Chiếu trên đài Mỹ PBS vào đầu tháng 11, đây là sản phẩm của Frontline (chương trình chiếu phim tài liệu điều tra truyền hình lâu đời nhất của Mỹ) và cơ sở truyền thông độc lập ProPublica.
Phim cáo buộc Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam – hay còn gọi là Mặt trận Hoàng Cơ Minh – hoặc chịu trách nhiệm hoặc là nghi can của các vụ giết người mà đến nay chưa có kết luận.
Đảng Việt Tân, vốn xem ông Hoàng Cơ Minh là chủ tịch sáng lập đảng, đã mạnh mẽ phản đối bộ phim.
BBC đã phỏng vấn phóng viên điều tra chính A.C. Thompson.
Ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân của Việt Tân, cũng được mời phản hồi về bình luận của phóng viên A.C. Thompson.
BBC: Đảng Việt Tân đã kêu gọi đài PBS rút lại chương trình “Khủng Bố ở Little Saigon”, và nói Frontline và ProPublica đã “đăng tải những quy kết không căn cứ”. Ông có cho rằng nhóm của mình đã công bằng với họ trong các tường thuật?
A. C. Thompson: Suốt nhiều tháng, chúng tôi tìm cách phỏng vấn ông Hoàng Cơ Định và Nguyễn Kim Huờn, cựu lãnh đạo Mặt Trận mà vẫn còn liên hệ với đảng Việt Tân. Cả hai từ chối phỏng vấn.
Cái chết của năm nhà báo gốc Việt21.7.1981: Nhà báo Dương Trọng Lâm, 45 tuổi, chủ bút tờ Cái Đình Làng, bị bắn chết tại San Franciso, bang California24.8.1982: Nguyễn Đạm Phong, 48 tuổi, sáng lập tờ báo Tự Do ở Houston, bị ám sát tại nhà riêng9.8.1987: Phạm Văn Tập, 45 tuổi, xuất bản tạp chí Mai, chết sau khi có hỏa hoạn tại nhà và văn phòng làm việc22.11.1989: Đỗ Trọng Nhân, 56 tuổi, biên tập tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong, chết trong xe hơi ở Seven Corers, Virginia22.9.1990: Lê Triết, 61 tuổi, phóng viên của Văn Nghệ Tiền Phong, bị bắn chết trước cửa nhà ở Baileys Crossroads, VirginiaChúng tôi cũng tìm bình luận của những người khác trong đảng nhưng không ai đồng ý.
Tôi đã công bố thông tin thu thập được từ các cuộc nói chuyện với một đại diện của Việt Tân từ lâu trước khi chúng tôi chạy bài và phát bộ phim. Tôi khuyến khích nhóm này phản bác thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ. Nhưng họ không làm; thay vì thế, Việt Tân lại ra thông cáo báo chí công kích.
Hoàng Tứ Duy: Nhiều cựu thành viên của Mặt Trận được một người Việt liên lạc. Anh ta nói đang làm việc với một nhà báo viết về các vụ giết nhà báo người Mỹ gốc Việt mà chưa tìm ra thủ phạm. Họ từ chối tham gia phỏng vấn vì họ không liên quan, hoặc họ không có thông tin về nội dung chương trình này.
BBC: Chương trình của ông kết luận Mặt Trận của ông Hoàng Cơ Minh là thủ phạm gây ra cái chết của năm nhà báo?
A. C. Thompson: Điều tra của chúng tôi có cùng kết luận như nhiều người trong FBI: Mặt Trận của ông Hoàng Cơ Minh có thể là thủ phạm của ít nhất vài vụ giết người, tấn công, đe dọa và khủng bố.
Khi chúng tôi xem lại hồ sơ FBI, rõ ràng nhiều người trong nhóm này đã khai với FBI rằng Mặt Trận dính líu một số trong các vụ tội ác đó.
Chúng tôi tìm ra năm nguồn khả tín từng ở trong Mặt Trận. Họ cho thêm thông tin về các vụ này và xác nhận rằng Mặt Trận điều hành một nhóm sát thủ. Đặc biệt, một nhân vật hoàn toàn xác nhận sự dính líu của Mặt Trận trong vụ giết ông Nguyễn Đạm Phong và Dương Trọng Lâm.
Phát biểu không chính thức (off camera), ông Nguyễn Xuân Nghĩa nói ông ấy có mặt trong một cuộc họp của Mặt Trận. Tại đó nhóm này bàn luận việc ám sát một chủ xuất bản ở Quận Cam. Ông Nghĩa nói ông đã thuyết phục họ từ bỏ ý định giết người.
Hoàng Tứ Duy: FBI đã điều tra các vụ giết người này suốt nhiều năm. Theo các tuyên bố chính thức của FBI đăng trên trang web của Frontline, họ kết luận không có đủ bằng chứng để tiếp tục điều tra. Có nghĩa là FBI không tìm thấy lý do để truy tố thành viên nào của Mặt Trận. Lý do đơn giản là vì Mặt Trận không bao giờ có chính sách bạo lực chống lại những người chỉ trích.
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã nhiều lần phủ nhận lời cáo buộc về bạo hành bất kể nỗ lực của A.C. Thompson cố “dí ông” qua nhiều giờ phỏng vấn. Ấn bản trên web bảo rằng ông Nghĩa, phát biểu khi không quay phim, có biết những cá nhân trong Mặt Trận nghĩ đến chuyện dùng bạo lực. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã lên tiếng sau đó rằng lời ông đã bị kể lại sai lệch.
Phóng sự cho rằng Mặt Trận đeo đuổi một chính sách dùng bạo lực chống lại giới chỉ trích, nhưng họ chẳng tìm ra hay trưng ra tài liệu nào của Mặt Trận ra lệnh tấn công như vậy.
Tài liệu quảng cáo bảo rằng có năm cựu thành viên Mặt Trận ám chỉ tổ chức này liên can đến vụ sát hại. Nhưng trong số năm người được phỏng vấn, người duy nhất bảo rằng Mặt Trận có dính đến việc sát hại lại là một nguồn ẩn danh. Mặc dù chương trình này không có khả năng xác định tính xác thực của người nói, lời thú nhận của ông ta vẫn được xem là “chứng cớ mới.”
Ông Nguyễn Đăng Khoa tuyên bố rõ trước ống kính là ông không biết gì về K-9. Lời phủ nhận được nghe rõ bằng tiếng Việt nhưng không dịch ra trên màn hình.
Ông Trần Văn Bé Tư chỉ tham gia Mặt Trận một thời gian ngắn và bị trục xuất năm 1984 vì quan điểm của ông quá cực đoan. Các câu trả lời của ông về K-9 là những tuyên bố vô căn cứ của một người chưa hề thuộc về K-9. Thompson hỏi ông ta: “Gia đình Đạm Phong nghĩ là Đạm Phong vì chỉ trích Mặt Trận thế mà bị giết. Điều đó có chính xác đối với ông không?” Câu trả lời của Trần Văn Bé Tư là một lời đồn: “Tôi nghe như thế.”
Ông 'Johnny' Nguyễn Văn Xung liên tục khẳng định ông ta không biết gì về việc Mặt Trận dính líu đến việc sát hại những người chỉ trích.
BBC: Còn những chi tiết gì quanh câu chuyện này mà ông muốn điều tra trong tương lai?
A. C. Thompson: Còn nhiều câu hỏi mà chúng tôi đang cố gắng trả lời. Chúng tôi tin rằng Mặt Trận đứng đằng sau nhiều vụ tội ác này, nhưng chúng tôi không biết ai đã ra lệnh hay ai đã bắn. Chúng tôi cũng cho rằng đã có nhiều tội ác khủng bố (ở Hoa Kỳ nói chung) trong thời kỳ này, từ 1981 đến 1990, mà chưa được báo chí tường thuật.
Nếu ai có thông tin, chúng tôi mong được nói chuyện với họ.
Hoàng Tứ Duy: Xem chương trình này thì thấy rõ là phóng viên chỉ dựa vào những giả thiết không đầy đủ, tin đồn, thông tin không đồng nhất. Ví dụ, phóng viên nói một nguồn “xác nhận” rằng Mặt Trận đứng đằng sau vụ giết ông Dương Trọng Lâm (1981). Ông Thompson có biết rằng Mặt Trận chỉ bắt đầu hoạt động ở Mỹ một năm sau khi ông Lâm bị giết?
A. C. Thompson: Theo ông Đỗ Thông Minh, một trong những người sáng lập Mặt Trận, nhóm này thành lập năm 1980. Họ không thông báo rình rang cho mãi đến 1982, nhưng ngay cả tài liệu tuyên truyền của Mặt Trận thời kỳ đó cũng cho thấy nhóm đã hoạt động vào năm 1981.
Mặt Trận đã nói dối về cái chết của lãnh đạo của họ suốt 14 năm. Nay Việt Tân cũng định viết lại lịch sử.
BBC: Ông nghĩ gì về đảng Việt Tân hiện nay? Họ có nên xin lỗi về quá khứ?
A. C. Thompson: Tôi kính phục (admire) công việc họ đang làm đại diện cho các blogger và những người khác muốn tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Nhưng rõ ràng đảng này có liên hệ với Mặt trận Hoàng Cơ Minh, một tổ chức không tôn trọng báo chí là mấy.
Hoàng Tứ Duy: Là một thành viên Việt Tân, chúng tôi rất hãnh diện về ông Hoàng Cơ Minh và các chiến hữu đi trước. Chúng tôi đang đi tiếp con đường đấu tranh cho một đất nước Việt Nam thật sự nhân bản, thật sự tự do.
Lê QuỳnhNguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/11/151109_terror_little_saigon_reax#orb-banner