Khen đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng sẽ kích thích sự cố gắng, nỗ lực của mọi người. Trái lại việc khen, chê không đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng sẽ làm triệt tiêu tinh thần cố gắng, nỗ lực của mỗi cá nhân, thậm chí nếu lạm dụng nó hẳn còn làm hạn chế sự tự tin và sự xúc phạm lòng tự trọng cá nhân.
Ấy vậy mà cái “nghệ thuật” khen chê trong thực tiễn đâu phải lúc nào cũng được vận dụng êm xuôi. Ta thử điểm qua một số chuyện trong thực tế để xem:
Người có hiểu biết và kỹ năng sử dụng “nghệ thuật” khen, chê thường là người quản lý, nhà lãnh đạo giỏi. Nếu không làm ở các vị trí đó thì cũng thành công trong đời sống, sự nghiệp cá nhân và cuộc sống luôn tràn đầy tình cảm. Họ sử dụng lời khen như là một công cụ giao tiếp chủ đạo. Lời khen như “rót mật vào tai”: thấy khen cô gái này mới làm cái đầu tóc cực mốt; khen bà chị nọ mới sắm cái váy cực sang…người được khen như được đưa lên chín tầng mây vậy.
Tuy nhiên, cũng không thiếu những người quản lý, nhà lãnh đạo có tiếng tăm, có học hàm, học vị đàng hoàng nhưng khi về tiếp xúc với cơ sở thì hầu như họ chỉ chú ý để chê, ít chủ động lắng nghe, chia sẻ. Nếu cấp dưới không làm đúng chủ trương, quan điểm thì sẽ bị chê ngay (ví dụ như cơ sở dùng từ “hoàn thành phổ cập” trong sự nghiệp giáo dục không rõ ràng). Cấp trên về công tác hoặc kiểm tra cấp dưới cũng đôi khi những việc làm tốt chưa hề được gọi tên nhưng mặt tồn tại thì đã chỉ rõ rành rành.
Chỉ ra để biết mà khắc phục, mà phấn đấu vươn lên chứ! Đối với những người am hiểu trách nhiệm, cầu tiến thì dù không vừa lòng cũng lắng nghe, tiếp nhận với một thái độ không cầu toàn, coi đó là “liều thuốc”; có người thì tìm cách giải bày, chống chế và cũng không ít người tỏ ra sự khó chịu. Trong một số cơ quan, tổ chức đâu phải lúc nào cũng có nhân viên chủ động nêu lên những tồn tại của mấy sếp mà ngược lại có khi còn khen quá nhiều làm cho người khác cảm nhận như họ đang nịnh hoặc “lăng xê” cấp trên vậy. Họp hành, hội nghị do chạy cho kịp thời gian nên đôi khi cũng “ưu điểm thì biết rồi, chỉ nêu tồn tại” thế là thành “trận chiến phanh phui”. Phong trào thi đua, khen thưởng của ngành này, cấp nọ cũng có chuyện bình xét “chiến sĩ thi đua” nhưng “chỉ huy” lại…đứng đầu danh sách được bình; trong cuộc họp ý kiến của mỗi cá nhân thường thì giới thiệu cấp trên lên trước…bởi có cán bộ tốt mới có phong trào mạnh.
Vì thế mà bây giờ đối với một số người cũng có lúc không thật sự mặn mà với chuyện khen thưởng. Rõ ràng ai mà chẳng thích khen. Nhưng việc khen, chê trong biển đời mênh mông đâu phải là chuyện dễ. Có thể phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng này nhưng chắc gì có ý nghĩa với tập thể, cá nhân kia…Thôi vậy, đó là chuyện xã hội, chuyện đời, có lẽ chúng ta không nên xét đoán nó quá nhiều. Điều ta đáng nói là chuyện khen, chê trong giáo dục nhà trường mà đối tượng là người học, là trẻ em.
Cũng chẳng khác gì với người lớn, trẻ nào mà chẳng thích khen, quá thích nữa là đằng khác. Do vậy mà chủ trương đổi mới giáo dục cũng đề cập rất nhiều việc đổi mới kiểm tra, đánh giá. Đánh giá trong giáo dục không chỉ là đánh giá bằng điểm số, bằng nhận xét ghi trong trong sổ đầu bài, trong hồ sơ, học bạ… mà ngay cả trong từng lời nhận xét của thầy sau mỗi bài làm, mỗi câu trả lời, mỗi hoạt động…của trò.
Một số lời nhận xét sau mỗi câu trả lời hoặc một yêu cầu của giáo viên mà học sinh phải làm: em giỏi lắm; cả lớp khen bạn nào (vỗ tay); ban A hôm nay tiến bộ quá; cô cho em mười điểm (bằng miệng mà chẳng hề ghi sổ)…cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, nhiều ngày, đối với một hoặc một số học sinh mặc dù biết rõ là kết quả của học sinh đó chưa đúng, chưa đủ. Làm vậy sẽ không có tác dụng kích thích các em cố gắng mà dần dần những lời khen đó của giáo viên sẽ không được học sinh quan tâm đến. Lẽ ra, mỗi thầy cô giáo nên thay đổi cấu trúc của lời khen; thay đổi hình thức nhận xét như gợi ý thêm về kết quả, ý trả lời để học sinh tự đánh giá, nhận thấy điểm đúng và chưa đúng; gợi ý để những học sinh khác trả lời bổ sung hoặc nêu lên nhiều ý kiến và cuối cùng tránh không kết luận quá cứng nhắc, rập khuôn.
Việc chấm bài, chấm vở đối với những học sinh có học lực thua kém bạn bè hoặc quá yếu cũng nên thận trọng hơn. Thường xuyên chấm bài, sửa lỗi cho học trò yếu là việc tốt nhưng phải tránh chuyện làm cho vở của các em quá nhiều điểm yếu, trang nào cũng đầy mực đỏ và kể cả việc ghi lặp lại những câu nhận xét không cụ thể đại loại như: em cần cố gắng hơn nữa; em cần viết đúng cỡ chữ…hoặc những từ: bẩn, ẩu, không chịu học bài… Những bài không đạt yêu cầu cũng nên ghi nhận xét kèm với lời động viên, lời hứa lần sau sẽ cho điểm khá hơn để học sinh cố gắng mà không nhất thiết phải cho điểm ngay (nhất là điểm 1, 2, 3, 4). Làm vậy thì ngày càng làm cho học sinh không quan tâm đến điểm số, làm qua loa cho xong nhiệm vụ của giáo viên giao, không cố gắng. Lời nhận xét cũng cần phù hợp với điểm số.
Việc ghi lời nhận xét vào sổ điểm, vào học bạ cũng là việc đáng quan tâm. Mỗi giáo viên cần thận trọng trước khi đặt bút viết để lựa chọn, sử dụng câu từ một cách hợp lý. Bởi đối tượng tiếp nhận lời khen, chê ở đây không chỉ là học sinh mà còn những người cha, làm mẹ khi đọc những câu từ nhận xét quá nặng nề như: chậm hiểu, chữ xấu, ý thức kém…đối với con em mình sẽ chạnh lòng, thiếu sự phối hợp.
Chắc chắn vẫn còn nhiều điều đáng nói nữa. Mong các thầy cô giáo chia sẻ thêm.
Phan Đình Phong (CV Phòng GD Ngọc Hồi)