Trước hết, cần xác định: Công hàm là văn thư ngoại giao (note diplomatique), nó không thuộc bất kỳ hệ thống văn bản pháp luật (hiérarchie des actes législatifs) nào, cả quốc nội cũng như quốc tế, do đó nó không làm phát sinh nghĩa vụ tôn trọng, tuân thủ hay chấp hành đối với bất cứ ai. Ngay cả loại công hàm được viết ở ngôi thứ nhất –như CH PVĐ chẳng hạn- cũng chỉ liên quan tới uy tín, danh dự của người viết và người nhận, nếu xảy ra tranh chấp, chỉ có thể là đối tượng của tòa án… công luận, chứ không thể đưa ra phân xử trước bất cứ một thiết chế tài phán nào kể cả Tòa bảo hiến nếu có.
Vì CH PVĐ (được viết ở ngôi thứ nhất với đại từ nhân xưng Chúng tôi) liên quan đến danh dự, uy tín của cả người viết lẫn người nhận nên việc phổ biến, công khai hóa, đặc biệt là việc giải thích, buộc phải thật cẩn trọng, sát đúng theo những quy tắc, thủ tục có tính nguyên tắc đã được quy định hay công nhận một cách phổ quát (chẳng hạn như nguyên tắc lịch sự, tế nhị trong quan hệ ngoại giao; một khi nguyên tắc này đã bị xếp xó thì thật sự chẳng còn gì để nói, nói thêm cũng bằng thừa.)
Tuy nhiên, về CH PVĐ, cũng xin được nói rõ, không phải để biện hộ cho mồ ma PVĐ, mà cái chính là để bà con ta khỏi hoang mang hầu tránh xa cái bẫy khiêu khích của Tàu, tránh những hành động manh động, phiêu lưu, bộc phát: CH này được viết rất chặt chẽ, không có sơ hở nào cả, được thực hiện (viết, ấn ký, gửi đi) đúng bài bản, không thất thố, ngoài một điểm có thể gây băn khoăn, đó là độ trễ thời gian của nó.
Thứ nhứt, về nội dung, CH PVĐ được viết rất chặt chẽ, không có sơ hở nào. Thật vậy, dưới ánh sáng các nguyên tắc cơ bản giải thích luật pháp đã được hầu hết mọi nền pháp luật tiến bộ công nhận qua các luật giải thích hoặc án lệ (*), đặc biệt là các nguyên tắc: (văn bản) phải được giải thích một cách chặt chẽ; điều được nêu rõ loại bỏ điều khác (không được nêu rõ) (expressio unius est exclusio alterius); phải xem xét toàn diện cấu trúc ngôn từ (noscitur a sociis); quy chiếu vào kết luận(reddendo singula singulis); tôn trọng hiến pháp; tôn trọng luật quốc tế, v.v., phần chính văn (2 đoạn với tổng cộng 89 từ) của CH PVĐ phải được hiểu như sau: (Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà) ghi nhận, tán thành, (…) tôn trọng quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung quốc (trong bản tuyên bố của CÂL). Xin lưu ý là từ hải phận ở đây cũng phải được hiểu theo luật quốc tế phổ quát chứ không phải theo tuyên bố CÂL hay luật TQ. Việc thêm bớt, tách rời một từ ngữ để suy diễn nó không ăn khớp với kết luận là thủ pháp cưỡng từ đoạt lý không ai chấp nhận được, nhất là khi nó phớt lờ cả hiến pháp và luật quốc tế, cố nhét vấn đề chủ quyền lãnh thổ thuộc địa phận của hiến pháp vào khuôn khổ một công hàm!
Thứ hai, về mặt nghi thức cũng không có gì đáng gọi là sơ thất, ngoại trừ vấn đề độ trễ thời gian 18 ngày kể từ ngày Chu Ân Lai ra Tuyên bố (04-9-1958) đến ngày CH PVĐ được công bố trên báo Nhân Dân, cơ quan của Đảng LĐ –tiền thân của ĐCS- VN (22-9-1958). Phải chăng độ trễ này nói lên một trong hai –hay có thể là cả hai- điều: một là sự thúc ép của phía TQ, và hai là sự chần chừ của phía VN? Nghi vấn này cần được làm rõ vì nó liên quan đến nguyên tắc tự do ý chí, có thể dẫn tới việc vô hiệu hóa hoàn toàn CH PVĐ ngay từ khi nó vừa được gởi đi. (Đối với TQ, nó cũng chỉ còn có giá trị lợi dụng, không hơn không kém, và việc đem nó ra lợi dụng vào mục tiêu bất chánh chẳng phải là đồng nghĩa với việcthiêu hóa nó hay sao?!)
Do vậy, việc TQ chưng tro tàn của CH PVĐ ra trước LHQ chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ. Gậy ông đập lưng ông, Chơi dao có ngày đứt tay… là vậy, ta chẳng việc gì phải lo.
Lê Thắng,
Cựu SV Luật SG Cần Thơ, 20-6-2014
Tác giả gửi Quê Choa.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
Link gốc: http://bolapquechoa.blogspot.com/2014/06/co-nhut-thiet-phai-hoa-giai-cong-ham.html#more
***************
(*) Về các nguyên tắc giải thích luật pháp, ai quan tâm xin vui lòng hỏi bác Google, với từ khóa là các cụm từ tiếng Pháp: Interprétation de la loi, Interprétation des lois, hay tiếng Anh: Interpretation of Laws. Nhiều quá, tôi tóm tắt không xuể J.