đậu tương đen hữu cơ

SOS & Suy ngẫm

15:46 27/02/2012

Đạo sư Duy Tuệ: Hãy dừng lại soi gương, khi còn ánh sáng

Tôi có vào trang web Duytuequote.com xem kỹ hơn một số vấn đề. Qua chuyên mục: Những trải nghiệm thông qua thiền định … Tôi đã nhận ra rằng: Sự lệch lạc trong tâm thức của ông hiện nay chính là những ma chướng mà ông đã gặp phải trong quá trình hành thiền phá sắc, thọ, tưởng, hành, thức
Tôi viết bài này với mong muốn được ông và các đệ tử của ông xem. Những hành giả đang tu tập theo pháp môn thiền định hãy thông qua trường hợp của ông làm bài học tránh lạc lối đi vào con đường tà đạo.


           
Việc ông Duy Tuệ sử dụng pháp Phật rồi phủ nhận Pháp Phật… các bạn có thể vào trang web của ông để thấy rõ, nhất là những bạn đọc đã khá thông hiểu về thuyết lý nhà Phật.


 
Trong bài viết này tôi xin được nêu rõ vì sao một người đã từng hành thiền lại nghiên cứu Phật pháp như ông Duy Tuệ lại bị sai đường lạc lối vào con đường tà đạo. 


 
Thông qua những điều ông nói, ông viết phải công nhận một điều rằng, nó cũng khá hợp lý, logic…và rất dễ quy phục được giới tri thức những nhà nghiên cứu chưa trải qua tu hành thiền định, niệm Phật…


 
Nếu đọc kỹ ba điều trải nghiệm lớn trong cuộc đời của ông Duy Tuệ ta thấy, ông là đệ tử của pháp môn tu thiền. Ông đã bước vào ngưỡng cửa sắc ấm, thọ ấm. Điều kết luận trên của tôi thông qua từ kinh nghiệm hành thiền và nghiên cứu Kinh Thủ Lăng Nghiêm mà thấy được.


 
Bài viết này tôi sẽ sử dụng kinh Thủ Lăng Nghiêm để nói về hiện tượng của ông cũng như những tư tưởng, thuyết lý xuất hiện trong đầu ông sau khi ông đạt mức ấn chứng nhất định từ thiền định. Thông qua bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm chúng ta sẽ thấy những điều Đức Phật nói cách đây 2555 năm vẫn chính xác từng câu, từng chữ cho những vị hành giả gặp phải chướng ngại trên con đường tu thiền.


           
Kinh Thủ Lăng nghiêm được cho là xương sống của những người hành thiền. Nó cho các hành giả  biết được họ sẽ gặp những cảnh giới nào và những chướng ngại nào khi phá sắc, thọ, tưởng, hành, thức để thâm nhập vào pháp giới tiến về Cửa không.


 
Tôi nghĩ rằng, nếu ông Duy Tuệ có một người thầy tốt, hoặc ông hiểu sâu sắc về Kinh Thủ Lăng Nghiêm ông sẽ không bị lạc lối vào con đường ma đạo như hiện nay. 


 
Những biểu hiện bước đầu khi phá sắc ấm của ông đó là : Ông đã nghe được âm thanh từ tánh nghe. Khi vào được tánh nghe (vào được dòng nhĩ căn viên thông)  các thiền sinh thường nghe âm thanh Aum, Aum…. Với những người niệm Phật thì họ sẽ nghe được danh hiệu Phật như:  Nam Mô A Di Đà Phật…, hoặc A Di Đà Phật….


 
Còn ông, có lẽ do đắc tâm 2 chữ “Hay thay” trong kinh Pháp hoa nên ông nghe được từ này. Ông đã  nhìn thấy được (có thể chỉ là thoáng qua) hào quang của ánh sáng chân tâm, tức là nhìn được cái thấy…


 
Nhưng những cảnh giới ông thấy được, trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm Đức Phật đã chỉ rõ “Đó chỉ  là trạng thái tạm thời không phải là chứng Thánh. Nếu không khởi tâm cho rằng mình chứng Thánh thì gọi đó gọi là cảnh giới tốt. Còn nếu nghĩ rằng mình là bậc Thánh, liền rơi vào tà ma”.


 
Thực tế, các thiền sinh chứng được cảnh giới đó là do “Tứ đại không kết hợp trong một thời gian ngắn, tâm có thể ra khỏi các ngăn ngại, ấy gọi là tinh minh trào ra tiền cảnh. Đó chỉ là do công dụng tạm thời được như thế . Không phải do chứng bậc Thánh”.


 
Nếu ông tiếp tục hành thiền và không chấp vào bất kỳ một cảnh giới nào thì quá trình vượt sắc, thọ, tưởng, hành, thức của ông sẽ được tiếp tục. Nhưng do cầu vọng quá nhiều nên ông đã gặp ngay chướng ma sắc ấm thứ 10 gọi là vọng kiến và vọng thuyết. Theo HT. Tuyên Hoá thì cảnh giới này gọi là:


 
“Tà tâm bất chính bị loài ly mỵ hoặc thiên ma nhập vào, vô cớ giảng pháp thông suốt diệu lý…Khi  Tâm tà không chánh, loài ly mỵ hoặc thiên ma nhập vào tâm ông, ông sẽ giống như những người tự xưng là biết nói Pháp, tự xưng là biết giảng Kinh, tự xưng là đã khai ngộ, tự xưng là bậc trưởng lão. Những người này không duyên cớ gì lại biết thuyết pháp, và tự chính họ cũng không biết mình nói điều gì nữa. Họ nói rằng họ đã thông đạt diệu nghĩa (của Phật Pháp) nhưng thật ra không phải là diệu nghĩa hay thông đạt gì hết. Họ cho rằng thuyết pháp nhưng thật sự không phải là thuyết pháp. Họ đã lấy điều sai, cho là đúng rồi tuyên bố rằng Pháp của họ là vi diệu. Họ tự khen mình và hủy báng người, tự xưng mình là đệ nhất, là trưởng lão.”


 
Trường hợp của ông Duy Tuệ không những bị chướng ma sắc ấm mà còn bị gặp chướng ma thọ ấm. Tâm trạng vui sướng đến mê mẩn khi ông tiếp cận được các cảnh giới lạ trong khi hành thiền là ma thọ ấm. Đức Phật đã nói rằng:


 
“Lại nữa A Nan, người thiện nam kia, khi ở trong trạng thái định này thấy sắc ấm tan rã, hiểu rõ thọ ấm. Lúc ấy cảnh giới thù thắng hiện ra, cảm kích quá phần. Trong trạng thái như thế, bỗng sanh dõng mãnh vô hạn, tâm quá mạnh mẽ, cho mình bằng Phật, nói có thể vượt qua ba a-tăng-kỳ kiếp chỉ trong một niệm”.


 
“Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Khi ở trong chốn thanh tịnh, tâm được an ổn. Bỗng nhiên phát sanh niềm vui vô hạn trong tâm, không thể kềm chế được….Nếu cho mình đã chứng Thánh, thì có loài ma thích vui (háo hoan hỷ ma) sẽ nhập vào tâm.
 


“A Nan! Người thiện nam kia, khi ở trong trạng thái như thế, cảm nhận một ánh sáng rực rỡ, trong tâm sinh khởi một loại cảm xúc. Do bên trong đè nén quá phần, bỗng dưng phát khởi lòng thương xót vô hạn, đến nỗi xem muỗi mòng như là con đỏ. Tâm sanh trắc ẩn, bất giác rơi lệ”.


 
Đọc những đoạn ma chướng trong 20 ma ấm khi vượt qua sắc ấm, thọ ấm trên không biết ông Duy Tuệ có thấy giống trạng thái của mình khi đang ngồi hành thiền không. Nếu ông nhận ra được nó thì coi như là một cảnh giới tốt còn nếu ông coi  mình đã chứng Thánh thì các loại ma ngũ ấm sẽ nhập vào tâm ông. Có lẽ vì không nhận ra điều đó nên ông bị ma cuồng vọng đã nhập vào tâm ông đúng như Kinh Thủ Lăng Nghiêm, đức Phật đã nói:


 
Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, tỏ rõ thọ ấm. Tự bảo là đã đủ rồi. Bỗng nhiên, vô căn vô cớ, có tâm đại ngã mạn phát sanh; cho đến tâm kiêu mạn, tâm mạn quá mạn, tâm tăng thượng mạn, hoặc ty liệt mạn đều cùng phát ra một lúc. Trong tâm khinh thường mười phương các Đức Như Lai, huống nữa là những quả vị thấp như Thanh Văn, Duyên Giác”.


 
Trạng thái này trong hành thiền được gọi là tự xem mình quá cao “Nhưngthiếu trí huệ để tự cứu mình”.Theo HT. Tuyên Hoá thì “ Nếu nhận ra thì không có lỗi. Nếu nhận ra đây là sai lầm thì ma sẽ không có dịp phát huy tác dụng”. Nên nói: Giác tức không mê, mà khi mê tức là không giác.


 
Thực sự, chúng sinh đều có tánh Phật, nhưng phải nhờ công phu tu tập mới nhận được ra Phật tánh. Ngay cả khi quyết tâm tu hành, cũng không thể trở thành Phật chỉ trong một niệm mà phải cần thời gian rất lâu xa. Theo HT. Tuyên Hoá thì khi “Người ấy tu hành nhưng không được Thiện tri thức hướng dẫn chỉ dạy mà tự mình lại không có trí huệ; cho nên, dù có tu tập cần khổ, tinh tấn cho mấy đi nữa, ông ta chỉ tăng trưởng tà tri tà kiến mà thôi. Tự thấy rằng trải qua một thời gian tu tập lâu dài như vậy mà không thành Phật, nên tuyên bố mình là Phật, nói là mình đã thành Phật rồi. Đây là tình trạng “sánh mình bằng Phật”. Tình trạng này xảy ra khi thọ ấm tan rã. Y nói rằng y đồngnhư chư Phật. Thực ra chỉ một niệm sai lầm đó, ông ta đã bị ma nhập vào.”


 
Để vượt qua được chướng ngại này khi phá thọ ấm, HT.Tuyên Hoá cho rằng chỉ cầnnhận rõ đó là ma thọ ấm và duy trì sự sáng suốt, lâu dần trạng thái ấy sẽ tự tiêu mất. Nhưng nếu nghĩ mình là Thánh thì sẽ liền bị ma cuồng ngông nhập vào tâm. Quý vị thấy đó, nếu quý vị không nhận biết năm mươi trạng thái ngũ ấm ma, thì làm sao mà quý vị thành Phật được? Loại ma này là loại ma ngông cuồng, cống cao, ngã mạn. Khi nó len luồng vào tâm ông, chiếm hữu ông, nó tống khứ linh hồn của ông ra ngoài, thay vào đó là “ma vương tại đường”, ma vương thay thế và trở thành linh hồn của quý vị”.



Việc bài bác nhân quả của ông Duy Tuyệ cũng không có gì là lạ. Khi ông đã bị chướng ngại ma ấm trong quá trình hành thiền thì khó có thể hiểu đúng chánh pháp của Phật đạo. Trong mười ma thọ ấm sau khi phá được sắc ấm, Kinh Thủ Lăng nghiêm có ghi:


 
“ Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Trong chỗ tỏ ngộ đạt được tánh hư minh. Trong ấy, hành giả bỗng dưng có khuynh hướng đoạn diệt, bài bác nhân quả, cho mọi việc đều là không. Tâm chấp không chi phối mạnh mẽ, khiến hành giả có kiến giải rằng: Sau khi chết hoàn toàn đoạn diệt. Đây gọi là “Định tâm phân tán mất đi sự chiếu diệu tương ưng”. Nếu rõ biết được thì không lỗi lầm. Đó không phải là chứng Thánh quả”.


 
Trong Phật giáo, việc tự nhận mình đã chứng Thánh tự coi mình là Phật bài bác các thuyết lý Nhà Phật được cho là tội đại vọng ngữ sau khi mất thân nghiệp sẽ bị đoạ vào ngục Vô gián. Không biết ông Duy Tuệ có biết điều này không ?


 
‘Chúng sanh ngu mê, không biết suy xét tự lượng. Gặp nhân duyên này, mê không tự biết, nói là chứng Thánh, thành tội đại vọng ngữ, phải đọa vào địa ngục Vô Gián’.


 
Đối với các thiền sinh, do nghiệp trong quá khứ nên họ thường gặp những ma chướng trong quá trình hành thiền. Trong một số trường hợp tôi biết thì họ chỉ gặp một đến hai chướng ngại sau khi phá được sắc ấm, thọ ấm. Trường hợp của ông Duy Tuệ, đối chiều với Kinh Thủ Lăng nghiêm tôi thấy ông bị gặp khá nhiều những ma chướng khi mới bước vào ngưỡng cửa phá sắc ấm, thọ ấm. Tôi thật sự tiếc cho ông, một người nghiên cứu Phật giáo khá sâu, kiên trì hành thiền trong thời gian dài lại gặp nhiều chướng ngại như vậy. Gía như ông có một vị Thầy – Vị Thiện tri thức giúp đỡ thì ông sẽ không bị rơi vào con đường tà đạo như hiện nay.


 
Một điều thấy rõ nơi ông đó là trí biện thông (trí tuệ thế gian)phát triển rất mạnh do kết quả từ việc hành thiền. Chính ông cũng không ngờ là ông có thế đối đầu với bất kỳ câu hỏi và sự chất vấn nào của mọi người. Nhưng có lẽ chính ông cũng không ngờ rằng, cái trí Biện thông đó  lại đang phản lại ông. Nó đang đẩy ông vào sự rối loạn của những tri thức mà ông đã tiếp nhận được. Nó chính là bát nạn (tám chướng ngại) cản trở các hành giả tiến sâu vào thiền định.  
 


Nếu ông tiếp tục hành thiền và không chấp vào bất kỳ điều gì, cảnh giới nào diễn ra trong tâm mình thì ông sẽ thấy, hành thức (phần phân tích, bình luận…)sẽ bắt đầu đông cứng lại, trực giác sẽ phát triển và trí bát nhã sẽ hiện tiền. Đó mới chính là trí tuệ của Phật giáo. Lúc đó, ông sẽ tỏ thông rất nhiều điều trong Kinh điển mà đức Phật đã thuyết. Con đường chánh đạo vẫn tiếp tục. Nếu ông tự cho mình đã chứng ngộ thì ông sẽ rơi ngay vào ma đạo, tà đạo.


 
Một lời khuyên chân thành, khi mọi việc còn chưa quá muộn, xin ông hãy dừng lại, hãy sám hối và tiếp tục hành thiền. Chặng đường giải thoát còn xa vời vợi. Nếu ông  không tỉnh giác sẽ rơi vào địa ngục.


 
Nam Mô Bổ sư Thích Ca Mầu Ni Phật ! 



Trong thời điểm hiện nay, có không ít những đạo sư giống như ông Duy Tuệ đã sử dụng thuyết lý Phật giáo để thuyết pháp. Họ thường là những người có một chút  dụng công tu hành nên trí biện thông phát triển rất mạnh. Để phân biệt đâu là Phật đạo, đâu là ma đạo. Cở sở nào giúp chúng ta phân biệt được điều đó, tôi xin được tiếp tục chuyển đến bạn đọc phần hai bài viết Phật biệt Phật đạo và ma đạo.



Hồng Vân

Nguồn link: http://www.phattuvietnam.net/diendan/67/18095.html

Bình luận (5)

Nếu ngồi thiền thấy "Tánh" thì không nói được thành lời, khi còn nói ra được cảnh giới thì chưa nhập "Đạo"...Đại ý là : "Thấy thì không nói - Nói thì không thấy " Nơi đó không thể nghĩ , không thể bàn , còn gì để mà tranh luận đúng sai...Hãy ngồi im lặng trong sự thành kính thiêng liêng,nhẹ nhàng, thoải mái , không mong chứng , không mong đạt ,không mong thấy cảnh giới, không làm một việc gì cả. đóng đầu óc lại và mở tâm ra, thư giãn ,tỉnh giác...
trantien ( 20/10/2012 16:06:42)
Phương pháp thiền của ông ta chẳng có gì là mới, vì đó là những kỹ thuật được sao chép từ các phương pháp thiền lâu đời khác như Vipassana, thiền Tứ Niệm Xứ, nhưng được xào nấu lại chút. Người nào không nghiên cứu, chưa học thiền thì tưởng đó là do ông ta sáng tạo, nhưng những ai đã có nền tảng căn bản về tâm linh, về thiền, đều nhận ra những copy của ông ta từ các phương pháp lâu đời và những tư tưởng mà ông ta copy từ nhiều nguồn, sau nhiều năm ông ta đã đầu tư nghiền ngẫm để ngày nay ông khua miệng lưỡi nói rằng do ông ta sáng tạo, do ông ta thông nhận được từ trí tuệ vô biên của ông.Ông ta tự dùng uy tín từng là một doanh nhân thành đạt để thu hút các doanh nhân bỏ tiền cho ông ta làm đạo. Vậy ông ta đã kinh doanh cái gì, công ty gì, uy tín đến đâu, thành đạt đến đâu, nhân thân thế nào, ông ta không hề nói rõ. Ông luôn dùng cách nói mập mờ để che trí người nghe, giống như các ông thầy bói luôn nói nước đôi để đường nào cũng thấy đúng.Ông ta chê bai các ông sư lập chùa, dùng của cúng dường của Phật tử cho cá nhân thì ông ta cũng làm điều không khác. Ông ta dùng miệng lưỡi của mình, đóng vai một ông thầy đầy tình thương để tín đồ của ông bỏ công bỏ sức, bỏ tiền phục vụ cho ông, mua sắm cho ông, và ngụy biện cho sự sống xa hoa của ông ta.Không những thế, ông ta dùng cả những đứa trẻ để lập đạo, đánh vào tình mẫu tử để thu hút thêm tín đồ. Nếu ai tỉnh táo, có trình độ nhận thức, sẽ thấy được tính thiếu hệ thống và   thiếu cơ sở khoa học trong các sách, các băng đĩa của ông ta. Hệ thống giáo dục của Việt Nam và thế giới đã có rất nhiều những tài liệu, giáo trình giảng dạy, đào tạo hết sức khoa học và có hệ thống. Thế mà ông ta lại cố gắng đả phá và khuyến dụ tín đồ của ông mê muội đi theo chương trình đào tạo vô căn bản và không phương hướng, từ bỏ những gì thế giới đã nghiên cứu và chứng minh, đã cho thấy giá trị và hiệu quả, để tung hô ca ngợi cái trí tuệ độc tài và đầy bản ngã của ông ta, và tự biến mình thành bản copy của ông ta.Ông ta rao giảng những điều mà ai nói cũng được, và tự đánh bóng cho nó rằng chỉ có ông ta biết và có khả năng biết và dạy những điều này.Các em trẻ tuổi nếu mải mê chạy theo sự giáo dục của ông Duy Tuệ,thì thật là tiếc cho các em, tiếc cho trí óc đầy tiềm năng của các em. Tương lai của Việt Nam sẽ ra sao nếu có quá nhiều người bị ông ta thu hút, chiêu dụ, nhồi sọ những tư tưởng độc hại?Rất mong các cơ quan chức năng tham gia xem xét để có tiếng nói chính thức trên các báo khác. Còn rất nhiều người khác cần được đánh động về tư tưởng và sự giáo dục độc hại này.
vô thường ( 29/03/2012 15:42:28)
Xin chào tác giả của bài viết và ban quản trị webside, đọc bài viết này của các vị, tôi thấy rất có ích đối với các hành giả đang tu tập đối với pháp môn thiền định... Đây là bài viết mang tính chất xây dựng rất cao. Chúc tác giả và ban quản trị Webside ngày càng có nhiều bài viết hay và sâu sắc hơn nữa!
phuong lien ( 01/03/2012 16:14:02)
Tôi thấy bài viết của Hồng Vân rất sâu sắc và cho thấy trình độ nghiên cứu cao. Ở đây tôi muốn nói thêm rằng, hơn mười năm trước, ông Duy Tuệ cũng đã có một tâm thức không nằm trong tâm thức của một người Phật tử chánh kiến. Ngay cả việc sử dụng hai từ "Đạo Sư" đã cho thấy cái NGÃ bắt đầu lộ diện. Lúc qua Mỹ du lịch (?) người bạn học của tôi nói rằng "Đạo sư Duy Tuệ qua học cấp tiến sỹ, và muốn gặp tôi". Tôi thấy hơi lạ là không dễ học cấp tiến sỹ ở Mỹ dễ dàng vì phải qua kỳ thi khảo sát Anh ngữ và kiến thức chuyên môn cũng như sự tháo vát lanh lợi trong ứng xử một vấn đề. Cuộc sát hạch nầy gọi là GRE test (Graduate Record Examination) cho nhiều người muốn học cao học và tiến sĩ, thì việc ông Duy Tuệ nói là qua học Tiến sĩ thì hơi lạ đối với tôi, vì tôi biết phần nào kiến thức của ông Duy Tuệ qua thầy Minh Chi (Gs Minh Chi), em HT Minh Châu. Và qua cung cách :"trình diễn" tôi thấy cái "NGÃ" đã bắt đầu. Đó cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên một Duy Tuệ chống báng Phật pháp và có vẻ như cho mình là "Đạo Sư" ngang hàng với Phật (?). Cũng như thầy Thích Thông Lạc phê bình lung tung; kinh nầy ngụy tạo, kinh kia không đúng v.v.. Nhưng nếu có ai hỏi bằng chứng thì không thể trả lời được.Trong nước, có một số gọi là "Thiền giả". Đúng vậy, "thiền giả" chứ không phải là "thiền thiệt". Nên có một số biểu hiện như Thiền Xuất Hồn, Mở luân xa và Lên cỏi trên để nghe Phật thuyết pháp.Y giới và khoa học gia các nước tân tiến phân biệt "Hai thứ" thiền, một cách tổng quát, là Thiền Giác Ngộ (Meditation for enlighternment) và Thiền Sức khỏe (Meditation for health). Loại thiền cho sức khỏe sử dụng quán hơi thở, tập trung 'tư tưởng', tụng chú, tụng kinh, niệm Phật sẽ làm cho hành giả định được tâm. Do vậy mà rất có kết quả tốt cho sức khỏe và không đi vào con đường tẩu hỏa nhập ma như trường hợp ông Duy Tuệ và một số "thiền giả" khác. Quý vị có thể tìm thấy qua mạng điện tử toàn cầu về những buổi thuyết trình của cư sĩ Hồng Quang về Thiền Sức khỏe mà khoa học gia và y giới đã thí nghiệm. Rất khoa học, rất hữu ích. Nếu Thiền hoặc tụng chú, niệm Phật mà không định được tâm thì không có kết quả tốt cho sức khỏe, nhưng vô hại nghĩa là không bị tẩu hỏa nhập ma.Trái lại, nhiều nơi tại Việt Nam có các trung tâm thiền trị bệnh. Rất tốt và đem lại kết quả khả quan cho bệnh nhân. Nhưng sau đó, người "Thiền giả" (không phải Thiền thiệt) lại bày ra vấn đề xuất hồn, khai mở luân xa, lên cỏi trên nghe Phật thuyết pháp. Do vậy cũng đã và đang tạo ra một số "đi sai đường" mà nhiều người sống trong tưởng tượng là có hồn ma, có người âm nhập vào, và ngay cả huy bỏ việc thờ cúng ông bà tồ tiên.Thiền là của Phật Giáo (có thể nói như thế) nhưng GHPGVN chưa có kế hoạch cụ thể để xiển dương Thiền Tịnh như là một phương tiện ngăn ngừ bệnh tật. Có thể nói như cư sĩ Hồng Quang là "Thiền, Tịnh, Mật, có khả năng làm cho con người "Khỏe mạnh hơn, thông minh hơn, đẹp hơn, sống thọ hơn, chống bệnh tật và lão hóa. Nhiều bệnh viện, trường học tại Mỹ và nhiều quốc gia khác áp dụng Thiền vì những lợi ích của việc hành thiền.Dẫu sao thì chúng ta nên thông cảm, và nếu ai có thể liên hệ được, thì nên giúp ông Duy Tuệ thay vì   phê phán.Hồng Loan
Hồng Loan ( 28/02/2012 23:47:38)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp