Qua 10 bài Tự Tánh Di Đà, mục đích tìm thấy cái chung của các hệ phái tâm linh cũng như tính tương thích của khoa học với vũ trụ tâm linh.
Mỗi tôn giáo, mỗi hệ phái, mỗi pháp hành đều cố gắng đưa con người đến với sự giải thoát; Có những pháp môn không nói nhiều đến lý thuyết, đưa thẳng hành giả vào con đường tu tập; cũng có pháp môn vì trình độ xã hội đương thời mà không thể nói rõ mục đích, dùng phương tiện lễ nghi tôn giáo để quần chúng đến với Đạo; cũng có pháp:”giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, kiến tánh thành Phật”; Riêng Phật giáo, dùng nhiều phương tiện thiện xảo, chế tác nhiều pháp hành để tương thích với căn cơ sanh chúng. Tuy Thiền - Tịnh - Mật là ba pháp cơ bản của Phật giáo Bắc truyền, nhưng mỗi pháp môn còn sản sanh vô số pháp hành, nhất là Thiền.
Tuy kinh điển Bắc Tông phủ nhận dùng âm thanh sắc tướng làm mục đích cầu Đạo , nhưng có pháp vẫn dùng sắc tướng âm thanh làm phương tiện để tiến đến mục đích. Tịnh và Mật vẫn thông qua sắc tướng âm thanh mà thành tựu. Ánh quang minh tự tánh là bản thể vũ trụ, nhân sinh. Như phần giải thích ánh sáng tự tánh không phải là ánh sáng thế tục như sự phân tích trong bài số 9. Một loại ánh sáng bản nhiên của vạn loại từ khi chưa hình thành vật chất. Từ bản chất đó làm nền tảng cho vật thể phát sanh, như nước làm cơ bản cho sóng hiện khởi.
Các nhà tâm linh thủ đắc được năng lượng siêu thức bằng công năng tu tập, nắm được bản thể và nguyên lý của vũ trụ một cách trực tiếp, thoát ra khỏi sự chi phối bởi tâm thể - vật thể; khoa học thực nghiệm nguyên lý theo mô thức kiểm chứng lý – hóa, chưa thoát ra được giới hạn của vật chất, vật chất chỉ là những tần sóng giao động của loại ánh sáng vật lý, vì thế khoa học khó mà đạt đỉnh của bản thể tâm linh. Phật giáo nói riêng và các pháp môn tâm linh nói chung luôn là một chướng ngại cho khoa học chạm đến. Tâm linh là hướng đạo để khoa học tìm đến nhưng khoa học không thể kiểm chứng tính toàn triệt của tâm linh. Khoa học tâm linh và khoa học vật chất là con đường song hành, chỉ có một điểm chung trong cỏi vô định.
Đôi khi trên con đường tiến bộ - khoa học có thể xác minh và chấp nhận một vài tính minh triết của Phật giáo mà hàng ngàn năm trước Đức Thích Ca đã tuyên thuyết. Sự minh triết mang tính khoa học mà khoa học không thể với tới tính minh triết nếu khoa học hiện diện cùng một thời gian của đức Phật. Nghĩa là gần 3000 năm sau khoa học mới hiểu được một khía cạnh rất nhỏ của Phật giáo lúc bấy giờ! Giá trị tương đối của khoa học đôi khi cũng khó giải quyết được nhu cầu hạnh phúc của cuộc sống khi mà lòng tham con người không có điểm kết thúc.
Tâm linh luôn là thế giới bí ẩn đối với khoa học, nhung khoa học không thể phủ nhận tính khả hữu của tâm linh. Khoa học đã như thế thì các triết gia bản năng khó thoát khỏi tính mâu thuẩn khi tầm nhìn và sự hiểu biết bị giới hạn trong xã hội con người. Chính vì thế mà một số triết lý mang tính giá trị nhất thời, đôi khi bó cột con nguời trong những triết lý phi nhân bản, bởi : “giải quyết mâu thuẫn này thì mâu thuẫn khác phát sanh”.
Khó có một thiên đường khi mà con người chưa dứt bỏ được lòng tham. Một khi thoát khỏi sự ràng buộc bởi thất tình lục dục, những kiết sử tập khí thì năng lượng siêu thức, tức ánh sáng tâm linh đang ở trong tầm tay, đó là thiên đường vĩnh cửu, một hạnh phúc vượt ngoài trần tục.
Sau đây là điều cư sĩ Hư Lục muốn biết:
-1) Xin Anh nói rõ thêm về 3 chuyên biệt củaThân Phật (Pháp thân) trên con người vì Đức Phật không chỉ muốn nói riêng cho cõi Phật.
-2) Những tính chất chánh của Pháp tánh,Tâm và Tâm thức trên con người
-3) Làm thế nào để nhận rõ và làm chủ được Pháp tánh và Tâm, Tâm thức.
-4) Tôi thiển nghĩ,nếu Đức Ngũ tổ đem nội dung 10 bài Tự Tánh A Di Đà truyền cho Lục tổ thì chắc 1 đêm không thể nào hết và Lục tổ cũng chắp tay xin thưa với Ngũ tổ là “ Thưa Ngũ tổ con xin chịu thua,xin cho con học thêm đến năm 2012”.
Kính mong Anh Minh Mẫn dành chút ít thời gian để chúng tôi có thêm những điều bổ ích trên con đường tìm về chánh đạo .
Trân trọng
Cư sĩHư Lục
=========>
1/ Suốt 10 bài đi từ đơn giản đến phức tạp mang tính nghiên cứu, để nói đến sự tương thích giữa các pháp môn khi đạt đến một quang năng tự tánh, một bản thể vũ trụ hay còn gọi là pháp thân Như lai, đó là đích phải đến, nhưng thật ra không có đích để đến mà đích đến chỉ là sự nhận diện chuyển hóa nội tâm. Pháp thân là một thể trạng chứ không là cảnh giới. Vì thế, khi nói đến Tự Tánh Di Đà là nói đến Vô Lượng Quang của mỗi chúng ta. Đã là thể tánh, là bản lai diện mục , là chơn thể Như Lai thì không còn gì để nói tiếp. Sau đích khởi hành là đích đến, sau đích đến là vô ngôn. Chính vì thế mà bài viết không còn đề cập đến Pháp thân (pháp tánh) làm gì. Muốn nói đến pháp thân, phải nói luôn ba thân của Tự tánh chứ không chỉ dừng ở pháp thân, mà đã pháp thân rồi thì không còn Tâm để mà nói nữa. Phật có ba thân ( Phật không chỉ là Đức Thích Ca hay các vị Phật quá khứ) mà là thể tánh của một chúng sanh liễu ngộ. Pháp thân – báu thân và hóa thân ( ứng thân ) biểu hiện cho Thể - tướng và dụng. Pháp thân là năng lượng siêu thức, quang năng tự tánh, là chân như Phật tánh là bản thể vũ trụ. Báu thân còn gọi là thụ dụng thân, là hiện tướng của phước báu, y báu và chánh báu của chư Phật qua 32 tướng tốt, qua cỏi tịnh độ nơi Phật hiện trú. Hóa thân còn gọi là ứng thân là nhục thân của Phật và chư Bồ tát thị hiện. Chúng sanh còn mang thân phàm thì pháp thân còn ẩn tàng, báu thân chỉ là y báu và chánh báu của cỏi dục. Ứng thân là do nghiệp cảm mà thành. Do vậy, ba thân của Phật không thể áp dụng cho phàm nhân sở dục. Đó là ba đặc tánh của quả vị toàn giác.
2/ Đã là Pháp tánh thì ngoài vòng suy diễn, bất khả thuyết, bất khả tư nghì, tuyệt đối vô ngôn thì có gì gọi là tính chất như một tính chất của cõi nhị nguyên tương đối để mà luận bàn! Dùng trí phàm để xét đoán Pháp tánh thì có sai biệt theo nhận xét của phàm tục, như người mang kính màu nào thì thấy cảnh vật màu đó. Pháp là một hiện tượng chỉ cho hữu hình lẫn vô hình, một trạng thái hay một ý niệm. Chữ pháp trong Phật giáo hàm nghĩa rất rộng, tùy ngữ cảnh mà hiểu ý. Tánh là bản chất; như vậy Pháp tánh là bản chất của một thể trạng, một đặc tính, một hiện tượng…của phàm phu, nhưng trong lãnh vực xuất thế gian thì Pháp tánh đồng nghĩa Pháp thân, báu thân hóa thân của đấng giải thoát, ngoài ý niệm luận bàn.
3/ Tâm và tâm thức trong một con người, thế nhân lầm tưởng là linh hồn, thuộc về vọng niệm, còn trong vòng đối đãi phân biệt lại trùng trùng biện luận, “hằng chuyển như bộc lưu” khó mà nói hết. Dù là thiện tâm hay bất thiện tâm cũng đều là vọng tâm, chỉ là năng lượng sinh thức còn mang nhiều tập khí; Đó là đặc tính của tâm và tâm thức. Với tâm thức đó, nếu đủ duyên phước nhiều đời, được gặp chân sư hữu hình hay minh sư tự tánh hướng dẫn linh thức chuyển mê khai ngộ thì tâm thức đó sẽ chuyển thành Bạch tịnh thức đi đến năng lượng siêu thức dễ hơn một hành giả hành trì độc giác.
Một chúng sanh khó mà nhận rõ và làm chủ được pháp tánh, nếu hiểu pháp tánh là một chân như Phật tánh; Chỉ có hành giả thủ đắc được năng lượng siêu thức mới hiểu pháp tánh là gì. Và khi năng lượng siêu thức đến với một hành giả thì không thể nói làm chủ hay không làm chủ pháp tánh được. Vì Pháp tánh là Chân Như bản thể, là Như Lai tạng tánh, là năng lượng siêu thức, là quang năng tự tánh…không còn là một đối thể như một vật thể để gọi là làm chủ. Khi còn là phàm phu, chúng sanh có thể làm chủ tự thân hoặc bổn tâm trước những cám dỗ vật dục; vì làm chủ có nghĩa không để bị đánh mất. Đã là pháp tánh thì không còn gì để được và mất. Một khi bát thức chuyển thành Trí thì lúc ấy không thể đem chữ tâm ra luận giải.
4/ Ngũ tổ hay các bậc Thánh không còn vọng tưởng để luận bàn về Tự tánh Di Đà, nên những luận giải qua 10 bài chỉ có giá trị đối với hậu học trong phạm vi nghiên cứu. Chư Tổ là một đại dương quang năng, chỉ một gợn mây nhỏ được thổi tan thì tự tánh lộ diện. Chúng sanh cách chư Tổ, chư Phật, chư chân sư một bức màn vô minh dầy đặc, do vậy không thể đem chư tổ để so sánh với chúng sanh còn mang nặng kiến thức thế gian. Nếu chư Tổ còn cần đến Tự Tánh Di Đà thì Tổ đang là chúng sanh; nếu chúng sanh không cần đến Tự Tánh Di Đà thì chùng sanh đã là Tổ. Vì vậy không thể đem râu ông cắm cằm bà. Lục Tổ không cần biết Tự Tánh Di Đà là gì, vì bản thể thường hằng của Lục Tổ vốn đã là Di Đà Tự Tánh.
*
* *
Vì vậy, loạt bài Tự Tánh Di Đà chỉ là chuyên đề gợi ý cho những ai quan tâm đến pháp tu, đang cần tìm hiểu pháp hành tương thích với căn cơ của mình. Cốt yếu của loạt bài Tự Tánh Di Đà là tìm thấy cái chung của mọi trường phái tâm linh – đó là ánh sáng tuệ giác của các bậc viễn ly sanh tử. Cái năng lượng siêu thức và năng lượng vũ trụ có một điểm chung là từ lực lan tỏa và nuôi sống mọi sinh vật, đang tiềm ẩn trong vạn loại. Đem hý luận mà bàn chuyện tâm linh thì muôn kiếp vẫn không có chỗ tột cùng; khoanh vùng trong một phạm vi để nói được mục đích của Tự Tánh Di Đà là nguồn cội của vạn pháp thì không cần thiết đề cập đến Tướng và dụng của tâm pháp.
Chuyên đề Tự Tánh Di Đà cũng không phải là chiếc chìa khóa hay công tắc giúp hành giả hoát nhiên khai ngộ, cũng không phải là bản đồ hướng dẫn, chỉ giúp học giả biết được quang năng tự tánh là pháp tánh thường hằng trong mỗi chúng ta. Và, trong lúc trà dư tửu hậu của tuổi xế chiều:”mua vui cũng được một vài trống canh”
Cẩn bái
Minh Mẫn
27/5/2012