Một điều nữa làm tôi những năm gần đây hay có những giấc mộng là vì
những dày vò, những suy ngẫm và cả sợ hãi và cô đơn. Những điều ấy vẫn
vây bủa tôi, đẩy tôi vào chân tường và bắt tôi trả lời một câu hỏi mà
tôi không trả lời được: Đời sống mi đang sống có thực sự là đời sống
không? Nhưng bây giờ thì tôi tin giấc mộng chính là khoảng khắc sống
liền mạch của đời sống tôi đang sống.
Chuyến bay từ Tokyo đi
Chicago là một chuyến bay quá dài, khoảng mười hai tiếng. Trong cái khối
kim loại hình thoi ấy, người ta để mặc số phận cho Thượng đế. Đối với
vũ trụ vô hạn này, thì chiếc máy bay không bằng một hạt bụi. Trong chặng
đường bay như thế, người ta mất hết cảm giác và khái niệm về thời gian
và không gian. Năm 1993, trong chuyến đi Mỹ đầu tiên cùng tôi có nhà văn
Lê Thị Minh Khuê. Và trong chuyến bay mù mịt ấy, Lê Thị Minh Khuê đã
thực sự sợ hãi. Chị nói với tôi rằng nếu có mệnh hệ gì thì làm sao mà
quay về nhà được. Đúng thế, không thể quay về nhà được.
Chiếc
Boeing của hãng Hàng không Nhật Bản cứ nâng dần độ cao. Chưa bao giờ máy
bay lại tăng độ cao như thế. Và trên độ cao ấy, người ta không còn nghe
thấy gì nữa. Đôi tai ù dần đi và cuối cùng không còn nghe thấy gì nữa.
Không nghe thấy gì nhưng không phải kiểu không nghe được của người điếc.
Đôi tai vẫn cảm thấy nhẹ. Nhưng tuyệt nhiên không còn một âm thanh nào
nữa. Tất cả tĩnh lặng và mênh mang. Mọi người vẫn gọi hỏi nhau, các tiếp
viên vẫn đi lại, nhưng tất cả chỉ như những cái bóng in trên tường của
một buổi tối buồn bã.
Hồi tôi còn bé. Một đêm học bài và ngủ gục
xuống bàn. Khi tỉnh dậy tôi bỗng thấy một cái bóng người in trên tường.
Tôi chết đứng vì kinh hãi. Cả tôi và cái bóng kia đều bất động. Khi tôi
biết đó là cái bóng của mình thì tôi hết sợ hãi. Nhưng tôi vẫn đứng im
lặng rất lâu nhìn cái bóng và cứ tự hỏi đó có phải là mình không. Bây
giờ thì có thể biết đó vừa là mình vừa không phải là mình. Tôi tin rằng
cái bóng của chúng ta luôn luôn im lặng nhưng không phải không có cảm
xúc gì. Cái bóng vẫn sống như chúng ta đang sống và vẫn tư duy như chúng
ta tư duy, nhưng tư duy thế nào thì chúng ta không bao giờ biết được.
Tôi nghĩ rằng; cái bóng của chúng ta không bao giờ mất đi. Khi chúng ta
không nhìn thấy nó là lúc nó tồn tại trên một bức tường khác. Có thể đó
là một bức tường thời gian.
Máy bay vẫn lên cao. Tôi không thể nào
nhìn thấy trái đất nữa. Những đám mây cũng không còn. Bao quanh tôi là
một ánh sáng kỳ lạ. Một thứ ánh sáng không phải của mặt trời. Một thứ
ánh sáng mà không một vật cản nào tạo ra được cái bóng của nó. Nó sáng
từ đâu? Lúc đầu tôi nghĩ nó sáng từ bên trong chúng ta sáng ra. Những
không phải thế. Sáng từ bên trong ra hay từ ngoài vào cũng vậy. Nghĩa là
nó vẫn phải chấp nhận một qui luật: nơi xuất phát và nơi đến. Nó cũng
không sáng theo một vòng tròn bất tận. Nó sáng bởi tất cả mọi vật đều
sáng. Nghĩa là mọi vật đều trở thành ánh sáng. Thứ ánh sáng ấy loại trừ
mọi âm thanh phát theo hình sóng. Mặc dù mọi vật đều cất giọng và đều
nghe thấy vật đối diện. Khi hiểu ra điều ấy cũng là lúc tôi nhận ra
chiếc máy bay cùng chúng tôi đã sang một thế giới khác. Nhưng thế giới
nơi chúng tôi đang bay không phải xác lập sự cách biệt thế giới có ngôi
nhà của tôi bằng cái chết. Hoặc có thể chúng tôi không nhận biết được
đường biên giới ấy. Đường biên giới ấy là điểm không thời gian và không
gian. Làng Chùa bé bỏng của tôi lúc ấy hiện lên. Nhưng trong thế giới
này, tôi hoàn toàn không có cảm giác gì của thương nhớ, khổ đau mặc dù
tôi không hề đánh mất một chút nào của ký ức. Quá khứ lúc đó giống như
những ngón tay tôi đang nối liền với bàn tay. Và bàn tay nối liền với cơ
thể tôi. Cơ thể tôi là một khối thống nhất. Rồi chỉ ít phút sau, tôi
mất đi hoàn toàn cảm giác đang ngồi trong một khối vật chất là chiếc máy
bay. Mặc dù, cái ghế vẫn đấy, hành khách bên cạnh vẫn đấy. Cái cánh máy
bay nhìn qua cửa sổ máy bay vẫn đấy. Chúng tôi đã ở quá xa trái đất. Có
lẽ chúng tôi không bao giờ trở về được nữa. Nhưng trở về để làm gì khi
mà nơi trở về lại ở ngay trong chúng ta. Hai không gian này không phải
là xếp chồng lên nhau. Không phải lồng vào nhau. Nó đang ở trong một
không gian khác ; cái này chứa đựng cái kia và ngược lại. Sự chứa đựng
ấy tưởng như hoán vị không ngừng nhưng thực ra nó chẳng hề như vậy. Tôi
chỉ cảm nhận được khoảng khắc ấy chứ không nhìn thấy được. Không ai và
không cái gì có thể nhìn thấy được.
Và chính ở nơi ấy, tôi thấy có
một ai đó nhìn mình và mỉm cười với mình. Cái nhìn không phải từ phía
trước, không phải từ phía sau, không từ bên phải, không từ bên trái,
cũng không phải ở trên cao, mà ở đâu đấy giống như trong đôi mắt kia tôi
không hề hiển diện nhưng lại được nhìn thấu. Và nụ cười cũng vậy. Và
trong thế giới ấy, tất cả những bộ phận trên cơ thể con người mà đã từng
mang lại cho con người những khoái cảm lạ lùng và cũng đầy đoạ chính
con người từ từ biến mất. Đầu tiên là những cái lưỡi. Những cái lưỡi
biến mất và ngôn ngữ con người ở đó cất lên giống như những tia nắng đầu
tiên của ban mai ùa lên trái đất. Một thứ ngôn ngữ thông tuệ và ngân
vang. Cảm giác như sau mỗi lời thốt ra là nắng sớm ngập tràn và hoa nở
rực rỡ. Rồi những cái răng biến mất. Những cái răng biến mất trong vòm
miệng chúng tôi tưởng như chưa bao giờ chúng tôi phải mang trong miệng
mình những cái răng ấy. Sự mệt mỏi và đau đớn trong chuyển động của
những hàm răng không còn. Lúc ấy, ánh sáng tràn qua miệng chúng tôi
giống như ánh sáng tuôn chảy lộng lẫy qua các ô cửa Thánh đường. Và dạ
dày biến mất. Đấy là hành trang nặng nhọc và đau khổ nhất mà chúng ta
từng phải mang theo từ lúc sinh ra cho tới khi chết. Nhiều lúc nó đẩy
chúng ta vào trong cơn mê sảng của đói khát. Nó làm chúng ta u mê và
không ít kẻ trong chúng ta bỗng trở thành những con thú dữ. Giờ nó tan
biến như sự tan biến của một chiếc cùm đá, của một cơn ác mộng. Rồi
những bộ phận sinh dục tan biến. Nó đã làm cho con người được tận hưởng
niềm sung sướng ghê gớm của thể xác nhưng nó lại đày đoạ tinh thần con
người. Tất cả hành khách trên chiếc máy bay ấy trở nên trong suốt và
bồng bềnh trôi trong vũ trụ vô tận. Họ nhìn nhau và mỉm cười. Nụ cười
của họ giống như sự mở cánh của một bông hoa trước ban mai trên cánh
đồng chưa hề có dấu chân người.
Tôi tỉnh khỏi cơn mộng khi máy bay
xuống đường băng. Giấc mộng về một nơi chốn như tôi vừa thấy là mộng
hay là thực. Có thể trong lúc tôi ngủ, mà chưa hẳn đó là giấc ngủ, thì
một quyền năng kỳ diệu nào đó đã dẫn tôi tới chốn xa xăm kia. Mà tại sao
tôi lại phải băn khoăn rằng nơi tôi đến chỉ là giấc mộng. Bởi tôi vẫn
còn nhớ tất cả những gì đã diễn ra nơi ấy. Bởi tại sao tôi lại không có
thể được ban phước đến nơi kia. Và dù giấc mộng ấy chỉ diễn ra trong một
phút thì tôi cũng đã sống thực với nơi ấy kia mà. Tất cả những giấc
mộng cũng chính là một khoảng khắc dài hay ngắn của một đời sống có thực
mà tôi được sống. Có thể có lúc tôi đã không công nhận đời sống ấy.
Nhưng nó vẫn là có thực. Cũng như con người sống trong giấc mộng ấy là
chính tôi lúc đó có thể lại nghi ngờ cái khoảng khắc của một đời sống mà
tôi đang ngồi viết đây là một giấc mộng chăng ? Và cuối cùng tôi tin,
đến một ngày nào đó, với những nỗ lực và khát vọng sống của mình, con
người sẽ đi đến một đời sống như vậy. Trong một bài thơ trước đó của tôi
mang tên : Linh hồn những con bò, tôi viết về những con bò ra đi từ
bóng tối đến ban mai và tan vào ánh sáng. Chúng đã đến được một thế giới
như thế giới tôi đã mơ. Chúng đã sinh ra trên thế gian và ra đi. Chúng
đã ra đi trong sự kiên nhẫn của cả cuộc đời chúng. Cuộc đời chúng là một
sự kiên nhẫn tột cùng với những đường cày bất tận. Và chúng không một
lần ngoái lại chiêm ngưỡng hay thoả mãn với những vụ mùa chúng để lại
phía sau. Và cứ thế cho đến một ngày mà chúng không hề biết trước :
những chiếc ách nặng nề đeo vào đời sống của chúng bỗng tan biến và
chúng đã bay lên. Chúng bay lên và thanh thản như những đám mây trắng
trong ban mai rực rỡ và tinh khiết. Và bên dưới những đám mây là cánh
đồng của những con bò khác với những chiếc ách và những đường cày bất
tận. Bí mật của chúng là không than thở và không được bỏ dở bất cứ một
đường cày nào. Nhiều lúc, chính những con bò suốt đời làm nô lệ cho
chúng ta lại dạy cho chúng ta bài học ý nghĩa nhất về giá trị thực của
đời sống thế gian này.
Những giấc mộng trong những năm tháng này
của tôi hoàn toàn khác những giấc mộng mà trước kia tôi hay gặp. Nhiều
năm trước kia có lần tôi mộng tôi được quá nhiều tiền. Và khi tỉnh giấc,
tất cả đống tiền trong mơ đã biến mất. Tôi không khóc, nhưng nước mắt
giàn dụa. Lúc đó tôi cần và rất cần tiền. Tiền cho tôi và cho những
người thân nghèo túng của tôi. Bây giờ có khá giả hơn nhưng đó không
phải lý do mà giấc mộng được nhiều tiền không đến nữa. Trước kia, giấc
mộng tôi thường gặp và bạn bè tôi cũng gặp là giấc mộng mà trong đó tôi
luôn luôn bị một ai đó, một cái gì đó săn đuổi. Những cuộc chạy trốn ấy
lúc nào cũng thất bại vì đôi chân cứ ríu lại như chân người bại liệt.
Bây giờ thì tôi không gặp giấc mộng ấy nữa. Phải chăng bây giờ tôi không
tìm cách chạy trốn nữa. Mà trong cuộc đời, chúng ta càng chạy trốn
chúng ta càng bị truy đuổi. Và khi bị truy đuổi thì ít khi chúng ta có
thể chạy thoát. Con đường duy nhất để chúng ta thoát khỏi sự truy đuổi
là chúng ta dừng lại, quay về phía kẻ truy đuổi chúng ta, ngẩng cao đầu
bước lên và thách đấu. Cuộc chiến đấu này là cuộc chiến đấu với một ai
đó, một cái gì đó và đôi khi là chính bản thân chúng ta. Kẻ thù của
chúng ta nhiều lúc thật mơ hồ và chính vì thế mà hầu hết chúng ta luôn
luôn thất bại.
Nguyễn Quang Thiều/Nguồn: Tạp chí Tia Sáng