Từ thủa hoá công xây đắp nên xứ Kinh Bắc, nhân gian biết đến Bắc Ninh từ những làng quê hiền hoà màu xanh của đồng ruộng mênh mang làn điệu quan họ giao hoà trời đất thiêng liêng in dấu bao sử tích dân tộc. Những tà áo mớ ba, mớ bảy, tay nón quai thao duyên dáng quện giọng hát ngọt ngào như tơ vàng xứ Kinh Bắc.
Bắc Ninh văn hiến được ra đời từ thời vua Minh Mạng (1831) một trong 13 tỉnh được thành lập đầu tiên ở xứ Bắc kỳ, được mệnh danh là đất Kinh Bắc có khoảng 15 vị danh nhân, 15 làng nghề với rất nhiều lễ hội truyền thống mang ý nghĩa sâu sắc giáo dục văn hoá dân tộc, như: Hội Lim thi hát quan họ, hội Đền Đô tưởng niệm các vị vua họ Lý, hội Đồng Kỵ, hội Phù Đổng Thiên Vương, hội chùa Dâu, hội làng Phù Lưu, thôn Phù Lưu, xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong hát quan họ, hát đối đáp giao duyên, hội thi chọi gà, hội chơi cờ tướng, cờ người, hội Đậu (Mộ Đạo ¬Quế Võ) thi thả diều, bơi chải, hội thi giã bánh dầy làng Đạo Chân ở xã Kim Chân, TP Bắc Ninh.
Những thi ca về người và cảnh xứ sở này không giấy bút nào tả hết, ví như một câu đã rất quen thuộc với người Việt: “Sông Cầu nước chảy lơ thơ…” gió thoảng mơ hồ dưới trăng sao la đà rặng tre đầu làng lóng lánh giếng khơi, dặt dìu làn điệu dân ca chuyển tải bao thông điệp một làng quê thanh bình của những con người tài hoa và thanh lịch.
Trong tất cả kho văn hoá bản sắc của xứ Kinh Bắc này đã tử thủa hoá công xây đắp tới nay không hề có lễ hội truyền thống “chém lợn” như ở Ném Thượng.
Qua những hình ảnh trong lễ hội bức tử lợn hay chém lợn mà giới truyền thông chuyển tải đã sôi động trên mạng internet chuyện mùa xuân hàng năm nơi này lại bức tử lợn tại địa phương. Người ta thấy có các phụ nữ với trang phục truyền thống quý phái Việt Nam với nét mặt hoan hỷ như một vinh hạnh đi bên khung gỗ chở con lợn sắp đến giờ lên “Đoạn đầu đài” một cách oan uổng chỉ biết kêu ai oán xé ruột sóc óc mà không biết van xin như con người. Và những người mang trang phục của “liền anh, liền chị” micro trong tay véo von làn điệu dân tộc, nét mặt rạng rỡ.
Một lưỡi dao dài như lưỡi mác đã được mài sắc bén từ trước, lạnh lùng đặt ngang mình con lợn rồi… máu huyết phun ra văng cả lên mặt đao phủ. Và…những cánh tay không phân biệt giới tính, tuổi tác cầm tiền giấy nhúng máu lợn…
Những bàn tay nhúng máu lợn ấy có cả những bàn tay của những người từng trải, có cả những bàn tay của học sinh, sinh viên và cả những bàn tay của tuổi thơ. Trong số ấy có thể có những người làm theo cho vui, cho biết, chưa ý thức được là làm như thế để làm gì?!
Thế nhưng, tất cả những hình ảnh đó cộng lại đều rất phản cảm, không một từ nhân đạo nào trong lễ hội này. Trong những hình ảnh này, không được sự đồng tình của hầu hết công dân trong nước và du khách. Một số người cho rằng lễ hội bức tử lợn này là “độc đáo”. Vâng, nó độc đáo thật. Vì dường như chẳng có địa phương nào lại “sáng tạo” ra một lễ hội thiếu nhân tính như vậy.
Dân tộc Việt Nam luôn nêu cao tính nhân bản, hơn nữa nói đúng nghĩa của bất cứ một Lễ hội nào đều phải đi đôi với bản sắc của địa phương và văn hoá của dân tộc để truyền bá tính nhân văn cho đời sau. Hành động chém giết động vật trước công chúng không đúng với bản chất truyền thống đạo lý của dân tộc ta, cũng không thể gọi là văn hoá sống của con người, dù là văn nghệ sĩ, tri thức hay người lao động chân đất.
Bắc Ninh là địa danh nổi tiếng là đất Kinh Bắc, có bản sắc văn hóa lâu đời về văn thơ, có cảnh quan thiên nhiên đẹp như gấm, lụa. Có nhiều di tích lịch sử văn hoá đã được Nhà nước công nhận. Những làn điệu quan họ đã làm say mê những người mộ điệu dân ca. Không thể để xứ Kinh Bắc lại được xem là nổi tiếng với “nghệ thuật” chém lợn tế thần. Hãy tôn trọng những “Trai Cầu Vồng Yên Thế, gái Nội Duệ, Cầu Lim… Và, hãy gìn giữ trong sáng mảnh đất đã được UNESCO công nhận quan họ và lễ hội Gióng là 2 di sản văn hoá phi vật thể của thế giới.
Việc công khai chém lợn trước công chúng dưới hình thức lễ hội như ở Ném Thượng có thể khoác cho nó cái tên là “Văn hoá” lễ hội không ? Tất cả những hành động chém lợn này sẽ gieo gì vào tâm hồn trẻ thơ? Sẽ gieo vần gì vào thi ca của trang giấy? Sẽ giáo dục điều gì cho thế hệ sau?
Hành động bức tử gia súc được “thăng hoa” thành một lễ hội của địa phương đã gây chấn động dư luận thì liệu có nên duy trì?
Nguyễn Thị Ngọc Trâm
Nguồn link: http://www.phattuvietnam.net/diendan/18031.html