268 Khuyến cáo này dựa trên nền tảng nội dung cuộc họp rà soát định kỳ phổ quát về nhân quyền (UPR) tại Bắc Triều Tiên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.
Báo cáo này trước tiên đã đánh giá rằng : “Một phần nhỏ trong vấn đề nhân quyền tại miền Bắc đã có tiến triển. Trong đó có việc nước này tham gia hiệp ước về nhân quyền đối với người tàn tật, thi hành bao cấp giáo dục trong 12 năm, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và cho phép các gia đình bị ly tán do chiến tranh Triều Tiên được đoàn tụ”.
Mặt khác, báo cáo cũng lên án một số vấn đề đã được đưa ra nhưng chưa được giải quyết. Trong đó, nội dung chủ yếu là miền Bắc chưa thực hiện những khuyến cáo trong báo cáo của Ủy ban điều tra về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên của Liên hợp quốc (COI), vấn nạn bắt cóc người nước ngoài, tổ chức đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), đóng cửa các nhà tù chính trị, cho phép các tổ chức về nhân quyền quốc tế thực hiện việc giám sát các nhà tù chính trị tại miền Bắc hay tự do ngôn luận. “Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về nhân quyền” được thành lập nhằm bảo vệ nhân quyền, đánh giá định kỳ tình hình nhân quyền ở 193 quốc gia thuộc Liên hợp quốc một năm ba lần vào các tháng 1,5,10 với mỗi lần rà soát 14 quốc gia. Trong khuôn khổ hội nghị về cơ chế UPR, các nước thành viên của Liên hợp quốc sẽ đưa ra ý kiến của mình về tình hình nhân quyền tại một số quốc gia đặc biệt.
Với chu kỳ xoay vòng như vậy, cứ khoảng bốn đến năm năm một lần, quốc gia thành viên sẽ trở thành đối tượng rà soát về nhân quyền của Liên hợp quốc. Hàn Quốc đã từng nhận sự kiểm tra của cơ chế UPR trong các năm 2008 và 2012. Bắc Triều Tiên từng bị đánh giá lần thứ nhất vào tháng 12 năm 2009 và sau đó liên tiếp trì hoãn việc đánh giá lần hai. Lần này, miền Bắc đã cử đến cuộc họp của Liên hợp quốc một số quan chức cấp cao như Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe Myung-nam và Phó Chủ tịch ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao Ri Kyung-hun.
Báo cáo này liệt kê tất cả khuyến cáo của các nước thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, yêu cầu Bắc Triều Tiên phải cải thiện tình hình nhân quyền. Nội dung bao gồm việc đòi hỏi Bình Nhưỡng phải mở cửa cho Phái viên Liên hợp quốc phụ trách vấn đề nhân quyền ở Bắc Triều Tiên, hợp tác với các tổ chức về nhân quyền của Liên hợp quốc, loại bỏ hình thức tử hình và dừng việc hành quyết công khai, không tra tấn, không trừng phạt những người tị nạn bị cưỡng ép về nước.
Số còn lại của 268 khuyến cáo này có nhắc đến việc chính quyền Bình Nhưỡng phải đảm bảo cho người dân có quyền tự do tiếp cận mạng internet, không cưỡng ép lao động khổ sai, yêu cầu miền Bắc gia nhập Tổ chức lao động quốc tế (ILO), tham gia Công ước chống tra tấn và các điều ước khác về nhân quyền của Liên hợp quốc. Về phần mình, Bắc Triều Tiên cho biết sẽ đưa ra câu trả lời đối với 185 khuyến cáo trước kỳ họp tháng 9 tới của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhưng từ chối 83 khuyến cáo khác. Trong số đó, miền Bắc phủ nhận việc vi phạm nhân quyền, phạm tội chống lại nhân loại có quy mô và trên diện rộng. Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên hợp Quốc So Se-pyung phát biểu rằng một số nội dung của báo cáo đã hiểu sai về nước này và nước này không chấp nhận những ý kiến phiến diện.
Nhân quyền tại Bắc Triều Tiên là một trong những vấn đề mà cộng đồng quốc tế rất quan ngại. Năm 2010, Liên hợp quốc đã bổ nhiệm Phái viên phụ trách vấn đề nhân quyền ở Bắc Triều Tiên và có nhiều hành động thể hiện sự quan tâm đến vấn đề này.
Vào tháng Hai năm 2014, Ban hội thẩm Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) ra báo cáo về vi phạm nhân quyền ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là những tội ác chống lại loài người. Cuộc điều tra kéo dài 1 năm đã cung cấp bằng chứng về một số các tội phạm đã được thực hiện đối với người dân đang chết đói. Trong đó, cũng đã có những vụ bắt cóc người từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague được giao phó với việc điều tra các tội ác này. Các đại diện của Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc ở New York mô tả những cáo buộc vô căn cứ và cho biết sẽ không bao giờ chấp nhận điều này.
Ông Marzuki Darusman, từng làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Indonesia, hiện vẫn đang hoạt động với vai trò Phái viên phụ trách vấn đề nhân quyền miền Bắc kể từ sau khi được bổ nhiệm. Phát biểu tại một hội thảo cuối tháng 4 vừa qua, ông Marzuki Darusman nói chế độ độc tài tại miền Bắc đang vi phạm nghiêm trọng các quyền con người và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế là phải ngăn chặn điều đó.
Trước đó, hôm 17/4, Ủy ban điều tra tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên thuộc Liên hợp quốc (COI) đã khuyến nghị Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đưa vụ việc này cùng các nhân sự cấp cao tại Bắc Triều Tiên lên Tòa án hình sự quốc tế (ICC).
Tại Phiên đối thoại với Uỷ ban Điều tra về tình hình quyền con người tại CHDCND Triều Tiên, đại diện Việt Nam đã nhấn mạnh các bên liên quan cần kiên trì đối thoại xây dựng, hợp tác chân thành để tìm giải pháp lâu dài phù hợp nhằm cải thiện tình hình tại thực địa nói riêng và các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên nói chung.
Phát biểu của Việt Nam cũng cho rằng ưu tiên trước mắt cần tập trung vào các giải quyết vấn đề nhân đạo, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền lương thực, tiếp cận giáo dục và y tế của người dân, nhất là của phụ nữ và trẻ em, và vấn đề bắt cóc.
Vân Tuyền