Trên web Lam Hồng - Những nẻo đường đức tin có bài của ông Nguyễn Đình Đầu “Giả thử kế hoạch đánh úp Gia Định của Nguyễn Trường Tộ được thi hành!”.
Nếu ai đã đọc bài ông Bùi Kha đối luận với Giám mục Nguyễn Thái Hợp, đăng trên nhiều mạng điện tử toàn cầu, thì sẽ thấy ông Nguyễn Đình Đầu giúp gỡ rối cho Giám mục; đúng hơn là một bài viết mang tính nghiên cứu.
Vấn đề Nguyễn Trường Tộ không phải đã qua rồi vì cách đây 10 năm, năm 1998, ông Trần Chung Ngọc, nhất là ông Bùi Kha, hai việt kiều, cho ra đời cuốn “Nguyễn Trường Tộ, thực chất con người và di thảo”. Đây là một cuốn sách đi ngược dòng nước, lội ngược dòng đời. Hai trí thức nầy đã không theo lối mòn nghiên cứu cũ; xưa sao nay vậy. Gần cả trăm năm sống dưới chế độ thực dân Pháp, hoặc thân Pháp nên nhiều nếp suy tư ít nhiều bị lệch lạc thiếu cơ sở.
Tháng 3 năm nay, cuốn “Nguyễn Trường Tộ & vấn đề canh tân” của Tiến sĩ Bùi Khađược chính thức được xuất bản tại Việt Nam donhà Xuất bản Văn học cấp giấy phép, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học phát hành với lời giới thiệu của một người, có công với cách mạng, là Giáo sư Trần Thanh Đạm.
Phải nói rằng nhà Xuất bản, nhà Phát hành và người giới thiệu đã làm một việc rất lịch sử, rất hữu ích cho dòng chảy văn hóa dân tộc, qua đó giúp cho người dân Việt Nam có cơ hội tiếp cận thêm một nguồn tư liệu mới và một đánh giá mới về, một nhân vật lịch sử được vinh danh sai lầm qua nhiều thế hệ. Tâm tình và việc làm của quý vị rất đáng được trân trọng và ghi ơn.
Tôi, các bạn, hay những ai đọc cuốn sách của Bùi Kha có lẽ đều cảm thấy ngạc nhiên và thích thú. Đọc sách về sử thường cảm thấy chán vì khô khan, nhưng cuốn “Nguyễn Trường Tộ & và vấn đề canh tân” là một biệt lệ.
Khác với Giáo sư Trần Thanh Đạm, tôi hoàn toàn chia sẻ với tác giả Bùi Kha rằng, lúc những người yêu nước không ngớt ca ngợi Nguyễn Trường Tộ vì lầm rằng ông ta yêu nước và có chương trình canh tân đổi mới, thực dụng... thì Bùi Kha cũng thế, mang một tâm hồn yêu nước đáng quý, nên cũng thẳng thừng phê phán Nguyễn Trường Tộ và những ai, trực tiếp hoặc gián tiếp, điều khiển hoặc cố vấn cho Nguyễn Trường Tộ để ông đi ra khỏi dòng chảy “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục “nước nhà” vẫn hơn”.
Gọi là bài “Phản biện ông Nguyễn Đình Đầu”, một trí thức Công giáo có hạng, nhưng thú thật tôi chẳng có tài liệu để viết mà tất cả những gì trong bài nầy đều sử dụng tài liệu của ông Bùi Kha trong cuốn “Nguyễn Trường Tộ & vấn đề canh tân”, nhà Xuất bản Văn học, Hà Nội, tháng 03/2011, và của Linh mục Trương Bá Cần trong cuốn “Nguyễn Trương Tộ con người và di thảo”, nhà Xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh, năm 1988.
Sự khác biệt của tiến sĩ Bùi Kha và những nhà nghiên cứu xưa nay là Nguyễn Trường Tộ có yêu nước không? Và chương trình “canh tân, thực dụng, đổi mới’ có giá trị gì không hay chỉ là một cái bánh vẽ cho một mục tiêu nào đó? Dưới đây tôi sẽ nêu ra 10 trong số nhiều điều mâu thuẫn trong các bản văn của Nguyễn Trường Tộ để độc giả thấy. Từ đó chúng ta có thể biết được tâm chất của ông một cách khá chính xác.
1. Nguyễn Trường Tộ đón quân Pháp. Dẫn: “…Khi tàu Pháp trở về Trà Sơn, Đà nẵng, thì thấy thuyền Nhà Chung đã ở đó rồi” (xem Châu bản Triều Nguyễn CBR 22/47). Các giáo sĩ Pháp tập trung khá đông đảo tại Đà Nẵng đứng đầu là Giám mục Pellerin, đã cùng nhau làm áp lực để quân Pháp chiếm đánh thẳng Huế cho chóng dứt điểm. Nhưng bộ chỉ huy quân sự Pháp đánh giá là không thể dễ dàng tiến đánh Huế mà phải chuyển hướng về Sài Gòn.. ..Đô đốc Rigault de Genouilly đã tìm cách bắt buộc các giáo sĩ Pháp, hoặc trở về nhiệm sở hoặc đi tạm lánh ở Hồng Kông. Giám mục Gauthier cùng với Nguyễn Trường Tộ và những người tháp tùng đã đi Hồng Kông trong những điều kiện như thế vào đầu năm 1859” (TBC, Sđd, tr. 22).
2. Nguyễn Trường Tộ giúp Pháp mở rộng vòng chiếm đóng.Dẫn: “…Hơn nữa, nếu Nguyễn Trường Tộ có đi Pháp thì sớm nhất là giữa năm 1859 mới tới nơi và khó có thể có mặt ở Hồng Kông đầu năm 1861 để cùng với Giám mục Gauthier trở về Sài Gòn, theo yêu cầu của Đô đốc Charner viên chỉ huy được giao trách nhiệm gom quân để mở rộng vùng chiếm đóng ở Sài gòn”(TBC, Sđd, tr. 22).
Léonard Victor Joseph Charner
3. Nguyễn Trường Tộ cố tình đánh giá sai lực lượng ta: Lúc tình hình quân Pháp vô cùng khốn đốn, có thể sẽ rút về nước. Nguyễn Trường Tộ khuyên triều đình cho lính nghỉ ngơi… Dẫn:
Nguyễn Trường Tộ viết:
“Khi ấy, giả sử ta có 10 vạn quân, cũng không đánh nhau được với họ. Phàm việc binh cốt ở thần tốc, họ đã biết rõ rằng, quân ta mới nghe thanh thế họ đã phách lạc hồn xiêu rồi” (Linh mục Trương Bá Cần, “`TBC. tr.107). Nguyễn Trường Tộ tiếp: “Theo cách ngày nay thì để quân lính nghỉ ngơi…để họ giử bờ cỏi cho mình, như có hổ trong rừng thì thì chồn cáo không dám bén mảng tới” (TBC, tr.111).
NHƯNG thực tế, tình hình quân viễn chinh Pháp vô cùng nguy khốn. Ngày 21/9/1859, Đô đốc R. de Genouilly viết:
“Càng đi sâu vào tình hình vương quốc An Nam, các bức màn càng vén lên, những lời khẳng định dối trá (của các giáo sĩ, BK) càng tan biến, không thể không thừa nhận rằng, cuộc chiến tranh chống lại xứ này còn khó hơn cuộc chiến tranh chống lại thiên triều...”.
Nguyên văn tiếng Pháp:
“... À mesure que l'on pénètre dans la situation de l'Emprire annamite, que les voiles se lèvent, que les assertions mensongères disparaissent, il est impossible de ne pas reconnaitre qu'une guerre contre ce pays est plus difficile qu'une guerre contre le Céleste Empire”. (Trích trong Dépêche de l'Amiral Rigault de Genouilly, Archives Nationals, Fond Marine # BB4 769, Cao Huy Thuan “Christianisme et Colonialisme au Viet Nam 1857-1914” (Đạo Công giáo và Chủ nghĩa Thực dân Pháp tại Việt Nam1857-1914 Paris, France, 1968, ronéo, pp.117-118).
Bonard cũng lo âu kêu cứu:
“Người An Nam đã tỏ ra dày dạn chiến đấu, họ đã làm đảo lộn vai trò, giờ đây họ tấn công chúng ta ngay những vị trí của chúng ta” (Poyen - Notice sur l'Artillerie de la Marine en Cochinchine - Paris 1893 - tr.81-82. Dẫn theo Thái Hồng trong cuốn Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước, tr.263).
Trước tình hình nguy ngập như trên, ngày 8/4/1859, một chỉ thị khác của Bộ Hải quân và Thuộc Địa gởi cho Đô đốc R. de Genouilly như sau:
“… Vì thế, Hoàng thượng tin cậy ở kinh nghiệm và sự sáng suốt của Ông trong mọi quyết định, với lực lượng dưới quyền Ông điều khiển, có nên theo đuổi việc thiết lập nền bảo hộ trên Vương quốc An Nam không; hay chỉ nên cưỡng bức Chính phủ họ, nhờ vào việc chiếm đóng Đà nẵng và nhiều cứ điểm khác mà Ông đã chiếm hay sẽ chiếm được. Cùng với việc phong tỏa một hay nhiều cảng ở Nam Kỳ để đi đến sự ký kết một hiệp ước trên nền tảng kế hoạch 25/11/1857; hay cuối cùng là chúng ta đành bỏ các vị trí mà chúng ta chiếm đóng và từ bỏ hẳn mọi mưu toan rõ ràng ngoài tầm các phương tiện hoạt động mà Ông có” (Thư khố Quốc gia, tài sản hải quân, B 84769, sđd, tr. 118&119).
Nguyên văn tiếng Pháp (Có thể xem, Bùi Kha “Nguyễn Trường Tộ & vấn đề canh tân”, Nhà xuất bản Văn học, 30.3.2011, tr.52). Hành động của Nguyễn Trường Tộ cố ý hoặc vô tình, chỉ có lợi cho Pháp mà thôi.
4. Nguyễn Trường Tộ cố tình nhận định sai về tôn giáo:
Nguyễn Trường Tộ viết:
“Còn như các giáo sĩ thì họ chỉ lấy việc mở rộng đạo giáo chống lại gian tà, làm trách nhiệm, chẳng liên quan gì đến những việc tranh thành tranh đất cả...” (TBC. tr. 111).
Trong “Giáo môn luận” Nguyễn Trường Tộ viết: “Xét ra đạo Công giáo vào nước ta từ thời Lê. Đầu tiên, các giáo sĩ Bồ Đào Nha đến giảng đạo ở tỉnh Hưng Yên, tiếp đến có các giáo sĩ người Pháp, người Y Pha Nho đến, được nhiều người tin theo. Lúc bấy giờ, giáo dân và những người trong ba đạo (Phật, Lão, Khổng) tuy tín ngưỡng khác nhau nhưng vẫn hòa ái tiếp đón nhau, lễ nghĩa đối đãi nhau, năng lui tới với nhau không có gì hiềm nghi, đều là con dân của nước nhà mà thôi. Từ khi ban hành lệnh nghiêm cấm thì mới sinh ra ghen ghét kỳ thị nhau, do ghen ghét kỳ thị nhau mới sinh ra tội lệ. Từ đấy, giáo dân bị phiền nhiễu đến nỗi phải lưu ly thất sở mà mắc vào vòng hình phạt. Nước vốn trong, có quấy lên mới bị đục, nếu ngừng thì chốc lát sẽ trong trở lại”(Giáo môn luận, TBC, Sđd, tr. 116).
NHƯNG mật thư đề ngày 24/7/1862, Đô đốc Bonard gởi cho Chasseloup Laubat viết như sau:
“Ai (các giáo sĩ, BK) cũng ôm ấp lý tưởng trở lại thời kỳ mà Giám mục Bá Đa Lộc được xem như ông vua thực sự của xứ An Nam, thời kỳ mà mọi việc chỉ có thể được thực hiện theo lời khuyến cáo của ông giám mục này, hoặc được ông cho phép. Để đạt mục đích đó, các nhà truyền giáo đã dùng kế hoạch sau đây: Nếu những ai nối vị vua Gia Long mà không theo ý của các ông giáo sĩ, thì họ sẽ tìm cách phủ nhận tính chính thống của vua này, và khi lật đổ được triều đình hiện tại thì sẽ bầu lên một ông vua khác theo ý họ”.
Nguyên văn tiếng Pháp: (Xem trong Bùi Kha, sđd, tr.73).
Và một đoạn khác trong thư đó viết về hành động của các giáo sĩ dòng tu Đô-Mi-Níc người Tây Ban Nha như sau:
“Còn tu sĩ dòng Dominique Tây Ban Nha thường chiếm cứ nhiều vùng miền thượng du Bắc Việt, họ lại còn bất trị hơn: Hăng hái và quá cuồng tín, đa số trong bọn này phát xuất từ các đoàn du kích và phe Carlistes, họ rời bỏ Tây Ban Nha và sẵn sàng mang gươm, súng và thánh giá chữ thập, dốc toàn lực tham dự vào các cuộc nổi loạn gây tai họa cho xứ Bắc Kỳ”.
Nguyên văn tiếng Pháp:
“Quant aux Dominicains espagnols qui occupent généralement le haut Tonkin ils sont beaucoup plus ingouvernables: ardents et fanatiques au dernier degré, un assez grand nombre d'entre eux sortant des bandes de guérillas et de carlistes ayant abandonné l'Espagne portent assez volontiers le sabre et le mousquet avec la croix et sont mêlés, et de coeur et le corps, aux révoltes qui affligent le Tonkin” (CHT, Sđd, p.152).
Để cho vấn đề được vô tư, rõ ràng và chính xác hơn, tại sao Triều đình nhà Nguyễn cấm đạo Công giáo, tôi xin trích dẫn ý kiến của Đô đốc Page trong văn thư đề ngày 14/12/1859 và 25/12/1859 sau đây:
“Thật vậy, trong lúc dân chúng hoảng hốt chạy trốn khi quân Pháp kéo đến và tổ chức vũ trang tự vệ, ở nơi đông dân thì 3000 tín đồ Công giáo đi theo Pháp và xin được đưa vô Sài Gòn là nơi mà Page đã dựng lên một thị trấn. Tôi ngạc nhiên biết bao khi hôm sau các nhà truyền giáo đến nói với tôi rằng các con chiên An Nam không tuân theo một quyền lực vô đạo, họ nói như thế. Sao! Họ cũng không muốn có cảnh sát để chận đứng trộm cướp du đãng, cướp bóc thành phố? Và tôi rất hổ thẹn khi thú nhận với Ngài rằng Giáo Hội Công giáo tại An Nam đã ngạo nghễ đi rao giảng các nguyên lý đó: Ngoài ra không người An Nam theo Công giáo nào ngần ngại xin gia nhập làm lính dưới cờ Pháp, ông vua An Nam không theo đạo, không phải là vua của họ. Chắc bây giờ ngài đã hiểu tại sao vua, quan đã coi các nhà truyền giáo là kẻ thù?” Phần tiếng Pháp, vui lòng xem: Bùi Kha, sđd, tr. 170&171).
5. Nguyễn Trường Tộ dối trá về Trường kỷ thuật:Trong việc mở trường (huấn nghệ, kỹ nghệ) yếu tố quan trọng hàng đầu sau trường sở, dụng cụ ... là phải có quyết tâm, thứ hai giáo chức phải có bằng cấp hoặc kiến thức chuyên môn về ngành mà mình được mời dạy. Theo tờ phúc trình của Giám mục Gauthier và Nguyễn Trường Tộ, ngày 23/2/1868 gởi cho vua Tự Đức thì các vị giáo chức có bằng cấp chuyên môn để dạy huấn nghệ, kỹ nghệ.
NHƯNG theo Hội truyền giáo Paris thì mấy vị này không có các bằng cấp hoặc khả năng mà tờ trình mô tả. Nguyên văn:
“Theo một tờ phúc trình của Giám mục Gauthier ngày 30 tháng 2 năm Tự Đức 21 (23/02/1868):
- Linh mục Thông (tức Montrouzies) biết phép toán, bản đồ các nước thiên hạ, in bóng (quang học), điện khí, phân ngũ kim; biết nói có thứ đất thứ đá ấy thì có những giống chi.
Nhưng theo ký sự của Hội Truyền giáo Paris, thì Linh mục Montrouzies trước khi nhập Hội Truyền giáo Paris, ngày 01/5/1867 đã đậu cử nhân văn chương.
- Linh mục Đồng (tức Renauld) biết phép toán, thiên văn, đo độ số mặt trời mà họa đồ bản, đo thiên xích cho được đi biển, biết phép cầu cao cầu viễn, biết đo đất cho biết nơi nào cao nơi nào thấp, biết bản đồ các nước thiên hạ, biết dùng truyền tin thẳng, biết làm thu lôi trụ.
Nhưng cũng theo ký sự của Hội Truyền giáo Paris thì sau khi học xong chủng viện, Linh mục Renauld gia nhập Hội Truyền Giáo Paris 14/10/1866 và theo học một khóa đặc biệt về kiến trúc và họa đồ một năm trước lúc lên đường sang Việt Nam.
- Giáo sĩ (tức bác sĩ Hernaiz) không phải linh mục hay tu sĩ mà chỉ là một nhân sĩ tôn giáo nên gọi giáo sĩ như Nguyễn Trường Tô cũng được gọi là giáo sĩ, thì không dạy học trò được vì nặng tai, nhưng cũng giúp Linh mục Thông mà phân tích các tính ngũ kim ngũ hành. Lại biết làm thuốc. Nhưng tới Việt Nam chưa được mấy ngày giáo sĩ này do bệnh cũ tái phát đã xin về Pháp trở lại.
- Còn Ca Xanh (nguyên tên là Ca Sa Nhi) là một người thợ máy, trước đã giúp việc tàu Thuận Thiệp, có lẽ do giám mục gặp ở Sài gòn đem về giới thiệu với triều đình, nhưng Ca Xanh đòi lương quá cao (320 đồng/tháng, tính ra tiền là 1.760) và đòi hỏi nhiều điều kiện, nên không dung” (TBC, Sđd, tr. 49-50).
Các đối chiếu nên trên chứng tỏ vua quan triều Tự Đức bị thầy trò Nguyễn Trường Tộ dối trá lừa bịp có hậu ý.
6. Nguyễn Trường Tộ kế sách viện dục anh và trại tế bần?
Ngày nay thì khác, nhưng thời Nguyễn Trường Tộ Việt Nam bị Pháp đô hộ, không có chủ quyền. Người nước ngoài ngay cả thường dân họ cũng được trị ngoại pháp quyền. Còn các linh mục, giám mục lại có quyền đặc biệt hơn nữa. Nhất là núp dưới chiếc áo chùng thâm, chúng ta thấy các linh mục, giám mục ngoại quốc đến Việt Nam với các nhiệm vụ tình báo, và muốn biến Việt Nam trở thành nước Pháp.
Do đó, nếu mỗi tỉnh có một viện dục anh do giám mục tình báo Gauthier cử người điều khiển thì sẽ tạo một màng lưới gián điệp và phản loạn toàn cõi Việt Nam:
Thí dụ 1: Vụ Xuân Hòa của Linh mục Ân (người Việt Nam) đã dựa vào chức linh mục và thế người Pháp cho phép những kẻ mới theo đạo ở làng Xuân Hòa (Huế) thuê giáo dân các làng bên cạnh tự tiện gặt các thửa ruộng đang tranh chấp.
Vài ngày sau bữa gặt lúa, gần 1.000 dân không đạo, võ trang gậy gộc đến giật lại lúa hiện đang chứa ở đình; bị giáo dân chống cự, sau một trận ẩu đả họ đã chạy trốn, bỏ lại 20 người bị bắt (Cao Huy Thuần, bản dịch tiếng Việt Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam. Hương Quê xuất bản, Hoa Kỳ, 1988, tr. 325).
Theo luật pháp của Việt Nam thời bấy giờ, Linh mục Ân sẽ bị đánh bằng roi hoặc bằng gậy nhưng Pháp che chở.
Thí dụ 2: Thiên Tân giáo án
Năm 1869, một số bà sơ người Pháp lập một cô nhi viện cạnh nhà thờ tại Thiên Tân - Trung Hoa, nhưng không có bao nhiêu người chịu đem trẻ mồ côi đến. Vì vậy, mấy bà sơ thưởng tiền cho những ai đem trẻ em đến. Hành động này làm cho dân chúng nghi là có việc mua bán trẻ con.
Ngày 21/6/1870, quan địa phương Trung Hoa đem kẻ tình nghi đến cô nhi viện để đối chất. Sự việc chỉ có thế, nhưng viên lãnh sự Pháp tại Thiên Tân là Henri Fontanier cùng với người bí thư là Tây Mông đến gặp quan đại thần Trung Hoa là Sùng Hậu, với thái độ xấc xược bắn súng dọa nạt và hạch sách Sùng Hậu.
Trên đường về, bọn Fontanier lại dùng súng bắn vào đám đông người Hoa và viên tri huyện Thiên Tân là Lưu Kiệt, khiến một người tùy tùng của viên tri huyện chết.
Đám quần chúng uất hận nên đánh chết Fontainier, Tây Mông và đồng bọn 20 người, đồng thời đốt nhà thờ và lãnh sự quán của Pháp. Sau đó, Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Đức, Bỉ và Tây Ban Nha, liên hiệp với nhau đem quân vây Thiên Tân, dọa gây chiến. Triều đình nhà Thanh phải chịu xin lỗi, bồi thường tiền cho nước Pháp, cách chức và giáng viên tri phủ và tri huyện Thiên Tân xuống làm lính, đồng thời phạt 20 người và phải xử tử 20 người Hoa khác để làm vừa lòng Pháp và các nước (theo The New Encyclopedia Britannica, Helen Hemingway Benten, Publisher 1973-1974. Cuốn 7, tr. 770. Bách khoa đại tự điển bằng chữ Nho.
Thí dụ 3: Năm 1850 ở Trung Quốc có loạn Thái Bình Thiên Quốc với đạo quân Giê Su, Hồng Tú Toàn chỉ huy con chiên đánh chiếm nhiều tỉnh.
Thí dụ 4: Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn Duyệt, chiếm toàn tỉnh Gia Định năm 1835. Giáo sĩ Marchand (cố Du) đóng vai cố vấn và yểm trợ với âm mưu thiết lập một Vương quốc Công giáo ly khai.
Thí dụ 5: Cùng thời (khoảng 1872), tại Bắc Kỳ, Tạ Văn Phụng được các giáo sĩ đổi tên thành Lê Duy Phụng rồi cùng với giáo dân nổi loạn chống lại Triều đình núp dưới chiêu bài “Khôi phục nhà Lê”.
Thí dụ 6: Ngay cả sau khi Nguyễn Trường Tộ chết, Linh mục Trần Lục, quản xứ Phát Diệm, năm 1886 nhận phép “lành” của Giám mục Puginier rồi tiếp viện cho quân Pháp 5.000 giáo dân. Vì vậy, chiến lũy Ba Đình của Đinh Công Tráng bị thất thủ (...père Tran Luc, curé de Phát Diệm
Celui-ci avec la bénédiction de Mgr. Puginier vint à la rescousse des Francais avec 5000 chrétiens. Et Ba Dinh fut pris (Linh mục Trần Tam Tĩnh trong cuốn Thập giá và lưỡi gươm (Dieu et Casar)), Paris 10. 1978, pp. 41-42).
Hiện tượng núp bóng tôn giáo cho mục tiêu chính trị và quân sự cũng được công sứ Bonnal cho biết: “Khimột giáo sĩ đã thiết lập được một xứ đạo trong một làng rồi thì chuyện gì sẽ xảy ra? Người bản xứ từ chối không đóng thuế, và tuyên bố không thừa nhận chính quyền nào ngoài chính quyền của ông giáo sĩ, là người đích thân dạy cho giáo dân không thừa nhận chính quyền nào ngoài chính quyền của giám mục...”(Nguyễn Xuân Thọ, Sđd, tr. 360-361).
Giám mục Puginier cũng nói thẳng:
“Không có các giáo sĩ và giáo dân thì người Pháp cũng giống như cua bị bẻ gãy hết càng”(Sans les missionnaires et les chrétiens, écrit Mgr. Puginier, les Francais seraient comme les crabes auxquels on aurait cassé toutes les pattes).
Hành động của giáo sĩ người Tây và giáo dân như thế mà Nguyễn Trường Tộ lại đề nghị mỗi tỉnh mở một viện mồ côi và nhà dưỡng lão, rồi lại nhờ ông tình báo Gauthier cử tu sĩ đến cai quản. Tu sĩ sẽ đổi đạo dân trong vùng, sau đó hô hào con chiên tổng nổi dậy cướp chính quyền toàn cõi Việt Nam thì Triều đình vô phương đối phó.
6. Nguyễn Trường Tộ ngăn chận việc cử phái bộ đi Pháp: Di thảo số 36, ngày 7/4/1868, Nguyễn Trường Tộ khuyên triều đình nên bãi bỏ việc cử phái bộ đi Pháp để có lợi cho Đô đốc La Grandière.
Dẫn:“Tình hình Âu châu lúc này rất bất lợi, không cho phép Pháp tiến hành một cuộc chiến tranh mới. Đô đốc La Grandière nhận được lệnh phải từ bỏ mọi dự định chiếm đóng 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ...
Chính phủ Pháp phản đối mọi biện pháp vũ lực có thể làm nước Pháp lâm vào một cuộc chiến lâu dài với Triều đình Huế. Nhưng Đô đốc La Grandière trông đợi ở sự thành công của hành động của ông để đặt chính phủ Pháp trước một sự việc đã rồi. Tân Bộ Trưởng Hàng Hải, Rigault de Genouilly, luôn luôn khuyến cáo La Grandière phải tránh tất cả những gì có thể làm cho Triều đình Huế lo ngại. Ngày 10/6/1867, ông còn viết cho La Grandière là: Mặc dầu tình trạng (chính trị Âu châu) bớt căng thẳng hơn, nhưng cho tới khi có lệnh mới, ông đừng nghĩ tới chuyện biểu dương lực lượng đối với 3 tỉnh. Cho nên, phản ứng đầu tiên của Rigault de Genouilly khi được tin quân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây là bất mãn đối với La Grandière... Điều quan trọng đối với ông (La Grandière, BK) là làm sao khiến triều đình Huế chấp nhận sự việc đã xảy ra (đã chiếm 3 tỉnh miền Tây, BK); ngày 30/ 6/1867, ông gởi thư cho vua Tự Đức để đề nghị thương lượng, nhưng vua Tự Đức bằng một văn thư lời lẽ cứng rắn, trách cứ La Grandière đã lạm dụng sức mạnh mà xâm phạm quyền lợi của chính phủ Việt Nam... Nhà vua còn tỏ ý là sẽ phái sứ giả sang Paris để thương lượng thẳng với chính phủ Pháp” (Nguyễn Thế Anh, Việt Nam thời Pháp đô hộ, Lửa thiêng, Sài gòn tr. 54, 58-60).
Vua Tự Đức nhất quyết không chịu thương thuyết với La Grandière, nên tên thực dân này đã sử dụng đường lối chính trị khác.
Như vậy, nếu triều đình Huế cử sứ bộ đi Pháp thì La Grandière sẽ bị thượng cấp khiển trách hoặc bãi nhiệm và Việt Nam có thể đã lấy lại được 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Nguyễn Trường Tộ viết thư khuyên triều đình Bãi bỏ việc cử sứ bộ đi Pháp vào năm 1868.
8. Nguyễn Trường Tộ đề nghị đào kênh từ Hải dương đến Huế.
Từ Hải dương (gần Hải phòng) đến Huế là khoảng 300 km, với dân số, kỷ thuật máy móc và tài chánh hiện nay, nhà nước chúng ta có thể đủ sức để đào một con kênh vượt núi vượt đèo như thế không? Hơn nữa, thời bấy giờ có nạn vua nhà Nguyễn bắt dân lao dịch việc xây lăng tẩm quá khổ sở. Thợ nổi dậy, biến cố nầy có tên là nạn “Chày vôi” với hai câu thơ còn lưu truyền:
“Vạn niên là vạn niên nào,
Thành xây xương lính, hào đào máu dân.”
Như thế, việc Nguyễn Trường Tộ đề nghị đào kênh từ Hải dương vào Huế là quá không tưởng, không bao giờ có thể thực hiện đươc, ngay cả nền kinh tế và kỷ thuật tân tiến ngày nay. Đó là chưa nói, phải chăng việc tổ chức đào kinh là một âm mưu để dân chúng có lý do thêm để nổi loạn quy mô rộng lớn gấp cả triệu lần nạn Chày vôi. Ngoài giặc Pháp tấn công.
9. Nguyễn Trường Tộ sát cánh với tình báo. Giám mục Sohier, nhất là Giám mục Gauthier, thầy đỡ đầu và sát cánh với Nguyễn Trường Tộ suốt gần 20 năm là một tên tình báo. Dưới đây là sáu sử liệu:
Sau khi hiệp ước 1862 ký giữa Việt Nam, Pháp và Tây Ban Nha, Triều đình vua Tự Đức kiếm cách chuộc lại 3 tỉnh đã mất. Trong chiều hướng này, một người Ki Tô cuồng nhiệt là Trung Tá hải quân Aubaret vận động, được bộ ngoại giao Pháp và vua Napoléon III đồng ý. Vì thế, một hiệp ước mới (thế hiệp ước cũ 1862) được bộ ngoại giao và bộ hải quân soạn thảo theo quan điểm của vua Napoléon III, và được ký tại Huế ngày 15/01/1864.
Theo hiệp ước này, 3 tỉnh bị chiếm trong năm 1862 được trả lại cho Việt Nam, ngoại trừ thành phố Sài Gòn, Mỹ Tho, Vũng Tàu và Côn Đảo. Để đổi lại việc trả 3 tỉnh này, Pháp có quyền bảo hộ 6 tỉnh Nam bộ, 3 hải cảng Đà nẵng, Ba Lạt và Quảng Nam...
Theo Hiệp ước 1864, Aubaret chủ trương chiếm Nam Kỳ bằng con đường tôn giáo và thương mại.
a. Gauthier theo phe Aubaret:
Về phía các nhà truyền giáo cũng chia làm 2 phe, phe chống, phe bênh. Trong phe ủng hộ có Giám mục Gauthier hai người có liên hệ đến việc mở trường nói trên. Thư của Giám mục Lefèbre viết cho Linh mục Pernot, cho chúng ta thấy điều đó:
“Hiệp ước Aubaret bị dìm, đó không phải là điều rủi ro. Chỉ có Giám mục Sohier và Giám mục Gauthier là tán đồng hiệp ước, nhưng đứng trên quan điểm chính trị thực sự và quyền lợi của hội truyền giáo chúng ta, việc trả lại 3 tỉnh để lấy tiền thật là một sự ngu ngốc kỳ lạ.”
Nguyên văn tiếng Pháp (Bui Kha, tr. 138)
Giám Mục Jean Denis Gauthier
b. Gauthier được mời họp mật:
Năm 1872, tàu Bouragne chở Trung tá Hải quân Senez ra Bắc Kỳ để dò xét tin tức cho một cuộc chiếm cứ vùng nầy. Trong thư báo cáo của Hạm trưởng Senez gửi cho Đô đốc Dupré chúng ta thấy có mời Giám mục Gauthier họp mật với vị Sĩ quan Senez này:
“... Vừa lên bờ, tôi gởi ngay thư cấp tốc cho Giám mục Gauthier cách đó lối mười cây số và hẹn gặp ở trong làng. Chúng tôi sống suốt ngày giữa đám dân Thiên Chúa giáo, họ rất niềm nở với chúng tôi... Lúc 4 giờ, chúng tôi thấy một nhà truyền giáo, Cha Frichot đến nói chuyện với chúng tôi vì Giám mục đi vắng. Cha xác nhận lại những gì mà chúng tôi biết lúc sáng do sự tiết lộ của những phái viên: Loạn lạc ngày càng bành trướng, từ các tỉnh Lạng sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang lan đến Sơn Tây, Bắc Ninh, Quảng Yên, Hải Dương và những người khởi nghĩa làm loạn, trộm cướp, đã làm những điều cực kỳ táo bạo…
Nguyên văn tiếng Pháp (có thể xem Bùi Kha, tr. 140).
c. Giám mục Gauthier viết: “Triều đình Huế chỉ nghe tiếng nói của đại bác mà thôi”.
Trong thư đề ngày 12/02/1873 và ngày 19/02/1873 gửi cho Đô đốc Dupré, Giám mục Gauthier viết:
“Cuộc chiến này làm hao mòn tài chánh và giết hại những tinh hoa của dân tộc (dĩ nhiên là dân tộc Pháp, BK). Giám mục Gauthier viết như vậy và còn than phiền về những việc sách nhiễu con chiên. Theo tôi, (Giám mục Gauthier) khi nói đến Triều đình Huế và quan lại. Các người đó chỉ có nghe theo tiếng nói của đại bác, còn thì điếc hẳn không nghe gì khác”.
Nguyên văn tiếng Pháp (BK. tr. 142).
d. Gauthier muốn có một chính phủ Ki Tô tại Bắc Kỳ.
“Bằng những sự phóng đại đó, các kẻ truyền đạo cố lôi cuốn các viên chỉ huy quân sự Pháp vào các cuộc chinh chiến và họ tin rằng một khi sự xung đột tái diễn thì nhất định Pháp sẽ mắc kẹt trong guồng máy chiến tranh.
Tôi tin rằng, Giám mục Gauthier và Giám mục Puginier, nhất là ông thứ nhì, không chịu nổi ý kiến một giải pháp hòa bình cho vấn đề: Giải pháp nầy sẽ phá tan hy vọng của họ mong muốn thấy một chính phủ riêng biệt, chính phủ nầy có lẽ sẽ là một chính phủ Công giáo. Các tín đồ Công giáo lại càng phóng đại hơn nữa các ý tưởng đó và xúi giục các linh mục, các người chăn dẫn họ để đưa đến một sự đổ vỡ mới giữa hai chính phủ... Suốt ngày, chúng tôi nhận tới tấp các báo cáo và các lời yêu cầu đem quân chinh phạt các tỉnh đó”.
Nguyên văn tiếng Pháp (BK, tr.143).
e. Tại sao giám mục Gauthier muốn có một chính phủ Ki Tô tại Bắc Kỳ?
Trả lời: Sẽ dễ dàng biến người Bắc Kỳ trở thành Ki Tô giáo hoàn toàn. Có ích gì lúc người Bắc Kỳ trở thành Ki Tô? Giám mục Puginier trả lời thế cho chúng ta:
“Tôi xác nhận rằng, khi nào Bắc Kỳ trở thành Công giáo, thì nó cũng trở thành một nước Pháp nhỏ, hoàn toàn giống như các đảo Philippines đã thành một nước Tây Ban Nha nhỏ…
Nguyên văn tiếng Pháp (BK. tr.144).
Tất cả các giám mục, linh mục Pháp đều là những tên thực dân cuồng nhiệt. Trong số đó, Giám mục Puginier được xếp hạng nhất, Giám mục Gauthier, thầy của Nguyễn Trường Tộ đứng hạng nhì. Là hai kẻ đắc lực và nguy hiểm nhất trong chủ trương biến Bắc Kỳ thành một nước Pháp nhỏ và độc lập khỏi Triều đình Huế. Giám mục Puginier đã uổng công đích thân đến Sài Gòn (từ Bắc Kỳ, BK) để bàn trực tiếp với Đô đốc Dupré, nhưng Dupré vẫn cương quyết không can thiệp vào những vấn đề của nội bộ Bắc Kỳ.
Giám mục Puginier
Biến Bắc Kỳ trở thành một nước Pháp nhỏ sau khi đã đổi đạo dân Bắc, Đô đốc Dupré chỉ trích là quá nguy hiểm. Trong thư gửi cho Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa ngày 30/12/1874 cho chúng ta thấy điều đó:
Dupré viết: “Những lần tôi nói chuyện với Giám mục Puginier. Trước khi ông rời Sài Gòn, lòng tôi vẫn không thay đổi: Vì thế, tôi vẫn giữ nguyên các nhận xét mà tôi đã trình bày với ngài, dù vị Giám mục này đã khổ công khuyến cáo rằng, hãy bỏ cái chính nghĩa đã tạo cho dân chúng (An Nam) có cảm tình với nước Pháp và theo con đường mà ông Garnier, một anh hùng bị kết án, đã vạch sẵn, nhưng người ta đã không biết những khó khăn của tình thế, do viên sĩ quan khốn nạn này để lại mà chúng ta phải gánh chịu”.
f. Giám mục Gauthier thuyết phục, nhưng Dupré cũng không thay đổi ý kiến:
“Chắc chắn tôi sẽ không làm vừa lòng hoàn toàn Giám mục Gauthier được, ông ta quá hăng say và trong nhiều trường hợp tôi nhận thấy thật sự quá nguy hiểm nếu nhắm mắt nghe lời của ông giám mục này”.
Nguyên văn tiếng Pháp (BK. tr. 146-147).
10. Nguyễn Trường Tộ với kế hoạch đánh úp Giađịnh được viết ngày 9/2/1871. Vì tình yêu tổ quốc và tự ái dân tộc, nên cụm từ Bổ túc kế hoạch đánh úp Gia Định dễ khiến chúng ta có nhiều thiện cảm với Nguyễn Trường Tộ.
Trước đó 7 năm (1863), ông đề nghị cho lính nghỉ ngơi để thực dân Pháp giữ bờ cõi cho mình. Năm 1868, La Grandière bất chấp lệnh của chính phủ ông là Không được chiếm 3 tỉnh miền TâyNam Kỳ, nhưng y vẫn làm. Vua Tự Đức phản đối việc này và định cử sứ bộ qua Pháp tố cáo La Grandière đã lạm quyền và đòi trả lại 3 tỉnh mới chiếm. Nếu sứ bộ đi Pháp thì có thể 3 tỉnh ấy có thể đã được trao trả, nhưng Nguyễn Trường Tộ viết bài chiêu dụ cản ngăn. Đến nay (1870), Pháp thua Phổ nhưng đã cho lính nghỉ ngơi từ lâu lấy ai để đánh? Ông lại bày mưu đánh. Nhưng đề nghị bí mật tuyển người từ Bắc, Trung và một số khác tại địa phương, chứ không hề đề cập đến các phong trào đang kháng Pháp tại Nam Kỳ, như Thiên Hộ Dương, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực v.v…, và kêu gọi họ hợp tác hay ủng hộ để đuổi kẻ thù chung? Nguyễn Trường Tộ còn nói ông cũng vào Gia Định để chỉ huy nhưng ngụy trang đi giảng đạo, và đồng thời báo tin cho ông Giám mục tình báo Ngô Gia Hậu (Gauthier) biết. Trong bài chiêu dụ này, có thêm vài chi tiết rất quan trọng khác chúng ta cần lưu ý:
(a) Ông Tộ tiết lộ: “Như lần trước, lúc tôi ở Gia Định, nguyên soái Gia Định đã nhiều lần muốn đem công việc bộ Công giao hết cho tôi”(TBC, Sđd, tr. 327). Điều này cho thấy ông ta được đô Đốc La Grandière tin dùng đến mức đem công việc bộ Công giao hết cho y.
(b) Nguyễn Trường Tộ viết: “Đến đêm khởi sự, một mặt tôi dùng kế (Khoản này các câu bẩm trước chưa nói đến) phá đê ngăn nước thì các thuyền Tây ở mặt dưới, không kể lớn nhỏ đều bị chìm hoặc bị vùi dưới bùn, hoặc trôi xuống ngã ba mà tan rã hết” (TBC, Sđd, tr. 330). Tại Gia Định, và cả miền lục tỉnh, thời bấy giờ và ngay thời bây giờ làm gì có sông nào, đê nào ngăn nước để phá để thuyền Pháp sẽ bị chôn vùi? Và Nguyễn Trường Tộ tự phá một mình hay có ai phụ? (giả thiết có đê)? Và dụng cụ để phá đê có bao nhiêu cái cuốc cán tre, hay phá bằng tay?
Và dưới đây là một đề nghị rất quan trọng:
(c) Nếu Nguyễn Trường Tộ đề nghị đánh gấp, thì ông ta quả tình là một người yêu nước không còn phải bàn cãi. Nhưng rất tiếc, ông viết: “Kế này phải đòi hỏi khoảng hai năm mới thành”(TBC, Sđd, tr. 331). Thời gian hai năm đã tố cáo cái dã tâm của ông.
Thật vậy, Nguyễn Trường Tộ nói đến chuyện đánh nhưng không phải đánh ngay bây giờ; sau tháng 9/1870, thời cơ đã đến, mà phải hai năm sau, tức là 1873. Tại sao vậy? Vì nếu đánh bây giờ thì ta nhất định thắng mà Pháp chắc chắn thua. Đó là điều mà ông Tộ không bao giờ muốn! Chứng minh?
Một, như trên đã nói, ông Tộ đề nghị sử dụng những thường dân (không phải lính) chiêu mộ từ Bắc, Trung, Nam chứ không kêu gọi nghĩa quân tại địa phương, người vừa có tinh thần chiến đấu vừa đã được huấn luyện và có kinh nghiệm…, thì làm sao thắng được?
Hai, lịch sử cho thấy nếu đánh vào giai đoạn sau tháng 9/1870 Việt Nam nhất định thắng. Dưới đây là sử liệu:
“Ở Âu châu, chiến tranh bùng nổ giữa nước Pháp và nước Phổ ngày 19/7/1870, nhưng mãi tới ngày 5/8/1870 tin ấy mới tới Sài Gòn. Cornulier-Lucinere vội cho tổ chức sự phòng thủ sông Sài Gòn vì sợ rằng triều đình Huế thừa cơ hội mà tiến quân xuống miền Nam hay ra lệnh cho lục tỉnh Nam Kỳ nổi loạn. Song cả cho đến ngày 25/9/ 1870 là khi tin quân Pháp đại bại ở Sedan tới Sài Gòn, triều đình Huế vẫn án binh bất động. Quốc triều chánh biên toát yếu chép là: Năm Canh Ngọ tháng 9, nước Đại Pháp đánh với Phổ Lỗ Sĩ, quan Pháp soái thương cho ta biết, ngài khiến quan thương bạc hỏi thăm. Thái độ của triều đình Huế còn kỳ quặc hơn khi triều đình tỏ lòng mong muốn quân Pháp sẽ rút khỏi Nam Kỳ để trở về Pháp cứu vãn tổ quốc lâm nguy. Triều đình đã hoàn toàn không lợi dụng những nỗi khó khăn của Pháp khi nền đệ nhị thể chế sụp đổ thay thế bởi một chính thể cộng hòa, và khi mà quân Pháp bị cô lập ở Nam Kỳ” (Nguyễn Thế Anh, Sđd, tr. 66).
Mấy hàng đầu của bài Kế hoạch thu hồi 6 tỉnh (viết trước bài Bổ túc kế hoạch đánh úp Gia Định8 ngày), ông Tộ nói: “Đại phàm việc thiên hạ, để thời cơ trôi qua mà hối tiếc... gặp thời làm được thì gấp rút ra tay, không bỏ lỡ cơ hội”.
Nói một đường làm một nẻo, một người mâu thuẫn dối trá không biết ngượng, thế mà cũng được ông Nguyễn Đình Đầu và Giám mục Nguyễn Thái Hợp nhắm mắt ca tụng.
Giả sử triều đình bị mắc lừa bởi kế hoạch của ông Tộ, hai năm sau mới đánh, thì kết quả sẽ thế nào? Hai năm sau tức là năm 1873. Lúc này Việt Nam ở vào thế rất yếu nhưng Pháp rất mạnh, khó lòng thắng. Vì tại chính quốc, tình hình chính trị đã được ổn định, chính phủ mới đã được thành lập. Tại thuộc địa, Pháp đã bình định 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ được 11 năm, và 3 tỉnh miền Tây được 6 năm. Họ rất rảnh tay. Còn tại Bắc Kỳ, chính phủ Pháp ngăn cấm Đô đốc Dupré về một cuộc phiêu lưu mới tại Bắc Kỳ, nhưng cũng giống như La Grandière, ông ta không tuân lệnh thượng cấp. Và các viên chức trong tòa lãnh sự Pháp tại Trung Hoa cũng muốn chính phủ họ chiếm Bắc Kỳ như Dupré. Sử liệu cho thấy:
Vào năm 1873, lãnh sự Pháp ở Quảng Đông, Bá tước Chappedelaine, báo cáo về Paris như sau: Ở Bắc Kỳ, quan lại An Nam bị thù ghét dữ dội. Không phải dùng đến 2000 người và 4 tuần dương hạm, mà chỉ cần phái một tuần dương hạm cùng vài pháo hạm và một đại đội thủy quân lục chiến tới cửa sông Hồng Hà là đủ làm xứ Bắc kỳ trở thành một thuộc địa Pháp (J. Dupis, Le Tonkin de 1872 à 1886, Histoire et Politique. Paris, 1910, p. 125. Dẫn theo Nguyễn Thế Anh, Sđd, tr. 81). Nguyễn Trường Tộ, một người yêu nước, cao kiến, sáng kiến lớn là thế đấy!
Nếu nhìn kế sách này dưới khía cạnh tình báo, gián điệp và phản gián, chúng ta sẽ biết thêm một số dụng tâm khác của Nguyễn Trường Tộ lúc đề nghị phải hai năm nữa mới đánh chứ không phải bây giờ. Mời độc giả đọc tiếp, để hiểu rõ thêm cái dụng tâm của ông.
Kế hoạch thu hồi 6 tỉnh: viết ngày 01/02/1871, và Kế hoạch đánh úp Gia Định viết ngày 9/02/1871. Hai bài này viết cách nhau chỉ có 8 ngày, mâu thuẫn với nhau và cũng được viết theo kiểu nước rút. Tại sao vậy? Vì tình hình chính trị và quân sự của Pháp quá nguy khốn như sử liệu dẫn trên cho thấy. Tại chính quốc, Pháp bị tang gia bối rối vì thua Phổ. Triều đình Napoleon III bị giải tán, chính phủ mới chưa thành lập, một quốc gia vô chủ. Đó chính là thời điểm nghìn năm một thuở để đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước bằng võ lực, nhưng triều đình vua Tự Đức lại quá ngây thơ không chịu đánh. Dẫu vậy, quân đội Pháp tại Nam Kỳ dĩ nhiên là thấp thỏm đứng ngồi không yên vì run sợ một trận đánh úp của quân đội Việt Nam có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, ông Tộ hẳn được lệnh quan thầy phải gấp rút viết các bài chiêu dụ, để kẻ thù của Pháp sử dụng con đường ngoại giao thay vì quân sự. Trong đó có việc cử phái đoàn đi Pháp, đi Anh và Y Pha Nho để vận động xin lại phần lãnh thổ bị chiếm, chứ không dùng võ trang. Đó là kế đẩy đối phương (Việt Nam) về hướng khác, hướng ngoại giao.
Tuy vậy, khuyên theo kế sách ngoại giao trông lộ liễu và phi lý quá đáng! Hơn nữa, để cầm chắc triều đình Việt Nam theo con đường đi xin chứ không dùng võ lực, nên 8 ngày sau, ông Tộ lại viết bài chiêu dụ Kế hoạch đánh úp Gia Định nhằm nhận diện xem ai xuất hiện đề nghị đánh, thì Pháp sẽ tiêu diệt ngay từ đầu. Và nhóm nào muốn đánh nhưng không thể bắt hoặc cản ngăn được thì dùng kế hoãn binh, khuyên không nên đánh bây giờ mà phải hai năm sau!
Nói gọn, thời vua Tự Đức có hai cơ hội tốt nhất để đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi.
- Cơ hội một là từ 1858 đến 1863. Nếu toàn dân và triều đình một lòng quyết chiến chứ không hòa thì Pháp đã rút khỏi Việt Nam như thư mật của các Đô đốc Pháp cho thấy ở phần trước. Nhưng Nguyễn Trường Tộ khuyên nên cho lính nghỉ ngơi, hợp tác và để Pháp giữ bờ cõi cho mình!
- Cơ hội hai là từ tháng 9 năm 1870 đến nửa năm 1871, Pháp thua Phổ, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Pháp bị rối loạn. Đó là một cơ may hiếm có, nếu đánh thì tất thắng, nhưng ông Tộ khuyên nên theo đường lối ngoại giao. Tuy vậy, vẫn sợ quân đội Việt Nam có thể đánh, nên ông cũng bày ra chuyện đánh, nhưng không đánh bây giờ, mà phải hai năm sau.
Rõ hơn, 7 bài viết của ông Tộ từ tháng 2 đến tháng 5/1871, chỉ xoáy vào một trọng điểm mang tính sinh tử cho số phận, chiến lược và chính sách thuộc địa của Pháp là tránh, đừng để Việt nam sử dụng vũ lực đối với quân Pháp tại Nam Kỳ. Và nếu để ý thêm, chúng ta sẽ thấy rằng, hầu hết 58 bài chiêu dụ của Nguyễn Trường Tộ cũng chỉ nhắm vào hai điểm then chốt.
Một, bằng mọi cách, phải kêu gọi hòa và hợp tác chứ đừng bao giờ để quân dân Việt Nam sử dụng võ lực đối với thực dân Pháp.
Hai, sử dụng tất cả các thủ đoạn chính trị lươn lẹo để đưa các ông giám mục, linh mục lọt vào hầu hết các cơ quan công quyền nhằm Công giáo hóa rồi Pháp hóa dân tộc ta. Để che đậy các âm mưu ấy, Nguyễn Trường Tộ phải giả vờ nguyền rủa Pháp, phải sử dụng những danh từ hoa mỹ, phải bày ra chương trình này, kế hoạch nọ để đánh lạc hướng và đẩy triều đình theo con đường mà thực dân Pháp và Vatican mong muốn.
Cũng thế, hành động của Nguyễn Trường Tộ giống như ông Huỳnh Văn Trọng, một điệp viên tình báo cao cấp của miền Bắc, được gài vào chức cố vấn cho cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam trước năm 1975 tại Sài Gòn. Ông Trọng phải giả bộ phê bình Bác và Đảng, phải chê bai các nước Cộng sản thậm tệ, phải năng nổ bày ra kế hoạch này chính sách nọ…, mới có thể che được mắt cơ quan tình báo của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa, để hoàn thành nhiệm vụ mà đảng và nhà nước đã tin tưởng giao phó.
Tóm lại, muốn đánh giặc, phải có ít nhất các điều kiện sau đây:
- Số lượng và quân ngũ đã được huấn luyện.
- Ước lượng thành phần của địch,
- Khí giới, quân nhu, quân dụng, lương thực của ta và ước lượng của địch,
- Đồng minh với các lực lượng địa phương nếu có,
- Quân trừ bị, lực lượng vận tải lương thực và khí giới,
- Y tế, cứu thương,
- Nghiên cứu khí hậu, địa hình, đồ trận của ta và địch,
- Tiên đoán sự thành công và thất bại…
Do đó, nên đọc lại 8 điều tối thiểu cần có cho một trận đánh (nêu trên), và để tránh việc tự mình làm mất thêm uy tín, Giám mục Nguyễn Thái Hợp và ông Nguyễn Đình Đầu nên thận trọng lúc viết câu thiếu cơ sở, lập lờ và lưỡng nghĩa: “Giả thử kế hoạch đánh úp Gia Định của Nguyễn Trường Tộ được thi hành!”
KẾT LUẬN
Trong 9 năm (từ 1863-1871) Nguyễn Trường Tộ thập thò sau bấc màn canh tân, đổi mới, thưc dụng… để dối triều đình và gạt dân ta qua một số trong nhiều hành động được tóm lược sau đây:
1. Đến đón quân Pháp tại cửa Mành sơn Đà Nẳng,
2. Giúp phó Đô đốc Charner mở rộng vòng chiếm đóng tại Sài gòn,
3. Khuyên triều đình cho lính nghỉ ngơi để cứu nguy cho quân Pháp đang hấp hối,
4. Canh tân Võ bị thì đã có trong cuốn Tôn Ngô binh pháp,
5. Canh tân đất nước thì có 4 ông linh mục việt gian, “lưng mềm dể uốn chạy theo chủ mới”: Nguyễn Hoằng, Nguyễn Điều, Nguyễn Lâu và Nguyễn Trường Tộ,
6. Mở trường kỷ thuật thì có 3 ông linh mục mới học hết chương trình chủng viện; một ông thì điếc không nghe được,
7. Mở viện dục anh do giám mục tình báo cử người coi sóc,
8. Đề nghị đào kênh từ Hải dương đến Huế để có thể dân nổi loạn,
9. Cản ngăn triều đình đi Pháp khiếu nại để đòi lại 3 tỉnh,
10. Cố vấn thì có Giám mục tình báo Gauthier và liên hệ với ông tình báo nầy đến gần 20 năm.
10 hành độngkhông thể chấp nhậncủa Nguyễn Trường Tộ nêu trên và kế sách PHẢI HÒA, nên Pháp chiếm từ 3 tỉnh, rồi 6 tỉnh, cuối cùng chiếm toàn vẹn lãnh thổ. Có bao giờ ông Nguyễn Trường Tộ xin lỗi quốc dân và triều đình về những ý kiến rất sai trái của mình?
Một người như thế, mong Giám mục Nguyễn Thái Hợp và ông Nguyễn Đình Đầu cho độc giả biết quan điểm của hai ông.
Phan Văn Vương
Cần Thơ, 14/12/2011