Pháp hội diễn ra tại Nation’s Capital thuộc Thủ Đô Washington DC; một hội trường chứa khoảng 14 ngàn người, bán ra 12 ngàn vé, chư Tăng Ni 800 vị và còn lại là khách mời.
Trước đó hai hôm, chư Tăng Tibet tự trang hoàng pháp hội, các công đoạn khác như thực phẩm suốt thời gian của lễ, cúng dường hoa trái, in bảng tên và những văn bản, sách quảng cáo…đều do người Việt tại Washington hỗ trợ, vì cộng đồng Tibet tại Thủ đô rất ít.
Thông lệ sinh hoạt tại Mỹ, thường từ 9, 10 giờ sáng, nhưng buổi lễ đã diễn ra rất sớm, vì thế, 6g hội trường đã mở cửa, các khâu làm việc khá nhịp nhàng và an ninh cũng không đơn giản, mà cũng không làm cho khách tham dự khó chịu. tất cả đều nhã nhặn lịch sự. Một số chư Tăng và quan khách trú tại khách sạn, chùa hoặc tại nhà cư sĩ. Vùng ngoại ô vào thành phố thường kẹt xe, vì thế phần lớn người tham dự đều đáp Metro, đường ngầm xuyên phố thị và sông Potomac để đến Thủ Đô.
Hội trường là vòng tròn khép kín có nhiều cửa hướng ra các ngã đường khác nhau trong Thành phố. Ở hội trường gồm nhiều tầng lầu và nhiều màn hình rộng giúp cho khán giả cách xa lễ đài chính hơn 50m vẫn thấy rõ hoạt cảnh của Pháp hội. Trên lễ đài, từ rất sớm, Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng chư Tăng Kinh sư Tibet đã làm lễ Tịnh thổ rất nghiêm trang, thành khẩn. Sau đó, một thời Pháp ngắn do Đức Đạt Lai Lat Ma thuyết giảng mang nhiều ý nghĩa về tôn giáo, đạo đức chính trị và xã hội của con người. 10 đến 12g là lễ chúc mừng sinh nhật lần thứ 76 của Ngài.
Trong buổi lễ có sự hiện diện của người cháu Thánh Gandhi và người con của cố Mục sư là Martin Luther king III, đều là những nhân vật đại biểu cho tinh thần đấu tranh bất bạo động và đều bị ám sát dưới bàn tay cực đoan bạo động. Trong phần chúc mừng Khánh tuế của Ngài trước khi các đoàn đại biểu đến mừng thượng thọ và lễ Ngài, đoàn đồng ấu với nhạc cụ truyền thống Tây Tạng trổi lên như gợi nhớ một vùng đất xa xăm trên cao nguyên Hy Mã xa xưa mà Ngài từng sanh trưởng nơi đó.
Hơn chục em hát mừng, nhưng gương mặt vẫn không biểu lộ được nét hân hoan của tuổi trẻ đối diện với nhà lãnh đạo tinh thần đáng kính của họ, tương phản với người phụ nữ âu Mỹ chỉ huy hợp xướng tỏ ra năng động hưng phấn. Tuy ngắn gọn nhưng xúc động làm cho gương mặt hồn nhiên thánh thiện của Đức Đạt Lai Lạt Ma có nét trầm tư. Sau đó, gồm nhiều quốc gia khác nhau, trong đó, đặc biệt làm cho mọi người thấm lệ khi MC giới thiệu đoàn Việt Nam và đoàn Tibet, tiếng vổ tay và tiếng la vang dội.
Người ta nhìn thấy được nét ưu ái của Ngài khi người phụ nữ Việt Nam chắp tay phủ phục trước mặt. Cầm tay đại biểu Việt Nam, Người nhìn thẳng như ban phúc lành và chia xẻ sự cảm thông. Chiếc khăn trắng choàng qua đầu ba phụ nữ Việt trong làn sóng vổ tay nhiệt liệt. Tín đồ Tibet trang phục truyền thống có lẽ đến từ Ấn độ, Ngài vui vẻ sờ lên chiếc kẹp mào gà trên tóc của họ, cả hội trường cười ồ thích thú. Vốn tính hài hước, Ngài luôn làm khán giả nhộn nhã.
Trong lúc nầy, các tín đồ của Ngài khắp nơi đổ về với nhiều sắc phục đặc thù, mang âm hưởng vùng cao nguyên và tiếng nói của một dân tộc lưu vong. Trong lúc Ngài và đồng bào của Ngài hiện diện trên đất nước tự do thì còn bao nhiêu Tăng sĩ và con dân của Ngài đang nằm trong lao ngục đói lạnh, chịu nhiều cực hình của địa ngục trần gian tại quê hương mình, vì vậy hàng năm đều có lễ cầu nguyện hòa bình cho tinh cầu nầy đừng còn chiến tranh, thiên tai và khổ đau. Chư Tăng Tibet tuy đi đứng có vẻ tự tại nhưng tự thân các vị đã được thuần thục trong môi trường giáo dục tu viện khá nghiêm khắc. Ngày nay, Tibet đã được mọi người biết đến nhờ uy danh của Đức Đạt Lai Lạt Ma, pháp tu của Kim Cang Thừa cũng đã có chỗ đứng trong thế giới Âu Châu và Âu Mỹ.
Đến phần phát biểu của quan khách tham dự, không phải bằng ngôn ngữ ngoại giao mà với cả tấm lòng và sự tôn kính dành cho Ngài, cháu ba đời của Thánh Gandhi cũng như con Mục sư Martin Luther King ca ngợi Ngài và chia xẻ nỗi khó khăn của Tibet. Đặc biệt, có tiếng nói của một Giám Mục Anh giáo Desmond TUTU Nam Phi, một câu noi nổi tiếng về Kito giáo: “ khi họ đến họ có cuốn kinh Thánh, chúng tôi có đất đai, họ bảo chúng tôi nhắm mắt cầu nguyện, mở mắt ra, chúng tôi có cuốn kinh Thánh, họ có đất đai”.
Hơn 5 phút phát chiếu lời của Giám Mục, cả hội trường chia xẻ cảm thông niềm bất hạnh của kẻ bị trị. Vẫn giọng hài hước của Đức Đạt Lai Lat Ma, Ngài đáp từ trước những tấm lòng và sự ưu ái của các quan khách cũng như những Thiện nguyện viên tổ chức cho cuộc đại lễ cầu nguyện hòa bình và Mừng sinh nhật của Người. Ngài không quên nhắc nhở mọi người về mọi khía cạnh chính trị, văn hóa, kinh tế phải được xây dựng trên nền tảng đạo đức tâm linh.
Tất cả hội trường, không ai bảo ai, tự động đứng lên khi Ngài đến cũng như lúc đi, bằng cả tôn kính tự đáy lòng. Sau khi chấm dứt nghi lễ buổi sáng, từ 12.30 đến 1.30 dành cho bữa ăn trưa. Ngài cùng chư Tăng tiếp tục cầu nguyện, trong buổi lễ, nghi thức Kim Cang thừa , chư tôn đức tẩy tịnh thân tâm và thế giới rất ư chí thành. Những nghi lễ như thế, nếu là Việt Nam, Hòa Thượng chủ sám chỉ niêm hương chứng minh rồi lui về hậu liêu an nghỉ, riêng đây, Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng với ban Kinh sư hành lễ suốt 10 ngày, mỗi ngày hai thời, kể cả giảng pháp mà không tỏ ra mỏi mệt với tuổi 76.
Phải chăng, tính giản dị, bình đẳng, hài hòa, tinh tế và hồn nhiên của Người đã chiếm lĩnh trái tim của đại bộ phận nhân loại trên hành tinh nầy ngoại trừ ma chướng?
Ngài có công lớn đem Phật giáo vào thế giới phương Tây, mang lai hòa hợp giữa các tôn giáo, trồng cây Bồ Đề ở vị trí tương xứng với nhân loại ngày nay. Một Tibet nhỏ bé, nghèo nàn nhưng có một nhân cách vĩ đại thể hiện qua một Đạt Lai Lạt Ma, mà lễ Kalachakra đã hoành tráng trong buổi khai mạc sang nay.
MINH MẪN 06/7/2011