“Theo quan điểm của nhà Phật, việc tồn tại thế giới tâm linh là có. Con người ta sau khi chết đi, có người được siêu thoát về thế giới cực lạc, có người sau 49 ngày thì chuyển nghiệp, đầu thai làm kiếp khác. Tuy nhiên, cũng có người không thể siêu thoát mà ở lại cõi trần 1 năm, 2 năm hoặc thậm chí đến cả trăm năm. Đó gọi là những linh hồn, hương hồn, vong, hay chính xác hơn là vong linh".
Thượng tọa Thích Thanh Nhã hiện là Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội, Chánh ban Đại diện Phật giáo quận Tây Hồ. Thượng tọa đang trụ trì chùa Trấn Quốc.
Nhà ngoại cảm phải có tâm sáng
Mở đầu câu chuyện với, vị Trụ trì chùa Trấn Quốc nói: “Theo quan điểm của nhà Phật, việc tồn tại thế giới tâm linh là có. Con người ta sau khi chết đi, có người được siêu thoát về thế giới cực lạc, có người sau 49 ngày thì chuyển nghiệp, đầu thai làm kiếp khác. Tuy nhiên, cũng có người không thể siêu thoát mà ở lại cõi trần 1 năm, 2 năm hoặc thậm chí đến cả trăm năm. Đó gọi là những linh hồn, hương hồn, vong, hay chính xác hơn là vong linh.
Về chuyện tìm mộ liệt sỹ bằng ngoại cảm, các nhà ngoại cảm có năng lực thật sự là những người có cảm ứng đạo giao với những liệt sỹ đã hy sinh nên tìm ra được. Song tâm linh nó còn là cái duyên, đâu phải muốn gặp lúc nào cũng được? Và vì một nhà ngoại cảm chỉ bám vào cái khung của mình nên không thể luôn đúng được mà sẽ có những cái sai. Phải hết sức đề phòng điều này”.
|
Thượng tọa Thích Thanh Nhã - Trụ trì chùa Trấn Quốc.
|
Theo Thượng tọa, cái sai của nhà ngoại cảm còn có thể do nguyên nhân khách quan bởi tính chất của thế giới tâm linh là không hề đơn giản. Theo quan niệm của nhà Phật, trong cõi tâm linh, bên cạnh Đức Phật còn có chư Thiên, rồi đến các cõi khác, hằng hà sa số các vong linh ở dương gian.
Trong các vong linh, không ít trường hợp cầu bơ, cầu bất, không được ai thờ tự nên thấy nơi nào có duyên là đến, tự ngộ nhận trở thành hồn của người đã mất đang được kêu cầu. Theo lẽ này, khi các vong lang thang biết nhà ngoại cảm cầu cúng ở đâu thì chúng đến trước, rồi nhập vào nhà ngoại cảm hoặc nhập vào thân nhân người đã khuất. Từ đây, thông điệp của nhà ngoại cảm đến với người dân đã bị xuyên tạc.
Dưới góc nhìn của nhà tu hành, nhà ngoại cảm dù có siêu năng lực nhưng không có cái tâm sáng, không có tính “Thiên Chân” thì sẽ không hoàn thành được vai trò “cầu nối âm dương” của mình và như vậy là phụ bạc nguyện vọng của đông đảo người dân đến nhờ cậy. Thượng tọa chỉ rõ: Chính những lúc nguyện cầu, nếu nhà ngoại cảm có tà tâm thì cái tâm không sáng ấy sẽ là mảnh đất cho các vong linh lang thang, các tà thần nhập vào. Trong tình huống này, nhà ngoại cảm bị sai khiến để rồi đưa ra những nhận định, chỉ dẫn không có cơ sở hoặc không có thực.
Cũng có nhà ngoại cảm... nói láo
Vị sư Trụ trì chùa Trấn Quốc kể, năm 2004, khi ông tiến hành cải táng cho sư cụ Thích Thanh Vịnh - Trụ trì chùa Yên Duyên (tên gọi khác là chùa Đại Bi, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
“Đầu tiên sư cụ được chôn cất trong nội tự nhưng sau khi bàn bạc, chúng tôi thống nhất đưa sư cụ ra ngoài. Khi khách khứa xong xuôi đâu đấy cả, đại sự chuẩn bị được tiến hành thì hai bà vãi ở chùa hớt hải chạy ra bảo không được cải táng vì xương thịt của sư cụ vẫn còn nguyên. Tôi hỏi ai nói thế, họ bảo cậu đồng Niên ở Tứ Kỳ, Hải Dương phán vậy.
Tôi đã gạt đi và nhất định làm. Khi lật áo quan lên thì hoàn toàn không phải như cậu đồng đó phán và công việc đã diễn ra rất thuận lợi và tốt đẹp. Hai bà vãi sau đó đã phải đến xin lỗi tôi vì đã cả tin” - Thượng tọa hồi tưởng.
Nói đến đây, vị hòa thượng thủng thẳng: “Kể ra câu chuyện trên, tôi muốn nói rằng các bà vãi ở chùa mà còn suy nghĩ như vậy thì những người dân bình thường họ nghĩ sao? Hạn chế về nhận thức, về trình độ đã khiến không ít gia đình phải lao đao vì tin vào nhà ngoại cảm”.
Sư thầy tiếp lời: “Có nhiều nhà ngoại cảm lợi dụng việc được tin tưởng, tự tin thái quá vào khả năng của mình, cho là mình giỏi, mình có tài và có những năng lực siêu việt để làm những điều sai trái.
Đặc biệt như một vài trường hợp còn cho rằng mình được công nhận, được cấp bằng khen nên càng thể hiện mình “hơn người” và “hành nghề” rồi dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Chính việc sợ ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân, bản ngã quá cao dẫn đến việc phán xét không đúng, quá trình tìm kiếm sai lệch đi”.
Đối với các nhà ngoại cảm đã vi phạm pháp luật, Thượng tọa Thích Thanh Nhã quả quyết: “Lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo ở nước ta, một số nhà ngoại cảm đã làm những điều không có lợi, những điều thị phi gây ra hậu quả đau lòng cho người nhà liệt sỹ. Cần phải xem xét, xử lý những nhà ngoại cảm này dưới góc độ pháp luật”.