đậu tương đen hữu cơ

SOS & Suy ngẫm

12:01 23/09/2014

Trục trặc trong việc ký Hiến pháp Hòa hiệp Tôn giáo

BTC của “Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình của Liên minh Tôn giáo Thế giới” (The World Alliance of Religions' Peace Summit), tại Seoul, Nam Hàn, kỳ vọng là các lãnh đạo tinh thần cũng như quốc gia tham dự hội nghị sẽ cùng nhau ký vào bản phác thảo Hiến pháp Hòa hiệp Tôn giáo vào ngày thứ nhì của hội nghị, thế nhưng mục đích này đã không đạt được một cách trọn vẹn.
Giữa lúc một số quan khách được mời ký tên vào bản hiệp ước liên minh tôn giáo do ông Man Hee Lee, trưởng ban tổ chức, cũng là chủ tịch hội Heavenly Culture, World Peace, Restoration of Light (HWPL) soạn sẵn, đặt bút ký, một số khác đã lặng lẽ khước từ. 

Trong giới tham dự là người gốc Việt, phái đoàn đạo Cao Ðài đồng ý ký vào bản Hiến pháp, ngược lại những tu sĩ Phật giáo âm thầm từ chối.

Trả lời phỏng vấn, một số người theo đạo Cao Ðài cho biết họ đồng ý ký vào bản hiến pháp này vì mục tiêu của Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình của Liên minh Tôn giáo Thế giới hoàn toàn phù hợp với giáo lý của đạo Cao Ðài, trong khi một số tu sĩ gốc Việt thì cho biết nội dung bản hiến pháp hướng về một Thượng Ðế tối cao là không phù hợp với niềm tin Phật Giáo. Một thượng tọa cũng đề cập đến việc ban tổ chức không đưa sớm bản hiệp ước để người tham dự có nhiều thời gian để xem xét.

Phải có mặt ở hội nghị mới thấy phục quy trình tổ chức quy mô, tỉ mỉ của hội nghị cũng như sự yêu chuộng hòa bình của con người, được biểu hiện qua sự có mặt đông đảo của người tham dự . Mặt khác, cũng phải có mặt ở đây mới hiểu thấm thía là ước muốn thống nhất những quan điểm khác biệt không dễ thực hiện, vì dù đang cảm thấy gần nhau vì một mục đích chung, con người vẫn có thể bất thình lình trở nên xích mích vì những ý kiến, quan điểm không giống nhau.
 
Thượng tọa Thích Nhật Từ là một trong những người không ký vào hiệp ước. Ông âm thầm giữ lại nội dung tờ bản thảo. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Nóng giận bỏ về

Ngày thứ hai của hội nghị diễn ra tại khán phòng sang trọng 63 Convention Center, bắt đầu từ 10 giờ sáng. Sau phần giới thiệu các vị khách tên tuổi trong lãnh vực tôn giáo và chính trị khắp bốn phương tới dự, ông Man Hee Lee đọc diễn văn khai mạc dài lê thê.

Tiếp đó là bài diễn văn của bà Nam Hee Kim, chủ tịch hội phụ nữ yêu hòa bình IWPG, ông Haris Silajdzic, cựu tổng thống Bosnia Herzegovina, ông Swami Chidanand Saraswatiji Maharaj, sáng lập viên tổ chức nghiên cứu văn hóa Ấn Ðộ (IHRF), Tiến Sĩ Phật học Ashin Nyanissara đến từ Myanmar, Giám Mục Antonio Ledesma từ Philippine, Giám Mục Martin Barahona từ El Salvador, ông Giani Gurbachan SinghJi, quản nhiệm đền Golden Temple của Ấn Ðộ, bà Tawakkol Kaman, người trẻ tuổi nhất từng lãnh giải Nobel Hòa Bình, và ông Emil Constantinescu, cựu tổng thống Romania.

Mỗi người mỗi cách, mọi diễn giả đều kêu gọi các tôn giáo hãy chấm dứt việc dùng con người vào các mục đích cá nhân. Riêng bài diễn văn của bà Tawakkol Kaman người Yemen vì có đề cập đến một vài chi tiết kinh thánh, lịch sử, và chính trị gây tranh cãi về sự chi phối của Ai Cập lên Yemen, bà bị một người đàn ông Ai Cập hô to phản đối khi đang thuyết trình.

Theo chương trình, sau bài diễn văn của bà Kaman là mười phút giải lao. Khi số đông mọi người ra khỏi ghế rời khán phòng, tiếng tranh cãi của một phụ nữ từ phái đoàn người Yemen và một ông thuộc phái đoàn Ai Cập bắt đầu to dần.

Khi báo giới vừa hướng về tiếng ồn nơi góc phòng, một số khách tham dự đang ở xung quanh bắt đầu vỗ tay, hô to “peace” (hòa bình). Hai nhân vật trên tuy thế vẫn không nguôi nóng giận, dần rời khán phòng và ra về.

Cao Ðài ký, Phật giáo không

Sau phần diễn thuyết của những vị khách trên, ông Man Hee Lee đọc một bài diễn văn dài khác về quan điểm mọi tôn giáo cùng hợp thành một thể trong ý nguyện của Thượng Ðế và giới thiệu bản hiến pháp thống nhất tôn giáo. Ông nói mình đã hy sinh cả cuộc đời vì niềm tin này và vì hòa bình thế giới. Bà Nam Hee Kim kêu gọi mọi người ý vào bản hiệp ước “cho thế hệ mai sau.”
 
Cô Túy Nguyễn (phải), thuộc đạo Cao Ðài, chụp hình với một tình nguyện viên. Cô là một trong những người ký vào Hiệp ước. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Cụ thể, nội dung bản hiến pháp viết: “...Ðể các thế hệ được thừa kế một nền hòa bình, chúng tôi sẽ làm tất cả trong sức mình để chấm dứt tất cả các cuộc chiến trên trái đất và thiết lập hòa bình thế giới theo ý muốn của Thượng Ðế. Theo đó, tất cả các tôn giáo sẽ hợp nhất làm một trong một Thượng Ðế. Chúng tôi tuyên thệ trước Thượng Ðế, tất cả người dân trên thế giới, và nhà đấu tranh hòa bình rằng sẽ trở thành một trong Thượng Ðế qua việc thống nhất tôn giáo...”

Bản hiến pháp một trang dài khoảng 700 chữ được phát ra trong khi người điều phối chương trình đọc lớn nội dung. Trên từng bản là huy hiệu lớn của Heavenly Culture, World Peace, Restoration of Light, và chữ ký sẵn của ông Man Hee Lee.

Cô Túy Nguyễn, từ Houston, Texas, và là Ðệ Nhất Phó Tổng Quản Nhiệm Ban Cao Ðài Hải Ngoại, cho biết lý do ký vào bản hiệp ước thống nhất tôn giáo.

“Ý nghĩa của chương trình là tất cả tôn giáo đều là một, bỏ chấp ngã để cùng làm việc vì hòa bình. Việc ký vào bản hiệp ước rất quan trọng vì đây là một hòa ước giữa trời và người, giữa người và người, là phải thương yêu mọi người và bảo vệ hòa bình, rất giống khái niệm của Cao Ðài.”

Cô cho biết là người được mời, tìm hiểu về chương trình và kêu gọi mọi người trong hội tham gia. Tuy gặp nhiều trở ngại như giờ bay vào phút chót, cô cùng phái đoàn Cao Ðài hải ngoại gồm 14 người (từ Mỹ, Pháp và Canada) nói là rất vui vì đã tham dự và được sự tiếp đón nồng nhiệt từ ban tổ chức trong buổi khai mạc. Cô Túy cũng như hai người phụ nữ khác trong đoàn cùng mặc áo dài trắng, theo y phục tiêu biểu của phụ nữ Cao Ðài.
 
Những vị khách mời Việt từ nhiều nước và nhiều tôn giáo đến tham dự theo lời mời của ban tổ chức. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Hiền Tài Phạm Văn Khảm, chủ trưởng Cơ Quan Ðại Diện Cao Ðài Hải Ngoại và phó chủ tịch Hội Ðồng Liên Tôn Việt Nam Tại Hải Ngoại, giải thích rõ hơn về sự tương đồng giữa ý nghĩa chương trình và giáo lý Cao Ðài.

“Ðạo Cao Ðài cũng là một tôn giáo chủ trương hòa bình thế giới... Ðạo Cao Ðài từng chủ trương đưa nhân loại đến hòa bình. Ðức Chí Tôn đã dạy và Ðức Lý Giáo Tông đã cho tô liễn rõ ràng trước cổng chánh môn của Tòa Thánh Tây ‘Ðại Ðạo Hòa Bình Dân Chủ Mục,’ ‘Ðài Tiền Sùng Bái Tam Kỳ Cộng Hưởng Tự Do Quyền.’ Sau khi khai đạo, vào năm 1931, Ðức Giáo Tông đã gửi thông điệp cho tất cả các lãnh đạo thế giới và báo chí thế giới để kêu gọi đưa nhân loại tạo thành cộng đồng thế giới. Năm 1965, Ðức Hồng Pháp Phạm Công Tắc cũng tiếp tục gửi thông điệp kêu gọi hòa bình thế giới, kèm theo cương lĩnh hòa bình của ngài.”

“Chủ trương của Cao Ðài, ngoài thiên đạo để cứu rỗi nhân sanh thì còn có chủ trương dùng Nho tông chuyển thế để biến đời hiện tại này thành đời thánh đức. Chính vì thế, con đường tìm hòa bình thế giới là con đường đạo Cao Ðài từng theo đuổi 90 năm nay.

Về phần cô Túy, cô khẳng định nếu hội nghị tiếp tục tổ chức, cô sẽ lại tham dự. “Lần tới sẽ dẫn cả hai con đi theo cho con được thấy hoạt động vì hòa bình của giới trẻ bên đây,” cô nói.

Trong khi các máy ảnh của phóng viên đến từ các nước cũng như lực lượng phóng viên hùng hậu của ban tổ chức, sẵn sàng ghi lại những hình ảnh các vị khách đọc qua bản hiệp ước và đặt bút ký, một số người tham dự âm thầm không hòa vào không khí chung. 

Trong nhiều người không ký vào bản hiệp ước có các phái đoàn Phật Giáo. Thượng tọa Thích Phước Tấn ở Úc hay Thượng Tọa Thích Nhật Từ ở Việt Nam là một vài ví dụ.

Thượng tọa Thích Phước Tấn sau khi rời khán phòng và trở lại thì không vào lại ghế cũ. Khi mọi người bắt đầu nhận bản hiệp ước, ông chỉ nhìn theo. Trả lời phóng viên, ông nhẹ nhàng giải thích là tư tưởng của hội nghị không phù hợp với sinh hoạt tôn giáo của bản thân.

Thượng tọa Thích Nhật Từ lên tiếng mạnh mẽ hơn về lý do phái đoàn gồm 31 tu sĩ và Phật tử từ Việt Nam sang đây đã cùng quyết định không ký vào bản hiệp ước của ông Man Hee Lee.

“Tôn giáo có thể chia thành hai phe chính, tin vào Thượng Ðế, như các đạo xuất phát từ Do Thái Giáo, và không tin vào Thượng Ðế, như Phật Giáo hay Kỳ Na. Bản hiệp ước kêu gọi mọi người đồng ý hiệp nhất trong ý muốn Thượng Ðế, nên không phù hợp với giáo lý Phật Giáo. Ðoàn chúng tôi cùng bảo nhau không ký.”

Ông cũng nói việc ban tổ chức đưa bản hiến pháp và yêu cầu người tham dự ký mà chỉ có vài phút quyết định là có tính cách “áp đặt.”

Ông có lời phê bình về chương trình, “Lời kêu gọi hòa bình thế giới thì rất tốt, nhưng chương trình không đi theo hướng đó.” 

Ông cho rằng các hoạt động trong ba ngày chương trình phần lớn xoay quanh vào việc tôn vinh trưởng ban tổ chức là ông Man Hee Lee và hội HWPL. 

“Ðể đúng nghĩa đề ra, các tôn giáo phải có quyền bình đẳng để chia sẻ và đóng góp vào hòa bình thế giới, thay vì ban tổ chức giữ vai trò hạt nhân của hội nghị. Không thể hòa hợp tôn giáo nếu mọi người không bỏ đi cái tôi riêng.”

Ông cũng nói tựa đề “Hội Nghị Thượng Ðỉnh Hòa Bình của Liên Minh Tôn Giáo Thế Giới” khiến phái đoàn của ông hiểu lầm ban tổ chức là một liên minh các tôn giáo, thay vì chỉ là tổ chức HWPL. 

Tuy cho biết rằng sẽ không tham dự nếu được mời vào lần tới, Thượng tọa Thích Nhật Từ nói, “Chúng tôi không thất vọng về chương trình. Chúng tôi đến để thể hiện thiện chí ủng hộ hòa bình, và chúng tôi đã thực hiện được điều này trước những người cũng có mặt tại đây.”

Sau khi đưa ra bản hiến pháp thống nhất tôn giáo, phần thứ hai của chương trình là các buổi hội thảo và thuyết trình theo từng nhóm nhỏ hơn giữa các quan khách tham dự.

Có tất cả tổng cộng mười nhóm hội thảo theo từng chủ đề khác nhau. Riêng nhóm 4 là các nhà lãnh đạo tôn giáo, trong đó có phần thảo luận của Hiền Tài Phạm Văn Khảm, chủ trưởng Cơ Quan Ðại Diện Cao Ðài Hải Ngoại và phó chủ tịch Hội Ðồng Liên Tôn Việt Nam Tại Hải Ngoại. Các nhóm hội thảo đều có mục đích tương tự, để các nhà hoạt động chính trị và xã hội có cơ hội cùng bàn luận tìm hướng đi chung cho hòa bình thế giới. 

Ngày bế mạc chương trình sẽ diễn ra vào Thứ Sáu với cuộc đi bộ cho hòa bình được dự đoán sẽ có hàng chục ngàn thanh thiếu niên tham dự.

Thiên An/Người Việt (Tường trình từ Seoul)
Nguồn: daophatngaynay.com/vn/tin-tuc/quoc-te/15831-truc-trac-trong-viec-ky-hien-phap-hoa-hiep-ton-giao.html

Bình luận (2)

Đáng lẽ bản thảo hiến pháp hòa hiệp tôn giáo cần gửi đến các thành viên trước khi tổ chức gặp chính thức để cùng ký tên. Ban tổ chức hơi thiếu chuyên nghiệp và làm mất thời gian các đại biểu Phật giáo.
Thành Luân ( 24/09/2014 22:49:20)
Đáng lẽ bản thảo hiến pháp hòa hiệp tôn giáo cần gửi đến các thành viên trước khi tổ chức gặp chính thức để cùng ký tên. Ban tổ chức hơi thiếu chuyên nghiệp và làm mất thời gian các đại biểu Phật giáo.
Thành Luân ( 24/09/2014 22:49:15)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp