LỜI ĐẦU
Canh Tân là vấn đề luôn được cân nhắc cho mọi tổ chức, mọi sinh hoạt và mọi ngành nghề trong cuộc sống. Bởi vì mọi vật luôn biến thiên theo thời gian và không gian. Vũ trụ, thiên hà có chu kỳ sinh biến tính theo tỷ năm ánh sáng. Đại địa quốc thổ sinh hoại theo vạn niên kỷ; Học thuyết đạo lý có giá trị theo nhịp điệu phát triển của dân trí; Tôn giáo cũng tồn tại và cải biến theo thời gian lẫn không gian.
Việt Nam khởi nguyên so với vũ trụ mênh mông chỉ là hạt sương trên đầu ngọn cỏ, thế mà phải kinh qua lắm phen chìm nổi; chủng tộc và địa dư cũng đã lắm lúc đổi dời. Chỉ tính chưa được một trăm năm, tức là đời người thôi, đất nước cũng trãi qua bao binh biến, chủ nghĩa học thuyết cũng bao lần đổi thay, và dĩ nhiên, xã hội cũng theo đó mà khoát lên người lớp áo phù hợp với sắc màu tri kiến. Phật giáo cũng thế, từ khi hưởng ứng phong trào chấn hưng Đạo Phật của các Thiền sư Hoa Lục, xuyên qua các nước châu Á, Việt Nam cũng lột xác lớp áo lỗi thời, rồi đến đất nước chia đôi đến khi miền Nam chịu dưới sự cai trị của nhà Ngô, một lần nữa Phật giáo Việt Nam lại thay đổi cơ cấu tổ chức và kiến thức Phật học để nâng cao dân trí và khế hợp với thời đại. Cho dù thời bình hay lúc chiến, một sách lược, một tổ chức đều có một chu kỳ nhất định duyệt xét quá trình sinh hoạt, ghi nhận ưu và khuyết để bổ sung cho giai đoạn kế tiếp. Thế tục đã vậy thì Phật giáo cũng không thể khác hơn, nhất là phương diện tổ chức và hành hóa. Một hành giả hành trì miên mật một pháp môn mà không thâu lượm kết quả, phải thay đổi pháp khác thích hợp với căn cơ để có tiến triển.
Hơn 30 năm sau ngày thống nhất đất nước, Phật giáo nếu không dậm chân tại chỗ thì cũng không tiến bước được bao nhiêu. Với một cơ chế tổ chức và hiến chương tượng trưng, không giải quyết được vấn đề gì cho Phật giáo mà gọi là thích ứng với xã hội mới trong thời đại hội nhập; Thỉnh thoảng bổ sung những phân ban mà vì nhu cầu cấp thiết đòi hỏi, ví dụ Phân Ban Gia Đình Phật Tử, phân Ban Ni giới…
30 năm quá đủ để chỉnh lý bổ sung những sai sót cho một tổ chức, dù là tổ chức tôn giáo, thế nhưng, Phật giáo vẫn dậm chân tại chỗ so với những tôn giáo bạn. Tuy nhiên, do cơ chế ràng buộc, Phật giáo khó thoát khỏi những trì trệ, thì các tông môn, giáo phái cũng phải tự lột xác chuyển mình để được phát triển, vươn lên, như Thiền phái của HT T.Thanh Từ, các khóa tu cho mọi giới của chùa Hoằng Pháp và một số tỉnh Thành; hoặc những tổ chức trẻ như Câu Lạc Bộ Hoằng Pháp trẻ, Ban Hoằng Pháp sinh viên Thiện nguyện Học Viện Phật Giáo Việt Nam, và một vài đòan thể thanh thiếu niên các tỉnh phía Bắc. Quy luật cùng tắc biến, cái gì rồi tự nó cũng biến tướng hoặc tốt hoặc xấu; Một vài chùa cũng thành lập Ban Hộ Niệm, Đạo tràng, đoàn thể sinh viên, học sinh…mà không nhất cứ phải thông qua các Ban trong Giáo hội; Đó là cách thoát khỏi những ràng buộc của cơ chế cô đặc để đáp ứng nhu cầu thực tế của mỗi chùa, mỗi địa phương!
Về hình thức sinh hoạt như thế, chưa đủ đáp ứng cho một bộ mặt mới của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Cái mà làm cho Tinh hoa Phật giáo khởi sắc, đó là pháp môn hành trì. Thuở sinh tiền, pháp môn hành trì của Phật chỉ thuần về Thiền, sau vài thế kỷ, qua nhiều quốc độ, có thêm Tịnh, Mật, Kim Cang , Pháp Hoa. Ngay cả Thiền cũng biến sanh nhiều pháp phái cho thích hợp với đương cơ thời đại. Như Thiền Công Áng, Thiền Thoại đầu, hay Nhĩ Căn Viên Thông…Chư Tổ linh hoạt sáng tạo pháp hành mà không đi lệch ngoài chính lý Đạo Phật.
Dĩ nhiên bước đầu khởi xướng cũng bị những người cố chấp chống đối mãnh liệt. Bồ Đề Đạt Ma bị Lương Võ Đế nghi là Tà giáo khi dùng Thiền ngôn đối đáp với lý nhị nguyên của Phật giáo đương thời. Minh Sát Tuệ cũng là biến tướng của pháp hành Tứ Niệm xứ; Chính bất định pháp đó mới lột tả được tinh túy Phật giáo và giúp Đạo Phật thăng hoa, thích nghi trong mọi thời đại. Một thân cây tăng trưởng thì lớp vỏ bên ngoài phải nứt; một tôn giáo phát triển thì tông môn pháp phái càng có nhiều chi hệ sáng tạo. Cho dù thân cây bị hạn chế tăng trưởng trong lồng kính, trong chậu hoa, không phát triển tự nhiên thì nó cũng biến thể dị dạng chứ không cứng ngắc như loại cây giả.
Một Thiền Tri Vọng chỉ vọng của HT Thanh Từ, Thiền Hiện Pháp lạc trú của Thiền Sư Nhất Hạnh đều là loại sanh biến thiền pháp cho hợp với căn cơ đương đại. Nhưng vẫn chưa đủ để Phật Giáo Việt Nam có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, vẫn có nhiều vị tu sĩ lạm dụng sáng tạo để lạc dẫn quần chúng bằng những loại giáo lý mà gọi là hàng đêm đem từ cỏi trên xuống để dạy. Có chánh phải có tà, giáo lý Đạo Phật giúp con người biết cách trạch pháp.
Phật giáo Việt Nam ngày nay, cần cải cách hệ thống tổ chức hành chánh cũng như tổ chức hội đoàn, cần phát triển pháp phái tu tập, cần xét lại phương cách từ thiện mà lâu nay vẫn làm theo tập quán thiếu hiệu quả, và nhất là cần có phương cách tạo kinh tế tự túc hơn là chuột sống trên miệng bao. Cuộc sống ngày nay không thể là xã hội hàng trăm năm trước. chủ động kinh tế mới chủ động sinh hoạt; không thể nhất nhất phải quyên góp hay chờ đợi cúng dường đủ mới làm. Phật giáo Đài Loan hay một số tổ chức Phật giáo trên thế giới cho ta bài học như thế; Kinh tế dồi dào mình mới nói đến Hoằng Pháp lợi sinh, vì có lợi sinh mới hoằng pháp được. Tin Lành đã đi trước Phật giáo hàng trăm năm trong kế hoạch truyền bá như thế; Nếu cứ bảo thủ “xưa bày nay làm” thì Phật giáo sẽ chết đứng và bị đào thải giữa cuộc sống ngày càng thay đổi chóng mặt của nền kinh tế toàn cầu và khoa học tân tiến của nhân loại.
Phật giáo Việt Nam hiện nay bị giam hãm trong Hiến chương mang nhiều khuyết tật, được bao bọc bởi cơ chế bảo hộ; bị ngủ quên trong chăn êm nệm ấm bởi ảo giác đồng hành cùng dân tộc, là điểm son của dân tộc, một thời gắn liền với dân tộc, mà quên rằng, tôn giáo bạn đang gánh vác trách nhiệm thế ta để biến Việt Nam là vùng đất Thánh dâng hiến cho Chúa!
Các Tăng Ni, cư sĩ trẻ tự mình là những cánh hoa bung nở cho dù tô điểm cho cây đại thụ già cổi, còn hơn là những cánh hoa giả gắn trên nhánh nilon chưng trong một đại sảnh. Việc canh tân Phật giáo không chỉ là trách nhiệm của các chức sắc mà là của tất cả Tăng Tín đồ Phật giáo Việt Nam.
Tuy loạt bài canh tân sau đây chưa đủ để chọn một phương án khả dĩ, nhưng là ánh sáng le lói để những bậc có tâm huyết tiếp nối ngọn đèn Phật pháp mà chư tổ đã canh tân qua nhiều thế hệ.
Đó là lý do để tập sách đến tay quý vị, xin nhận được những minh kiến từ các bậc cao minh để sách được hoàn chỉnh hơn.
Cẩn bái!
Minh Mẫn
Tháng 7/2010
TG & DT: Được sự đồng ý của tác giả, trang nhà sẽ lần lượt giới thiệu các phần trong quyển sách mang tên "Canh tân Phật giáo" của tác giả Minh Mẫn.