rồng, Giếng tiên càng làm cho nơi này thấm đẫm màu huyền bí, linh thiêng.
Tương truyền Chùa Am Vãi được xây dựng từ thời Lý và nằm trong hệ thống các chùa tháp được phát triển ở thời Trần dọc theo sườn Tây dãy Yên Tử khi đạo phật ở vào giai đoạn cực thịnh. Truyền thuyết kể lại rằng: “Chùa Am Vãi vốn là một cái am nhỏ, có một vị sư trụ trì. Ở đây có một hang tiền và một hang gạo, mỗi ngày hai hang này chỉ chảy ra một lượng tiền và gạo đủ cho vị sư này dùng mà không bao giờ chảy hơn. Đến một ngày vị sư có khách liền khơi cho hang tiền và gạo chảy ra đủ hai người dùng. Từ đó tiền và gạo ở hai hang này không bao giờ chảy ra nữa. Vì thế sư không trụ trì được và chùa trở nên vắng sư rồi hoang phế”.
Ảnh: Dấu tích Hang gạo
Nơi đây cũng từng là chốn tu thiền nhập định của công chúa nhà Trần, cho nên chùa mới có tên là Am Ni (Ni có nghĩa là “nữ tu hành”). Tương truyền lúc bấy giờ chùa được xây dựng quy mô lớn. Bố cục mặt bằng vào thời Lê theo lối nội công, ngoại quốc gồm các tòa như tiền đường, tam bảo, hành lang, nhà tổ, nhà tăng… Song ngôi chùa này đã bị đổ nát, dấu tích của chùa còn lại đến ngày nay là hai ngôi tháp cổ bên trong có bài vị của một nhà sư thuộc thiền phái Trúc Lâm được tấn phong Tỳ Kheo Như Liên hóa thân vào hàng Bồ Tát đã nhập cõi niết bàn.
Xung quanh chùa hiện vẫn còn lưu lại dấu tích của hang tiền, hang gạo, giếng tiên và dấu hai bàn chân tiên trên hai tảng đá( một ở sân chùa và một ở trên đỉnh núi gần chùa). Theo truyền tích, xa xưa có 2 nàng tiên giáng trần xuống dãy núi chùa Am Vãi đánh cờ. Cảnh vật quyến rũ đã khiến 2 nàng ngỡ đang ở trên trời mà quên không về nhà. Ngọc Hoàng tức giận sai Thiên lôi giội sấm sét phá bàn cờ vỡ làm đôi. Trong lúc hoảng hốt bay về trời, nàng tiên đạp mạnh vào phiến đá, tạo thành dấu tích ngày nay.
Ảnh: Dấu bàn chân tiên phía sau chùa.
Truyền tích địa phương cũng kể rằng ở khe suối Hàm Rồng của núi, có hai chị em vào rừng lấy củi, đào củ. Đói quá, chị mang nồi bắc bếp, cho đá cuội đổ nước vào nồi bảo em rằng: Em cứ đun nồi ấy, để chị đi đào củ cho vào rồi chị em cùng ăn. Người em đun mãi rồi chết lả bên suối. Chị về thấy vậy, khóc lóc thảm thiết cũng nhảy xuống vực tự tử. Vì thế núi thành tên Vũng chị, Vũng em.
Đến thời nhà Lê, chùa Am Vãi vẫn tồn tại và còn được bảo tồn khá nguyên vẹn, hai ngôi tháp bằng đá (Tháp đá liên hoa) còn lại cho đến ngày hôm nay đều được dựng vào thời nhà Lê, chứng tỏ là vào thời đó ngôi chùa vẫn còn khá sầm uất.
Mặc dù đã có thời kì phát triển, hưng thịnh nhưng cho đến thời nhà Nguyễn, vì nhiều lí do khách quan khác nhau ngôi chùa này đã bị hư hỏng nặng chỉ còn lại phế tích. Nguyên nhân làm cho ngôi chùa này bị bỏ hoang phế trong một thời gian dài được giải thích bằng một truyền tích như sau: “Vốn dĩ Am Vãi nằm ở sườn phía bắc của dãy núi, bên kia đường phân thuỷ của núi. Do đó xưa kia do dân ở xã Nghĩa Hồ trông nom quản lí.
Vì một lí do nào đó, dân ở làng Biềng và dân xã Nghĩa Hồ tranh giành nhau quyền trông nom hương đèn trên chùa. Hai bên giành nhau mãi không thôi, bèn đưa lên quan xử. Quan ra điều kiện như sau: Quan sẽ ngủ lại chùa để nghe tiếng gà gáy, nếu nghe thấy gà làng nào gáy trước thì chùa sẽ thuộc về quyền quản lí của làng ấy. Dân làng Biềng mang gà đến gần chùa rồi cho gà thức giấc gáy vang núi rừng trước gà của xã Nghĩa Hồ. Thế là quan cho làng Biềng thắng kiện được quyền trông nom chùa từ đó. Thất vọng do thua cuộc, dân Nghĩa Hồ lần lượt rời làng ra đi với lý do "Có ở cũng chẳng nên cơm cháo gì khi chùa đã thuộc về làng khác"…
Từ năm 1990 trở lại đây, do trong làng xẩy ra nhiều biến động không tốt (nhiều người chết trẻ không rõ nguyên nhân) gây nên một tâm lí hoang mang lo lắng cho người dân. Nhiều người trong làng đã nghĩ hay bởi tại ngôi chùa cổ xưa, vốn đã là nơi gắn bó với sinh hoạt văn hoá tôn giáo của dân làng từ rất lâu mà đến nay không được trông nom. Dân gian ta đã có câu: "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành", nghĩ như vậy nên người dân thôn Biềng cùng với sự hỗ trợ của chính quyền xã Nam Dương đã cùng nhau họp bàn góp công, của và sức lực để tu bổ lại chùa trên cơ sở nền chùa cũ còn lại. Và đến năm 1998 ngôi chùa mới đã được hoàn thành theo đúng tâm nguyện của người dân nơi đây. Kể từ đó dân trong làng cứ vào hai ngày mùng 2 và mùng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm lại tưng bừng mở hội.
Lễ hội đã thu hút được sự quan tâm không những chỉ của người dân địa phương mà còn cả khách thập phương ở nhiều vùng lân cận. Đi lễ chùa mỗi người theo đuổi một mục đích riêng không ai giống ai, nhưng đều tụ hội chung về nơi cửa Phật mong Đức Phật phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình.
Đặc biệt đối với những đôi vợ chồng hiếm con hoặc mong muốn có một cậu quý tử để nối dõi tông đường thì việc đi lễ chùa Am Vãi có ý nghĩa rất lớn đối với họ. "Cầu được ước thấy", đã có nhiều cặp vợ chồng khi đi lễ chùa trở về thì ước vọng của họ đã trở thành hiện thực. "Tiếng lành đồn xa", càng ngày càng có nhiều cặp vợ chồng như thế đến đây hơn, họ cũng mong mình sẽ được sự may mắn như thế.
Điều đặc biệt nữa của ngôi chùa còn phải kể đến giếng khơi ở bên cạnh chùa. Giếng không sâu nhưng có một điều lạ kì là không bao giờ cạn bất kể mùa nào và số lượng người sử dụng là bao nhiêu. Không chỉ có những ngày lễ hội mà ngay cả những ngày bình thường trong năm ai lên chùa cũng đều cố uống cho được một ngụm nước mát lành của giếng. Sau khi uống xong mọi người đều có cảm giác sảng khoái dễ chịu và thấy mình được thảnh thơi hơn, mọi lo toan trong cuộc sống thường nhật dường như được trút bỏ một phần nào. Và như vậy, đã từ rất lâu rồi nhân dân trong vùng coi đây là một chiếc giếng quý, có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống tâm linh của họ.
Không biết từ bao giờ, người dân nơi đây đã tin vào sự linh thiêng và mầu nhiệm của chùa Am Vãi, tin vào sự may mắn mà chùa mang lại cho dân làng. Sự linh thiêng của chùa được nhân dân hai làng Biềng và Nam Điện gắn liền với sinh hoạt hằng ngày, nhất là mỗi khi làng xẩy ra những sự cố lớn, trong tâm thức mỗi người lại hướng lên dãy núi cao nhất nơi có chùa Am Vãi, một công trình kiến trúc cổ, có từ ngàn đời xưa, được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc khá hoàn chỉnh.
Những năm gần đây, cùng với việc ngôi chùa Am Vãi được phục dựng trở lại, đời sống vật chất của nhân dân trong làng cũng được cải thiện và nâng cao rõ rệt, số người chết trẻ không rõ nguyên nhân cũng không còn như trước nữa, đặc biệt là lớp trẻ ngày càng thi đỗ vào đại học nhiều hơn với một tỉ lệ cao mà trước đó ít thấy. Những việc xảy ra trùng hợp như thế đã khiến cho nhân dân quanh vùng càng tin vào sự linh thiêng của ngôi chùa. Người dân đến chùa ngày một nhiều hơn, thường xuyên hơn, nhất là các dịp lễ hội, ngày mùng một, ngày rằm.
Lễ hội chùa được tổ chức hằng năm đã trở thành điểm đến, nơi trở về của những người con xa quê, đi học, đi làm, lấy chồng xa xứ, trở thành sợi dây nối liền quá khứ với hiện tại. Lễ hội chùa Am Vãi được tổ chức hằng năm đã trở thành một hoạt động văn hoá tôn giáo không thể thiếu của người dân trong vùng.
Di tích chùa Am Vãi toạ lạc ở trên một địa thế đẹp gắn liền với phong cảnh núi rừng tự nhiên, núi cao cảnh đẹp đã tạo nên một thắng cảnh có tiềm năng văn hoá lâu dài ở Lục Ngạn nói riêng, của tỉnh Bắc Giang nói chung. Do vậy, nó cần được tiếp tục tôn tạo, tu bổ, phục hồi cùng với các di tích khác nằm trong quần thể danh thắng này nhằm ngày càng phục vụ tốt hơn cho sinh hoạt văn hóa tôn giáo và tham quan du lịch của nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Ngô Thị Thu Hường
Ban Quản lý di tích Bắc Giang, đường Ngô Gia Tự, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
ĐT: 0982.488.334