Trong hơn 2 tiếng đồng hồ, TT.TS. Triết học Thích Nhật Từ đã đề cập đến nhiều vấn đề Phật giáo với một phong cách diễn đạt chính xác của một nhà khoa học. Các cán bộ, giảng viên có mặt trong đã được gieo duyên lành Phật Pháp, phần nào hiểu được tại sao Albert Einstein lại khẳng định rằng Đạo Phật rất khoa học và còn cao hơn khoa học!
Trong hơn 2 tiếng đồng hồ, TT.TS. Triết học Thích Nhật Từ đã đề cập đến nhiều vấn đề Phật giáo với một phong cách diễn đạt chính xác của một nhà khoa học. Các cán bộ, giảng viên có mặt trong đã được gieo duyên lành Phật Pháp, phần nào hiểu được tại sao Albert Einstein lại khẳng định rằng Đạo Phật rất khoa học và còn cao hơn khoa học!
Nhân dịp ra Thủ đô Hà Nội tham dự Hội thảo quốc tế về “Giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ”, sáng ngày 9 tháng 4 năm 2011, Thượng tọa Tiến sỹ Triết học Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Trụ trì chùa Giác Ngộ đã có buổi gặp gỡ với một số Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ, cán bộ giảng viên của trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Mở đầu, Thầy Thích Nhật Từ nói lời cảm ơn đến tất cả những người đã tới tham dự buổi gặp gỡ này. Đây là một đối tượng người nghe tương đối đặc biệt nên Thầy Nhật Từ không giảng Pháp theo một chủ đề cụ thể nào mà đề nghị tiến hành dưới dạng một cuộc trao đổi bàn tròn về triết học Phật giáo, về học thuật và tất cả mọi vấn đề liên quan đến Đạo Phật mà mọi người quan tâm.
Trước hết Thầy Thích Nhật Từ nói về sự ra đời và các tư tưởng lớn bao trùm của Đạo Phật. Đạo Phật là đạo của Trí tuệ và Hành động. Hình tượng Đức Phật nghìn mắt nghìn tay mà chúng ta thường gặp trong các nhà chùa là một biểu tượng sinh động nhất. Nghìn con mắt biểu thị cho Trí tuệ, còn nghìn cánh tay biểu thị cho Hành động!
Thầy nhấn mạnh rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một nhà khai sáng vĩ đại của nhân loại và mãi mãi là ngọn đuốc trí tuệ dẫn dắt chúng sinh vượt qua khổ đau đến bến bờ an lạc!
Một vị Giáo sư sau khi vái chào Thầy Nhật Từ đã phát biểu ý kiến mở đầu cuộc trao đổi. Đây là một Giáo sư rất nổi tiếng, năm nay đã ngoài 70 tuổi, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Ngân hàng Tài chính của Việt Nam.
Giáo sư cho rằng cùng với sự đổi mới và phát triển của đất nước, sự cởi mở trong chính sách Tôn giáo của nhà nước thì Đạo Phật trong mấy năm qua đã có nhiều khởi sắc. Chùa chiền được trùng tu và xây dựng mới khắp nơi. Các lễ hội Phật giáo được tổ chức với hàng vạn người tham dự. Đó là một thực tế không ai có thể phủ nhận được. Người Phật tử và những ai mến mộ Đạo Phật đều cảm thấy phấn chấn vui mừng .
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn nhiều điều phải suy tư. Giáo sư nói rằng trong dịp Xuân Tân Mão vừa qua có đi thăm một số ngôi Chùa ở miền Bắc. Nhưng đi về lại thấy buồn hơn vui! Chùa rất to, tượng Phật rất lớn nhưng sân chùa thì đã biến thành nơi mà người ta kinh doanh đủ thứ mặt hàng.
Giáo sư hỏi Thầy Nhật Từ là liệu Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam có biết hay không và phải làm thế nào để mọi người đến chùa có được những phút giây thư thái trong lòng đúng với ý nghĩa “mái chùa che chở hồn dân tộc” như nó vốn có từ hàng nghìn năm trước.
Thầy Nhật Từ bày tỏ sự trân trọng về suy tư của các nhà khoa học và nói rằng những hiện tượng này trong thời gian qua báo chí trong đó có các trang báo mạng Phật giáo đã lên tiếng. Tuy nhiên Thầy cũng nói rằng một mình nhà chùa thì không thể nào giải quyết được mà phải có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Thầy cũng mong hiện tượng này sẽ sớm được giải quyết dứt điểm để trả lại cảnh quan thanh tịnh cho nhà chùa.
Giáo sư lại đưa ra một câu hỏi khác. Ai cũng biết C. Mác đã từng nói rằng “Tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng”. Giáo sư đề nghị Thầy Nhật Từ bình luận về câu nói này và nói rõ thêm là Phật giáo có nằm trong số tôn giáo này không.
Thầy Nhật Từ nói rằng phải xem xét câu nói đó trong bối cảnh lịch sử của nó. Còn Đạo Phật là một Đạo Trí tuệ, không ru ngủ quần chúng mà trang bị cho họ những minh triết để tích cực cải tạo cuộc sống của mỗi con người. Và như vậy cũng chính là góp phần làm cho xã hội tốt đẹp thêm lên.
Tôi nhận thấy một logic chặt chẽ qua câu trả lời ngắn gọn của Thầy Nhật Từ. Theo tôi hiểu thì Đạo Phật quan niệm tất cả đều là vô thường. Chân lý này là phổ biến trong cả tự nhiên, xã hội và tư duy. Một câu nói có thể là không sai trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể nào đó thì cũng không có nghĩa là nó bao giờ cũng đúng trong mọi thời đại.
Hơn nữa, xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử, tôi nghĩ rằng C. Mác nói câu đó là giành cho các tôn giáo có nguồn gốc xuất sứ từ phương Tây. Khi đó các thế lực thần quyền toàn trị luôn luôn khẳng định rằng trái đất là do một Đấng tối cao sáng tạo ra, rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ. Và nếu ai nói điều ngược lại thì sẽ bị hỏa thiêu trên giàn lửa.
Còn Đạo Phật là tôn giáo duy nhất trên thế gian gọi các tín đồ của mình là những thiện trí thức. Nghĩa là những con người có thể tự mình tu tập để trở nên giác ngộ như Phật: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.
Một Tiến sỹ triết học muốn trao đổi với Thầy Nhật Từ một vấn đề có tính chất học thuật. Tiến sỹ này nói rằng về mặt kho tàng lý luận Kinh điển thì không có một tôn giáo nào có thể sánh được với Đạo Phật. Đó là một thực tế mà không ai có thể phủ nhận. Nhưng Đức Phật lại không để lại một văn bản chữ viết nào mà tất cả đều là do các đệ tử của Ngài viết sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Vậy thì những văn bản đó có đảm bảo một cách tuyệt đối chính xác những lời của Đức Phật hay không?
Thầy Nhật Từ nói rằng những điều Đức Phật dạy các đệ tử đã được lưu truyền một cách chính xác từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không nghi ngờ gì về điều này. Thầy nói thêm là truyền thống này vẫn tồn tại cho đến tận ngày nay. Hàng năm các tu sĩ Phật giáo của Ấn Độ, Nepan, Srilanca…vv thường tụ họp nhau ở Bồ Đề Đạo Tràng và đọc thuộc lòng các quyển Kinh Phật dày hàng ngàn trang mà không sai một chữ.
Một Phó Giáo sư hỏi Thầy Nhật Từ về đức tin của Đạo Phật. Ai cũng biết mỗi tôn giáo đều có một đức tin. Có tôn giáo lấy đức tin là một Đấng khai sáng có quyền năng tối thượng. Lại có tôn giáo lấy đức tin là một Bậc tiên tri. Vậy đức tin của Phật giáo là gì và Đức Phật quan niệm về đức tin như thế nào?
Tôi biết các nhà khoa học rất quan tâm đến vấn đề này. Trong lĩnh vực chuyên môn của mình, họ là những chuyên gia am hiểu sâu sắc. Nhưng Đạo Phật đối với họ lại hoàn toàn mới mẻ. Thậm chí có người đây là lần đầu tiên tiếp xúc với một tu sĩ Phật giáo.
Thầy Nhật từ nói rằng căn bản đức tin trong Phật Giáo nằm trong Kinh nền tảng đức tin, thường được biết là Kinh Phật thuyết cho người dân Kalama.
Đức Phật dạy có 10 nền tảng của đức tin chân chính như sau:
- Một là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết
- Hai là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống
- Ba là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền
- Bốn là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở
- Năm là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình
- Sáu là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình
- Bảy là, chớ vội tin một điều gì, khi mà điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt
- Tám là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình
- Chín là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ
- Mười là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.
Đức Phật nói thêm: "Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quan sát, suy tư và thể nghiệm, chỉ khi nào, sau khi kiểm nghiệm, quý vị thực sự nhận thấy "Lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán, nếu sống và thực hiện lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ngay hiện tại và về lâu, về dài" thì lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo".
Khi Thầy Nhật Từ nói đến đây tôi thấy nhiều nhà khoa học tỏ ra rất ngạc nhiên và trầm ngâm đầy suy tư. Quả thật những điều Đức Phật dạy về niềm tin của người theo Đạo Phật thật vô cùng khoa học và biện chứng!
Nhiều người trước đây chỉ hình dung Đạo Phật là nhân đạo, là thương xót con người thì hôm nay qua trao đổi với Thầy Nhật Từ, họ hiểu biết thêm rằng Đạo Phật còn là đạo của Trí tuệ vô cùng uyên bác!
Tôi nhớ đến Giáo sư Trần Chung Ngọc - một nhà khoa học Việt kiều sống tại Mỹ khi Giáo sư cho rằng "đây mới chính là nền tảng đức tin mà theo tôi, tuyệt vời nhất trong mọi nền tảng đức tin khác, vì nền tảng này đã tôn trọng phẩm giá và trí tuệ của con người đúng nghĩa là một con người. Kinh Nền Tảng Đức Tin, rất hợp với tinh thần khoa học và trình độ hiểu biết của nhân loại ngày nay".
Một Thạc sỹ Tin học kinh tế đặt câu hỏi: Có một số tài liệu viết rằng trong giờ phút lâm chung của một con người, nếu thấy ấm ở đầu thì người đó sẽ tái sinh về cõi Trời, thấy ấm ở ngực thì tái sinh về cõi Người. Và sẽ tái sinh vào các cảnh giới thấp hơn nếu thấy nóng ở chân tay. Thạc sỹ xin Thầy Nhật Từ cho biết trong Kinh Phật có đề cập đến vấn đề này không.
Thầy Nhật Từ nói rằng thông thường thì chỉ một thời gian rất ngắn sau khi mất là sẽ tái sinh. Còn tái sinh vào cảnh giới nào theo các dấu hiệu trên đây là không có cơ sở chắc chắn. Trong Kinh Phật cũng không đề cập đến việc này. Thầy nói thêm việc thấy ấm ở đầu, ngực hay chân tay còn phụ thuộc vào tư thế và vị trí nơi nằm của người sắp mất. Ngoài ra cũng còn có yếu tố bệnh lý và cơ địa của mỗi người nữa.
Một Tiến sỹ quan tâm đến vấn đề giáo dục đề nghị Thầy Nhật Từ nói về chìa khóa thành công trong giáo dục cá biệt vì biết Thầy Nhật Từ đã thực hiện nhiều cuộc thuyết Pháp cho hàng nghìn tù nhân đang bị giam giữ trong các trại cải tạo.
Thầy Nhật Từ nói rằng Thầy đã thực hiện nhiều cuộc nói chuyện với phạm nhân tại trại giam K.20, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Thầy đã phân tích lời Kinh Phật dạy quay đầu về bờ nhằm giúp các phạm nhân nhận diện được giá trị của đời sống đạo đức. Việc từ bỏ kiếp giang hồ, làm mới cuộc đời, đứng dậy sau vấp ngã là hướng đi tích cực, dẫn đến an vui và hạnh phúc cho chính mình và cho người khác.
Tất cả sai lầm phát xuất từ tham lam, sân hận và si mê chính là nguyên nhân xấu đẩy con người vào cạm bẫy của khổ đau và tội lỗi. Nhận ra và sửa đổi mọi sai lầm sẽ giúp họ tìm được giá trị của hạnh phúc chân thật cho mình.
Cuối cùng một số nữ cán bộ, giảng viên của trường Đại học Kinh tế Quốc dân có mặt trong cuộc gặp gỡ này rất quan tâm đến một vấn đề đời thường là quan niệm của Phật giáo về bình đẳng giới, về tình yêu đôi lứa và về hạnh phúc gia đình.
Tôi nghĩ đây chính là vấn đề mà bấy lâu nay mọi người thường hiểu nhầm nhiều nhất về Đạo Phật. Rất nhiều người còn nghĩ rằng Đạo Phật là đạo của các cụ già, Đạo của người sắp từ giã cõi đời. Còn tình yêu, hạnh phúc là những điều cấm kỵ trong Đạo Phật.
Thầy Nhật Từ nói rằng không có một tôn giáo nào mà vấn đề tình yêu và hạnh phúc gia đình lại được đề cập đến nhiều như trong Đạo Phật!
Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một bài giảng tại Tổ đình Trung Hậu Vĩnh Phúc đã nói về vấn đề này rất hay như sau :
Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ
Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc
Không hiểu, không thể thương yêu đích thực
Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu!
Mỗi người có những nỗi niềm, khổ đau, bức xúc riêng. Nếu không hiểu, sẽ không thương mà giận hờn, trách móc. Không hiểu, tình thương của mình sẽ làm người khác ngột ngạt, khổ đau. Không hiểu, sẽ làm người mình thương đau khổ suốt đời!
Theo quan điểm Phật giáo thì có hiểu mới có thương! Và đây là nguyên tắc chọn người yêu, chọn chồng hay chọn vợ. Dù người ta có đẹp đẽ đến đâu, có giàu sang đến đâu nhưng không hiểu mình thì sẽ chỉ làm khổ nhau suốt đời mà thôi. Hôn nhân có thể mở ra những con đường trải đầy hoa hồng, nhưng cũng có thể mở ra cánh cửa tù ngục!
Đạo Phật quan niệm trong tình yêu trong sáng và cao quý thì bất cứ lời nói và cử chỉ nào cũng phải biểu lộ sự tương kính. Người con trai phải tôn trọng người con gái mình yêu, cả thân thể lẫn tâm hồn. Người con gái biết giữ gìn, cũng là biết làm người yêu thêm tương kính, nuôi dưỡng hạnh phúc lâu dài về sau.
Thầy Nhật Từ nói rằng trong Kinh Thiện Sinh bộ 31 nói rõ về sự bình đẳng giữa nam và nữ giới trong giáo lý Phật giáo và các bổn phận vợ đối với chồng, và chồng đối với vợ.
Người chồng phải là người chồng, người yêu và là người bạn của vợ; người vợ phải là người vợ, người yêu và là người bạn của chồng; cả hai đều phải thương yêu kính trọng và chung thủy với nhau. Nếu người vợ phải quán xuyến việc nhà, đối xử tốt đối với những người thân, bạn bè của chồng, thì người chồng phải chăm sóc các nhu cầu của vợ, thường xuyên mua sắm quà cho vợ mình!
Khi Thầy Nhật Từ nói đến đây tôi thấy mọi người sôi nổi hẳn lên vì ngạc nhiên và hào hứng. Đối với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ được nghe một Vị Thượng Tọa của Phật giáo Việt Nam giảng giải về Phật Pháp. Nhiều người sau buổi gặp gỡ đã nói với tôi rằng Đạo Phật mà như thế thì quả thật là vô cùng bổ ích, vô cùng thiết thực đối với cuộc sống của mỗi con người và của toàn xã hội!
Buổi gặt gỡ với Thượng Tọa Tiến sỹ Triết học Thích Nhật Từ đã kéo dài hơn dự kiến. Trong hơn hai tiếng đồng hồ Thầy Nhật Từ đã đề cập đến một loạt vấn đề mà các nhà khoa học quan tâm, từ các vấn đề Kinh điển đến các vấn đề Phật học ứng dụng.
Vấn đề nào cũng được Thầy Nhật Từ trình bày một cách cô đọng và xúc tích với phong cách diễn đạt chính xác của một nhà khoa học. Tôi chợt nghĩ đúng là Thầy Nhật Từ đã gieo duyên lành Phật Pháp cho các Giáo Sư, Tiến sỹ, cán bộ, giảng viên của trường Đại học Kinh tế Quốc dân có mặt trong cuộc gặp gỡ này.
Qua buổi trao đổi hôm nay các nhà khoa học cũng đã phần nào hiểu được Đạo Phật là Đạo của Trí tuệ và Hành động. Họ cũng bước đầu lý giải được tại sao nhà Vật lý học thiên tài Albert Einstein - tác giả của Thuyết tương đối lại khẳng định rằng Đạo Phật rất khoa học và còn cao hơn khoa học!
Theo PGS.TS. Hàn Viết Thuận - Đại học KTQD/phattuvietnam.net