Lịch sử từ ngàn xưa đến ngàn sau, Phật giáo Việt Nam vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc và văn hoá Phật giáo luôn gắn kết cùng văn hoá dân tộc Việt Nam. Cải đạo chính là đang chống là văn hóa dân tộc. Trách nhiệm này mỗi chúng ta cần phải nhận thức và cương quyết hành động.
“Dân tộc Việt Nam chắc chắn thuộc về Đức Chúa Trời. Mọi xiềng xích tội lỗi và rủa sả của các thế hệ trước đã bị tuyên bố cắt đứt, hình ảnh con rồng, tức con rắn xưa là ma quỷ kể từ nay không còn tiếp tục được ảnh hưởng trên dân tộc Việt Nam. Việt Nam thuộc về Đức Chúa Trời, từ nay dân tộc Việt Nam sẽ được phước, Hội thánh Việt Nam sẽ bước vào một cơn phấn hưng chưa từng có và trong một tinh thần hiệp một khắn khít trước mặt Đức Chúa Trời...”.
Đó chính là một phần của bản “Tuyên ngôn thuộc linh” của một nhóm Tin Lành vào mùa Giáng sinh năm 2009 tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, thủ đô Hà Nội. Cuồng tín hay đức tin? Xin hãy cho tôi biết câu trả lời.
Tiết trời đầu xuân vẫn còn đẹp và rất đẹp, nắng vàng rực rỡ nhưng không hiểu sao trong lòng vẫn buồn đến vô cùng. Tâm trạng cứ đè nặng một nỗi niềm khắc khoải, muốn được chia sẻ mà vẫn không biết phải tỏ bày cùng ai?
Thiết nghĩ, đất nước ta đã trải qua bao nỗi khó khăn, bao nỗi can qua của dân tộc, những năm tháng của chiến tranh và bom đạn, những máu và nước mắt đã thấm sâu vào lòng đất mẹ Việt Nam. Là người con Việt, ta tự hào một đất nước và dân tộc có 4000 năm văn hiến. Và cũng trong 4000 năm văn hiến đó đã có tới 2000 năm đạo Phật có mặt tại đất nước này cùng chịu bao thăng trầm, vinh nhục cùng dân tộc Việt Nam. “Thời nhà Trần, nói đến Phật giáo là nói đến dân tộc, nói đến dân tộc là nói đến Phật giáo”.
Hai triều đại Lý – Trần đã hình thành nên một nền “đức trị”, nền chính trị và luật pháp được xây dựng trên cơ sở đạo đức, những hạt giống từ bi sẽ hình thành trong mỗi con người. Đó thật sự là một triều đại đã xây dựng nên một nền chính trị bằng lòng từ bi và trí tuệ. Có thể khẳng định một điều rằng văn hoá Phật giáo luôn gắn liền với văn hoá dân tộc. Lịch sử là minh chứng rõ ràng nhất qua từng giai đoạn dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Do vậy, việc cải đạo chính là đã tiếp nhận văn hóa ngoại bang vào văn hóa dân tộc làm hoen ố đi giá trị nền văn hóa của một đất nước có 4000 năm văn hiến.
Đạo Phật không phải tự dưng từ trên trời rơi xuống, không phải tự nhiên lại sống trong lòng nhân loại cả hơn 2500 năm. Ta học Phật để làm gì? Để trở thành một nhà Phật học ư? Hay một thiền sư ngồi dưới ánh trăng buồn? trong khi nhân loại đang ngập chìm trong sự khổ đau vì đảng phái, vì nhân ngã, vì chủng tộc, vì sức mạnh của đồng tiền và quyền lực. Hãy đứng lên và nhìn rõ sự khổ đau của nhân loại mà trở thành những người con Phật với sức mạnh của đại hùng, đại lực để giải quyết khổ đau, bảo vệ Đạo Pháp mãi trường tồn chứ không phải ngồi thở dài, buông xuôi, ỷ lại trước nạn cải đạo của những người được coi là Phật tử, cho “kế hoạch ngày tàn của Phật giáo”.
Biến động của Phật giáo trong những năm đầu thế kỷ XXI đã khiến cho không ít người phải đau lòng. Riêng Phật giáo Việt Nam, trong lòng tôi vẫn luôn một khắc khoải làm sao khơi dậy được một tinh thần Phật giáo thời Lý – Trần, làm sao để làm sống dậy ngọn lửa tinh thần đạo Phật như lửa đã từng cháy vào năm 1963, ngọn lửa Bồ tát Thích Quảng Đức đã làm rúng động và thức tỉnh lương tâm của triệu triệu con người trên trái đất này. Nghĩ lại những biến động ấy là do đâu? Nếu không phải là “sư tử trùng thực sư tử nhục”? Đứng trước hiểm nạn cải đạo, ta cũng nên phản quang tự kỷ, nhìn lại chính mình mà đặt câu hỏi chứ khoan hãy nói đâu xa. Bấy lâu nay ta đã quá ngủ say trong những gì gọi là sự hưng thịnh của Phật giáo.
Mà sự hưng thịnh ấy là gì? Là chùa to Phật lớn, là đông đảo Tăng, Ni, Phật tử nhưng đó mới chỉ là số lượng chứ chất lượng thật sự thì rất ít. Thật tình mà nói, người viết đã phạm không ít những sai lầm khi chỉ biết ngồi trách người khác trong khi bản thân mình vẫn chưa đóng góp được gì cho sự phát triển của Đạo Pháp. Buồn, cũng đã buồn rất nhiều. Khóc thương Đạo Pháp cho thời đại mạt pháp này cũng đã khóc rất nhiều. Nhưng rồi nghĩ lại cũng chẳng làm được gì. Thử hỏi ta đã làm được gì cho Đạo Pháp? Thắp nén nhang đứng trước chư Phật và chư vị Tổ sư mà lòng cảm thấy hổ thẹn đến vô cùng. Con có lỗi với chư liệt vị, có lỗi với dân tộc, có lỗi với hàng con cháu. Và ngày hôm nay, hiểm nạn cải đạo cũng là trách nhiệm mà mỗi người Thích tử cần phải sớm nhận thức và kiên quyết hành động.
Giờ là lúc chúng ta ngồi lại để chung tay cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam chứ không phải để trách tội ai. Hãy làm sống dậy tinh thần Phật giáo thời Lý – Trần ngay giữa thế kỷ XXI hiện đại này, đừng quá lạm dụng chữ “tùy duyên” để rồi nay mai đạo Phật chỉ có thể đứng bên cạnh cuộc đời chứ không thể đi vào cuộc đời. Người con Phật cần phải thoát khỏi địa vị phàm phu nguyện đi vào cuộc đời bằng hạnh nguyện của một vị Bồ tát, bằng tinh thần Vô ưu, Vô úy, bằng tâm Đại từ, Đại bi bảo bọc chúng sanh và làm lợi ích cho cuộc đời này, xây dựng các trung tâm tu học mang tính “Lục hòa cộng trụ” thì mới xứng đáng vai trò của người Thích tử đối với nhân sinh.
Người con Phật luôn bảo vệ Đạo Pháp bằng chính công hạnh tu tập của mình, không bao giờ mượn hoạt động chính trị để làm phương tiện đạt được. Do đó, người Phật tử chân chính là người không bao giờ phát triển Đạo Pháp bằng con đường chính trị. Chính tinh thần Bi – Trí – Dũng mới làm an được lòng dân. Chúng ta không những chỉ ca ngợi về lòng từ bi và trí tuệ mà còn phải dũng cảm đứng lên giải quyết những khổ đau của nhân loại. Trách nhiệm ấy thuộc về tất cả mỗi chúng ta.
Thiết nghĩ, đạo Phật ra đời là để phụng sự cho ai? Có phải phụng sự con người hay không? Vậy nếu rời khỏi con người thì đạo Phật đã mất đi sứ mạng của mình. Nếu quý vị đã ý thức được hai chữ “Phật tử” hay những vị đang đứng trong hàng ngũ Tăng già thì chúng ta càng phải sớm nhận ra trách nhiệm của chính mình trước sự tồn vong của Đạo Pháp. Đừng để đến một ngày nào đó đạo Phật bị xem như đã vắng bóng trong cuộc đời để rồi phải cảm thấy hổ thẹn với chư Tổ, với liệt tổ liệt tông. Đừng để những pháp nạn của Phật giáo Việt Nam cứ mãi diễn ra như một oan nghiệp khi huynh đệ tương tàn trong cảnh sư tố sư, tín đồ tố sư. Nghĩ mà đau lòng!
Trong nhịp sống của xã hội hiện đại ngày nay, khoa học kỹ thuật đang phát triển với một tốc độ chóng mặt, nhu cầu về cuộc sống con người cũng được nâng cao, nền kinh tế thời mở cửa nên con người lại càng có điều kiện giao lưu với các nền văn hóa khác. Đó chính là lý do tại sao có nhiều đạo mới đã xuất hiện cùng với những chiêu thức dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người dân nên đã không ít người dù là Phật tử cũng phải hoang mang và bị lợi dụng một cách dễ dàng.
Cuộc sống con người hiện nay đang nghiêng về cuộc sống vật chất và hưởng thụ hơn là cuộc sống tâm linh, giữ gìn truyền thống đạo đức của dân tộc. Cứ nhìn vào sự phát triển đạo đức của con người bây giờ là chúng ta có thể thấy, cả một chiều hướng suy vi, giới trẻ vẫn chưa tập cho mình có một cái nhìn sâu trong cuộc sống, sống hời hợt, sống vội và … chết vội, những vụ án giết người dã man vẫn còn nhan nhản khắp đây đó, tham nhũng thì vẫn chưa có gì là cải thiện theo chiều hướng tích cực, lạm dụng tài nguyên thiên nhiên một cách thái quá, trái đất ngày một nóng lên. Môi trường ô nhiễm. Do đâu? Đạo đức con người đã bị nhiễm ô!
Đứng trước thực trạng đó, người Phật tử nếu không biết xây dựng cho mình một sự hiểu biết vững chắc, không nhận thức, không biết tư duy và kiên quyết hành động thì vô tình lại trở thành những kẻ tiếp tay cho ngoại đạo, lôi kéo thêm đồng bào Phật tử chống lại đạo Phật và chống lại nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng tiền luôn có một sức mạnh hấp dẫn con người, do vậy người Phật tử cần phải biết xây dựng một cuộc sống tỉnh thức, có kiến thức Phật Pháp vững chắc, làm tốt vai trò của một người con đối với gia đình, một người công dân tốt đối với xã hội, một người Phật tử chân chánh cùng với các vị trong hàng ngũ Tăng già hộ trì Chánh Pháp. Làm được như vậy chính là quý vị đang thực hành tốt lời Phật dạy, tu không có nghĩa là chỉ có tụng kinh, cúng dường, xây chùa, đúc tượng, ấn tống kinh sách mà còn là biết cách áp dụng kiến thức Phật Pháp vào kỹ năng sống hàng ngày. Đó chính là lúc quý vị đang xiển dương Chánh Pháp. Tránh bàn luận Đạo một cách cao siêu mà hãy nên hành Pháp ngay trong thực tại này và sự tồn vong của Đạo Pháp cũng phụ thuộc vào trách nhiệm của người Phật tử.
Các bậc Tôn túc đi trước đã có công rất lớn trong việc phát triển Phật giáo Việt Nam. Để giữ cho Chánh Pháp mãi trường tồn, không những chỉ có Phật tử mà nòng cốt còn là hàng ngũ Tăng già. Điều này nói ra có vẻ như hơi thừa nhưng thực tế lại đang thiếu. Ngay chính lúc này đây những vị học Tăng, học Ni trẻ cần phải mạnh mẽ hơn nữa để cùng khơi dậy những trái tim thiện nguyện đứng lên xây dựng một đạo Phật phát triển về tâm linh, về nội dung. Phật giáo Việt Nam cần quý vị! Hãy là những người con đại diện cho lòng từ bi và trí tuệ nguyện đi khắp muôn nơi đem ánh sáng Phật pháp xé tan màn vô minh. Hãy là những người con thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết của trái tim những thế hệ trẻ đang còn thoi thóp bởi những thế lực xung quanh đè nén họ.
Đừng biến giáo lý Phật Đà trở thành giáo lý suông, huyền bí và khó hiểu mà quý vị hãy thể hiện mình là kết quả của sự thực hành giáo lý của Đức Phật vào bản thân cuộc đời. Người Tăng sĩ Phật giáo nếu không biết xây dựng một tầm vóc về Đạo lực, xây dựng một đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức với phong cách phi thế tục thì chuyện phát triển Phật giáo Việt Nam chỉ là không tưởng. Phẩm chất, đạo hạnh và kiến thức cả Phật học và thế học của một người xuất gia sẽ là một bài pháp sống động để hàng Phật tử noi theo và học tập.
Trên lộ trình hoằng pháp cũng phải biết uyển chuyển tùy hoàn cảnh, tùy quốc độ để mọi tầng lớp dân chúng đều cảm nhận được sự tươi mát trong dòng Phật thủy. Người xuất sĩ dấn thân vào cuộc đời bằng hạnh nguyện của một vị Bồ tát thượng hoằng Phật đạo, hạ hóa chúng sanh chứ không phải mê đắm trong chốn bụi mù để rồi quên mất đường về trước sự quyến rũ của chợ đời.
Thực tế mà nói, thịnh suy thì đời nào cũng có, vô thường là chuyện bình thường nhưng cái chính là ta có nhận ra nguyên nhân ấy để kịp thời sửa đổi lại hay không? Đừng thấy cái “suy” trước mắt mà đâm ra chán nản, thối tâm, đừng thấy cái “hưng” trước mắt mà chỉ biết hưởng thụ, cần phải phát triển đời sống tâm linh và trí tuệ, bớt chú trọng xây dựng về ngoại cảnh bởi nếu nội lực không có, yếu kém về năng lực, yếu kém về phẩm chất và đạo hạnh sẽ là tấm thảm lót đường cho những kẻ tự xưng là con của Đức Chúa Trời tổ chức truyền giáo Phúc Âm chuyên cải đạo Phật tử.
Bên cạnh đó, những đội ngũ Tăng sĩ trẻ cần phải dấn thân đến các vùng sâu vùng xa để hỏi thăm đời sống hiện tại của bà con dân tộc thiểu số, để biết được khoảng bao nhiêu phần trăm người dân tộc theo đạo Phật, tránh tạo sự phân biệt giữa các đạo tràng đặc biệt là đạo tràng ở các chùa của thành phố lớn và đạo tràng của các chùa ở vùng quê nghèo. Không những thế, cần phải kiên quyết loại trừ những con sâu đã làm rầu nồi canh, đó là những con sâu của chiếc ghế danh vọng và địa vị, đừng để môi trường trong chốn Thiền môn cũng bị ô nhiễm bởi những cặn bã lợi danh của thế tục.
Đạo Pháp còn đọa đày, lắm đau thương, bóng vô minh che phủ dấu chân thường. Với tinh thần hòa hợp đoàn kết, ngàn vạn lời tha thiết gửi đến cho những người con Phật mến yêu để tiếp nối dòng sinh mệnh của lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Nếu quý vị là Phật tử, xin hãy sống trọn với ý nghĩa hai chữ “Phật tử” chung sức bảo vệ Đạo Pháp. Nếu quý vị là những bậc Tăng sĩ, xin hãy là những bậc đại trượng phu với niềm tin và nghị lực vững chắc. Hãy là một Vạn Hạnh thiền sư, một Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông giữa thế kỷ hiện đại nhưng cũng đầy ô nhiễm này. Và cũng xin được học theo hạnh HT. Thích Thanh Từ, TT. Thích Trí Siêu (GS.TS. Lê Mạnh Thát) - cả một cuộc đời sống cho Đạo Pháp và Dân Tộc, Thiền sư Thích Nhất Hạnh – một ông thầy tu Việt Nam được cả thế giới biết đến và kính phục, HT. Thích Minh Châu – cả một cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo các thế hệ Tăng tài cho Giáo hội và Đất nước.
Còn nhiều và rất nhiều các vị chư Tôn túc khác, quý Ngài luôn là một tấm gương sáng chói cho đàn hậu học chúng con noi theo. Vì sự nghiệp phụng sự Đạo Pháp giữa dòng pháp giới duyên sinh vô tận với tinh thần “Tre già măng mọc” chúng con xin nguyện cùng nhau xây dựng một ngôi nhà Phật giáo Việt Nam phát triển vững mạnh, trang nghiêm, sống mãi trong lòng dân tộc, ánh đạo vàng sáng tỏa muôn nơi, cội Bồ Đề tỏa bóng mát cho muôn loài, vạn vật, xứng danh là những người con của dòng họ Thích. Xin một lần nữa được nhắc lại lời của Hoà thượng Thích Trí Quảng “Nếu tách rời văn hoá Phật giáo thì khó có cơ hội để bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc”, “Sự gắn kết mật thiết này đã hoà quyện nhuần nhuyễn giữa truyền thống đạo đức của tổ tiên với tinh thần từ bi, trí tuệ, vị tha, vô ngã của đạo Phật”.
Vì vậy, bảo vệ văn hóa Phật giáo chính là bảo vệ văn hóa dân tộc, tinh thần đạo Phật không bao giờ lôi kéo bất cứ một ai mà chỉ luôn che chở, bảo bọc và đem lại lợi ích cho chúng sanh. Chống lại hiểm nạn cải đạo cũng chính chống lại một cuộc chiến tranh sẽ diễn ra giữa nền văn hóa các dân tộc, chống lại hiểm nạn cải đạo không phải nhằm để tôn vinh một đạo Phật lên hàng ngũ độc tôn mà chính là đem lại nguồn hạnh phúc cho nhân loại này để tất cả mỗi chúng ta cùng đi trên con đường của tình thương và sự hiểu biết. Cuộc sống của con người tràn ngập tình yêu thương và làm việc bằng ánh sáng của trí tuệ. Trái đất này mãi một màu xanh, không còn ngập chìm trong sự hận thù và đau khổ.
Lịch sử từ ngàn xưa đến ngàn sau, Phật giáo Việt Nam vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc và văn hoá Phật giáo luôn gắn kết cùng văn hoá dân tộc Việt Nam. Cải đạo chính là đang chống là văn hóa dân tộc. Trách nhiệm này mỗi chúng ta cần phải nhận thức và cương quyết hành động. Tịnh Hạnh
|