Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP HCM, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ - là vị cao tăng đức cao vọng trọng, thấu hiểu Phật pháp, am hiểu phép tu thiền định và diệt trừ được ô nhiễm. Hòa thượng đã có cuộc trao đổi thú vị với ông Nguyễn Như Phong, Tổng Biên tập Báo Năng lượng Mới với chủ đề “Phật giáo trong cuộc sống hiện đại, gấp gáp hôm nay”.
Hòa thượng Thích Trí Quảng Ông Nguyễn Như Phong: Thưa Hòa thượng! Người xưa có câu “Trẻ vui nhà, già vui chùa”. Nhưng bây giờ, xem ra trẻ cũng vui chùa. Bằng chứng là người đi lễ chùa ngày một đông và giới trẻ cũng đến rất đông. Phải chăng cuộc sống vì có nhiều bế tắc và mỗi người ngày càng thấy bất an trong lòng, nên phải tìm đến cửa chùa?
HT.Thích Trí Quảng: Tôi nghĩ vấn đề người ta đi lễ chùa là truyền thống của người Việt Nam mình, cho nên hầu hết đây là chuyện bình thường. Ngày xưa, chiến tranh liên miên, chùa chiền bị tàn phá không ít, đi lễ khó khăn nên có muốn đến chùa cũng khó. Bây giờ đất nước ta độc lập, thống nhất đang trên đà phát triển, người ta tương đối có thì giờ hơn cho nên họ đi lễ.
Mình có thể chia ra các trường hợp khác nhau: Thứ nhất, đa số đi lễ theo phong tục truyền thống. Bất cứ một người nào cũng muốn đi lễ chùa để cầu nguyện cho tổ tiên ông bà của mình quá vãng, đồng thời cầu cho cuộc sống hiện tại của mình được hanh thông, an bình. Trong những ngày Tết, ngày Vu lan và những ngày hội chùa, người ta đi lễ và xem là bình thường, là việc tốt thôi. Còn hiện tượng thứ hai, những người làm ăn có nhiều khó khăn và họ có cảm giác là không vượt qua được, họ tin vào thần linh, do đó họ đi lễ chùa để cầu nguyện. Những người tin vào thần linh này thật ra đi đến đền nhiều hơn là đi chùa, họ cầu một lực lượng siêu hình nào đó giúp họ vượt qua khó khăn.
Cái này thực ra không phải là xuất phát từ Phật giáo, đó là tín ngưỡng dân gian phát triển lên, chứ thật ra trong Phật giáo, Đức Phật dạy mọi việc là do mình quyết định. Theo Phật giáo, tin ở luật nhân quả, vì vậy cố gắng phát triển năng lực của con người mình nhiều hơn. Mình phải nhìn đúng vào sự thật, mình sống đúng với sự thực thì lúc nào mình cũng an lạc. Còn những người đi cầu xin phần lớn là muốn được những cái ngoài sức của mình cho nên cầu xin, còn Phật tử chân chính thì người ta chỉ làm những điều trong tầm tay của mình. Cái đó mình được an lạc.
Cũng trong dạng thứ hai này là, họ đi hết đình này đền kia cầu mong thế lực siêu hình nào đó cho họ có tài lộc nào đó, tôi cho rằng cái này không phải ở trong Phật giáo.
Dạng thứ ba, là đi chùa người ta muốn tìm hiểu lời dạy của đức Phật và thực tập trong cuộc sống của mình, nên tìm đến các đạo tràng, những khóa tu để nghe các vị giảng sư triển khai các lời dạy của Đức Phật và áp dụng vào trong cuộc sống của mình. Ở chùa Huê Nghiêm này, mỗi tuần, vào Chủ nhật, tôi có một thời thuyết pháp, tức là giảng dạy những lời của Đức Phật dạy cũng hướng dẫn cho Phật tử áp dụng những lời Phật dạy trong cuộc sống của mình để xây dựng một cuộc sống an lạc thât sự. Không thể van xin, cầu nguyện thế lực siêu nhiên bên ngoài giúp mình được đâu. Tuy nhiên, chúng tôi có quan niệm, nếu mình có tinh thần tốt thì trường hợp đó cũng có thể thông đồng với thế lực siêu nhiên. Mình cũng sẽ được sự gia trì của chư Phật, chư Bồ-tát. Nhưng quan trọng là người cầu nguyện Phật và Bồ-tát gia hộ thì trước nhất mình phải có tâm tốt thì cầu nguyện mới hiệu quả.
Ví dụ như nói Đức Phật thương hết tất cả chúng sinh, nếu chúng ta cũng có tâm thương chúng sanh như Đức Phật, thì Đức Phật sẽ gia bị cho chúng ta làm cho chúng ta sáng suốt thêm lên, làm cho chúng ta tăng nghị lực thêm lên và chúng ta có thể làm những việc tốt. Cái này kinh nghiệm bản thân tôi, tôi thấy hiệu quả nhất, khi mình khởi một ý niệm làm việc gì đó có lợi ích cho xã hội, cho mọi người thì đương nhiên Phật trời sẽ phù hộ cho mình, để mình sáng suốt trong chuyện này, để mình quyết định đúng và từ ý định đúng này mình nhờ bạn bè cùng ý tưởng cùng hợp tác giúp cho mình thành công trong mọi hoạt động của mình. Tôi thấy đây là kinh nghiệm mà các Phật tử chân chính người ta tu tập được, tức là học những lời Đức Phật dạy và áp dụng những lời dạy của Ngài để tu hành. Mình kết hợp với những người bạn tốt trong cuộc đời này để mình xây dựng một xã hội tốt để mình tu hành, thì cái đường hướng này tôi nghĩ là bây giờ Phật giáo chúng ta đang phát triển trong hướng này.
Ông Nguyễn Như Phong: Chắc chắn có không ít quan chức, đảng viên đến cửa chùa cầu khấn cho họ được thăng quan tiến chức. Hòa thượng có khi nào nhận được lời mời đi làm lễ cho ai đó với mục đích này chưa?
HT.Thích Trí Quảng: Có chứ. Nhưng tôi dứt khoát từ chối và tôi nghĩ họ đã hiểu sai về Đức Phật và chư vị Bồ-tát. Phật không cho ai chức quyền, cho tiền bạc cả. Đến cửa chùa, cầu nguyện Phật, tự mình tu dưỡng theo những điều Phật dạy thì sẽ được an lạc.
Ông Nguyễn Như Phong: Hòa thượng có thấy rằng, cuộc sống bây giờ có vẻ bế tắc, phức tạp, tính nhân ái của con người xem ra có vẻ ngày càng kém. Chưa bao giờ lại xảy ra lắm vụ án bại hoại luân thường đạo lý đến thế?
HT.Thích Trí Quảng: Tôi nghĩ trường hợp những người bế tắc tìm về cửa Phật cũng có. Nhưng thời nào chả có, đâu có phải bây giờ. Tuy nhiên, ai tìm về cửa Phật để khai thông bế tắc của mình, tinh thần cuộc sống thì cũng tốt. Cái bế tắc mà tôi nhìn thấy là do tham vọng trong con người quá lớn, họ không thỏa mãn được tham vọng đó, nên họ muốn xin các thế lực siêu nhiên cho họ. Cái đó là không đúng và hoàn toàn sai. Những người lao đầu vô để cầu cúng thì họ sẽ gặp những người lợi dụng lòng tham của họ, đồng thời khai thác cái đó cho nên đôi khi nguy hiểm hơn. Nhưng tìm về Phật giáo để thực tập và đồng thời xây dựng con người mình trở thành tốt cho xã hội thì tôi nghĩ là đúng. Nói xã hội tạo cho người ta sự bế tắc thì không phải. Cuộc sống bây giờ tốt hơn xưa rất nhiều.
HT.Thích Trí Quảng trao đổi với nhà báo Nguyễn Như Phong
Trong thời gian chiến tranh có nhiều nguy hiểm, lúc đó nếu tin vào thế lực thần linh tôi nghĩ là đúng hơn. Vì con người mình không thể thoát được. Tôi vì sinh ra trong thời Pháp thuộc, lớn lên trong thời kỳ kháng chiến, thời kỳ đó đối với tôi tin ở thần linh, tin ở Đức Phật bởi vì lúc đó con người mình không có khả năng vượt qua trước cái sống và cái chết, cho nên lúc đó đặt trọn niềm tin ở trong Đức Phật. Nhưng dần dần học giáo lý Đức Phật rồi thì tôi lại đặt niềm tin ngược trở lại ở mình hơn. Mình như vậy tôi nghĩ rằng sẽ đúng hơn. Bây giờ tôi thấy hoàn toàn an lạc, không có gì nguy hiểm hết. Anh chỉ cần sáng suốt tỉnh táo quyết định làm những việc thực tế, đúng với khả năng của mình thì chắc chắn anh làm được. Chứ còn những tham vọng vượt ra ngoài thực tế thì có cầu cúng gì cũng chẳng được.
Đa số là các anh em làm ăn thất bại họ tới gặp tôi, họ nhờ tôi cầu nguyện, tôi có hỏi cầu nguyện gì, thất bại như thế nào nói hết tôi nghe thì tôi mới có hướng dẫn nên thực tế một chút. Khi anh biết suy thực tế một chút thì anh sẽ được. Từ kinh nghiệm của bản thân tôi khi lựa chọn đi học thì quá khó khăn nhưng tôi biết khắc phục, tôi mới vượt qua được. Khi đi tu học ở nước ngoài, tôi chỉ có 50 đô-la thôi và tôi chỉ được chi trong 50 đô-la đó để sống và học. Nếu bây giờ tôi cầu Phật cho tôi hơn một, hai trăm đô-la nữa thì tôi chịu rồi. Cho nên mình phải có đủ trí tuệ, tỉnh táo để sắp xếp trong cuộc sống của mình thì kinh nghiệm bản thân tôi, tôi đã vượt qua được.
Biết đủ thì vui
Ông Nguyễn Như Phong: Theo Hòa thượng, tin vào sự gia trì của Đức Phật và chư vị Bồ-tát, hay nói rộng ra là tin vào thần linh hay nên tin vào bản thân mình? Kinh Đại bát Niết bàn có nói đến 7 pháp thiện là: Biết đủ, biết thời, biết nghĩa, biết mình, biết chúng sinh, biết tôn kính người trên, biết người dưới… Còn cổ nhân từng khuyên “tri túc tâm thường lạc” hay “tri túc tri chỉ” - Biết đủ là vui; biết đủ là dừng. Có lẽ quan trọng nhất là đừng tham, phải biết thế nào là đủ?
HT.Thích Trí Quảng: Tôi xin kể chuyện tôi làm Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ trong những ngày khó khăn. Khi mà anh Võ Đình Cường làm Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ ở trong thời mà mình gọi là thời bao cấp. Lúc ấy làm báo sướng lắm. Nhà nước cho mình giấy, cho mình tiền để trả lương cho cán bộ, công nhân viên, báo in ra bán được hay không được không quan trọng vì đã có Nhà nước bao cấp. Đến khi Nhà nước không bao cấp nữa thì tự nhiên tờ báo này không có khả năng hoạt động vì số lượng bán ra không đủ lấy thu bù chi. Lãnh đạo Ban Trị sự đến yêu cầu tôi ra nắm tờ báo. Tôi nhận lời làm Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ và tôi nói với cán bộ, công nhân viên rằng, mình bây giờ phải thực tế? Thứ nhất là, không còn bao cấp nữa, bây giờ mình những người làm báo trong thời kỳ không bao cấp thì mình phải tự đặt kế hoạch để mình làm, làm sao để mình tồn tại trong thời kỳ không bao cấp?
Trước hết, anh em phải đẩy mạnh vấn đề phát hành báo. Có bán được báo thì mình mới có tiền để in bản mới. Đây là việc quan trọng cho nên tất cả mọi người vừa nhắm vào hướng cho đầu ra nhiều. Bây giờ tôi mới mở một cuộc vận động, tất cả các anh em đều phải vận động bán báo hết và chính tôi, Tổng Biên tập cũng phải đi bán báo, đi vận động.
Tất cả những người quen, tôi phải nhờ người này, nhờ người kia. Như vậy số lượng báo phát hành ra được, ra được thì mới có số tiền thu về, mình mới có số tiền thu vốn để mình tự cân đối kế hoạch của mình. Cho nên tôi nói trí tuệ quan trọng, cái trí tuệ để quyết định, cái trí tuệ lãnh đạo, đưa tới chỗ trí tuệ tập thể. Tôi làm tờ báo Giác Ngộ năm nay trên 20 năm rồi, từ chỗ Nhà nước bao cấp cho đến chỗ xóa bao cấp, nay có thể cân đối được thu chi, ổn định, cho nên đúng như lời Phật dạy, do con người quyết định.
Mình không thể ngồi chờ ông Nhà nước cho mình hoàn toàn, mà mình phải làm, cho nên từ chỗ đó mà mình vượt qua được. Cho nên tôi khuyên tất cả mọi người khi mình làm, hãy làm với tất cả tấm lòng của mình, mình nhiệt tình mình làm rồi, thì bạn bè tốt sẽ giúp, trời Phật phù hộ thì mình cứ tin vậy đi, nhưng chính thực tế mà tôi thấy, là bạn tốt tới với tôi. Bạn tốt tới với tôi giúp đỡ, tức là mua báo giùm, phát hành báo giùm. Hoặc là có thể mua báo để tặng, để tạo nên thu nhập. Nhà nước thấy mình nỗ lực như vậy thì Mặt trận Tổ quốc cũng mua giùm cho mỗi một kỳ bao nhiêu số đó để gửi cho các tổ chức của Mặt trận. Sở Tài chính thấy mình nỗ lực cũng “rót” kinh phí hỗ trợ. Nhờ nỗ lực ban đầu của mình mà mọi người giúp đỡ mình, cơ quan giúp đỡ mình. Chứ cứ ngồi đó mà chờ trên rót xuống thì không thể có được.
Người lãnh đạo phải sáng suốt và phải có quyết định đúng. Anh em tích cực làm, thì bạn bè tốt sẽ hợp tác, sẽ giúp. Đây là kinh nghiệm của riêng tôi là một nhà tôn giáo và cũng là một nhà báo thực trong cuộc sống. Đương nhiên, tin ở trên có trời Phật thì là tốt. Nhưng mà tôi tin cái thứ 2 là tin bản thân mình, bạn bè mình sẽ giúp đỡ cho mình vượt qua tất cả những khó khăn. Việc mình làm mà đúng và cần thiết thì sẽ được mọi người giúp đỡ thôi. Nói thật là quyết định đúng của tôi là ở chỗ nào. Tờ báo là tiếng nói của Phật giáo cần phải duy trì. Bên Nhà nước thấy cũng cần phải duy trì tiếng nói của Phật giáo. Tăng Ni, Phật tử cũng thấy cần có tờ báo nói lên tiếng nói của mình. Cho nên mình thấy đúng ở chỗ này nên mình cũng quyết tâm mình làm, bên Nhà nước cũng ủng hộ mình. Không ai để cho tờ báo này chết. Một ông sư đã nhờ như vậy rồi thì mọi người cũng sẵn lòng giúp đỡ.
Cho nên, trước hết là phải tin vào chính mình. Chọn hướng đi đúng, chọn cách làm đúng và làm việc với tất cả cái tâm của mình. Có như vậy mới được người tốt giúp đỡ. Còn chỉ trông chờ vào thế lực siêu nhiên, vào thần linh thì không có đâu.
Tôi không làm chính trị, nhưng tôi quan tâm tới chính trị
Ông Nguyễn Như Phong: Đã tốn thời gian của Hòa thượng khá nhiều. Chắc Hòa thượng không có thời gian rảnh rỗi. Xin hỏi Hòa thượng một câu cuối cùng: Hòa thượng có quan tâm đến tình hình chính trị của đất nước và trên thế giới không?
HT.Thích Trí Quảng: Nói không quan tâm thì cũng không đúng nhưng mà quan tâm theo cái nghĩa tham gia vào chính trị thì cái đó tôi không làm. Nhưng quan tâm về đất nước về con người thì đương nhiên là phải có rồi. Những cái quan tâm về chính trị của tôi là quan tâm để đóng góp vào trong việc ổn định các vấn đề xã hội. Đó là điều tôi quan tâm nhất. Cái thứ hai là giúp cho kinh tế phát triển tốt. Thứ ba là tạo mối quan hệ tốt, tức là ngoại giao dân sự đối với tất cả các nước trên thế giới thì mình có thể làm được. Đó là ba vấn đề tôi quan tâm.
Ông Nguyễn Như Phong: Xin cảm ơn Hòa thượng về cuộc trao đổi rất thú vị và có nhiều ý nghĩa này. Hòa thượng thấy đấy, báo in đang chết dần, chết mòn. Và bi kịch ở chỗ, báo càng đứng đắn, càng tử tế thì càng khó bán. Nhớ chuyện Hòa thượng vừa nói, có lẽ Tổng Biên tập Báo Năng lượng Mới cũng phải ôm báo đi nhờ bạn bè mua giùm thôi. Một lần nữa, xin cảm ơn Hòa thượng. Chúc Hòa thượng sức khỏe và không phải lo... bán báo Giác Ngộ nữa.
Theo Năng lượng mới