Trong một lần đi công tác ngang chùa Phước Điền thuộc ấp 5, xã Phú An, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), tôi bỗng nghe tiếng khóc, cười của trẻ con. Tò mò, tôi ghé vào và biết thêm được những câu chuyện đầy tình người. Tiếp chúng tôi là sư cô Thích Nữ Như Thảo, năm nay đã 57 tuổi.
Sư cô cho biết: “Hồi cuối năm 2009, lúc tờ mờ sáng, sư cô dậy quét sân chùa, bỗng thấy một chiếc khăn được quấn tròn lại đựng trong một chiếc thau, kế bên là tã, áo quần... Cháu bé bên trong không còn khóc nổi. Biết là một em bé bị bỏ rơi, ni cô bế lên đưa vào chùa. Mấy ngày sau, cháu khỏe dần và được đặt tên là Ngô Minh Hiếu (lấy họ của sư cô Thích Nữ Như Thảo).
Vài tháng sau, sư cô tiếp một cô gái trên tay bồng một bé sơ sinh. Vào chùa, cô gái chỉ biết khóc và xin sư cô cho gửi đứa con mới 6 ngày tuổi, rốn vẫn còn chưa rụng... Trao xong đứa bé cho chùa, cô gái đưa vội một số giấy tờ có liên quan rồi hứa một ngày gần nhất sẽ đến đón cháu về. Vậy mà hơn 1 năm trôi qua cô gái ấy vẫn biệt tăm. Bé được sư cô đặt tên là Ngô Minh Thiện.
Tháng 8 Âm lịch năm 2010, sau một cơn mưa lớn khoảng 2 giờ chiều, bé Minh Hiếu khóc hoài không nín, sư cô bồng cháu ra phía trước sân để dỗ. Tình cờ nghe tiếng oe oe phát ra từ chiếc áo mưa cuộn tròn sát hàng rào. Lần này là một bé gái da tím ngắt, chỉ thở thoi thóp. Rất may, chỉ vài hôm cháu cũng qua khỏi và sư cô đặt tên cháu là Ngô Thị Minh Lộc.
Nhìn những đứa trẻ vô tư đùa giỡn nơi nhà nghỉ, tôi chợt bồn chồn, sao có những người cha, người mẹ lại nhẫn tâm bỏ núm ruột mang nặng đẻ đau của mình như thế? Và nếu không có những tấm lòng cưu mang thì những ánh mắt trẻ thơ kia nay sẽ về đâu?
|
Sư cô Như Thảo và các bé. |
Những người phụ nữ hàng ngày đến chùa làm công quả rồi âm thầm làm “bảo mẫu” cho những đứa trẻ. Thời gian đầu, việc chăm nom các cháu, thay tã lót, bế ẵm đều chỉ mình sư cô lo liệu. Có cháu còn nhỏ, sư cô xin những phụ nữ gần chùa cho các cháu bú sữa nhờ. Sau này, khi có cô Sanh, cô Thu đến giúp, sư cô đỡ vất vả hơn. “Khó khăn nhất là lúc các cháu ngủ. Do thiếu thốn tình cảm của mẹ nên chúng cứ khóc hoài, dỗ không nín” - sư cô cho biết.
Do ở chùa, nên khi biết ăn là các cháu phải dùng chay. Một thời gian sau, sư cô gửi đến nhà trẻ mới chuyển sang ăn mặn để đầy đủ chất. Gần 2 năm qua, cũng nhiều lần có người đến xin các cháu về nuôi, sư cô đều dứt khoát: “Ở đây, dù tôi có vất vả nhưng các cháu được ăn no, được đi học. Tôi không muốn các cháu lại bị bỏ rơi lần nữa”.
Sư cô muốn cho các cháu có một mái ấm, có ăn có học, nhận thức đúng đắn và đỡ gánh nặng cho xã hội. Vì thế với tâm nguyện của người đi tu, sư cô nhận nuôi những đứa trẻ này với tấm lòng từ bi bác ái. “Khi đến tuổi trưởng thành, các cháu sẽ tự quyết định con đường mình phải đi, không bắt ép các cháu tu hành, bởi phải có căn duyên mới xuất gia” – sư cô Như Thảo nói.
Trò chuyện một lúc, chúng tôi được biết thêm: Lúc 15 tuổi sư cô đã từng tham gia cách mạng làm thư ký đánh máy cho Văn phòng Ủy ban huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), tham gia cứu thương, chăm sóc thương binh trong chiến khu. Chính sự khắc nghiệt của cuộc chiến mà cô nảy sinh tâm nguyện: Nếu nước nhà được hòa bình, thống nhất cô sẽ xuất gia. Khi gia đình biết được việc này đã tìm cách ngăn cản, thuyết phục cô từ bỏ ý định nhưng không được. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, sư cô Như Thảo đã thực hiện đúng như tâm nguyện của mình.
Tôi hy vọng trong cuộc sống này vẫn còn nhiều người như sư cô Như Thảo và mong sao những đứa trẻ ở đây sẽ có một tổ ấm để chúng lớn lên và bước vào đời như những đứa trẻ khác.
Hoàng Danh
Báo SGGP