đậu tương đen hữu cơ

Đời sống Đạo

14:01 22/03/2012

Có nên tự sát? (Chân Hiền Tâm)

(TG&DT) - Muốn chết? Cũng không phải là chuyện lạ trong thế giới này. Thế giới mà Phật nói phải có nhẫn lực mới tìm thấy an vui. Phải nhẫn được với những xúc cảm của mình. Bởi cuộc đời lắm thứ để vui cũng lắm thứ để buồn. Không nhẫn được với những buồn vui thay đổi đó, tâm thần sẽ bất ổn, người sẽ bệnh hoạn.

Bây giờ người ta dễ tự tử quá xá!


Con nít học không đạt điểm chuẩn bố mẹ đặt ra, tự tử. Minh tinh bị người ta xỉ nhục, tự tử. Thất tình, tự tử. Giận cha mẹ, tự tử. Buồn gia đình, tự tử. Sự nghiệp đổ vỡ, tự tử … Có khi không phải chỉ mình tự tử, mà còn giúp cả vợ con tự xử. Nói theo nhà thiền, chỉ cần một ngọn gió thổi qua, ta đã tự xử lấy mình không chút thương tiếc.


Không phải bây giờ mà tự ngày xưa, cái thời tôi còn học lớp mười, chuyện tử tự đã xảy ra...


Bà chị con nhỏ bạn cùng lớp, không biết buồn chuyện chi, uống hết một bình thuốc rầy. Con nhỏ chạy xuống thấy chị nằm ngay đơ, miệng không nói được nữa, nhưng ánh mắt như cầu cứu. Nó lanh trí đưa viên phấn để chị viết lên sàn nhà, nhưng không kịp. Chỉ viết được mấy chữ “Đem chị đi nhà …” rồi tắt thở, hai con mắt mở trừng trừng. Lần trước uống thuốc bổ nên chở xuống nhà thương còn kịp. Lần này uống thuốc rầy, chỉ còn cách đem vô nhà xác. Không biết trong số những người tự xử được toại nguyện, có ai đến phút chót, cái phút tranh sáng tranh tối giữa sống và chết, cũng dấy lên niệm nuối tiếc thế không?


Muốn chết? Cũng không phải là chuyện lạ trong thế giới này. Thế giới mà Phật nói phải có nhẫn lực mới tìm thấy an vui. Phải nhẫn được với những xúc cảm của mình. Bởi cuộc đời lắm thứ để vui cũng lắm thứ để buồn. Không nhẫn được với những buồn vui thay đổi đó, tâm thần sẽ bất ổn, người sẽ bệnh hoạn.


Phải nhẫn được với những được mất ở thế gian. Bởi thế gian vô thường, khó mà nắm giữ được thứ gì lâu dài. Nó không bỏ mình thì có ngày mình phải bỏ nó. Bởi có ai không chết? Không đủ nhẫn lực chịu đựng khi nó xảy ra thì tự giết là chuyện thường tình.


Muốn chết? Tôi từng làm việc đó rất nhiều, nhiều hơn rất nhiều những gì tôi có trong hiện tại … Cũng đã từng đập đầu xuống đất, lấy dao đâm vào cổ


… May thay, long thần hộ pháp luôn che chở cho những phút dại ngu. Một lần khóc là một lần muốn chết. Mà khóc thì thôi vô số. Chỉ cần thiếu đi sự quan tâm mà mình thường có, là nước mắt đã rơi lả chả, đã vật vả muốn chết, nói gì những chuyện sâu xa đau khổ như tình hết, tiền tiêu v.v… Người ta muốn chết là chuyện thường tình. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Đứng ngoài khó mà hiểu được cảm giác vì sao thiên hạ lại thích tự tử …


Chết, cứ như là thần hộ mệnh dùng tiêu diệt khổ nạn cho mình và người. Chết cứ như là cách gọn nhất để trốn chạy khổ đau ...


Song tuổi càng tăng, con cái càng lớn, kinh nghiệm rút ra từ người và mình càng nhiều, mới thấy tự tử là điều không nên. Không nên chút nào. Sao à? Tôi sẽ nói cho các bạn nghe.


1. Chết không có nghĩa là hết.


Ta có mặt ở thế giới này là do những gì mình đã suy nghĩ và hành động từ những kiếp trước. Nghĩa là chết rồi, ta còn có những kiếp sau. Không phải chết là đã chấm dứt được mọi chuyện. Khi tự giết, thường ai cũng ở trong một tâm trạng không tốt, là những đau đớn về tinh thần lẫn thể xác. Với một tâm thức như thế, đời sống kế tiếp của ta không thể an lành tốt đẹp.


Chị tự tử bằng thuốc rầy. Vì chết không giải quyết được nỗi thống khổ và sự thù hằn, nên chị không thể đầu thai mà thành oan hồn, nhập vào con gái của gia đình mà chị oán hận. Chị dằn xéo thân thể người con gái, chửi bới bà mẹ chồng, kêu gào đau đớn vì không thoát được sự nóng bức khi tự tử. Cứ vật vả từ ngày này qua ngày khác trong cơn sân hận. Vừa khổ mình, vừa khổ người … Xét ra không được lợi ích gì, chỉ khổ chồng thêm khổ. Nỗi khổ kiếp này vay vay trả trả chưa xong, lại gây thêm những oan nghiệt cho tương lai. Chết như vậy, không giải quyết được gì cho mình và người. Chỉ thêm nhiều đau khổ.


Cho nên, xin cứ từ từ … Nên suy nghĩ thật kỹ trước khi tự tử. Suy nghĩ hết cách rồi mà thấy chết vẫn là phương thức tốt nhất, lúc đó tự tử còn kịp.


2. Chết không giải quyết được nỗi thống khổ mà có khi còn để lại những điều xấu hơn cho bản thân, gia đình và xã hội.


Người phụ nữ bế con nhảy vào đầu xe lửa vì không chịu nỗi người chồng rượu chè vũ phu … Bà chết, nhưng đứa con thì không. Điều tệ hại là hai chân nó bị cứa ngang. Kiểu đó thì người mẹ chết không yên, mà đứa con gái lớn lên cũng khủng hoảng. Nó chẳng thể nào yên lòng khi biết rằng, hiện trạng của nó hiện nay là do mẹ nó gây ra. Cuộc sống của nó không tránh khỏi mặc cảm và đau đớn.


Chết mà đi cho ngọt thì hậu quả của nó nằm ở phương diện khác, nhưng giả như đi không trôi, nghiệp đời chưa hết, thì hậu quả của những lần tự giết cũng để lại ít nhiều những tổn hại cho bản thân mình.


Cho nên, xin cứ thong thả. Nên suy nghĩ thật kỹ trước khi tự tử. Suy nghĩ hết cách rồi mà thấy chết vẫn là phương thức tốt nhất, thì lúc đó tự tử còn kịp.


3. Chết, không phải là việc tốt đối với những người đã có gia đình và người thân …


Cậu con trai sáng nào cũng đi làm cùng cha. Gia đình chỉ có mỗi mình cậu, nên cậu được lo rất đầy đủ. Sự đầy đủ khiến cậu thấy cuộc đời vô vị. Cậu muốn có một thế giới khác lý thú hơn là thế giới cậu hiện đang sống đây. Cậu giải quyết nó bằng cách đâm đầu vào xe tàu điện ngầm. Cảnh tượng khủng khiếp đó khiến cha cậu không còn bình thường. Gánh nặng đổ hết lên đầu người mẹ. Ra đi để lại một hậu quả kinh khủng như thế, thì thật là buồn. Đi kiểu đó không biết cậu có tìm được cho mình sự bình an hay vui thú nào hơn không?


Đó là ở mặt con cái, một nhân vật ít quan trọng đối với gia đình mà việc ra đi còn tác hại như thế, huống là vai trò chủ chốt của một gia đình.


Mỗi đứa con có một cái tôi. Cái tôi ấy nếu lập gia đình, lại xuất hiện thêm những cái tôi. Đời sống của chúng phải do chúng tự quyết định và dàn xếp với nhau. Nhưng đôi khi, lời nói vào, chỉ một lời nói của cha mẹ, nếu đúng lúc, sẽ nâng đỡ tinh thần chúng rất nhiều, và có khi mở đầu một sự tốt đẹp cho cả cuộc đời của nó sau này …


Sự xích mích xảy ra giữa con cái dâu rễ, là chuyện thường tình trong một đại gia đình. Sự xích mích có khi không lớn, nhưng có khi lại thành lớn vì thiếu một cái đầu giàn xếp, một sự giải thích trung gian cần thiết. Một lời nói của cha mẹ, đúng lúc, hợp tình có khi chuyện lớn cũng thành bé …


Nếu nhận thức được tầm quan trọng của mình đối với gia đình và người thân, có lẽ dù khổ bao nhiêu, mình cũng không tự tử. Trách nhiệm và bổn phận sẽ giúp mình không làm như thế. Nếu cuộc đời này mang lại cho mình nhiều bất hạnh, thì nên biến những bất hạnh đó thành kinh nghiệm để giúp đỡ con cái trưởng thành với một tâm thức mạnh mẽ, giúp chúng đối mặt với những gì mình từng phải đối mặt. 
 

Có thể bạn sẽ nói: “Tôi không phải là người có thể làm bờ vai cho ai nương tựa, không có giá trị gì trong gia đình xã hội, không có mặt tôi mọi thứ sẽ tốt hơn …”. Ừ cho là thế đi, nhưng không có mặt tôi trong gia đình cũng không có nghĩa là tôi phải chết. Không nên như thế chút nào. Đơn giản vì, chết không giải quyết được đau khổ cho mình. Nhưng nếu sống mà biết cách nương tựa và chuyển hóa, thì bản thân mình được lợi ích mà mọi người chung quanh cũng được lợi ích theo.


4. Không nên tự giết khi đã có một con đường để nương tựa và chuyển hóa.


Hãy thử một lần tin vào đức Phật, người đã bỏ tất cả vinh hoa phú quí để tìm chân lý. Trong quá trình đó, ngài đã tìm ra nguyên nhân khiến ta đau khổ. Tìm thấy rồi, ngài đưa ra phương thức giúp ta diệt khổ để mỗi người tự có niết bàn của riêng mình.


Tùy mức độ mong muốn của mình mà Phật đưa ra cách diệt khổ cho mình. Thích giàu thì Phật chỉ cho mình nguyên nhân để mình có tiền trong tương lai. Muốn sống lâu thì có phương cách sống lâu v.v… Không phải đến với Phật rồi thì đều phải cạo đầu ăn chay nằm đất. Tùy duyên ưa thích của mỗi người, mà Phật có những phương thức khác nhau, sao cho phù hợp với những ưa thích và mong muốn đó.


Chuyển hóa thế nào, bằng cách gì … thì tự mỗi người chọn cách riêng cho mình : Bạn có thể vào chùa nương tựa Tam bảo, nhưng cũng có thể không cần, bởi chùa chỉ là duyên giúp mình có điều kiện chuyển hóa, không phải vào chùa là đã bình yên. Vào chùa cũng chẳng bình yên nếu ta không chịu chuyển hóa tâm thức của mình. Mọi thứ ở ngay nơi tâm thức của mình nên cái chính là ta phải học hỏi tham cứu kinh sách hoặc chư vị thiện tri thức để biết cách chuyển hóa thân tâm. Biết cách rồi, thì ở chùa hay ở nhà, ta đều có thể chuyển hóa thân tâm của mình.


Thân tâm đã chuyển hóa thì hoàn cảnh chung quanh cũng sẽ chuyển hóa. Tùy duyên của mỗi người mà hoàn cảnh chung quanh thay đổi mau hay chậm, ít hay nhiều. Nhưng hãy tin Phật. Tôi viết những dòng này với một niềm tin rất lớn. Hy vọng niềm tin ấy lớn đến nỗi có thể xuyên thủng không gian làm trái tim bạn rúng động, để bạn cũng tin rằng: Mọi thứ sẽ đổi thay khi tâm thức ta thay đổi.


Nếu ta có thể chuyển hóa được thân tâm của mình theo hướng thiện hơn, thì ngay đó chính là phần âm đức mà mình đã tạo ra cho mình và gia đình. Không những bản thân mình được lợi ích mà người có duyên với mình cũng hưởng được ít nhiều những lợi ích đó. Cho nên, không nên phế bỏ đi phương tiện có thể giúp mình và người được hạnh phúc trong tương lai.


5. Chết không hết khổ, vì chết không phải là nguyên nhân của khổ.


Đức Phật đã dùng tuệ nhãn để thấy, chết không thể tiêu trừ khổ nạn, chỉ có tiêu trừ TẬP - Sẽ giải thích TẬP là gì ở phần sau - thì mới hết KHỔ NẠN. Bởi muốn cái quả không còn, ta phải diệt đi cái nhân. Như đau bụng, ta phải tìm ra được nguyên nhân nào khiến ta đau bụng : Do giun sán hay do bị nhiễm khuẩn v.v… Tùy nguyên nhân mà ta uống thuốc. Đúng thuốc thì bệnh mới lành. Không phải đau bụng là ta cầm dao phan cho cái bụng mất đi là có thể hết đau bụng. Phan kiểu đó, cơn đau bụng dù hết, cũng sinh ra các thứ đau khác, có khi còn gấp bội.


Phật nói : Nhân TẬP đưa đến quả KHỔ, nên giờ muốn hết KHỔ, mình phải bỏ đi cái nhân là TẬP, chứ không phải chết là xong.


TẬP, nói chính xác là sự TÍCH TỤ. Vì có sự tích tụ mà ta khổ. Thân là sự tích tụ của 5 thứ: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Có thân là có khổ. Không phải chỉ đức Phật nói như vậy, mà hàng thánh nhân và các bậc hiền triết đông tây đều nhận ra vậy.


TẬP, còn chỉ cho những THÓI QUEN. Đó cũng là một dạng của sự tích tụ. Phải có sự tích tụ mới thành thói quen. Có thói quen về suy nghĩ, gọi là quan niệm, định kiến. Có thói quen về hành động: NÓI hoài, không nói cảm thấy không yên, lùng bùng, là NÓI đã thành thói quen. NGHIỆN, cũng là một dạng của thói quen. Một sự tích tụ đã đâm chồi nẩy rễ trong tâm can và hành động của mình.


Nguy hiểm của thói quen là gì? Nó tạo ra một LỰC, bắt mình phải theo nó. Đây là lý do vì sao có khi mình không muốn nổi sùng mà nó cứ nổi sùng, vì sao đối duyên tiếp cảnh, muốn không khởi tâm, mà tâm cứ khởi liên tục … Đều do thói quen mà ra. Quen khởi tâm như vậy, nên giờ vừa đụng duyên là tâm mình liền khởi. Thói quen đó nó có lực bắt mình cứ theo cái đà đó mà tiến tới.


Cho nên, khổ mà nghĩ đến việc tự tử, là mình đang mở đầu cho một thói quen. Nghĩ hoài thì thói quen sẽ thành hình. Một ngày nào đó, mình sẽ theo cái lực suy nghĩ ấy mà thành hành động. Thành thói quen rồi thì coi chừng nó có tác động cả những kiếp về sau.


LỰC NGHIỆP, là thứ đưa đến cho ta mọi hoàn cảnh tốt xấu hiện tại. Nếu ta có những suy nghĩ và hành động thiện trong quá khứ, ta sẽ có hoàn cảnh tốt trong hiện tại. Nếu ta có những suy nghĩ và hành động bất thiện trong quá khứ thì ta sẽ phải chịu những hoàn cảnh bất như ý trong hiện tại. Phật đặt ra 5 giới cho người tại gia chính là để giúp ta có những suy nghĩ và hành động thiện, để tương lai ta có được hoàn cảnh như ý.


Nếu hiện tại, có những điều bất như ý khiến ta phải nghĩ đến cái chết thì thay vì chết, ta nên đối diện, tìm hiểu … để thay đổi đi cái nhân đã khiến mình khổ đó. Chỉ khi chuyển hóa được cái NHÂN, thì cái QUẢ  mới thay đổi. Có vậy thì kiếp này hết khổ mà kiếp sau mới hết khổ. Không thì có chết vạn lần, trồi đầu lên cũng không hết khổ.


LỰC NGHIỆP, cũng là thứ khiến ta luân hồi sanh tử. Dừng được lực này, chính là dừng đi luân hồi sanh tử. Dừng được lực này, thì ta tự tại, thong dong. Muốn giải thoát sanh tử, chúng ta phải dừng được lực này. Vì thế, nói tu, nói giải thoát, chính là phá bỏ đi những thói quen của chính mình chứ không có gì. Không bị thói quen ràng buộc thì ngay sanh tử chính là niết bàn, không có đâu xa.


Kết luận


Khổ thì vô vàn, nói không thể hết, vì nguyên nhân đưa đến khổ quá nhiều. Khổ vì tình khác với khổ vì tiền v.v… Vì thế cách trị cho hết khổ cũng vô số. Nhưng nhìn chung, muốn hết khổ ta phải tìm cho ra nguyên nhân của nó. Tìm đúng nguyên nhân rồi, dứt cho được cái nhân đó thì quả khổ mới không.

Bình luận (2)

Tu sat la dieu o the nao con nguoi song phai biet qui trong mang song
ai lan hua ( 20/02/2016 02:58:34)
Nhiều lúc bị một thứ gì đó là nguyên nhân phải chết muốn chết nhưng không biết có giải thoát được không nữa
Enmiu'ss ( 19/12/2015 17:49:34)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp