đậu tương đen hữu cơ

Tham luận - Sách - Tài liệu

16:45 10/02/2012

Giới thiệu sách "Lời Di Huấn" của Cư sĩ Phạm Đình Nhân

(TG&DT) - Cuốn sách LỜI DI HUẤN của soạn giả Phạm Đình Nhân mà bạn đọc đang có trong tay cho ta một cái nhìn cốt tủy trong 2.555 năm lịch sử của Phật giáo qua các bài kệ (Gattha, 偈) của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và lịch đại Tổ sư Ấn Độ, Việt Nam và Trung Hoa.

TG & DT giới thiệu đến bạn đọc Cuốn sách LỜI DI HUẤN (Phật giáo và những bài kệ truyền Pháp) của Cư sĩ Phạm Đình Nhân (Pháp danh Chánh Tuệ Định). Với tất cả chân tâm của mình, tác giả viết:


Kính dâng lịch đại Tổ sư

Lời Di Huấn con nay nhờ được Duyên

Sắc màu ngôn ngữ hương Thiền

Nghìn năm vang mãi Giáo truyền Chân Như.


TG & DT trích đăng lời tán thán của Đức Pháp chủ Giáo hội PGVN Thích Phổ Tuệ và phần Giới thiệu quyển sách của Ts.Nguyễn Quốc Tuấn Phó Viện trưởng Viện NCTG - Viện KHXH Việt Nam, của Gs.NGND Đinh Xuân Lâm Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam.


Bạn đọc liên hệ, góp ý: Phạm Đình Nhân 110 Ngõ 158 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội; ĐT: 04.37221708 - 0987.552.467





LỜI TÁN THÁN

CỦA ĐỨC  PHÁP CHỦ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

 

          Được nghe qua ý kiến, Cụ đã thể hiện công phu sưu tầm và diễn dịch Lời Di Huấn của các Thánh tăng từ Hán Việt ra Việt văn để phổ  biến Phật pháp cho nhân gian.

          Nhận biết được chỗ chứng Đạo của các bậc Thánh tăng, đó là công việc tự giác giác tha mà Cụ đã thực hiện để giúp ích nhân gian.

          Tôi xin tận tâm tùy hỷ và tán thán công đức, và mong cuốn sách được lưu thông vô tận

 

                                                            Hòa thượng THÍCH PHỔ TUỆ

                                           Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam


 



 

 

LỜI GIỚI THIỆU

 

1.Cuốn sách LỜI DI HUẤN của soạn giả Phạm Đình Nhân mà bạn đọc đang có trong tay cho ta một cái nhìn cốt tủy trong 2.555 năm lịch sử của Phật giáo qua các bài kệ (Gattha, ) của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và lịch đại Tổ sư Ấn Độ, Việt Nam và Trung Hoa.


Soạn giả Phạm Đình Nhân muốn thông qua sự tập hợp này để tỏ rõ lòng mến mộ con đường mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã vạch ra cho nhân loại. Con đường ấy là con đường Trung Đạo, nằm giữa hai cực đoan khổ đau và cực đoan sung sướng. Con đường này sẽ dẫn hành giả đến trí tuệ, đến giác ngộ. Con đường này áp dụng cho bất cứ ai, bất cứ loài “hữu tình” nào có sự sống. Vì thế, hậu thế đã tôn xưng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là “THIÊN NHÂN SƯ” (天仁師) (Bậc Thầy của cả trời và người), hàm ý đến cả thượng đế, thần thánh cũng phải học hỏi con đường Ngài đã chỉ ra.


Thi kệ là một phương thức truyền dạy rất hữu hiệu, nhấn mạnh đến tính truyền thừa của Đức Phật và lịch đại Tổ sư cho hậu tu, đặc biệt tác động đến người trí thức qua các thời, ở những nơi mà Phật giáo du nhập.


Nhìn vào diễn tiến cuộc đời soạn giả Phạm Đình Nhân, ông đã có nhiều đóng góp cho văn hóa nước nhà và dòng họ Phạm của ông. Nhưng qua cuốn sách này, ta lại thấy ánh lên cách hành xử của đại đa số các nhà trí thức trong truyền thống văn hóa của đất nước từ trước tới nay, cố nhiên, đó là tư tưởng và hành xử “cư trần lạc đạo” thời Vua Phật Trần Nhân Tông đã xướng xuất trong CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ hay tư tưởng của Chúa Minh Vương - Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu đề xướng “cư Nho mộ Thích” trong bài minh văn trên đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (Huế) năm 1710. Vâng! Khi cần làm tròn bổn phận với gia đình, dòng họ, đất nước thì có thể vận dụng mọi tư tưởng để bổn phận ấy phát huy hết hiệu quả. Nhưng trở lại với chính mình, rồi từ mình mà lan sang người thì người trí thức dễ đến với tư tưởng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, “lấy cái tâm của thiên hạ làm tâm của mình”, như vua Trần Thái Tông được tỉnh ngộ năm nào. Tập hợp các thi kệ của Ấn Độ, Việt Nam, Trung Hoa, soạn giả cũng muốn chia sẻ cái “tâm” chung, cái muốn hướng về bậc THIÊN NHÂN SƯ mà học hỏi và nghiệm sinh.


Mặc dầu như soạn giả đã tự nhận, dù đã nỗ lực học hỏi và kế thừa, trong cuốn sách cũng còn những chỗ chưa thật như ý, tôi cũng thấy vậy. Song đây là một cuốn sách dày công tuyển chọn, tự mình thấy hữu lý và sở đắc, tôi cũng thấy đó là lẽ nhiên thuận, nên viết đôi dòng ngắn ngủi để giới thiệu cuốn sách này. Kính mong soạn giả và bạn đọc thể tất.


Một lần nữa, xin được tán thán công đức và công sức của soạn giả PHẠM ĐÌNH NHÂN và trân trọng giới thiệu cuốn sách với chư tôn thiền đức và bạn đọc gần xa.


Hà Nội, giữa Đông năm 2011

Cẩn ghi

TS. NGUYỄN QUỐC TUẤN

                                                                                                                         Phó Viện trưởng

                                                                          Viện Nghiên cứu Tôn giáo

Viện KHXH Việt Nam

 

 

                                       

                                               LỜI GIỚI THIỆU


Cuốn sách “LỜI DI HUẤN - Phật giáo và những bài kệ truyền pháp”, tuy có tựa đề mộc mạc và đơn sơ, nhưng thật sự là cả một công trình công phu với một nội dung sâu sắc.


Cuốn sách dày 448 trang khổ 16 x 24 đã tập hợp được 160 bài thi kệ của 142 vị Tổ Phật giáo ở cả 3 nước Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam. Cứ nhìn vào số lượng các bài thi kệ được phiên âm và dịch chuyển thành thơ trong công trình cùng với số lượng các vị Tổ, các tôn giả, thiền sư và danh tăng có kệ được đưa vào công trình, chúng ta cũng thấy đây quả là một công trình nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn và dịch thuật khá bề thế.


Trước đây, cũng đã có những cuốn sách viết về thi kệ của các danh tăng trong Phật giáo, nhưng chủ yếu là viết về lịch sử Phật giáo và tiểu sử của các cao tăng, trong đó một số bài kệ được đưa xen vào có tính chất minh họa cho phần lịch sử. Không kể những sách sử Phật giáo từ xưa đã bị thất truyền do chiến tranh, loạn lạc từ đời Nhà Minh sang xâm chiếm Đại Việt, rồi đến thời Pháp thuộc, thời Nhật cũng bị mất mát rất nhiều, số tác phẩm lịch sử Phật giáo còn lại, thì phần lớn đều đã được dịch thuật, nhưng cũng nặng về ghi chép sử, tuy có điểm một số bài kệ của các thiền sư. Tuy nhiên, trong số đó cũng có những tác phẩm coi trọng việc giới thiệu các bài thi kệ Phật giáo của các vị Tổ, các thiền sư. Có thể kể đến các cuốn: Thiền Uyển Tập Anh, Thiền sư Việt Nam, Thiền sư Trung Hoa và gần đây có cuốn Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đều là những cuốn sách có chú trọng đến việc giới thiệu các bài thi kệ bên cạnh việc giới thiệu lịch sử tông phái và các thiền sư, danh tăng.


Đáng chú ý nhất là cuốn Thiền Uyển Tập Anh được biên soạn từ thế kỷ thứ XIII và XIV và hai cuốn Thiền sư Việt Nam, Thiền sư Trung Hoa đã giới thiệu và dịch nhiều bài kệ. Ngoài ra các cuốn Văn học đời Lý, Thơ văn Lý Trần, Hoàng Việt thi tuyển…cũng giới thiệu những bài kệ của các vị cao tăng Việt Nam xưa. Tuy nhiên, cuốn Thiền Uyển Tập Anh mới chỉ giới thiệu được 68 vị Tổ, thiền sư, danh tăng với 79 bài thi kệ của hai thiền phái chính là Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô  Ngôn Thông trong các thời đại Đinh, Lê, Lý, Trần.


Cuốn “LỜI DI HUẤN-Phật giáo và những bài kệ truyền pháp” nghiêng về phần giới thiệu các bài thi kệ mà chủ yếu là những bài kệ thị tịch của các vị Tổ trước khi qua đời đã để lại.


Tác giả công trình nghiên cứu này là một cư sĩ nên có tham vọng giới thiệu sơ lược lịch sử hình thành và phát triển Phật giáo ở cả 3 nước Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam, nên kết cấu cuốn sách gồm 3 phần chính giới thiệu về các bài kệ của các thiền sư ở 3 nước. Trong mỗi phần bao giờ cũng có chương đầu dành cho việc khảo lược lịch sử phát triển Phật giáo ở mỗi nước và chương sau giới thiệu các bài kệ của các vị Tổ. Trước khi giới thiệu các bài kệ đều có giới thiệu sơ lược tiểu sử từng vị Tổ xuất kệ. Trong phần giới thiệu kệ, nói chung ở mỗi vị Tổ chỉ giới thiệu một bài kệ thị tịch là chính, những vị Tổ không để lại kệ thị tịch thì giới thiệu một bài kệ nói pháp trong cuộc đời hoằng pháp của vị Tổ đó. Những bài kệ đều có phần nguyên tác chữ Hán, phần phiên âm, phần dịch kệ hoặc dịch chuyển thơ để người đọc dễ cảm thụ những điều thâm trầm sâu sắc trong những vần kệ mà không đưa vào lời bình.


Trong số 160 bài kệ, tác giả đã cố gắng dịch kệ và chuyển thơ khoảng 130 bài, còn khoảng 30 bài khác có sử dụng lại những bài dịch hay của các học giả và dịch giả đi trước như Ngô Tất Tố, Minh Chi, Huệ Chi, Kiều Thu Hoạch, Đào Phương Bình, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Lang, Lê Mạnh Thát, Thích Thanh Từ, Thích Như Tịnh, Ngô Đức Thọ, Băng Thanh v.v…Có những bài vừa dịch dưới dạng kệ theo thể nguyên tác lại vừa chuyển thể thành thơ lục bát hay thất ngôn với hy vọng làm phong phú thêm ý nghĩa của bài kệ. Với cố gắng này, chúng ta thấy tác giả có mong muốn mang lại cho cuốn sách của mình một giá trị văn học. Hãy xem tác giả giới thiệu bài kệ thị tịch của thiền sư Mãn Giác (1052-1096), vị Tổ đời thứ 9 thiền phái Vô Ngôn Thông , bài Cáo tật thị chúng, hay còn được gọi là bài Nhất Chi Mai. Đây là bài thi kệ được truyền tụng qua nhiều thế kỷ ở Việt Nam vì lời thơ đẹp và có ý nghĩa thâm sâu về triết lý Đông phương, là một bài thơ danh tiếng trong văn học cổ điển Việt Nam viết bằng chữ Hán. Bài Nhất Chi Mai được viết vào khoảng thời Trung Đuờng, nên còn phản ảnh thể thơ ngũ ngôn 5 chữ và kết bằng 2 câu thơ thất ngôn 7 chữ của thời đó. Vào thời Mãn Đuờng (cuối đời Đuờng) thơ Đuờng được qui lệ thành thể 7 chữ (thất ngôn) - 4 câu (tứ tuyệt), hay 8 câu (bát cú), và niêm luật bằng trắc cũng khắt khe hơn truớc. Dùng thể thơ Ðuờng luật 7 chữ hoặc thể thơ lục bát để dịch bài Nhất Chi Mai ra Việt ngữ rất thích hợp vì cho phép dịch giả rộng đuờng dùng chữ, khỏi bị gò bó trong câu thơ ngắn 5 chữ, đồng thời vẫn giữ được sắc thái cô đọng, trang nhã và hàm súc của thơ cổ điển Hán Việt. Nhưng đây lại là một thử thách, một đòi hỏi khắt khe đối với dịch giả. Bài kệ Nhất Chi Mai của thiền sư Mãn Giác như sau


                         Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân đáo bách hoa khai,

Sự trục nhãn tiền  quá,

Lão tòng đầu thượng lai,

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.


          Tác giả LỜI DI HUẤN đã dich bài thi kệ này thành hai bài, bài thứ nhất giữ đúng thể thơ Trung Đường (4 câu 5 chữ và hai câu kết 7 chữ) và bài thứ hai theo thể lục bát như sau:


1        Xuân đi trăm hoa rụng,

Xuân đến trăm hoa cười,

Sự đời qua trước mắt,

Tuổi già trên đầu rồi.

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua, sân trước, một nhành mai.

           

            2            Xuân đi hoa rụng tơi bời

Xuân về hoa lại mỉm cười với nhau

Dòng đời qua trước mắt mau

Trên đầu tóc đã điểm màu thời gian

Chớ tin xuân hết hoa tàn

Đêm qua một nhánh mai vàng trước sân.


        Đã có rất nhiều dịch giả dich bài thi kệ này, kể cả tác giả của LỜI DI HUẤN, và dù dưới dạng thơ nào cũng không thể gây được cảm xúc mạnh mẽ trong lòng người đọc bằng nguyên tác Hán-Việt.  Phải chăng một phần lớn là vì bài thơ nguyên tác Hán-Việt của thiền sư Mãn Giác tuy rất ngắn, nhưng rất hàm súc và dễ nhớ? Biết đâu một học giả Hán học nào khi ngâm nga mãi bài thi kệ Nhất Chi Mai này bằng Hán-Việt, có một ngày nào đó bỗng dưng thấy mình bừng giác ngộ và hiểu tận nghĩa thâm sâu của bài thơ, với cái cảm quan đặc biệt thiền vị của nó một cách rất bí ẩn mà rất nên thơ!


Mặt khác, về khía cạnh lịch sử Phật giáo, nội dung sách LỜI DI HUẤN,  với 3 chương giới thiệu lịch sử phát triền Phật giáo ở mỗi nước, tác giả còn có những sắp xếp các vị Tổ, thiền sư và danh tăng theo từng tông phái và thời gian viên tịch và đã dành hẳn một phần (phần thứ tư của cuốn sách), chuyên nói về các bài kệ truyền thừa nối phái và giới thiệu một cách hệ thống các hệ truyền thừa từng tông phái khác nhau ở cả Trung Hoa và Việt Nam. Chính dưới góc độ muốn giới thiệu lịch sử phát triển Phật giáo và lịch sử các hệ tông phái truyền thừa khác nhau, tác giả đã cho người đọc thấu hiểu rõ lịch sử phát triển Phật giáo qua từng giai đoạn ở mỗi nước, đồng thời giới thiệu luôn lịch sử phát triển các tông phái Phật giáo. Về mặt này, tác giả có điểm qua 10 tông phái khác nhau hình thành và phát triển ở Trung Hoa, cuối cùng Thiền tông và Tịnh độ tông là hai tông phái phát triển mạnh nhất và dung hợp với nhau. Riêng đối với Thiền tông Trung Hoa đã có “ngũ gia”, đó là Lâm Tế, Tào Động, Quy Ngưỡng, Vân Môn và Pháp Nhẫn. Năm phái này của thiền tông, sau cùng còn tổn tại và phát triển nhất là Lâm Tế và Tào Đông, chính hai thiền phái này đã truyền sang Đại Việt từ thế kỷ XVII. Còn ở Việt Nam, tác giả cũng hệ thống lại các thiền phái tự phát ở trong nước như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường rồi Yên Từ và Trúc Lâm Yên Tử. Các thiền phái truyền từ Trung Quốc sang vào khoảng thế kỷ XVII như thiền phái Lâm Tế và thiền phái Tào Động cũng được phát triển ở Việt Nam vào thế kỷ XVII và XVIII.


Cuối cuốn sách là phần nói về các bài kệ truyền thừa nối pháp của một số thiền phái ở Việt Nam. Tác giả đã sưu tầm được 10 bài kệ truyền thừa nối pháp và cuối cùng đã thống kê các vị Tổ tiêu biểu của từng dòng truyền thừa (không ghi dưới dạng sơ đồ mà thành từng bảng).


Nhìn chung, LỜI DI HUẤN là một tổng hợp cả vể lịch sử Phật giáo, cả vể mặt văn học trong Phật giáo, thể hiện dưới các bài kệ thị tịch  kệ truyền pháp của các vị Tổ Phật giáo. Có thể gọi đó là một công trình tập đại thành về lịch sử và văn học Phật giáo, giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về một tôn giáo đã ăn sâu gốc rễ trong lịch sử dân tộc Việt Nam, trong đời sống tâm linh Việt Nam, và ngay trong đời sống văn học Việt Nam.

 

                               Gs, NGND ĐINH XUÂN LÂM

                                  Phó Chủ tịch

                               Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

 

 

 

 

Bình luận (1)

Xin Thưa Phạm Đình Nhân có phải   Bài Kinh: Tương Ưng Bộ "Ngũ Uẩn, phẩm"Bài Học Diệt Khổ" TG của Ngài.Tôi thấy Trang Web Phật Giáo Việt Nam có nói rỏ. Xin vui lòng chỉ dùm. Tôi muốn thỉnh Kinh ?Xin Đa TạThu Nguyen
Thu Nnguyen ( 10/02/2016 11:35:23)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp