Tình hình thế giới:
-Reuters ngày 2/9/2017: “Chỉ vài ngày sau khi biện pháp cấm vận được Liên Hiệp Quốc ban hành, Bắc Triều Tiên nói rằng họ đã phát triển một loại vũ khí nguyên tử tân tiến hơn có sức tàn phá lớn và lãnh tụ Kim Jong Un đã giám sát quả bom khinh khí thu nhỏ được gắn vào hỏa tiễn liên lục địa mới.”
Việc thử nghiệm được tuyên bố thành công và gây ra một cuộc địa chấn 5.7 làm rung chuyển miền đông bắc. Vậy thì đụng vào ông điên khùng này, hậu quả không biết như thế nào. Hoa Kỳ úp mở đe dọa đánh, liên tiếp cùng Nam Triều Tiên tập trận và cho máy bay ném bom chiến lược tàng hình bay trên đầu. Còn Bắc Triều Tiên thì cứ liên tục bắn thử hỏa tiễn và chế tạo bom nguyên tử. Chưa biết bao giờ trò chơi “đùa dai” này chấm dứt? Hay sẽ chấm dứt bằng thảm họa?
Vào ngày 3/9/2017, Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis đe dọa sẽ đáp ứng bằng cuộc chiến tranh tổng lực. Trong khi đó Nga và Hoa Lục duy trì quan điểm cho rằng áp đặt cấm vận thêm nữa chỉ phản tác dụng và làm cho tình hình trở nên nguy hiểm hơn. Vào ngày 4/9/2017, hai tổng thống Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đã thảo luận với nhau qua điện thoại về diễn biến mới nhất. Hành động vừa qua chứng tỏ Bắc Triều Tiên không phải là “bù nhìn” của Bắc Kinh. Họ theo đuổi mục đích riêng của họ. Sở dĩ Hoa Lục không xiết mạnh tay vì lo sợ chế độ xụp đổ sẽ tạo ra một làn sóng tỵ nạn khổng lồ, Bán Đảo Triều Tiên sẽ thống nhất dưới sự cai trị của Nam Hàn….và như thế quân Mỹ sẽ áp sát biên giới Trung Hoa. Và một cuộc chiến trực diện với Mỹ như năm 1951 với vài triệu binh sĩ chết sẽ nổ ra và vĩnh viễn Trung Hoa sẽ không còn vùng trái độn để bảo vệ lãnh thổ nữa, ngoại trừ một Triều Tiên thống nhất theo thể chế trung lập.
Theo Newsweek ngày 11/9/2017, Bắc Triều Tiên tuyên bố “Hoa Kỳ khát máu” (blood thirsty US) sẽ phải trả giá thích đáng nếu biện pháp cấm vận mới được chấp thuận. Còn TNS John McCain nói rằng Bắc Triều Tiên sẽ không còn trên cõi đời này nữa (extinction) nếu cứ tiếp tục có hành động hung hăng, tức 25 triệu dân sẽ phải chết. Chưa bao giờ trên thế giới lại có những lời đe dọa ghê gớm như vậy. Trong khi đó theo Japan Times, ngoại trưởng Nhật Bản đã yêu cầu Qatar ngưng nhận công nhân từ Bắc Triều Tiên, một biện pháp”xiết bao tử” có thể khiến Bắc Triều Tiên phải chết vì Bắc Triều Tiên sống còn nhờ việc xuất cảng công nhân.
Theo The Hill ngày 13/9/2017, “Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Lục cho biết Nga và Trung Quốc cảnh báo về bất cứ hành động quân sự nào sau những biện pháp cấm vận mới lên Bắc Triều Tiên. Bloomberg News cho biết Hoa Lục sẽ không cho phép một cuộc chiến tranh giữa Nam-Bắc Triều Tiên.”
-Business Insider ngày 3/9/2017: “Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis vừa gửi một bức thư cho Bộ Trưởng Quốc Phòng Thụy Điển Peter Hultqvish về việc Thụy Điển có ý định ký vào thỏa hiệp cấm bom nguyên tử. Thụy Điển là một trong 122 quốc gia hỗ trợ một thỏa ước của Liên Hiệp Quốc cấm hoàn toàn bom nguyên tử mà từ trước tới giờ mới có. Thế nhưng mới đây Thụy Điển và Hoa Kỳ vừa ký kết Bản Công Bố Mong Cầu (Statement of Intent) gia tăng hợp tác quân sự giữa hai quốc gia. Giờ đây bộ trưởng quốc phòng của Ô. Trump cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu Thụy Điển ký tên vào thỏa hiệp cấm bom nguyên tử, tức nếu nổ ra chiến tranh, thỏa hiệp ký với Hoa Kỳ về các vấn đề như hợp tác và hỗ trợ quân sự sẽ bị ảnh hưởng (sẽ không có).”
Sự kiện cho thấy: 1) Hoa Kỳ ngăn cấm, có thể tấn công các cơ sở hạt nhân hoặc tiến hành chiến tranh nếu Ba Tư và Bắc Triều Tiên chế tạo vũ khí nguyên tử trong khi Hoa Kỳ được tự do chế tạo, tàng trữ và sử dụng vũ khí nguyên tử. 2) Nhờ Hoa Kỳ yểm trợ, đỡ đầu, bảo vệ về mặt an ninh chắc chắn sẽ mất chủ quyền kể cả các quốc gia hùng mạnh như Nhật Bản, hà huống gì Thụy Điển, Ukraina. Những ai cần nương tựa vào Mỹ hãy nhìn tấm gương của VNCH trước đây. Nhờ Mỹ che chở thì chuẩn bị hy sinh chủ quyền quốc gia là vừa.
3) Thụy Điển ở vào thế khó xử. Nếu không ký vào thỏa ước cấm vũ khí nguyên tử thì Giải Nobel Hòa Bình chỉ là công cụ chính trị và những tư tưởnng nhân ái của Thụy Điển chỉ là đạo đức giả. Còn nếu ký vào thì sẽ không được Mỹ hỗ trợ nếu nổ ra chiến tranh với Nga.
-Sputnik News ngày 4/9/2017: “Tại thành phố Hạ Môn (Xiamen) của Trung Quốc đã khai mạc Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 9 của nhóm BRICS bao gồm các nhà lãnh đạo của nền kinh tế Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Ba Tây và Nam Phi. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik nhà kinh tế Victor Efimov lưu ý rằng các hoạt động thực tiễn của BRICS đang làm thay đổi chiến lược phát triển toàn cầu.”
-AP ngày 4/9/2017: “Theo truyền thông Nga, Ai Cập đã chung kết thỏa thuận nhờ Nga xây dựng một nhà máy điện nguyên tử sau gần hai năm thương thảo. Tin tức được đưa ra sau khi Tổng Thống el-Sissi gặp Tổng Thống Putin trong hội ng
hị thượng đỉnh tại Hoa Lục. Nhà máy điện này sẽ được xây tại Dabaa, khoảng 130 cây số (80 dặm) tây bắc Thủ Đô Cairo trên bờ biển Địa Trung Hải. Ai Cập cũng đã yêu cầu Tổng Thống Putin ghi dấu ngày bắt đầu xây dựng nhà máy.” Tưởng cũng nên nhắc lại đây, vào ngày 22/8/2017, Hoa Kỳ đã từ chối viện trợ cho Ai Cập 95.7 triệu Mỹ Kim và trì hoãn một khoản viện trợ quân sự 195 triệu nữa vì Ai Cập không tiến bộ trong việc tôn trọng nhân quyền và các tiêu chuẩn dân chủ. Quyết định phản ảnh vừa mong muốn hợp tác về an ninh nhưng lại thất vọng vì lập trường của Ai Cập đối với các vấn đề tự do, nổi bật là một đạo luật mới quy định các tổ chức phi chính phủ được coi như một phần của cuộc đàn áp đối lập.
Hoa Kỳ trợ giúp nhưng dùng “ngọn roi nhân quyền” để kiềm chế. Còn Nga và Hoa Lục viện trợ mà không cần để ý tới vấn đề nhân quyền. Chưa biết về lâu về dài “ai thắng ai”. Nhiều khi chuyện cấm vận không phải của tổng thống mà của các ông dân biểu, thượng nghị sĩ. Các ông/bà này chỉ mong kiếm phiếu, không cần biết đến tình trạng an nguy của đất nước. Trước áp lực của cử tri, các ông bà “ra oai” bằng cách ban hành đạo luật cấm vận chỗ này, cúp viện trợ chỗ kia…thế là tổng thống bó tay và nước Mỹ mất dần đồng minh và số lượng kẻ thù mỗi lúc mỗi gia tăng. Tam quyền phân lập mới nhìn thật lý tưởng nhưng nó sẽ là thảm họa nếu hành pháp và lập pháp choảng nhau hoặc mỗi ngành nhìn về một phía. Khi đó đất nước giống như một con tàu mà có hai thuyền trưởng. Ô hô! Trên cõi đời ô trọc này không có cái gì tuyệt đối hoàn hảo! Tất cả đều tùy thuộc cái Tâm của con người. Khi yêu nhau thì cơm hẩm cũng ngon. Khi đã ghét nhau thì bát yến cũng trở nên chua chát.
-Reuters ngày 5/9/2017: “Tổng Thống Putin nói rằng bất cứ quyết định nào của Hoa Kỳ cung cấp vũ khí phòng vệ cho Ukraina sẽ đổ thêm dầu vào cuộc xung đột ở đông Ukraina và lập tức phe ly khai (do Nga hỗ trợ) sẽ mở rộng cuộc chiến tại đây.”
Dù Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence đã tới đây, nhưng chắc chắn Mỹ không thể gửi quân hay cố vấn tới Ukraina mà chỉ gửi vũ khí như hỏa tiễn chống tăng và hệ thống phòng không. Khi đó Nga cũng sẽ trang bị thêm cho lực lượng ly khai hầu như đã hoàn tất việc cai trị vùng Donbass bao gồm Donetsk và Luhansk. Ai biết được trong số binh sĩ của Donbass, bao nhiêu là lính Nga giả dạng? Chắc chắn Mỹ không muốn binh sĩ chết cho cuộc chiến xa nhà khốc liệt này. Và Donbass cũng sẽ tiến hành trưng cầu dân ý tuyên bố độc lập hay sát nhập vào Nga như Crimea. Như thế Kiev vĩnh viễn mất luôn ba vùng đất do tham vọng của nhóm quốc gia cực đoan quyết tâm lật đổ tổng thống trung lập Yanukovych để thiết lập một chính quyền thân Tây Phương tại đây. Đúng là “sai một ly đi một dặm”. Nằm sát một đại cường với nhiều vùng đất là người Nga, nói tiếng Nga, chịu văn hóa Nga, trước đây đã thuộc Nga… mà đòi liên minh với thế lực ở xa để chống lại láng giềng khổng lồ của mình…thỉ đúng là “điếc không sợ súng”. Một lãnh đạo thật sự yêu nước phải biết láng giềng của mình là ai để có chính sách ngoại giao tốt nhất cho quyền lợi của đất nước. Nghe lời đường mật, dụ dỗ của các thế lực ở xa, biến láng giềng khổng lồ của mình thành kẻ thù khiến đất nước chia năm xẻ bảy là phản quốc chứ không phải yêu nước. Câu hỏi đặt ra là “tới bao giờ” Kiev mới có thể lấy lại ba vùng đất đã mất?
Theo tôi, dù NATO hay Mỹ có đổ 100,000 quân vào đây cũng không thể lấy lại được. Chỉ có giải pháp “trung lập hóa” Ukraina may ra mới có thể cứu vãn được tình thế. Nhưng giờ đây Kiev, Brussells và Hoa Thịnh Đốn đang say sưa với giải pháp cấm vận, trợ giúp vũ khí cho Ukraina để hy vọng Nga từ bỏ việc sát nhập ba vùng đất này. Theo tôi nghĩ, Nga thà chấp nhận một cuộc đại chiến với Tây Phương chứ không bao giờ để NATO biến Ukraina thành tiền đồn đâm thọc vào trung tâm nước Nga. Dù là ở rừng hoang, con hổ hay con sư tử, chúng nó cũng biết tôn trọng “territory” tức lãnh thổ hay vùng săn mồi để sống còn của nhau. Liệu Mỹ có khoanh tay ngồi nhìn để Nga hay Hoa Lục thiết lập một căn cứ quân sự tại Gia Nã Đại hay Mễ Tây Cơ không? Hỏi tức là trả lởi. Trong quy luật sống còn của nhân loại (The rules of life and death) không có vấn đề lương tâm hay đạo đức và cũng không có lý luận đúng sai.
- AFP (Istanbul) ngày 12/9/2017: “Thổ Nhĩ Kỳ vừa ký một thỏa hiệp lịch sử mua hệ thống phòng không tối tân nhất của Nga S-400 khiến gây khó khăn cho các quốc gia trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.
Thật lạ đời! Một quốc gia trong NATO lại đi mua vũ khí của Nga- kẻ thù của NATO. Tại sao thế? Thực ra không có gì lạ. Với thời đại “toàn cầu hóa” và ngoại giao đa phương, mọi “lý tưởng” giờ đây đã lỗi thời. Tất cả đều vì quyền lợi của quốc gia. Gắn bó với một siêu cường hay với “đàn anh” nào là ngu dại. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ mới đây vừa ghé thăm Việt Nam. Rồi đây Thổ có thể sẽ lại làm ăn, buôn bán với Hoa Lục. Nước nhỏ ngu dại gì chui đầu vào một “liên minh” để làm tiền đồn hay đàn em cho các nước lớn. Hãy cứ để các “ông kẹ” choảng nhau, mình đứng ngoài coi chơi. Thế mới là sách lược kinh bang tế thế. Cuộc chiến trong tương lai hay có thể ngày mai đây giữa Mỹ-Nga-Hoa sẽ vô cùng thảm khốc. Ngu dại gì đứng ra hứng vài quả bom nguyên tử để đất nước mình biến thành vùng đất chết? Hiện nay chỉ còn một số quốc gia liên minh với Hoa Kỳ như Âu Châu, Nhật Bản, Gia Nã Đại, Úc Châu, Nam Triều Tiên còn thì hầu hết đều giữ thái độ trung lập. Nếu nổ ra chiến tranh Mỹ-Nga hay Mỹ-Hoa, chắc chắn các quốc gia trên sẽ lãnh bom nguyên tử vì có các căn cứ quân sự Mỹ tại đây. Cách đây vài năm Hoa Lục đã lên tiếng cảnh cáo Úc Châu.
Tình hình Syria:
-Reuters ngày 3/9/2017: “Quân chính phủ và đồng minh đã tiến vào vùng Deir al-Zor nơi bị quân
Nhà Nước Hồi Giáo bao vây, chiếm giữ mỏ dầu al-Kharata. Tổng Thống Assad của Syria năm nay đã tập trung chiến dịch quân sự vào vùng sa mạc, tấn công về phía đông vào quân Nhà Nước Hồi Giáo bằng nhiều nhánh để khôi phục Deir al-Zor nơi mà lỏm đất này đã bị bao vây trong nhiều năm.” Mất vùng này, lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo coi như không còn đất dung thân.
-Reuters ngày 7/9/2017: “Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc, Ô. Staffan de Mistura nói rằng phe đối lập Syria phải thừa nhận rằng họ đã không thắng cuộc chiến và cần tiến tới một giải pháp chính trị cho cuộc tranh chấp.”
-Chicago Tribune ngày 9/9/2017: “Do yêu cầu của Nga, vào ngày 8/9/2017 Hoa Kỳ đã ngưng các chuyến bay theo dõi một đoàn xe của chiến binh Nhà Nước Hồi Giáo bị kẹt ở sa mạc Syria trong 10 ngày qua và nói rằng số phận của các chiến binh này tùy thuộc vào quyết định của chính quyền Syria. Đoàn xe cố gắng di tản khỏi vùng này do một thỏa thuận với với lực lượng Hezbollah nhằm chấm dứt giao tranh gần biên giới Li Băng nhưng mắc kẹt tại sa mạc. ”
-Washington Post ngày 14/9/2017: “Người Kurd ở Iraq tháng này sẽ bỏ phiếu để xem có muốn độc lập cho vùng đất của họ hay không và đây là một bước để hoàn thành giấc mơ thành lập quốc gia. Kết quả chắc chắn là ‘bằng lòng’ và sẽ gây lo ngại cho khu vực đang chìm ngập trong cuộc chiến chống lại Nhà Nước Hồi
Giáo. Nhưng dù người dân có ‘bằng lòng’, nền độc lập cũng không đến ngay vì cuộc trưng cầu dân ý không có tư cách pháp lý. Thế nhưng các giới chức người Kurd nói rằng họ sẽ dùng nó để làm áp lực với chính quyền Baghdad ngồi vào bàn thương thảo về đòi hỏi độc lập của họ. Cuộc bỏ phiếu vào ngày 25/9 đã gây ra căng thẳng. Các quốc gia láng giềng của Iraq như Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng nó sẽ khuyến khích khối người Kurd lớn lao đang sống trên đất nước của họ và đã kêu gọi đình chỉ cuộc bầu cử. Thủ tướng Iraq nói rằng cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp và cảnh báo về một cuộc bạo động tại những vùng mà Iraq và Kurd cùng tuyên bố đây là lãnh thổ của họ. Đồng minh thân cận nhất của người Kurd là Hoa Kỳ đã thuyết phục họ nên đình chỉ cuộc bỏ phiếu vì lo sợ rằng một trang sử bất ổn mới sẽ mở ra cho dù lực lượng do Hoa Kỳ hỗ trợ này đang chiếm dần những vùng còn lại của Nhà Nước Hồi Giáo tại Iraq.”
Tình hình Biển Đông:
-ABC News ngày 2/9/2017 đưa tin, “Cảnh sát Căm Bốt đã bắt giữ nhà lãnh đạo của đảng đối lập chính trong một cuộc bố ráp tư gia đáng ngạc nhiên vào sáng Chủ Nhật 2/9/2017 (giờ địa phương) và cáo buộc đương sự tội phản quốc. Theo một thông cáo của chính phủ, Ô. Kem Sokha và một vài người đã âm mưu với ngoại bang để làm nguy hại tới Vương Quốc Căm Bốt. (Secret plans of conspiracy between Kem Sokha, others and foreigners to harm the Kingdom of Cambodia). Theo cô con gái của ông tên Monovithya Kem, lãnh tụ đối lập Kem Sohkha bị còng tay dẫn đi sau khi hơn 100 cảnh sát kéo tới nhà ở Thủ Đô Phnom Penh lúc nửa đêm. Cô Monoovithya Kem cũng là đảng viên của Đảng Cứu Nguy Dân Tộc nói trên Twitter rằng cảnh sát đã không có trát câu lưu của tòa. Ô. Hun Sen, một nhà độc tài đã nắm giữ quyền lực Căm Bốt hơn ba thập niên vừa tạo áp lực về mặt pháp lý lên những nhà chỉ trích, truyền thông và đối thủ chính trị trước cuộc bầu cử vào năm 2018. Trước những đe dọa về mặt pháp lý, người tiền nhiệm của Kem Sohkha là Sam Rainsy đã phải từ chức và sống lưu vong ở Pháp. Một ngày sau biến cố này, tờ Cambodia Daily cũng tuyên bố đóng cửa sau 24 năm phát hành.”
Vào ngày 5/9/2017, tờ Los Angeles Times loan tin Ô. Kem Sokha chính thức bị truy tố về tội phản quốc vì đã cùng Hoa Kỳ âm mưu lật đổ chính phủ. Nếu bị kết tội sẽ phải lãnh án tù 30 năm. Theo Reuters ngày 6/9/2017, Đảng Cứu Nguy Dân Tộc có thể bị loại ra khỏi cuộc tranh cử nếu không thay vị lãnh đạo đảng. Đồng thời Ô. Hun Sen tuyên bố sẽ làm thủ tướng thêm 10 năm nữa tức 42 năm. Trong khi Đảng Cứu Nguy Dân Tộc nói vẫn tiếp tục theo đuổi cuộc bầu cử năm 2018. Theo Reuters ngày 13/9/2017, đại sứ Hoa Kỳ tại Căm Bốt báo bỏ cáo buộc của chính phủ này về việc Hoa Kỳ can thiệp vào nội bộ Căm Bốt và yêu cầu phải thả nhà đối lập Kem Sohkha.
Với tình hình chính trị Căm Bốt ngày nay, lập đảng, lấy tên gì cũng được, chẳng hạn như Đảng Cộng Hòa, Đảng Dân Chủ, Đảng Cấp Tiến, Đảng Thăng Tiến, Đảng Xã Hội, Đảng Lao Động, Đảng Công Nông v.v…Chứ lấy tên Đảng Cứu Nguy Dân Tộc tức dân tộc đang lâm nguy, chết tới nơi rồi, cần nhảy ra cứu vớt…thì khác nào lấy dao thọc vào tim Ô. Hun Sen…thì ông có bỏ tù cũng là phản ứng tự nhiên thôi. Giả dụ Đảng Cứu Nguy Dân Tộc giành được chính quyền, vài năm sau đất nước khá lên, dân ấm no…chẳng lẽ cứ “cứu nguy dân tộc” mãi sao? Nghe kỳ quá, hay phải đổi tên đảng? Ngày xưa để giữ ngôi vua, có khi giết cả anh, em, chú, bác mình chứ nói chi đến đối thủ chính trị. Làm chính trị cũng phải khôn ngoan tí chứ. Cực đoan quá dễ chuốc lấy thất bại. Còn về báo chí, không phải báo chí lúc nào cũng tốt lành. Chính miệng Ô. Trump nói rằng báo chí là kẻ thù của người dân.
Hiện nay Ô. Hun Sen giống như các ông tướng Prayut chan-o-Cha của Thái Lan, el Sissi của Ai Cập, Erdogan của Turkey…tha hồ bỏ tù lãnh tụ các phe đối lập mà không sợ ai cả. Trong khi Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu lên án thì ông có một đồng minh khổng lồ là Hoa Lục đứng sau lưng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Hoa nói rằng đây là nỗ lực bảo vệ an ninh quốc gia và ổn định của đất nước. Theo tôi, nội vụ từ từ “chìm xuồng”, chẳng ai rảnh rỗi can dự vào chuyện nước người cho thêm mệt trong khi Hoa Kỳ đang điên đầu về chuyện Bắc Triều Tiên. Do đó Ô. Hun Sen sẽ làm thủ tướng cho đến khi nào ông chán và “nhường ngôi” cho người con cả là Hun Manet hiện là trung tướng trong quân đội. Đối lập chỉ để “làm cảnh”, chống đối vừa vừa thì còn sống, đòi lật đổ hay “cưa ghế” của ông thì vào khám lớn nằm “gỡ lịch”. Hy sinh cả cuộc đời từ lúc 26 tuổi để chống nạn diệt chủng Khmer Đỏ rồi ngoi lên chức thủ tướng với bao cơn giông bão chính trị mà nay lại chịu về vườn thông qua một cuộc bầu cử, rồi có thể bị giết hoặc bỏ tù vì tội tham nhũng và hàng trăm thứ tội khác… thì chỉ có thánh nhân ngày xưa mới chấp nhận. Nói tóm lại, ai muốn “cưa ghế” Ô. Hun Sen thì phải bước qua xác chết của ông. Với tình hình như trên chúng ta chưa thể phỏng đoán được là Hoa Kỳ có tìm cách lật đổ chế độ của Ô. Hun Sen hay không giữa lúc chính trị nội bộ rối bời và nguy cơ chiến tranh với Nga và Bắc Hàn đang lù lù trước mắt. Nếu Hoa Kỳ quyết tâm lật đổ chế độ của Ô. Hun Sen chắc chắn sẽ gặp phản ứng của các quốc gia ASEAN, gây bất ổn trong vùng và chỉ có lợi cho Hoa Lục.
-AP ngày 14/9/2017: “Để trả đũa vụ Hoa Kỳ ngưng cấp nhập cảnh (Visa) cho hầu hết các viên chức cao cấp nghành ngoại giao Căm Bốt và gia đình vì từ chối nhận những người bị Hoa Kỳ trục xuất, Thủ Tướng Hun Sen tuyên bố sẽ đình chỉ hoạt động của nhóm tìm kiếm hài cốt các chiến binh Hoa Kỳ mất tích (MIA) trong chiến tranh Việt Nam và yêu cầu tổ chức Peace Corps rời khỏi Căm Bốt.”
Nhận Định:
Washington Post ngày 9/9/2017 đưa tin, “Liên Hiệp Quốc nói rằng trong hai tuần qua, số người trốn chạy bạo động, vượt biên vào Bangladesh đã lên tới con số báo động là 270,000 người.” Theo AP ngày 11/9/2017, chính phủ Bangladesh đã bằng lòng cung cấp đất để làm trại tạm trú cho 313,000 người tỵ nạn Rohingya đã tới đây từ 25/8/2017. Bà San Suu Kyi- lãnh đạo Miến Điện trên thực tế - sẽ không tham dự Đại Hội Đồng LHQ kéo dài từ 13/9/2017 tới 25/9/2017nại lý do an ninh của đất nước. Bà đang bị chỉ trích về cuộc trốn chạy của người Hồi Giáo Rohingya.
Khác biệt tôn giáo, cùng tôn giáo nhưng khác hệ phái, khác biệt chủng tộc… khó lòng sống chung với nhau đang là vấn nạn toàn cầu. Đông Timor tách ra thành lập một quốc gia riêng năm 2002 vì đa số theo Thiên Chúa Giáo do di sản của Thực Dân Bồ Đào Nha để lại, Nam Sudan tách ra thành lập một quốc gia riêng năm 2011 cũng chỉ vì Nam Sudan đa số theo Thiên Chúa Giáo, Kosovo tách ra khỏi Serbia năm 2008 vì vùng đất này 90% là Hồi Giáo. Ngay khi cùng thờ chung một Thượng Đế cũng không thể chung sống với nhau chẳng hạn như Bắc Ái Nhĩ Lan mà đa số là Ca Tô Giáo La Mã đã tách ra khỏi Ái Nhĩ Lan mà đa số là Tin Lành. Nếu vấn đề Rohhingya không được giải quyết bằng phương thức hòa bình, dưới áp lực của các siêu cường, Bang Rakhine có thể sẽ tách ra và trở thành một quốc gia riêng trong lòng Miến Điện. Kịch bản để tiến đến mục tiêu này là nhân danh Liên Hiệp Quốc, Mỹ sẽ thiết lập một Vùng Cấm Bay, tiêu diệt tất cả mọi tiềm lực của Miến Điện, sau đó đem lực lượng gìn giữ hòa bình tới đây mà quân Mỹ là chủ lực để thành lập một quốc gia riêng cho người Rohingya.
Nếu người Hồi Giáo Rohingya sống rải rác trên Miến Điện thì nó không tạo một áp lực chính trị lên chính quyền trung ương. Chính vì họ sống tập trung tại Rakhine cho nên sớm muộn gì họ cũng đòi tự trị và sau đó thành lập quốc gia riêng. Nói mà không sợ sai lầm, chỉ cần nước Mỹ này 30% dân số là người Hồi Giáo sống tập trung, nước Mỹ sẽ bị chia cắt theo lằn ranh tôn giáo. Chính vì thế mà Ô. Trump đã có những biện pháp hạn chế hoặc ngăn cấm người Hồi Giáo nhập cư để tránh một thảm họa không xa. Cho nên đứng ngoài phê phán Miến Điện thì dễ nhưng chính mình “ở trong chăn” mới thấy muôn vàn khó khăn. Tự do đi lại, dang tay chào đón người di dân, nhất là người Hồi Giáo tới nước Mỹ đã trở thành một nguy cơ tiềm ẩn chứ không còn là một nhu cầu bức thiết của một quốc gia “đất rộng người thưa” cách đây 200 năm.
Làm thế nào để duy trì “tự do tôn giáo” nhưng vẫn có một tôn giáo dòng chính (khoảng 75%) để ổn định chính trị, duy trì bản sắc dân tộc - đang là một bài toán nhức đầu của nhân loại. Nước Mỹ và Âu Châu dường như đang lúng túng và mâu thuẫn vì vừa muốn bảo vệ “tự do tôn giáo” cho cả loài người nhưng lại muốn giữ sao cho tôn giáo của mình không trở thành thiểu số chỉ vì lý tưởng “tự do tôn giáo”.
Tôn giáo gắn liền với lịch sử, chính trị, văn hóa, phong tục tập quán của một dân tộc. Nay tôn giáo đổi thì tất cả những thứ đó phải đổi theo. Thí dụ: Một tôn giáo không chấp nhận thờ cúng ông bà tổ tiên thì một người cải đạo theo tôn giáo ấy, chắc chắn sẽ quăng bàn thờ, hình ảnh của tổ tiên mình ra ngoài đường. Rồi các lăng mộ, đền đài, miếu mạo thờ phượng các vị anh hùng hay Thánh của dân tộc đó cũng có thể trở thành hoang phế hay đập bỏ. Rồi lịch sử của dân tộc cũng có thể phải viết lại. Nói tóm lại, toàn là những thứ linh thiêng, thần thánh nhất của một dân tộc sẽ bị hủy diệt. Khác biệt tôn giáo đang từ từ trở thành thảm họa cho nhân loại. Do đó đã có người nghĩ rằng, nếu như nhân loại này không có tôn giáo và sống bằng các nguyên tắc của luân lý và đạo đức, có lẽ con người hiểu nhau hơn và không giết nhau. Bởi vì các nguyên tắc về luân lý và đạo đức đặt trên nền tàng trí tuệ và từ cuộc sống này đi lên. Còn tôn giáo phần lớn phát xuất từ thần linh và đặt trên nền tảng niềm tin. Trí tuệ thì có thể hiểu được còn niềm tin thì có thể đúng có thể sai và đôi khi phải chấp nhận chứ không thể chứng minh. Làm sao chúng ta có thể chứng minh được là sau khi chết đi sẽ có một thế giới khác mà chúng ta sẽ sống đời đời, vô cùng hạnh phúc? Vì không thể chứng minh cho nên buộc lòng phải “tin”. Và niềm tin cực mạnh gọi là “đức tin”.
Khác biệt tôn giáo chứ không phải bom nguyên tử có thể sẽ hủy diệt loài người. Song, nếu như loài người may mắn còn tồn tại… là nhờ:
-Một tôn giáo nào đó do một siêu cường áp đặt lên toàn thể loài người, các “dị giáo” đều bị tiêu diệt cho nên không còn sự khác biệt tôn giáo nữa. Và loài người sẽ sống dưới mái nhà hạnh phúc hay địa ngục của một “tôn giáo toàn cầu”.
-Do sự giác ngộ, con người nhận ra rằng chỉ có luân lý và đạo đức là cần thiết, tôn giáo là một thảm họa cho nên mọi tôn giáo đều từ từ suy tàn. Từ đó con người vẫn giết nhau vì gốc Tham-Sân-Si vẫn còn nguyên, nhưng sẽ không giết nhau vì khác biệt tôn giáo.
Đào Văn Bình (California ngày 15/9/2017)