Trong giao tiếp đời thường, có nhiều chuyện cũng vui ...
Một lần đi chùa về, mở mail ra thấy có tin nhắn. Đọc xong tự dưng bật cười. Cũng chưa hiểu tại sao mình lại cười với những loại tin như thế. Nhất định phải có nguyên do. Nhưng có lẽ tâm thức mình chưa đủ vi tế để nhận ra nguyên do ấy là gì.
Bản tin đăng trên diễn đàn thế này :
Bà CHT bị chiếu tướng dữ lắm. Tui thì tui cũng ghét bà này, không hiểu tại sao? Bà ta là trợ lý pháp của trang thiền viện Thường Chiếu. Bà ta nói chuyện trên trời dưới đất. Tụi ghét cay ghét đắng, nhiều khi ghét wá, tui chửi luôn ...
Bé lớn không biết, già cả không nễ. Cứ tưởng mình thông thạo Phật pháp rồi coi trời bằng vung. Qúi vị nào còn hơn thua thì tránh xa bà này. Còn tui thì không sợ, tui sẽ nói cho đến khi nào bà này bẽ mặt.
Bà ta chỉ là cư sĩ giàu có, có học hành mà thiếu nhân tâm. Tui nói quý đạo hữu, đàn bà ghê lắm. Bà ta không khác phù thủy có học Phật pháp. Tui ghét wá nên tui chẳng tiến bộ. Quý vị đừng hơn thua với bà này. Một vài thông minh do nhân quả mà có và cũng vì nhân quả nên bà ta là đàn bà ...".
Tuy có những việc nói không chính xác, nhưng lời viết rất chân tình. Ghét nói ghét, thương nói thương. Ghét ra sao cũng nói. Một người ‘khôn ngoan' không bao giờ để lộ những thứ đó ra. Thành đối với tôi, đó là một sự chân thành hiếm có. Chắc vì lý do đó, đọc xong bài viết tôi mới bật cười. Thay vì không cần quan tâm như thường lệ, tôi đã viết mấy dòng trả lời, cũng bằng sự chân tình như tấm chân tình mà người viết đã gởi.
Tôi đã trả lời thế này :
Có gặp nhau ở ngoài đời chưa hay chỉ mới trên mạng mà ghét dữ vậy? Nếu gặp rồi, xin nhắc cho một tiếng để nhớ là ai.
Ở đời không có gì không có nhân duyên. Không nhân duyên từ kiếp này thì từ kiếp trước. Nói chung khi mình ghét, tức là người ta đã có làm cái gì đó đụng đến ngã tướng của mình, nên mới như thế. Thôi thì xin lỗi há!
Chửi mà để Cht có thể bẻ mặt thì đó không phải là Cht.
Nhưng ghét cay ghét đắng là tâm trạng của ngạ quỉ, rất đau khổ. Nếu Chilan thấy chửi mà có thể vơi đi cảm giác ghét đó thì xin cứ việc. Cht sẵn sàng nghe, dù qui định của diễn đàn là không được vậy. Nhưng Cht sẽ xin với ban điều hành để nguyên những lời của Chilan nói, để mọi người cùng biết về Cht qua cái nhìn của Chilan. Hy vọng để Chilan nguôi đi phần nào những oán ghét, là cái nhân của ngạ quỉ và địa ngục ...
Người ta có như thế nào thì tự người ta sẽ gặt quả xấu. Vì sao lại để cho cảnh dẫn tâm, để lòng ghét của mình chi phối khiến hại mình như thế? Câu chuyện đức Phật nói về việc chửi người như phun nước miếng lên trời, Chilan không nhớ sao? Chỉ tự mình lãnh quả. Chưa kể nếu chửi nhầm người ta, chỉ vì ngã tướng của mình bị dụng chạm, thì quả lại càng nặng. Sao lại làm việc dại dột như thế hả Chilan? Cht không đáng để bạn phải tạo nghiệp như thế. Không đáng để bạn phải hao tổn như thế.
Đàn ông hay đàn bà gì thì cũng đều từ nhân quả mà có, chứ không phải chỉ đàn bà là do nhân quả, mà đàn ông thì từ trên trời rơi xuống. Ngay cả Phật vô tướng cũng phải nhờ nhân quả mà hiện. Chỉ khác ở chỗ Phật đó là từ "liễu nhân" mà có, không phải do "tác nhân" mà thành như hàng phàm phu.
Nếu có xấu thì Cht có thể là người xấu, chứ không phải vì Cht là đàn bà con gái mà thành xấu. Đàn bà con gái không xấu, bằng chứng là những người nữ như Hằng Hà Thượng, Diệu Huệ v.v... trí tuệ của họ hơn hẳn cả những đại đệ tử của Phật. Tướng đàn bà đâu có lỗi. Quan Âm cũng có tướng nữ đó thôi. Đừng để tướng bên ngoài chi phối cái nhìn của mình như vậy há!
Vậy đi Chilan! Cht có một lời rất chân tình gởi bạn : Muốn bôi bác hạ nhục cho được Cht thì đừng có ăn nói kiểu như thế. Chỉ tạo điều kiện cho Cht càng nổi bật hơn mà thôi. Phải làm sao tu hành cho phát được cái trí vô sư. Dùng trí đó mà hạ gục Cht một cách thật trí tuệ, thì mới có thể biêu xấu được Cht. Thân!
Khen và chê là những việc rất thường tình ở đời. Có một người khen mình thì phải biết đâu đó cũng đang có một người chê mình. Cái lý thế gian nó vốn như thế. Khen và chê là một cặp duyên khởi. Duyên khởi thì “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không.”
Với người đời, khen đi liền với thương và nể phục. Chê đi liền với ghét bỏ và khinh miệt. Với các bậc thánh khen chê chỉ là phương tiện để thành tựu chúng sanh. Các bạn sẽ nói, thánh thì không có khen chê. Ừ, tâm chư vị không có khen chê, nhưng do giáo hóa mà thấy dường như có khen chê. Khen chê là đứng ở góc độ chúng sinh mà nhìn tới. Đó là chỗ khác nhau giữa thánh và phàm.
Tuy là chuyện bình thường ở thế gian nhưng con người đa phần đều thích khen hơn là chê, chỉ thích nghe khen chứ không thích nghe chê. Ai từng góp ý với mình điều gì, thấy họ từ xa là mình đã có thái độ né tránh. Không nhận được rằng, đó là những liều thuốc bổ giúp mình vượt qua chính mình rất tốt ...
Khen đúng mà thích thì không nói, đằng này khen không đúng mà cũng thấy thích mới kỳ. Thích rồi thì theo đó mà rong duỗi. Ít ai chịu nhìn lại tâm thức của mình ngay khi được khen đó thế nào. Cho đến cái ngày ... nhận được một lời chê. Thế đối đãi của sự chấp thủ xuất hiện. Mồ hôi đổ ra cả lít và mất thăng bằng. Có khi hụt chân bỏ tất cả mọi thứ chỉ vì những lời chê không đâu ...
Chẳng qua vì mình để cho những lời khen huân sâu vào tâm thức của mình. Đơn giản chỉ là thế. Nếu ngay khi nhận được một lời khen, mà mình không quan tâm, hay nhận biết thật rõ tâm mình đang thích thú, chỉ cần biết như thế, không cần khởi thêm niệm gì, thì khi có lời chê, mình sẽ chẳng động tâm. Dù có động tâm, cũng chỉ là một bất giác thoáng qua. Qua rồi thì thôi, không còn dấu vết. Không thì có khi mất ăn mất ngủ và quay cuồng trong đó không thoát ra được. Từ đó chân tay đâm dợn, làm cái gì cũng thấy ngại. Công hạnh coi như tiêu ma ...
Khen khiến mình thích, chê khiến mình không ưa nên chê coi vậy mà không hại mình bằng lời khen. Cho nên, người xưa vẫn răn : Trong việc tu hành, nghịch duyên không phải là cái đáng sợ, bởi nó mang lại cảm giác phiền não cho mình. Không ai thích phiền não nên phải tự công phu để ly lìa. Còn thuận duyên khiến mình vui và hài lòng. Không tỉnh, mình sẽ an trụ luôn ở cảnh giới đó. Cái an trụ này là một chướng ngại khá lớn đối với con đường Phật đạo của mình.
Trong kinh Duy Ma, Phật nói chúng sinh có khi thành tựu bồ đề mà La hán lại không, bởi khổ thì chịu tu, chịu phát tâm, còn có an lạc rồi nên ì ra đó không muốn động tâm gì nữa. Trong khi hành Bồ tát đạo thì tập khí dễ sinh khởi, phiền não dễ phát sinh lại ... Chúng ta có thể tham cứu phần này ở luận Đại Trí Độ cuốn 1, bản dịch của HT Thiện Siêu.
Với chư vị La hán, cái lạc chư vị có được là do tâm đã dứt được THỌ và TƯỞNG mà chư Phật còn khuyến cáo như thế, huống là chúng sinh, sự an lạc mà ta có được, chỉ do điều kiện bên ngoài mang tới. Tức cái lạc chỉ mới do tu phước mà được, chưa dính gì đến cái lạc do điều phục tâm. Đây là chỗ chúng ta phải nhận thức cho rõ, đừng để bị lầm.
Chưa kể, nếu không tỉnh với những thuận duyên, thì đó chính là nền tảng để mình phát triển tâm ngã mạn, là cái nhân của ba đường xấu …
Cho nên, nhận được lời khen hãy cám ơn, bởi đó là lòng tốt mà người đã dành cho mình, nhưng nhận được lời chê hay một lời không hài lòng về mình, cũng là một việc rất tốt. Đó là lời cảnh tỉnh, giúp ta nhìn lại tâm mình rõ nhất.
Lời góp ý mà đúng thì mình sửa, bởi mình là người tu. Tu nghĩa là sửa. Không đúng thì … cười trừ. CƯỜI TRỪ chưa được thì cũng gắng mà CƯỜI để … TRỪ. Trừ đi cái tâm ‘một gió thổi đã động’ của mình. Bởi mình là người tu thiền. Cửa đến của mình là ‘Tám gió thổi không động’. Vì thế mình phải cười cho được để trừ.
Cho nên nhận được một lời góp ý mà mình ăn không được, ngủ không yên, thấy người là mặt sa sầm, rồi phân trần, biện bạch, trách cứ đủ thứ … thì biết là mình còn yếu lắm. Rất yếu! Lo mà tu.
Không cần đọc kinh đọc luận chi nhiều, chỉ cần lấy một câu ‘Tám gió thổi không động’ làm kim chỉ nam là đủ. Đọc học kinh luận chẳng qua là để giải quyết những gút mắc, nó như một phép QUÁN giúp mình buông bỏ dễ dàng. QUÁN CHỈ song hành thành thục thì ĐỊNH TUỆ hiện tiền, tám gió thổi mới không động. Đương nhiên, việc này tính trên từng niệm, từng sự. Bởi mình đâu phải là Tổ mà đòi cái toàn phần.
Cho nên việc viết sách đây, không phải là để than thở hay biêu riếu. Khi tâm còn CẦN như thế thì việc duy nhất của mình là phải điều phục tâm, không có chuyện ngồi viết lách.
Sách viết đây, chỉ với mục đích tu hành. Vìết với chủ đích như thế nên thường thấy nêu lỗi mình hay lỗi người. Nêu ra để biết cái gì là lỗi mà sửa. Cứ nói chung chung để đọc cho vui thì lợi ích chẳng bao nhiêu. Giỏi lắm thì được một chút sướng con mắt, thỏa cái tâm rồi quên. Tập khí vẫn hoàn tập khí. Còn đọc mà thấy đau trong lòng, thấy quá khó chịu, thấy người viết ngạo mạn chịu không nỗi v.v… cái đó mới ép phê. Nó đánh thức mình đang lúc mình ngủ quên trên chiến thắng. Chí ít là nó cũng cho mình thấy tâm mình còn động để mà điều phục. Không cho mình là THÁNH thì không có gì phải bực mình hay cần chứng tỏ ‘mình không như thế’ đúng không?
Cho nên, ai thấy có mặt trong sách xin đừng buồn. Nhờ lỗi mình mà thiên hạ thấy lỗi để sửa thì cũng có công đức. Xin đừng giận mà mất công đức. Thật ra, có nhiều chuyện tôi viết khơi khởi thế thôi. Lúc ấy nó ra như thế thì tôi viết như thế, chẳng nhắm vào ai. Như chuyện cái tivi hay việc tu hành chẳng hạn. Vô tình thôi, hoàn toàn không đặt tâm vào ai. Lúc ấy, ngoài thất Thầy và thất tôi, tôi có đi đâu mà biết, nhưng chắc do HỮU DUYÊN nên bâng quơ mà thành … HỮU SỰ.
Thôi thì, ai có phiền lòng vì đọc sách đây thì nguyện cho hết phiền lòng, tu hành tăng tiến. Tùy sức tùy phần của mình mà tu hành. Trước là không phụ ân đức Phật và các bậc Sư trưởng. Sau để niềm tin của mọi người đối với Tam bảo được tròn đầy. Phật pháp được trường tồn ở đời. Vui thêm nhiều, khổ vơi bớt.
Chân Hiền Tâm