Sau khi bài viết “
100.000 USD mỗi ngày” đăng trên
tongiaovadantoc.com, bạn đọc Văn Dũng đã nhận xét rằng bài viết của tôi chỉ mới gợi ý chứ chưa khẳng định,… Tôi thừa nhận những điều Văn Dũng nói là xác đáng. Trong khi chưa có điều kiện đến Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Lãnh sự quán Mỹ tại Tp.Hồ Chí Minh để tìm hiểu trực tiếp, tôi lướt web với từ khóa là “
thủ tục đi Mỹ” và đã nhận được rất nhiều tin, bài liên quan.
Như vậy việc tôi nói rằng hiện mỗi ngày có khoảng 1000 người Việt Nam góp tiền cho nước Mỹ là có cơ sở. Chúng tôi lược ghi một số ý kiến của bạn đọc đã đăng trên báo Tuổi Trẻ
:
1.
Thủ tục xin visa vào Mỹ, do ông John Aloia – trưởng bộ phận visa không di dân và ông Gregory Adamson – trưởng bộ phận visa di dân của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Tp.HCM tư vấn trực tuyến cho mọi người tham gia.
Buổi tư vấn trực tuyến do Tuổi Trẻ tổ chức vào sáng 17-10 - 2007 đã nhận được hơn 1.000 câu hỏi về thủ tục xin visa vào Mỹ với mục đích nhập cư, du lịch, thăm người thân...
Tư vấn cho bạn đọc là ông John Aloia, trưởng bộ phận visa không di dân, và ông Gregory Adamson, trưởng bộ phận visa di dân của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM.
* Tôi muốn xin visa thăm người thân, cần phải làm thủ tục gì? (Phisonn@). Tôi muốn sang Mỹ thăm người thân thì chi phí ra sao? (tuancan1105@)
- Ông John Aloia: Thông tin tổng quát liên quan đến xin visa không di dân, bạn có thể tham khảo trên website http://hochiminh.usconsulate.gov. Để xin visa không di dân, bạn cần chứng minh ba điều: không có ý định đi khỏi VN; khoảng thời gian đi du lịch hoặc thăm thân nhân phải được xác định và có giới hạn; những hoạt động của bạn khi đi thăm thân nhân hoặc du lịch tại Mỹ phải tuân theo pháp luật của Mỹ (ví dụ: trong thời gian thăm thân nhân hoặc du lịch, bạn không được phép làm việc). Nói chung, bạn phải thuyết phục với viên chức lãnh sự trong cuộc phỏng vấn rằng bạn không phải là người có ý định di dân qua Mỹ bằng cách chứng minh các ràng buộc về tài chính, kinh tế, xã hội và gia đình đủ mạnh để bạn sẽ quay về VN sau chuyến đi.
Đối với tất cả các loại visa không di dân thì bạn phải chịu một mức phí phỏng vấn không hoàn trả là 100 USD.
* Tôi có hồ sơ xin định cư tại Mỹ theo diện cha mẹ bảo lãnh con nhưng chưa đến hạn xét. Tôi có thể xin visa vào Mỹ du lịch được không? (cao.saigon@)
- Ông Gregory Adamson: Nói chung, các điều kiện để cấp visa du lịch là bạn chứng tỏ với viên chức lãnh sự là bạn có ý định trở về VN. Nếu bạn đã có đơn xin visa định cư có nghĩa là bạn có ý định định cư vĩnh viễn ở Mỹ. Do đó, về nguyên tắc, bạn không đủ điều kiện để được cấp visa du lịch. Nếu bạn quyết định nộp đơn xin visa du lịch, bạn phải rất thật thà với viên chức lãnh sự khi phỏng vấn.
* Tôi đã phỏng vấn du học bốn lần nhưng không đậu. Sắp tới tôi định thử một lần nữa. Vậy có hi vọng không? (whynot1007@)
- Ông John Aloia: Chúng tôi không có giới hạn một người được phép nộp đơn xin visa bao nhiêu lần. Chính sách của lãnh sự quán Mỹ là nếu bạn đã phỏng vấn một lần với một viên chức lãnh sự nào đó mà không được cấp visa thì lần sau bạn sẽ được phỏng vấn với một viên chức lãnh sự khác. Điều này nhằm mục đích tạo sự công bằng cho những người nộp đơn xin visa, đặc biệt là những trường hợp như bạn.
Lời khuyên của chúng tôi đối với tất cả những ai muốn xin visa là nên trung thực và đưa ra những hồ sơ thật. Vì nếu viên chức lãnh sự phát hiện những gì bạn trình bày không đúng sự thật hoặc hồ sơ của bạn là giả thì bạn sẽ bị từ chối.
* Tôi muốn hỏi về thời gian giải quyết hồ sơ diện di dân F4. Anh em cùng mẹ khác cha có bảo lãnh được không? (hanhnhan2001@). Anh họ bảo lãnh em họ được không? (porpoise169@)
- Ông Gregory Adamson: Giữa anh em cùng mẹ khác cha và anh em ruột không có khác biệt gì trong diện F4 này, và đều có thể bảo lãnh được (với hồ sơ đầy đủ giấy tờ chứng minh mối quan hệ). Riêng anh chị em họ thì không thể bảo lãnh được.
Nhân tiện, chúng tôi xin cung cấp ngày ưu tiên cho những hồ sơ bảo lãnh diện di dân đang giải quyết trong tháng 10-2007: F1 (con độc thân trên 21 tuổi của công dân Mỹ): 8-11-2001 trở về trước. F2A (con độc thân dưới 21 tuổi hoặc vợ của thường trú nhân Hoa Kỳ (LPR)): 15-11-2002 trở về trước. F2B (con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân Hoa Kỳ): 15-8-1998 trở về trước. F3 (con có gia đình của công dân Mỹ): 15-2-2000 trở về trước. F4 (anh, chị, em của công dân Mỹ): 15-4-1997 trở về trước.
* Đi du lịch có bắt buộc phải có người bảo lãnh không? Có phải đặt chỗ khách sạn trước không (vì tôi sẽ ở nhà bạn bè)? Cần chứng minh tài chính trong ngân hàng bao nhiêu? Cần đóng bảo hiểm loại nào để được khám chữa bệnh? (daokimhoa2002@)
- Ông John Aloia: Đi du lịch thì bạn không cần phải có người bảo lãnh. Tuy nhiên, nếu có người trả chi phí cho chuyến đi của bạn thì người đó có thể gửi chứng từ đóng thuế và thu nhập mới nhất cho bạn và bạn có thể sử dụng các giấy tờ này để chứng minh trong cuộc phỏng vấn. Chúng tôi không bắt buộc bạn phải ở đâu nhưng chúng tôi cần phải biết kế hoạch của bạn như thế nào khi bạn qua Mỹ, như bạn sẽ ở đâu, làm gì...
Cũng không có qui định cụ thể bạn phải có bao nhiêu tiền để được cấp visa. Tuy nhiên bạn cần chứng minh năng lực tài chính của bạn tại VN, các ràng buộc về mặt tài chính và kinh tế của bạn như: thư xác nhận công việc và thu nhập hiện tại của bạn, tài khoản ngân hàng, nhà cửa, đất đai, sổ tiết kiệm...
Không có qui định việc bạn phải đóng bất cứ loại hình bảo hiểm nào đối với diện visa không di dân. Tuy nhiên, một số người thường mua bảo hiểm du lịch để được khám chữa bệnh trong trường hợp khẩn cấp. Nếu bạn muốn đi Mỹ để trị bệnh, có thể tìm thêm thông tin tại http://hochiminh.usconsulate.gov.
2.Thủ tục xin visa sang Mỹ qua mạng như thế nào?, bài phỏng vấn ông Peter Fricke – viên chức lãnh sự, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Tp.HCM.
Sáng 29-3-2008, ông Peter Fricke - viên chức lãnh sự, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM - cho biết thủ tục xin visa có thay đổi kể từ hôm nay. Theo đó, Chính phủ Mỹ sẽ áp dụng hệ thống đặt hẹn visa mới qua mạng, trong đó bao gồm visa du học, du lịch, công tác, trao đổi văn hóa…
Theo ông Peter Fricke, việc đăng ký cho tất cả các cuộc hẹn phỏng vấn thị thực không di dân sẽ được thực hiện trực tuyến thông qua trang web của Tổng lãnh sự quán hoặc của Đại sứ quán Hoa Kỳ. Ngân hàng Citibank sẽ không còn chịu trách nhiệm sắp xếp các cuộc hẹn phỏng vấn.
Hệ thống đăng ký cuộc hẹn trực tuyến mới này hoàn toàn miễn phí và được mở liên tục 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần để đương đơn sẽ có thể hoàn tất qui trình đăng ký cuộc hẹn vào thời điểm thuận tiện nhất. Xin lưu ý mặc dù không phải trả phí cho dịch vụ đăng ký cuộc hẹn trực tuyến, đương đơn vẫn phải trả lệ phí xin visa không di dân là 131 USD và khoản phí này sẽ không được hoàn lại. Đương đơn nộp lệ phí xin visa tại chi nhánh Citibank ở TP.HCM hoặc Hà Nội.
Với hệ thống mới được cải tiến, đương đơn sẽ có thể đăng ký cuộc hẹn phỏng vấn cho mình trước một tháng và có thể chọn bất cứ ngày, giờ còn trống nào. Nếu muốn thay đổi ngày hẹn hoặc giờ hẹn, đương đơn cũng có thể thực hiện qua mạng mà không cần liên hệ với Tổng lãnh sự quán hoặc Đại sứ quán. Website đăng ký hẹn phỏng vấn đồng thời cũng cung cấp thông tin về từng dạng thị thực khác nhau.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm thông tin thêm về qui trình xin visa tại website của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM: http://hochiminh.usconsulate.gov/ và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội: http://hanoi.usembassy.gov/.
Ngoài ra, ông Peter Fricke cũng trả lời một số thắc mắc về việc đặt hẹn visa mới, cũng như giải đáp những thắc mắc của bạn đọc về xin visa vào Mỹ cho bạn đọc báo Tuổi Trẻ Online. Dưới đây là nội dung được tư vấn:
* Tôi đã được em ruột làm giấy bảo lãnh theo diện đoàn tụ, nhưng chưa đến thời hạn. Nay con trai tôi nếu muốn đi du học tại Mỹ khi cháu 16 tuổi. Hỏi các thủ tục có thể tiến hành được không? (Phuong Lan, 40 tuổi, thanhnnnn@...)
- Nếu con bạn muốn xin visa du học, con bạn có thể nộp đơn xin visa. Tuy nhiên, sinh viên có hồ sơ xin định cư phải chứng minh sẽ quay về Việt Nam sau khi hoàn tất khóa học. Mỗi trường hợp đều khác nhau, do đó tất cả các đương đơn nên thành thật khi phỏng vấn; phải giải thích cụ thể trước viên chức phỏng vấn kế hoạch của bạn sau khi hoàn tất khóa học.
* Tôi có ba mẹ ở Hoa Kỳ, tôi dự định xin visa qua Hoa Kỳ để thăm ba mẹ tôi, như vậy được không? Nếu được thì tôi cần có điều kiện gì. (Hoàng Lương, 30 tuổi, luongabm@...)
- Thăm viếng gia đình là một lý do chính đáng nhưng bạn phải chứng minh là mình có những ràng buộc về kinh tế, gia đình và xã hội, buộc bạn phải quay về Việt Nam sau chuyến viếng thăm.
* Việc Chính phủ Mỹ sẽ áp dụng hệ thống đặt hẹn visa mới qua mạng, thuận tiện cho việc xin visa không di dân vào Hoa Kỳ. Trong đó bao gồm visa du học, du lịch, công tác, trao đổi văn hóa... như vậy các qui định trước đây còn giá trị không? (Hoàng Văn Tuấn, 42 tuổi, tuanhoang@...)
- Bắt đầu từ hôm nay, tất cả các cuộc hẹn phải được đăng ký trực tuyến. Bạn có thể tự đăng ký cuộc hẹn trước một tháng. Tuy nhiên, bạn vẫn phải đóng lệ phí phỏng vấn 131 USD tại ngân hàng Citibank nhưng ngân hàng Citibank sẽ không đăng ký cuộc hẹn cho bạn nữa. Vui lòng vào trang web http://hochiminh.usconsulate.gov/ để biết thêm thông tin.
* Gia đình ngoại em đang định cư ở Mỹ, em muốn du học ngành quản trị kinh doanh ở Mỹ. Vậy em cần có những điều kiện nào và thủ tục làm trong bao lâu? Hiện em chưa có bằng TOEFL. (okay_050605@..., 19 tuổi)
- Bạn không cần phải có bằng TOEFL khi xin thị thực. Tuy nhiên bạn cần trình bày rõ ràng kế hoạch của bạn, bao gồm việc bạn sẽ ở đâu và ở với ai trong thời gian đi du học. Nếu ông bà bạn sẽ trả chi phí cho bạn đi du học, bạn phải trình viên chức phỏng vấn bằng chứng cho thấy ông bà bạn hoàn toàn có đủ khả năng tài chính. Bạn có thể nộp đơn xin thị thực trước ngày nhập học 120 ngày. Nếu bạn được chấp thuận, bạn sẽ được nhận thị thực vào ngày làm việc kế tiếp.
* Hiện tôi đang công tác tại một công ty, lương tháng 3 triệu đồng. Công ty muốn cử tôi đi công tác tại Mỹ nhưng không được vì lý do mức lương của tôi không đạt yêu cầu (phải từ 10 triệu đồng). Vậy tôi cần những giấy tờ gì để chứng minh tôi đang làm việc tại công ty và có thể đi công tác được? (Huỳnh Bích Hà, 33 tuổi, bichha.huynh@...)
- Chúng tôi không đưa ra mức lương qui định tối thiểu để có được thị thực. Viên chức phỏng vấn không quan tâm đến thu nhập của bạn mà chỉ quan tâm đến mục đích chuyến đi và ý định thật sự là bạn có trở về Việt Nam sau chuyến đi của bạn. Bạn cần phải tự trình bày kế hoạch của bạn hơn là trình các giấy tờ để chứng minh.
* Tôi được cô ruột ở Mỹ bảo lãnh đi du lịch, các giấy tờ của cô tôi gồm có giấy bảo lãnh, giấy quốc tịch, giấy chứng nhận tiền gửi ngân hàng. Tôi đã phỏng vấn ngày 22-5-2007 bị rớt. Vậy bây giờ tôi có thể phỏng vấn lại được không? (Le Thi Mung, 31 tuổi, mungle_2508@...)
- Nếu bạn bị từ chối đơn xin thị thực, bạn vẫn có thể nộp đơn lại và bạn sẽ được một viên chức khác phỏng vấn. Bạn nên chuẩn bị trình bày mục đích chuyến đi của bạn và những ràng buộc khiến bạn quay về Việt Nam sau chuyến đi.
* Tôi đã công tác ở Mỹ (hộ chiếu ngoại giao) nhưng sau khi hết hạn công tác đã ở lại một thời gian trông con, quá hạn visa. Nay muốn xin đi thăm con đang học tại Mỹ thì có gặp rắc rối gì không? (Nguyễn Hoàng Linh, 54 tuổi, chauchitaotan@...)
- Nếu bạn ở lại Mỹ quá sáu tháng mà không xin phép gia hạn, bạn cần giải thích lý do bạn ở lại quá sáu tháng và vì sao bạn không xin giấy phép gia hạn. Và bạn vẫn phải thuyết phục viên chức lý do khiến bạn quay về Việt Nam sau chuyến đi này.
* Tôi đã qua Mỹ thăm con sáu lần. Năm nay con gái tôi làm đơn bảo lãnh cho tôi. Vậy tôi còn xin visa đi du lịch như hằng năm được nữa không? (Đỗ Lan Hương, 53 tuổi, huongdo552003@...)
- Bạn vẫn có thể nộp đơn xin thị thực, tuy nhiên bạn cần thuyết phục viên chức phỏng vấn rằng bạn không có ý định định cư tại Mỹ trong chuyến đi này. Nói chung, nếu bạn đã từng có thị thực đi Mỹ và quay trở lại Việt Nam thì bạn sẽ được chấp thuận một cách dễ dàng.
* Tôi nghe nói điều kiện đi du lịch Mỹ là phải từ 45 tuổi trở lên mới có thể đi được. Năm nay tôi 31 tuổi, muốn đi du lịch qua Mỹ để học hỏi thêm về kinh doanh. Vậy tôi cần làm những thủ tục gì? (Huỳnh Mỹ Tiên, 31 tuổi, mytien_huynh2001@...)
- Theo luật của Hoa Kỳ, không có qui định về giới hạn tuổi tác khi xét đơn thị thực, có nghĩa là đương đơn ở tất cả mọi lứa tuổi có thể xin thị thực.
* Tôi muốn cho em gái mình du học tại Mỹ (em gái tôi hiện đang học lớp 12), thì tôi cần những điều kiện gì để xin visa? Tôi có ông bà ngoại hiện đang sinh sống tại bang California, ông bà muốn lo toàn bộ chi phí học, ăn ở đi lại cho em tôi. Vậy em tôi có được cấp visa không? (Nguyễn Quốc Huân, 30 tuổi, huantrade@...)
- Em gái của bạn có thể nộp đơn xin thị thực. Tại cuộc phỏng vấn, em gái bạn phải chứng minh khả năng tài chính để trang trải cho việc học. Nếu thân nhân của bạn bên Mỹ muốn tài trợ chi phí cho em gái bạn, viên chức phỏng vấn cần xem xét giấy tờ chứng minh tài chính của thân nhân bạn.
* Tôi được bạn bè mời sang Mỹ để du lịch (sẽ có thư bảo lãnh). Bạn bè tôi chịu chi phí cho chuyến đi du lịch này. Kinh tế tôi tại Việt Nam ổn định, bản thân tôi đang là công nhân lái xe nhà nước (làm việc được 27 năm), tôi có nhà cửa và vợ con tại Việt Nam. Vậy tôi cần điều kiện gì nữa để được đi tham quan du lịch Mỹ? (Trần Long, 1953 tuổi, longtruong09@...)
- Bạn cần phải trình bày toàn bộ hoàn cảnh và giải thích những ràng buộc về kinh tế khiến bạn quay về Việt Nam sau chuyến đi.
* Tôi có con du học tại Mỹ, khi con tôi ra trường thì cả hai vợ chồng tôi muốn xin sang dự lễ tốt nghiệp có khó khăn gì không? (Nguyễn Văn, 51 tuổi, nv_vien@...)
- Để được chấp thuận, tất cả mọi đương đơn phải tự thuyết phục viên chức phỏng vấn rằng họ sẽ quay về Việt Nam sau chuyến đi.
* Hiện nay tôi đang nghỉ việc, có thời gian rảnh rỗi và tôi muốn đi du lịch qua Mỹ. Xin ông hướng dẫn cho tôi cách xin visa và trường hợp như tôi xin visa có khó khăn không? (Hồng Yến, 41 tuổi, daohongyen_07@...)
- Bạn có thể đăng ký cuộc hẹn phỏng vấn qua trang web: http://hochiminh.usconsulate.gov/ và đóng lệ phí phỏng vấn 131 USD. Bạn cần chứng minh bạn có đủ ràng buộc về kinh tế, gia đình và xã hội buộc bạn quay về Việt Nam sau chuyến đi. Có rất nhiều đương đơn chứng minh ràng buộc bằng việc làm hiện tại, tuy nhiên trường hợp bạn đã nghỉ việc, bạn vẫn có thể chứng minh bằng các ràng buộc về gia đình và xã hội.
* Em thuộc diện du học sinh, trong visa của em có qui định ngày hết hạn là 9-12-2008, vậy em có cần phải trở về Việt Nam hay đến một cơ quan nào khác ở Mỹ để xin gia hạn visa hay không? Trường hợp nào thì bắt buộc phải xin lại visa? (Nguyễn Đại Dương, 18 tuổi, harypotter402@...)
- Ngày hết hạn thị thực là ngày hạn chót bạn vào nước Mỹ. Bạn có thể ở lại Hoa Kỳ trong suốt thời gian học cho đến khi bạn kết thúc khóa học, bạn không cần phải xin lại thị thực. Tuy nhiên, nếu bạn rời khỏi nước Mỹ khi thị thực hết hạn, bạn cần phải xin lại thị thực khác.
* Em gái tôi hiện đang là học sinh lớp 7 (sinh năm 1996). Từ bé đến nay học lực của em tôi rất giỏi. Nay tôi muốn cho em gái tôi sang Mỹ du học ngay khi kết thúc năm học lớp 7 này được không (gia đình tôi có người thân bên Mỹ bảo trợ)? Nếu được thì tôi nên cần làm những thủ tục gì? (Quỳnh, 20 tuổi, loanquynh_0906@...)
- Em gái bạn có thể xin thị thực. Bạn có thể truy cập vào trang web của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại trang web: http://hochiminh.usconsulate.gov/ để biết được thủ tục. Tuy nhiên, tất cả các đương đơn cần phải chứng minh họ sẽ quay về Việt Nam sau khóa học. Đối với du học sinh trẻ tuổi như em gái bạn, việc chứng minh này sẽ khó khăn hơn. Do đó, em gái bạn cần trình bày rõ lý do và thuyết phục viên chức phỏng vấn sẽ quay về Việt Nam sau khi học xong.
* Vợ tôi sắp đi công tác tại Mỹ trong hai tuần. Cơ quan tôi cho tôi nghỉ phép để du lịch cùng với vợ. Tôi xin hỏi: Tôi nên dự phỏng vấn cùng với vợ tôi hay phỏng vấn vào ngày khác? Nếu tôi muốn phỏng vấn cùng vợ thì tôi phải xin lịch hẹn như thế nào? Khi đi phỏng vấn, tôi có cần mang theo các giấy tờ nhà và tài sản của tôi không hay chỉ cần mang giấy xác nhận chức vụ và lương hiện tại? Tôi có họ hàng đang sống tại Mỹ nhưng từ lâu tôi không liên lạc với họ nên không biết địa chỉ của họ. Vậy tôi nên ghi "Có" hay "Không" có họ hàng khi làm tờ khai xin visa? (Nguyển Huỳnh Nhân, 37 tuổi, vannhanhuynh@...)
- Bạn có thể xin thị thực cùng lúc hay riêng biệt tùy thời gian của bạn cho phép. Ngoài đơn xin thị thực, lãnh sự quán Hoa Kỳ không yêu cầu bất cứ giấy tờ nào khác. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng giấy tờ nhà hoặc giấy xác nhận việc làm, hay các giấy tờ khác chứng minh ràng buộc của bạn ở Việt Nam, viên chức lãnh sự có thể dễ dàng đánh giá trường hợp của bạn. Bạn cần trả lời vào mục "Có" nếu bạn có thân nhân, họ hàng bên Mỹ. Bạn có thể trình bày cụ thể hoàn cảnh gia đình mình với thân nhân sau tại cuộc phỏng vấn.
* Tôi đã tốt nghiệp highschool, sau đó học qua một khóa học ngắn hạn chuyên ngành (được cấp chứng chỉ) và có thời gian làm việc hai năm. Bây giờ tôi muốn qua Mỹ để học năm năm (ESL College University) cùng chuyên ngành để nâng cao năng lực chuyên môn thì cần những gì để có thể thuyết phục được nhân viên lãnh sự? (sweet candy, 22 tuổi, xaroituoitho1210@...)
- Bạn cần giải thích lý do khiến bạn muốn du học tại Mỹ và vì sao bạn chọn kế hoạch học tập như bạn đã nói. Bạn cần trả lời các câu hỏi một cách trung thực và không nên dùng các câu trả lời máy móc đã học thuộc sẵn tại cuộc phỏng vấn. Viên chức phỏng vấn có thể cấp visa dựa trên các kế hoạch học tập khác nhau mà không căn cứ vào một chương trình hay chuyên ngành học tiêu chuẩn nào đó.
* Em có một người bà (không là người ruột thịt của em nhưng có quan hệ thân thuộc với gia đình của em) ở Mỹ muốn bảo lãnh em sang Mỹ học. Nhưng vấn đề là nhà em không được khá giả (không thể chứng minh tài chính được). Em xin hỏi nếu như vậy thi dù bà em có đủ tiền trong ngân hàng ở bên Mỹ và có thể chu cấp đủ cho em cả tiền học lẫn tiền ăn ở mà ba mẹ em không cần lo cho em gì cả thì em có được phép đi du học hay không? Nếu như có thể được thì ngoài các hồ sơ, bà em sẽ chuẩn bị ở bên Mỹ cho em, thì em còn phải chuẩn bị hồ sơ gì nữa không? Em cũng chưa có bằng TOEFL thì em có thể sang Mỹ học lấy bằng đó được không? Nếu trình độ tiếng Anh của em không đủ tiêu chuẩn thì có được đi du học để học một khóa học tiếng Anh ở Mỹ rồi mới xin vào học ở các trường đại học Mỹ không? (Phạm Thị Mỹ Dung, phamdung.89@...)
- Bạn cần chứng minh là bạn có đủ tài chính để đi du học. Nguồn tài chính này có thể từ bất cứ cá nhân nào khác muốn tài trợ cho bạn, bao gồm người thân, bạn bè... Tuy nhiên, nếu người tài trợ cho bạn không phải là thân nhân của bạn, bạn cần giải thích mối quan hệ của bạn và người này và khả năng tài chính của người ấy đủ để chi trả học phí và các khoản chi phí khác khi bạn đi du học.
* Em có người dì ở Mỹ, em tốt nghiệp đại học ở Việt Nam. Dì bảo lãnh em sang định cư ở Mỹ và em muốn tiếp tục học lên cao học. Vậy em có phải học lại chương trình đào tạo đại học của Mỹ không? Nểu như em đi theo chế độ du học thì em cần phải có nhưng điều kiện gì? (Nguyễn Thị Diễm Trinh, ntdtrinh32@...)
- Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ không quyết định việc em cần học lại bên Mỹ hay không. Các trường bên Mỹ nơi em xin học sẽ quyết định điều đó. Nhiều du học sinh Việt Nam chọn học tại đại học bên Mỹ nhưng cũng có rất nhiều em học lên thằng bậc cao học. Lãnh sự quán Hoa Kỳ chỉ yêu cầu em nói rõ sự chọn lựa cấp học của mình.
* Chúng em có thể tìm hiểu thông tin qua mạng trên website của lãnh sự quán được không? Có văn bản hay biểu mẫu để chúng em download không? (Hồng Nhựt, 20 tuổi, nhuthong_1989@...)
- Bạn có thể truy cập trang web: http://hochiminh.usconsulate.gov/ để tìm hiểu thông tin về việc xin thị thực Hoa Kỳ.
* Tôi đã có chồng nhưng chưa có con, tôi đang làm bên bộ phận du học. Tôi có cổ phần trong công ty và là người đồng sáng lập ra công ty du học. Thu nhập của tôi khá cao, tôi có một công ty du học riêng và chồng tôi cũng vậy. Gần đây tôi thấy nhu cầu học Anh ngữ của người Việt Nam rất đông và cần thiết, vì vậy tôi có ý định mở trung tâm Anh ngữ. Nhưng khi tính kỹ tôi thấy có rất nhiều khuyết điểm tôi phải gặp phải mà không biết giải quyết như thế nào? Vì vậy tôi, chồng tôi và những cổ đông trong công ty muốn tôi sang Mỹ học Anh văn hai năm để sau đó về Việt Nam mở trung tâm Anh ngữ tốt hơn. Tuy nhiên, khi vào lãnh sự họ lại không cho đi. Họ cũng không xem hồ sơ của tôi như thế nào. Tôi không biết lãnh sự quán Mỹ làm việc như thế nào, trong khi người có nhu cầu đi học thực thì họ không cho đi, người đi qua đó làm nail là gánh nặng cho xã hội của họ thì họ lại cho đi. (Bạn đọc không nêu tên)
- Điều quan trọng nhất tại cuộc phỏng vấn là bạn có khả năng giải thích mục đích việc học và kế hoạch học tập của bạn. Mặc dù giấy tờ chứng minh rất hữu ích cho viên chức phỏng vấn, nhưng bản thân giấy tờ không đủ để giải thích một cách rõ ràng mục đích cũng như kế hoạch học tập của bạn.
* Tôi tốt nghiệp đại học năm 2007 và đi làm được sáu tháng. Tôi rất muốn đi Mỹ học để nâng cao kiến thức của mình nhưng tôi không có đủ điều kiện về tài chính. Nếu như công ty tôi đang làm việc đứng ra bảo lãnh về mặt tài chính cho tôi đi học với điều kiện sau khi học xong tôi trở về làm việc tiếp cho công ty trong thời gian mà hai bên sẽ thỏa thuận để trả dần số tiền mà công ty đã bỏ ra cho tôi đi học. Xin cho tôi hỏi như thế tôi có thể nộp đơn xin visa được hay không? Nếu được tôi phải chuẩn bị những loại giấy tờ gì để xin visa tại lãnh sự quán. (hoamuathu1806@...)
- Kế hoạch tài chính của bạn có thể chấp thuận được. Tuy nhiên, bạn cần trình bày những thỏa thuận giữa hai bên và cung cấp những thông tin chi tiết về sự thỏa thuận này với viên chức phỏng vấn.
* Vì sao sau khi tham dự buổi phỏng vấn nhiều hồ sơ du học bị loại, không thể xin được visa? (Một bạn đọc không nêu tên)
- Lý do chính dẫn đến việc từ chối thị thực là do các du học sinh không tự mình giải thích được mục đích, kế hoạch học tập và về bản thân mình. Các bạn học sinh thường dựa vào giấy tờ để chứng minh và dung các câu trả lời máy móc đã học thuộc để trả lời phỏng vấn.
* Tôi ở Mỹ trong 1974 cho một khóa học phi công trực thăng. Tôi có sáu anh chị em đang sống ở Mỹ, nhưng tôi giận và không nhìn mặt họ đã lâu nên không muốn nhờ vả họ. Tôi muốn du lịch sang Mỹ thăm bạn bè. Tôi chỉ xin đi một mình. Vợ và hai con gái của tôi không đi theo tôi. Tôi phải làm gì để có được visa sang Mỹ du lịch? (Nguyễn Trần Ngọc, 54 tuổi, ngtrangoc@...)
- Bạn nên giải thích cho viên chức phỏng vấn hoàn cảnh của bạn, nói rõ mục đích chính của bạn là đi thăm bạn bè. Điều quan trọng nhất là phải thuyết phục bạn có những ràng buộc khiến bạn quay về Việt Nam sau chuyến đi.
Hành Vân