Ngài Di Lặc Bồ-tát đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật:
- Tôi nhớ lại vi trần kiếp trước có Đức Phật hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh. Tôi được theo Phật xuất gia, nhưng tâm còn trọng hư danh thế gian, ưa giao du với các hàng vọng tộc. Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh dạy tôi tu tập định : “Duy tâm thức” và tôi được nhập Tam-ma-đề. Trải hằng sa số kiếp đến nay, tôi sử dụng tam muội ấy, phụng sự hằng sa chư Phật, tâm cầu danh được diệt hết. Đến thời Phật Nhiên Đăng ra đời tôi mới chứng được tam muội “thức tâm diệu viên” vô thượng. Bấy giờ tôi quán thấy cõi nước của chư Như Lai, tột bờ mé hư không, tịnh, uế, có, không đều do thức tâm biến hiện.
-Bạch Thế Tôn! Do tôi ngộ “Duy tâm thức” thức tánh của tôi xuất hiện vô lượng Như Lai và hiện nay được Phật thọ ký, tôi sẽ được bổ xứ thành Phật ở cõi Ta bà sau này. Nay Phật hỏi nguyên nhân viên thông, xin thưa: Tôi quán mười phương đều Duy thức. Thức tâm tròn sáng thì xa lìa tánh biến kế, nhận thức đúng thực thể của tánh y tha khởi thì chứng nhập tánh viên thành thật, được vô sanh nhẫn. Đối với tôi đó là pháp quán ưu việt nhất.
Đại là phổ biến cùng khắp cho nên thất đại phổ biến cùng khắp cả không gian và thời gian, nơi nào và lúc nào cũng có. Thức đại là phần nhận thức tác động vào con người để có sự hiểu biết và sau cùng phát sinh ra trí tuệ. Thức đại thì bao la trùm khắp trong thế gian vũ trụ cũng như hư không chớ không nhất thiết chỉ có trong con người. Nói cách khác khi nào một hữu tình chúng sinh có đầy đủ ngũ quan, tứ chi, lục căn thì thức đại tác động vào hữu tình chúng sinh đó để có đầy đủ tri giác của một con người. Vì vậy nếu trên thế gian có bao nhiêu con người, thì thức đại tác động vào chừng ấy chúng sinh, không thêm không bớt rất mầu nhiệm để họ có đầy đủ tri giác, trí tuệ của con người.
Bồ-tát Di Lặc tên là A Dật Đa (Ajita) và họ là Từ Thị. Trong vô lượng kiếp quá khứ, có Đức Phật hiệu là Đại Thống Trí Như Lai ra đời thì cả Đức Thích Ca (tiền kiếp) và Bồ-tát Di Lặc (tiền kiếp) cùng phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nhưng mãi đến khi Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh ra đời thì Ngài Di Lặc mới phát tâm xuất gia. Tuy xuất gia nhưng ngài Di Lặc không chú tâm tu hành mà muốn kết thân, cầu danh với những hàng danh gia vọng tộc, quan quyền, giàu có nên Ngài sẽ thành Phật sau Đức Phật Thích Ca gần mười tiểu kiếp.
Đây là bài học điển hình cho các tu sĩ còn ham chuộng danh lợi, chạy theo uy quyền, tham gia chính trị, phế bỏ cả đời tu của mình. Người tu sĩ mà thích kết thân, giao du và dựa hơi với hạng quan quyền, người giàu có mà cho đó là phước đức, danh vọng, địa vị của mình là hỏng bét, là thiếu đức hạnh. Đối với người tu sĩ chân chính là phải tách mình ra khỏi xã hội, không chạy theo danh văn lợi dưỡng, không nhiễm ô tham đắm thế tình mà phải luôn bồi dưỡng trí tuệ thì mới là sống đúng theo chánh pháp để có thể diệt được cái bản ngã tối tăm. Phải biết rằng:
Niệm mà không chấp có niệm, đó là chánh niệm.
Hành mà không chấp có hành, đó là chánh tinh tấn.
Độ mà không chấp có độ, đó là chánh tư duy.
Tu mà không chấp có tu, đó là chánh kiến.
Còn người tu sĩ mà có uy quyền ghê gớm, danh vọng ghê gớm, đạo đức ghê gớm, tiền của ghê gớm thì người này là đệ tử của đạo “sự nghiệp uy quyền” chớ đâu phải đệ tử của Phật Thích Ca là đạo giải thoát giác ngộ. Nhưng nếu muốn có sự nghiệp uy quyền thì cứ hoàn tục trở về với gia đình mà tha hồ thỏa chí bình sinh, sống đời vinh thân phì da chớ đừng núp dưới cội Bồ-đề mà làm ô uế cửa thiền.
Chính Đức Phật đã từng khuyên Đề Bà Đạt Đa nên hoàn tục vì tuy là người xuất gia, nhưng “tâm không vào đạo” nên ông luôn nuôi dưỡng những tư tưởng bất thiện, cố tranh giành thế lực, chia rẽ Tăng đoàn để mưu lợi riêng cho mình. Đối với Tăng đoàn, Đề Bà Đạt Đa muốn chiếm ngôi vị của Phật, còn đối với thế sự ông xuối vua A Xà Thế giết cha, hại mẹ, làm chuyện vô luân. Màn vô minh hắc ám che lấp tâm tánh thuần lương khiến ông làm việc phản sư, phạm giáo mà phải bị đọa vào địa ngục A tỳ. Ngày xưa Đức Phật và biết bao đệ tử của Ngài từ bỏ giàu sang phú quý, quyền cao chức trọng để xuất gia cầu đạo và sống đời thanh bần an lạc mà hoằng pháp lợi sanh. Ngày nay người đệ tử Phật thì ngược lại muốn xuất gia để có được quyền uy, danh vọng, ăn trên ngồi trước, giàu sang phú quý. Như thế đủ biết tinh thần: “Xã phú cầu bần xã thân cầu đạo” chỉ còn là kỷ niệm, là cái bóng của quá khứ.
Về sau nhờ Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh dạy cho pháp tu Duy Tâm Thức nên Ngài mới chứng được “Tam giới duy tâm, Vạn pháp duy thức”, nhưng mãi đến thời Phật Nhiên Đăng xuất thế thì Ngài mới chứng được tam muội “thức tâm diệu viên” và được Phật Thích Ca thọ ký đời sau sẽ thành Phật ở hội Long Hoa tại thế giới Ta bà nầy. Hiện nay Bồ-tát Di Lặc đang tu ở cung trời Đầu Xuất, chuyên giảng môn Duy Thức Học.
Tuy tất cả các pháp có rất nhiều, nhưng tóm lại có 100 pháp và được chia làm 5 loại:
1) Tâm pháp hay còn gọi là Tâm Vương gồm có 8 món: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt-na-thức và A lại da thức. Tiếng gọi thông thường là bát thức tâm vương.
2) Tâm sở hữu pháp gồm có 51 món và được chia làm 6 loại: Biến hành (5 món), biệt cảnh (5 món), thiện (11 món), căn bản phiền não (11 món), tùy phiền não (20 món), bất định (4 món). Trong 51 món thì chỉ có 11 món là thiện.
3) Sắc pháp có 11 món gồm có năm căn và sáu trần.
4) Tâm bất tương ưng hành pháp có 24 món.
5) Vô vi pháp có 6 món.
Duy tâm là A lại da thức hay Tàng thức tức là đệ bát thức tâm vương. Còn thức là sự phân biệt. Do đó tâm là bản thể và thức là diệu dụng. Dựa theo duy thức thì tất cả sự vật trên thế gian như trời trăng, mây nước, chim bay, cá lặn, cỏ cây, hoa lá thì gọi là sở tàng nghĩa là những vật mà do thức tâm con người biến hiện. Và năng tàng là khả năng chứa đựng những sở tàng bên ngoài ở trong tâm của con người. Vì thế con người có khái niệm tới đâu nghĩa là sở tàng biến đổi thế nào thì năng tàng cũng bao trùm tới đó. Nói cách khác cảnh thay đổi thế nào thì tâm cũng biến hiện tùy thuộc theo. Bồ-tát Di Lặc tu tập theo pháp Duy Tâm Thức nên quan sát tất cả cảnh giới là giả, tưởng là giả, chỉ do thức tâm biến hiện mới thành có tánh cách phân biệt sai khác.
Bây giờ nếu tu được định duy thức thì ngoài tâm không có cảnh, ngoài cảnh không có tâm cho đến khi chứng được “Vô thượng diệu viên thức tâm tam muội” thì nhận thấy tất cả nhân sinh vũ trụ cho dù là loài vô tình, hữu tình, là tâm, là cảnh, là phàm, là thánh đều do “tánh duy thức” biến hiện nên không có sai khác. Nói cách khác khi Ngài Di Lặc chứng được “chơn duy thực tánh” thì không còn thấy thật có tướng duy thức vì tất cả mười phương Như Lai, quốc độ, sắc không đều không có món nào ra ngoài “thức tánh” ấy mà tự có. Tại sao? Bởi vì thức tánh chính là Như Lai Tạng bản thể mà duyên khởi phát sinh ra nhân sinh vũ trụ tức là bất biến tùy duyên. Các pháp đã là thức tánh thì tất cả đều là tự tánh viên mãn, thành tựu chân thật, không còn có thật ngã và ngã sở, xa lìa biến kế sai lầm, chứng pháp vô sanh nhẫn.
Bồ-tát Di Lặc chuyên tu theo Duy thức nên còn tâm phân biệt có pháp môn để tu, có Niết bàn để chứng và có đạo quả Bồ-đề để thành. Vì thức là cái biết do sự phân biệt nên cần phải chuyển thức thành trí thì mới có đầy đủ trí tuệ sáng suốt.
Dựa theo Duy Thức Luận thì khi chúng sinh có được giải thoát giác ngộ thì họ chuyển tám thức thành bốn trí. Đó là:
1) Ý thức hay thức thứ sáu có tác dụng phân biệt sẽ biến thành “Diệu Quan Sát Trí” tức là trí có năng lực quan sát thâm diệu có thể thấy được hằng sa thế giới và thấy được tất cả tâm niệm sở cầu trong mỗi chúng sinh. Nhờ sự quan sát huyền diệu rốt ráo như thế mà tùy theo nguyện vọng, tâm lý, sở cầu mà Bồ-tát làm lợi lạc cho chúng sinh.
2) Còn nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức sẽ biến thành “Thành Sở Tác Trí” tức là cái trí nầy có những công năng vô cùng rộng lớn như thị hiện thần thông, biến hóa, hiện ra ba món hóa thân để tùy theo căn cơ của chúng sinh mà hóa độ.
3) Mạt na thức tức là thức chấp ngã sẽ biến thành “Bình đẳng tánh trí” là trí có năng lực nhận thức tính bình đẳng và vô ngã của vạn pháp.
4) A lại da thức là thức thứ tám sẽ biến thành “Đại viên cảnh trí” tức là trí sáng như tấm gương lớn và tròn đầy cũng như biển cả chơn như.
Khi Bồ-tát Di Lặc tin vào lời nói Thọ ký, tin vào văn tự “Một đời sẽ thành Phật” và tin vào chứng quả Bồ-đề thì Ngài tượng trưng cho Sai Biệt Trí, nhưng dựa vào Bản Thể, Pháp Tánh thì không còn có sự phân biệt mà phải lìa tất cả văn tự, ngôn ngữ để thấy tất cả không Hai tức là Bất Nhị. Đây chính là Căn Bản Trí tức là giác tính minh diệu mà mỗi chúng sinh vốn đã có sẳn nhưng bị vô minh phiền não che lấp nên chưa được phát chiếu cũng như chất vàng còn nằm trong quặng lẫn lộn với đất, cát, sỏi, đá.
Khi đã thấu hiểu rằng Đức Phật không những chỉ thọ ký cho Bồ-tát Di Lặc mà Ngài còn thọ ký cho tất cả chúng sinh vì ai ai cũng sẳn có cái Phật Tánh thanh tịnh bản nhiên. Và một đời sẽ thành Phật là nói theo giáo lý phương tiện chớ thật ra không có cái móc thời gian nào có thể đo được khi nào là một đời cả vì ngay trong đời hiện tại thì chúng ta cũng đã có quá khứ và vị lại hiện diện rồi. Nói cách khác, về phương diện thời gian không có bất cứ một thời điểm đặc biệt nào làm thời điểm zero để sau đó phân chia cái âm thì thuộc quá khứ hay cái dương thì thuộc về hiện tại như trong toán học. Sau cùng cũng không có cái gì là Bồ-đề hay chứng đắc cả vì nếu con người biết lìa xa vọng thức mê lầm quay về sống với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình thì Bồ-đề hiển hiện.
Như thế thì không riêng gì Bồ-tát Di Lặc được Phật thọ ký mà chính Đức Phật cũng đã thọ ký cho tất cả chúng sinh từ lâu rồi.
Thế là:
Chẳng cần chờ đến “Long Hoa hội”
Tự tánh đã từng “thọ ký” xong.
Trí tuệ của mọi người là thật tánh để có khả năng trực nhận chân lý mà Tự tánh thanh tịnh hay Phật Tánh là có sẳn trong tất cả mọi người. Tự tánh luôn vắng lặng thanh tịnh thì cần gì phải chứng đắc Niết bàn. Bồ-đề, Phật Tánh là có sẵn chớ đâu phải tu hành đắc đạo mới có. Khi mê vọng điên đảo thì không biết mình có Phật Tánh thanh tịnh. Lúc thức tỉnh thì nó hiện ra cũng như trong túi luôn có viên ngọc quý Ma ni mà không biết, chỉ cần thò tay vô lấy thì cuộc đời sẽ hết nghèo đói, điên đảo khổ đau ngay.
Trong tánh Không tức là Tự Tánh thanh tịnh bản nhiên thì không có trí tuệ hay chứng đắc gì cả. Vì thế Tâm Kinh mới có câu: “Vô trí diệc vô đắc” và “Dĩ vô sở đắc cố” là vậy. Trong Chân Không Diệu Tánh, Phật Tánh thì luôn sẵn có cho nên chứng đắc chỉ là cách nói, là giả danh để tìm thấy được con người thật tức là Bản Lai Diện Mục của mình mà thôi. Vì thế mà Kinh Hoa Nghiêm, Phật đã dạy rằng: “Tất cả chúng sinh sẽ thành Phật vì trong tất cả chúng sinh đều có đủ phước đức trí tuệ Phật”. Và Đức Phật đã dạy trong Kinh Pháp Hoa trước khi Ngài nhập Niết bàn là” Tất cả chúng sinh đã thành Phật”.
Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật Thích Ca dạy rằng “Như Lai không chứng đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác gì cả”. Sở dĩ Ngài không chứng mà thế gian đều tôn trọng Ngài là vì Như Lai không có tướng ngã, không có tướng nhơn, không có tướng chúng sinh và cũng không có tướng thọ giả. Như Lai nhìn vạn pháp đều bình đẳng không thương, không ghét, không giận không hờn, không thiên không vị. Và Như Lai luôn sống trong thiện pháp chớ không lọt vào trong quỷ đạo của ác pháp cho nên người đời gọi Như Lai chứng quả Vô thượng Bồ-đề chớ thật ra Như Lai đâu có chứng đắc gì đâu. Nhưng Như Lai nói không chứng đắc mà thật ra Như Lai có chứng đắc. Cái chứng đắc nầy là vô thực và vô hư tức là không phải thật và cũng không phải là không.
Tại sao không là thật? Bởi vì cái mà Như Lai chứng đắc thì không có hình tướng, không có màu sắc, không có kích thước, nặng nhẹ, không có văn tự ngôn ngữ để diễn tả. Thế thì cái mà Như lai chứng đắc là không thật có. Nhưng nếu không thật thì phải là hư. Vậy mà cái quả chứng đắc của Như Lai lại là vô hư. Tại sao? Là vì Như Lai có đầy đủ trí tuệ để nhận thức chân lý hoàn toàn đúng, đúng theo tự tánh Bồ-đề và tự tánh thanh tịnh Niết bàn của sự vật hiện tượng, đúng theo Thật Tánh của con người, đúng theo Pháp Tánh của vạn pháp cho nên Như Lai không bao giờ có vô minh phiền não khổ đau, tâm luôn thường trụ Niết bàn. Thế thì quả chứng đắc chính là vô hư tức là không phải là không có. Cho nên Tâm Kinh mới có câu : ”Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” có nghĩa là Có tức là Không và Không mới chính là Có vậy.
Con người đã có sẵn cái khả năng nhận thức khách quan mà đạo Phật gọi là tự tánh thanh tịnh bản nhiên. Chính cái tự tánh thanh tịnh khách quan sẽ giúp chúng ta có khả năng nhận thức mọi hiện tượng trong thế gian nầy một cách khách quan, đứng đắn đúng với sự thật. Nhưng chúng ta lúc nào cũng chạy theo chủ quan tức là chạy theo tham-sân-si, mạn, nghi, phiền não, vô minh nên đánh mất đi cái nhìn khách quan, cái tự tánh thanh tịnh tức là cái trí tuệ trong sáng của mình nên chúng ta không có Bồ-đề là vậy.
Vì Bồ-đề không phải là cái mà từ bên ngoài đưa đến hay cố gắng nỗ lực để đạt được mà Bồ-đề đã có sẵn trong tất cả mọi chúng sinh. Vì thế nếu con người phá được màn vô minh hắc ám, thấy được thật tướng của nhân sinh vũ trụ thì Bồ-đề hiển hiện. Niết bàn thì cũng thế, nếu chúng sinh biết loại bỏ tánh tham, tật đố, không giận không hờn, không vui không buồn thì Niết bàn hiển hiện ngay. Nhà Phật không quan trọng về vui hay hạnh phúc bởi vì có vui thì sẽ có lúc buồn và hạnh phúc thì sẽ biến thành đau khổ. Cái mà đạo Phật chú trọng nhất là sự an lạc thanh tịnh từ trong nội tâm vì đó là sống với trí tuệ sáng suốt triệt để, là chơn tâm, là tự tánh thanh tịnh của mình.
Ngày xưa, lúc Lục Tổ trụ trì ở chùa Nam Hoa, Vĩnh Gia Đại sư nghe lối truyền “tâm ấn” của Thiền tông. Đó là “Nhĩ đề diện mệnh, khẩu thọ tâm hội” nghĩa là “đối diện rỉ tai, lời trao tâm lãnh” nên Sư không ngại ngàn dặm đường xa tìm đến Lục Tổ để cầu ấn chứng.
Lúc Sư đến thì cùng lúc Lục Tổ đang thuyết pháp. Sư đắp y, tay cầm tích trượng tiến lên pháp tòa, đi nhiễu bên phải ba vòng, rồi đứng trước Lục Tổ, không cúi đầu đảnh lễ mà quát lớn một tiếng.
Tổ hỏi:
- Người xuất gia gọi là Sa-môn phải có phép tắc, phải đủ ba trăm oai nghi, ba ngàn tế hạnh. Tại sao ông tới đây mà lại có thái độ thô lỗ như vậy, một chút lễ phép cũng không có?
Vĩnh Gia đáp:
- Sanh tử là việc lớn, vô thường quá mau.
Ý Sư muốn nói rằng việc dụng công tu tập quá cấp bách nên không còn thời gian để làm lễ. Chuyện sống chết quá to lớn, con quỷ vô thường nó đến bất cứ lúc nào nên không có thì giờ hành lễ hay nghiên cứu cái gì là ba trăm oai nghi hay ba ngàn tế hạnh cả.
Tổ bèn nói:
- Sao chẳng thể giải cái không sanh và liễu ngộ cái không mau chóng?
Ý Tổ muốn nói rằng tại sao Sư không nghiên cứu pháp vô sanh là để đối lại với sanh tử? Tạo sao không thấu hiểu đạo lý của cái không mau là để đối lại với cái vô thường quá mau.
Sư thưa lại:
- Thể giải tự tánh tức là không sanh, liễu ngộ tự tánh rồi thì vốn không có mau chóng.
Ý Sư nói rằng khi đã quay về với thể tánh thanh tịnh tức là sống với chơn tâm thường trú và thể tánh tịnh minh của mình thì làm gì còn sống chết tức là vô sanh. Và một khi sống với cái tự tánh thanh tịnh đó thì không còn quá khứ, hiện tại hay vị lai tức là tâm không còn bị thời gian (ngoại trần) giả dối chi phối.
Tổ bảo:
- Nếu ông đã nói rằng thể giải tức vô sanh, ngộ rồi thì vốn không có mau chậm, vậy ai là kẻ phân biệt?
Ý của Tổ là: tuy biết rằng hễ liễu ngộ chơn tâm Phật tánh thì bất sanh bất tử, không còn già trẻ sống chết đổi thay, nhưng ai là người nói? Vì hễ có nói là hư vọng, đâu còn là chân thật cho nên chơn tâm biến mất.
Sư đáp:
- Phân biệt cũng chẳng phải ý. Nghĩa là không có tâm niệm ở chỗ phân biệt.
Ý của Sư là biết chớ chẳng nói ra. Nói là nói vậy thôi chớ không có ý niệm nói. Vì thế mà ngày xưa chính Đức Phật tuy thuyết pháp độ sinh suốt 49 năm, nhưng Ngài nói “Ta chưa hề nói một chữ” bởi vì cái mà nói được thì không thật.
Liền đó, Lục Tổ bèn ấn chứng cho Vĩnh Gia Đại sư.
- Đúng thế! Đúng thế!
Sư thấy Tổ đã ấn chứng cho mình, bèn dùng đầy đủ oai nghi lễ tạ Tổ. Sau đó Sư xin cáo từ.
Tổ thấy Sư tới nơi chỉ nói mấy câu rồi ra đi, mới hỏi rằng:
- Sao lại ra đi quá mau như vậy?
Sư thưa:
- Vốn tự không động, há có mau ư?
Ý Sư muốn nói bổn lai không đến không đi thì làm gì có mau có chậm?
- Ông thật đã chứng được vô sanh!
- Vô sanh có ý sao?
- Không ý, cái gì phân biệt được?
- Phân biệt cũng không phải ý.
- Ông có thể liễu, nhưng không nên đi.
Lúc đó Sư biết Lục Tổ quả đã ấn chứng cho mình nên Sư ở lại chùa Nam Hoa một đêm. Vì thế mà người đương thời gọi Sư là “Nhất túc giác” nghĩa là ngộ một đêm. Vĩnh Gia Đại sư là người đã nghiêm trì kinh Duy Ma Cật đến chỗ liễu ngộ và về sau viết ra “Chứng Đạo Ca”.
Lê Sỹ Minh Tùng
Còn nữa…