đậu tương đen hữu cơ

Chấn hưng Phật giáo

18:43 22/03/2014

Chấn hưng Phật giáo: Thức tỉnh những giấc ngủ mê mị

(TG&DT) - Phản hồi bài viết của tôi “Định lượng tiêu chuẩn tổ chức Đại lễ Phật đản: Trách nhiệm của Phật giáo TPHCM”, bạn đọc ký tên viết tắt “tclq” có đặt câu hỏi với tác giả, đồng thời nêu vấn đề:
“Cứ giả dụ là làm được đi, Minh Thạnh còn định gây áp lực lên lãnh đạo nữa thôi? Hãy nhớ rằng nhiều vị lãnh đạo Phật giáo đơn giản lắm: Chuyện quá tầm tay thì đóng cửa chùa đi ngủ”.

Câu hỏi có 2 ý, vấn đề “áp lực” và lãnh đạo Phật giáo “đi ngủ”. Câu hỏi tưởng chừng đặt ra cho cá nhân, nhưng đó lại là vấn đề lớn của Phật giáo hiện nay.

Vì vậy, chúng tôi trả lời trên tinh thần khái quát như những nội dung của chấn hưng Phật giáo. Thực chất, đây là việc tạo động lực để giải quyết cũng như tìm nguyên nhân việc thoái thác, trốn tránh giải quyết những vấn đề của Phật giáo Việt Nam hiện đại.

Mục tiêu viết bài về đề tài Phật giáo của tôi là tích lũy công đức, tạo thuận duyên cho bước đường tu tập, vì sự hưng thịnh của đạo pháp. Vì vậy, vấn đề dù có đụng chạm đến bất cứ ai, và có khó khăn đến mấy chúng tôi cũng không ngại. Và đây cũng không phải là chuyện chỉ cống hiến, đóng góp, mà đây trước hết là thiện pháp, phước báu.

Vấn đề mà chúng tôi đề cập sẽ liên quan đến một việc rất sốt nóng mới đây của Phật giáo một thành phố, đó là việc cắt hủy, loại bỏ phần hội (xe hoa, thuyền hoa) trong Đại lễ Phật đản, cũng là nhân dịp Vesak 2014 được GHPGVN đăng cai tổ chức. Các trang web lưu tâm đến vấn đề có thể mở panel, hay một hình thức hiện đại hơn, có tính cập nhật hơn, là livepage, để tập trung sự quan tâm của bạn đọc, tạo tiếng nói mạnh mẽ thúc đẩy cho thành công của Đại lễ Vesak 2014.

1. “Áp lực”?

Bạn đọc, sau khi cho rằng tôi “thuyết phục lãnh đạo”, lại cho rằng tôi “định gây áp lực lên lãnh đạo”. Như vậy là không hiểu hết ý trong bài viết của tôi.

Áp lực đối với các nhà lãnh đạo Phật giáo, nhất là Phật giáo TPHCM, là có. Nhưng không phải là do tôi tạo ra được.

Một người viết web không quyền hạn, không chức vụ như tôi sao lại có thể gây được áp lực lên lãnh đạo tôn giáo? Áp lực đâu có thể được gây ra dễ dàng, đơn giản như vậy được?

Áp lực từ chính từ thực tiễn, từ hoạt động của chính những nhà lãnh đạo Phật giáo gây ra cho chính các vị, không phải cá nhân ai, càng không phải tác giả Minh Thạnh có thể gây ra áp lực cho lãnh đạo Phật giáo. Như chúng tôi đã viết trong những bài trước, áp lực như thế là khách quan, là tự nhiên, là tất yếu, là ắt phải, không cần phải do ai gây ra.

Nhận một chức vụ có nhiều quyền hạn, như Trưởng ban Trị sự Phật giáo một tỉnh thành chẳng hạn, thì đương nhiên phải có nghĩa vụ đối với tăng ni Phật tử. Như vậy, chính việc nhận nghĩa vụ của vị Trưởng ban Trị sự tỉnh, thành phố đó với tăng ni Phật tử đã tạo nên một áp lực. Áp lực đó dĩ nhiên được gây ra từ chính vị đó và tác động lại cũng lên chính vị đó. Tôi chỉ là một người viết web, miêu tả một áp lực sẵn có, sử dụng áp lực sẵn có, chứ không phải gây được áp lực.

Áp lực cũng chính là từ hành vi của chính vị trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh, thành. Làm trưởng ban Phật giáo tỉnh thành mà thay vì chỉ đạo, tổ chức công việc mới, làm cho lễ Phật đản ngày càng được tổ chức trang trọng, ảnh hưởng rộng lớn, mà cứ hủy, cứ bỏ, cứ cắt, cứ dẹp, thì đương nhiên sẽ tự tạo nên cho mình áp lực. Áp lực đó càng lớn trong bối cảnh chỉ một hệ phái lại vừa tổ chức một đại lễ tưởng niệm tổ sư thành một đại lễ hội Phật giáo lớn chưa từng có tại TPHCM ngay trước thềm đại lễ Vesak 2014, tạo khả năng lễ tổ lớn hơn lễ Phật. Áp lực đó càng lớn trong bối cảnh GHPGVN đăng cai Đại lễ Vesak 2014. Áp lực đó càng lớn trong thực tế Đại lễ Phật đản đã tuột xuống vị trí ngày lễ tôn giáo đứng thứ năm ở Việt Nam…

Áp lực ngày càng tăng như thế, như đã nói là một thực tế khách quan từ chính những nhà lãnh đạo Phật giáo. Người viết chỉ là người nhận thức tác dụng những áp lực đó đối với tiến trình thúc đẩy chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Áp lực từ chính những nhà lãnh đạo Phật giáo sẽ trở lại hòn đá thử vàng năng lực lãnh đạo của những nhà lãnh đạo Phật giáo, xem họ còn xứng đáng ở vị trí đó hay không, hay đã trở thành vật chướng ngại cho việc phát triển hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam, gây tổn hại cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo. Áp lực đó do chính họ tạo ra, sẽ trở thành hết sức nặng nề cho chính họ.

Đó là trong trường hợp ai đó, đến cửa Phật để gia nhập đoàn thể những người ăn xin, nhưng rốt cuộc trở thành một dạng quan lại Phật giáo, xa hoa trong phủ đệ vương giả, vòng trong vòng ngoài bảo vệ, ngự trên xe lộng lẫy bạc tỷ, ăn mặc diêm dúa hoa hòe, và thẳng tay cắt bỏ, hủy dẹp những hoạt động lễ hội Phật giáo, truyền thống cũng như mới vừa manh nha, sáng tạo. Chính những cái đó tự thân tạo nên áp lực, chứ tôi có gì mà gây ra áp lực?

Những bài viết của tôi sẽ chỉ làm cái việc nhận thức, miêu tả, phân tích những áp lực do chính những nhà lãnh đạo Phật giáo nào đó tự tạo ra. Những bài viết như thế xuất phát từ lợi ích của đạo pháp, từ nguyện vọng của tăng ni Phật tử, từ động lực chấn hưng Phật giáo. Nó không thuyết phục, xin xỏ, hay tạo áp lực với ai.

Là một hệ quả của áp lực, những bài viết như thế sẽ tự nhiên không còn một khi áp lực không còn. Ai buộc thì người đó gỡ. Tôi không buộc ai, không tạo áp lực với ai, mà chỉ viết bài như một phản ứng tự nhiên với những việc làm đi ngược lại với xu thế chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

2. “Đi ngủ”?

Bạn đọc viết “Hãy nhớ rằng nhiều vị lãnh đạo Phật giáo đơn giản lắm: chuyện quá tầm tay thì đóng cửa đi ngủ!”.

Đây là cách diễn tả hình ảnh của kiểu làm việc vô trách nhiệm, thiếu ý thức, không tự trọng do kém năng lực và tất nhiên là gây hại cho việc chấn hưng Phật giáo.

Đã là lãnh đạo tôn giáo, mà lại giải quyết những vấn đề bằng cách đi ngủ, thì công việc sẽ ra sao, tôn giáo đó sẽ như thế nào? Tu sĩ và tín đồ của tôn giáo đó nghĩ gì khi nhà lãnh đạo mà mình tín nhiệm, trang nghiêm suy cử lại giải quyết công việc lãnh đạo bằng cách đi ngủ.

Kiểu “đi ngủ” này ắt phải tạo nên áp lực, điều mà chúng ta đã nói ở trên. Tăng ni Phật tử phải làm gì khi những vị chức sắc lãnh đạo bằng cách “đi ngủ”. Hình ảnh một tôn sư nào đó đi ngủ ngon lành đống trên những báo cáo Phật sự ngổn ngang, nhưng bài viết chằng chéo, những ý kiến đề nghị bức xúc đương nhiên tạo nên một biếm họa bi hài.

Hài hước vì một vị lãnh đạo tôn giáo chịu trách nhiệm trước bao nhiêu tu sĩ tín đồ hành xử thản nhiên như một kẻ bất cần đời ngủ vùi không cần quan tâm đến số phận chính mình, mà cứ “phê” trước đã. Bi là vì đấy mà chính là một biểu hiện bi đát của chính Phật giáo Việt Nam. Lãnh đạo tôn giáo giải quyết vấn đề bằng đi ngủ thì còn gì tương lai của tôn giáo đó? Phải chăng, Phật giáo Việt Nam suy thoái vì có những tôn sư “lãnh đạo Phật giáo đơn giản lắm: chuyện quá tầm tay thì đóng cửa chùa đi ngủ”. Lưu ý, chỉ đi ngủ cho khỏe, chứ không từ chức.

Nhưng chỉ đi ngủ thôi, có lẽ cũng còn vớt vát cho Phật giáo. Đàng này, tôn sư không “đi ngủ”, mà cầm kéo cắt hủy bỏ, cắn xén, xóa vứt những hoạt động truyền thống và những hoạt động vừa chớm sáng tạo của lễ hội Phật đản. Đây không phải là việc làm khi đi ngủ mà đây là động tác khi tỉnh thức, mà rõ ràng là rất tiêu cực, rất phương hại đến tiến trình chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Ở đây cũng là một biếm họa bi hài. Hài vì nó mâu thuẫn. Một nhà sư cầm dao cắt thẳng vào lễ hội Phật đản! Còn cái bi thì cũng dễ thấy sau đó. Lễ hội Phật đản sẽ còn lại những gì sau lát cắt đó?

Xem truyền hình, chúng ta thấy những nhà lãnh đạo quốc gia đội nón đi kinh lý khi trời nắng, che dù ra thực địa lúc trời mưa, khi thì trèo đèo lội suối, lúc thì ngồi tàu thủy, trực thăng, gian lao không xiết kể. Lịch làm việc của lãnh đạo thường kín cả ngày, từ sáng đến khuya.

Thế nhưng, như bạn đọc viết, “hãy nhớ rằng nhiều vị lãnh đạo Phật giáo đơn giản lắm: chuyện quá tầm tay thì đóng cửa chùa đi ngủ”. Tôi cho rằng không hẳn như thế. Vì chỉ làm vậy thì ai cũng làm lãnh đạo Phật giáo được, nhất là những người lười biếng chỉ biết đóng cửa “đi ngủ”. Chỉ là một số ít, ở một địa phương nào đó thôi?

Nếu họ ngủ thì cũng đơn giản, tăng ni Phật tử chúng ta sẽ đánh thức họ. Bằng lời dạy của chính đức Phật phê phán tật hôn trầm thụy miên. Do chính áp lực từ nghĩa vụ của người lãnh đạo. Do tiếng vang ngày càng lớn của truyền thông hiện đại. Một người gọi, mười người gọi, rồi cả trăm cả ngàn người gọi, thì “ông quan” Phật giáo đó liệu còn có thể giải quyết công việc bằng cách “đi ngủ”?.

Nhưng điều đáng sợ là không phải đi ngủ, mà thức để mạnh tay cắt bỏ, dẹp bỏ, xóa hủy hoạt động truyền thống và mới sáng tạo trong lễ hội Phật giáo, đưa ngày Phật đản của một địa phương xuống vị trí cá biệt so với các tỉnh thành trong cả nước. Như vậy, thì chúng ta phải làm sao? Chúng tôi chờ mong ý kiến của bạn đọc để tiếp tục loạt bài về vấn đề này, dự kiến sẽ kéo dài trong suốt thời gian trong và sau lễ Phật đản. Sao cho không còn những giấc ngủ mê vô trách nhiệm trên những thao thức, trăn trở của tăng ni Phật tử, cũng như không còn có những lát cắt vào lễ hội Phật đản thiêng liêng.

Ý kiến chỉ trao đổi riêng tư xin gửi về vinsat132@yahoo.com hoặc facebook.com/cusiminhthanh.  

Minh Thạnh          

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp