Ý kiến phản hồi này chứa đựng nhiều nội dung rất đáng suy nghĩ. Vì vậy, tôi xin dành một bài riêng để bàn luận:
1. Bạn đọc Lê Huỳnh Nhân như thế đã xác nhận là có “biệt tự”, “chủ nhân ngôi biệt tự”, mà tôi gọi là “biệt phủ”, “biệt điện” vì quá lộng lẫy và cách biệt. Vậy, điều này là rõ ràng, sự thật, không phải soi mói, móc méo.
Đạo Phật là đạo sự thật. Nói lên sự thật, dù trong trường hợp nào, không phải là soi mói, móc méo. Ngược lại, che dấu, trốn tránh, sợ hãi trước sự thật mới là vọng ngữ. Ngay cả với Phật tử, chưa nói đến tăng ni, cũng là phạm giới, là mắc tội.
Bạn đọc Lê Huỳnh Nhân câu trước vừa nói là soi mói, móc méo, câu sau xác nhận “chủ nhân ngôi biệt tự” có liên quan đến phước đức mà hỏi tôi “có so sánh được với” là tự mâu thuẫn với chính mình, tự phủ định lập luận cho rằng đó là soi mói, là móc méo. Sự thật được xác nhận ràng ràng ra đó bởi chính người nêu ý kiến, sao gọi là “soi mói, móc méo”. Mà đó là đúng đắn, xác thực.
2. Quan điểm cho rằng nếu có công đức thì sẽ thụ hưởng xa hoa, ở biệt điện, biệt phủ, dù là người tu sĩ Phật giáo, phải chăng cũng là quan điểm của “chủ nhân ngôi biệt tự”? Có lẽ vì thế nên “chủ nhân ngôi biệt tự” mới không ngần ngại thực hiện và quảng bá việc xua đuổi Phật tử, để thể hiện tính chất “biệt” của ngôi chùa lộng lẫy không khác gì một biệt điện vương gia.
Nếu đó là có công đức, thì những ngôi chùa nghèo, những tăng ni ở am tranh vách đất, đi chân không, uống nước sông, nước suối (không phải chùa trăm tỷ, ô tô hàng nhiều tỷ) là không có công đức hay sao? Nếu lấy sự xa hoa làm thước đo công đức, thì chắc chắn, ngay cả công đức của Đức Phật sẽ còn thua kém “chủ nhân ngôi biệt tự”, vì Đức Phật đâu có biệt phủ, biệt điện mà ở, rồi cấm cửa Phật tử như ai đó.
3. Nếu cho rằng do công đức lớn mà có biệt điện, biệt phủ, biệt tự cao sang xa hoa, thì việc ni cô nào đó cất biệt thất, vị tăng nào đó xài Iphone đời mới nhất đâu có lỗi gì. Họ có công đức nên có nhiều tiền là điều tất yếu (!). Họ chỉ chứng tỏ là có công đức lớn như vị “chủ nhân ngôi biệt tự” mà thôi. Hàng đệ tử bắt chước, học hỏi cách làm, tư duy của bậc bề trên thì có gì sai?
4. Người tu hành là “chủ nhân ngôi biệt tự”, theo tôi, là vấn đề “trường tồn của Phật pháp”, là điềm chẳng lành cho Phật giáo. Vị sư nào có nhiều tiền, thì đua nhau cất biệt tự bắt chước biệt điện, biệt phủ đã có, xua đuổi Phật tử như “chủ nhân ngôi biệt tự” thì Phật giáo Việt Nam sẽ đi về đâu? Càng xa hoa vương giả, tách biệt với mọi người thì càng có công đức lớn ư? Mục tiêu tu hành tích lũy công đức rồi chỉ làm “chủ nhân ngôi biệt tự” xua đuổi Phật tử để có sự biệt lập là điều hay cho Phật giáo ư?
5. Nếu lấy vẻ xa hoa của “chủ nhân ngôi biệt tự” làm thước đo công đức (quả thật về mặt này tôi không thể “sánh được” với “chủ nhân ngôi biệt tự”) thì liệu những người sống trong biệt điện, biệt phủ sang trọng có khi còn hoành tráng hơn biệt tự đang nói tới đều có công đức lớn, kể cả những trùm mafia, lái súng, băng đảng…
6. Tôi thì học theo tấm gương của những vị chân tu kiệm phước, xem sự xa hoa là mối nguy lớn đối với công đức. Công đức dù lớn đến đâu mà xa hoa, trên trước, tách biệt mọi người trong biệt điện, biệt phủ thì công đức sẽ tiêu tán rất nhanh. Bạn đọc Lê Huỳnh Nhân có hỏi về công đức của tôi thì tôi chỉ dám nói là rất mỏng rất ít, nên tôi kiệm phước và cố gắng tích lũy công đức, không dám như ai lấy vị trí “chủ nhân ngôi biệt tự” mà phô diễn rằng công đức lớn.
7. Bạn đọc Phật tử đọc những dòng ý kiến của bạn Lê Huỳnh Nhân sẽ nghĩ gì nếu tịnh tài cúng dường của mình tạo nên những biệt tự xa hoa, xua đuổi đông đảo Phật tử tạo sự biệt lập trên trước, tạo nên những nhà tu hành là “chủ nhân ngôi biệt tự”. Chắc bạn đọc Lê Huỳnh Nhân người tán dương công đức “chủ nhân ngôi biệt tự” cũng là người góp nhiều tiền để “chủ nhân ngôi biệt tự” sống trên sự xa hoa, bảo vệ canh gác cẩn mật, cách biệt bằng việc xua đuổi, cấm đoán, gây khó khăn cho đông đảo Phật tử đến lễ Phật, làm gương mở đường cho những kiểu biệt tự như thế xuất hiện để chứng tỏ công đức lớn.
8. Ngày xưa, chư tổ chỉ với mấy hạt gạo mà dạy rằng người tu hành mắc nợ đàn na tín thí lớn lắm. Chỉ vài hạt gạo mà nợ như thế, thì làm “chủ nhân ngôi biệt tự”, xua đuổi gây khó cho người lễ Phật thì nợ đến mức nào? Công đức lớn của “chủ nhân ngôi biệt tự” thì tôi không chắc, nhưng chắc chắn theo giáo lý nhà Phật nợ nần với đàn na tín thí lớn lắm, lớn vô cùng, không gì sánh được. Nợ càng lớn khi đó là tấm gương đối với những người xuất gia “tam thường bất túc”, chỉ nằm giường cao đẹp đã là không được huống nữa là sống trong những căn phòng nội thất vương giả và xua đuổi ngăn trở người lễ Phật. Nó rõ ràng là vấn đề “sự trường tồn của Phật Pháp đó.
Minh Thạnh