Thành Nguyên viết tiếp: Có điều không bình thường ở nội dung “Thông điệp” thể hiện dấu hiệu làm trái quy luật về “Ngũ giới” mà đức Phật đã chế ra là “Không được nói sai sự thật”. Thật buồn cười, một kẻ không hiểu gì về Phật giáo mà lại đem giới luật nhà Phật kết tội một cao Tăng của Phật giáo.
Thế nào là không được nói sai sự thật? “Thành Nguyên biết bạn đời mình đi lăng nhăng mà vẫn nói với mọi người là đi làm ăn, như thế mới gọi là nói sai sự thật”. Đối với một tu sĩ khi xin phép rời khỏi chùa với lý do nào đó, và đi về nơi nào đó là quyền của đương sự, trụ trì chỉ chấp thuận trên nguyên tắc chứ không có quyển điều tra hạch sách cho chính xác, cho dù là đệ tử ruột, đằng này tăng sinh Thích Thiện Minh, thế danh Lê Tấn Bửu, nguyên quán TP Cần Thơ; chỉ là một học Tăng xin tạm trú, nhà chùa chỉ quản lý lúc đương sự còn trú tại chùa, khi xin ra khỏi chùa thì nhà chùa không còn trách nhiệm, vì thế HT.Thích Thiện Nhơn mới ra văn bản thông báo các cấp Giáo hội: Nếu có những công việc, phật sự cần liên hệ, đề nghị quý cơ quan, quý ban, quý vị liên hệ trực tiếp với chúng tôi tại chùa Minh Đạo, số 12/3B đường Kỳ Đồng, Quận 3; hoặc tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội (Văn phòng Thường trực phía Nam Hội đồng Trị sự GHPGVN), thiền viện Quảng Đức số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 8, Quận 3, Tp.Hồ Chí Minh, ĐT: 08 3848 3080, Fax: 08 3846 9931.
Nay kính thông báo để quý cơ quan, quý ban, quý vị hoan hỉ và liên hệ khi hữu sự theo địa chỉ như trên”.
Chứng tỏ Hòa thượng tránh những trường hợp nhân danh đồ chúng của chùa Minh Đạo làm chuyện phi pháp về sau. Sao gọi là “nói sai sự thật?”
Cũng theo báo” Người Cao Tuổi”: Điều này được Báo Người cao tuổi phản ánh tại bài viết “Tu sĩ coi thường pháp luật” số 102 (1419) phát hành ngày 26/6/2014. Điều trớ trêu là tu sĩ Lê Tấn Bửu đã “góp phần phục vụ đạo pháp và xã hội” bằng việc làm trái Điều 41, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương quy định: Trụ trì là người thay mặt Giáo hội quản lí, điều hành các hoạt động của cơ sở tự, viện theo đúng Chánh pháp, Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước; chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động phật sự tại cơ sở tự, viện.
Tác giả dẫn chứng điều 41 chương VIII của Nội Quy Tăng sự về việc bổ nhiệm trụ trì và quy định trách nhiệm trụ trì không liên hệ gì đến việc làm của một Tăng sinh khi xây dựng cơ sở vật chất mà chưa đủ tiêu chuẩn để Giáo Hội ký quyết định “Bổ nhiệm trụ trì” như Thích Thiện Minh thì sao gọi là “góp phần phục vụ đạo pháp và xã hội” bằng việc làm trái điều 41 của Nội quy Tăng sự? Tác giả không hiều gì về mặt sinh hoạt nội bộ và chức năng hoạt động của tu sĩ Phật giáo thì đừng tỏ ra hiều luật Đạo đem dẫn chứng ngu ngơ đến thế.
Bài viết: Hai là, đọc kĩ “Thông điệp” ai cũng nhận ra là tu sĩ Lê Tấn Bửu có thời gian sinh sống, học tập và làm phật sự rất rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt là “Thông điệp” khẳng định “kể từ đầu năm 2014 đến nay, tăng sinh Thích Thiện Minh vì lí do sức khỏe đã xin về quê dưỡng bệnh và nhập thất tịnh tu”. Nhưng, thực tế không phải vậy, mà trong khoảng thời gian này tu sĩ Lê Tấn Bửu đã “góp phần phục vụ” đạo pháp và xã hội dưới hình thức bị chính quyền các địa phương “ghi nhận” bằng những quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng ở huyện Đức Trọng và huyện Long Thành (ngày 23/1/2014 xử phạt 40 triệu đồng về hành vi xây dựng không phép liên quan đến hoạt động tôn giáo của cơ sở Thiền thất Tuyền Lâm xã Long An)
Như đã giải thích ở trên. Theo xin phép của học Tăng T.Thiện Minh về quê tịnh dưỡng là lý do của đương sự, HT trụ trì không cần biết thực hư để làm gì khi ngoài tầm kiểm soát của chùa. Nếu đương sự làm việc phi pháp phạm luật thì chính quyền xử phạt, không liên hệ gì đến chùa Minh Đạo. Chuyện xử phạt hành chánh là việc của bộ phận xây dựng, chẳng có gì phải ầm ỷ khi mà xã hội hiện nay có những cơ sở xây dựng bạc tỷ vẫn phạm luật như thường, vi phạm luật đời thì pháp luật giải quyết, không can dự gì đến nhà chùa một khi đương sự đã xin ra khỏi.
Ba là, có điều bất ngờ là từ hai mâu thuẫn trên, đã thể hiện rõ ràng Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã nói sai sự thật, là vi phạm điều răn cấm Phật khuyên “Không được nói sai sự thật” (một trong “Ngũ giới”) mà đức Phật Thích Ca đã có lời di chúc khẩn thiết trước khi Ngài nhập cõi Niết Bàn.
Điều một và hai mà Thành Nguyên trình bày cũng chỉ là một vấn đề, một vấn đề mà Thành Nguyên quy kết là đã thể hiện rõ ràng Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã nói sai sự thật, Đến đây đủ hiểu HT Thiện Nhơn nói sai sự thật hay tác giả không đủ trình độ hiều đúng sự thật về cách làm việc hành chánh qua một văn bản, làm sao tác giả hiểu thêm được giới luật nhà Phật mà bảo là đức Phật Thích Ca đã có lời di chúc khẩn thiết trước khi Ngài nhập cõi Niết Bàn.???
Thiết nghĩ, xã hội ngày nay còn quá nhiều tệ nạn cần chấn chỉnh mà báo chí có trách nhiệm quan tâm hơn là chuyện một tu sĩ bình thừơng xây dựng trái phép lại quy tội cho một trụ trì nói sai sự thật khi đương sự đã xin ra khỏi chùa với một lý do khác với sinh hoạt hiện tại của đương sự đó. Phải chăng đầu óc tác giả bài báo có vấn đề hay có vấn đề toan tính trong đầu óc của người cầm bút không hiều gì về nội tình và luật giới của nhà Phật mà tỏ ra uyên áo, dẫn chứng lung tung? Nếu trong hai vấn đề trên không nằm trong não trạng của tác giả thì đằng sau tác giả là ai khích động muốn hạ giảm uy tín các chức sắc Phật giáo hiện nay?
Tại sao một tờ báo mệnh danh” Người Cao Tuổi” lại đăng chuyện vu vơ mà đáng ra người cao tuổi không nên làm?
Tác giả bài báo kết: Như vậy, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, trụ trì chùa Minh Đạo đã kí, ban hành và gửi đến nhiều cơ quan chức năng và nhiều địa chỉ của Giáo hội Phật giáo một văn bản có nội dung sai trái thể hiện vi phạm điều răn cấm Phật khuyên nêu trên; làm trái Điều 41, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương quy định và ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Việc làm phật sự không bình thường này của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn và tu sĩ Lê Tấn Bửu là cơ sở để dư luận trông chờ một kết luận chính xác, khách quan của Cơ quan TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam về những nội dung Báo Người cao tuổi phản ánh.
Cám ơn Thành Nguyên đã nhận định văn bản trên của HT T.Thiện Nhơn sai trái so với điều răn cấm của Phật mà một cao Tăng như HT không thấy, chỉ có Thành Nguyên thấy đúng mà thôi. Cũng cám ơn tác giả lo cho GHPGVN mất uy tín vì việc làm không bình thường nầy của HT.Thiện Nhơn khi mà Thành Nguyên quá bình thường đến độ tầm thường qua bài phê phán ấu trĩ nầy.
Cái đáng trách chính không phải người viết bài báo “bé xé ra to”, mà trách Ban Biên Tập không đủ trình độ thẩm định giá trị một bài viết có tác dụng và tác hại đến một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng xã hội. GHPGVN là một thành viên có tầm vóc lớn trong xã hội, trước bài báo quá ấu trĩ nhục mạ uy tín một cao Tăng và cũng là một chức sắc của Phật giáo, quần chúng Phật tử nghĩ gì về một tờ báo “người cao tuổi” mà làm một việc của người “tuổi không cao” như thế? Chuyện nhỏ của một bài báo mà báo không quản lý được thì làm sao góp tiếng nói có giá trị của người cao tuổi?
Qua sự kiện nầy, GHPGVN không mất uy tín mà mất uy tín của một tờ báo của “người cao tuổi”. Nếu thực sự nhận thức được sai lầm của một bài báo, BBT nên có những thông tin khách quan, nhiều chiều.